CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Suy thoái, tiêu cực, bất cập, xuống cấp, hệ lụy…xã hội đen và quyết liệt !

Đoàn Vương Thanh
42(2)Vào bốn năm 1961-1964, tôi được đi học một lớp đào tạo phóng viên. Dạo ấy chưa có hệ đào tạo báo chí trong trường Đại học và cũng chưa có Phân viện Báo chí và Tuyên truyền hiện đại như bây giờ. Trong nội khóa và ngoại khóa, chúng tôi được học và nghiên cứu đủ loại vấn đề, chắc cũng là ở trình độ trung cấp thôi. Chỉ có một số chuyên đề “ngoại khóa” là được nghe cán bộ cấp cao và giảng viên đại học giảng bài. Bốn năm theo học, chúng tôi được nghe giảng nhiều loại lý luận, từ nhà thơ kiêm Trưởng Ban tuyên huấn trung ương (chưa phải là Tuyên giáo như bây giờ), sau lại là Phó Thủ tướng Chính Phủ Tố Hữu, bà Thanh (vợ ông Tố Hữu), giáo sư Trần Văn Giầu, giáo sư Vũ Tài Cẩn,(tôi không nhớ là Vũ hay Nguyễn), Đào Thản, Trần Phương, Phan Quang, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng, Đào Tùng, Hữu Thọ và nhiều vị “có hạng” về lý luận triết học và lý luận, nghiệp vụ báo chí. Phải nói rằng, bốn năm đào tạo ấy, chúng tôi “được lớn lên” nhiều mặt và “sáng ra” nhiều vấn đề.Đặc biệt là thày ngôn ngữ học nói nhiều về các dạng của ngôn ngữ Việt và nó rất nhiều nghĩa. Kết thúc lớp học, không ai “bị trượt” đều được bố trí công tác về một số cơ quan báo chí lớn ở trung ương cả. Trong đó có một số đồng chí được bổ sung ngay cho TTX Giải phóng ở miền Nam. Có một đồng chí là Đồng chí Vũ Viết Vượng bị hi sinh sau mấy tháng vào chiến trường (1965-1967). Chuyện các nhà báo của ta tham gia chiến đấu bị hi sinh chúng tôi có dịp xin được kể lại sau. Sở dĩ tôi khoe là có được “đào tạo” chính quy hẳn hoi, có được học tập nhiều vấn đề về triết học Mac-Lênin, về chủ nghĩa duy vật biện chứng về lịch sử Đảng ta và một số đảng cộng sản quốc tế, chủ yếu là đảng cộng sản Liên Xô. Có được vũ khí trang bị qua một lớp đào tạo như thế, chúng tôi vứng vàng hơn để tiếp tục nghề báo cho đến khi nghỉ hưu. Hồi ấy, cánh làm báo chúng tôi “thuần” hơn bây giờ và phương tiện thì eo hẹp, không thể phát huy hết tài năng đối với những nhà báo có tài.
 Nay đã 79 tuổi, hưu được nhiều năm rồi, môi trường sống chủ yếu là ở nông thôn, thành ra nhận thức cuộc sống có thể có nhiều hạn chế.Tuy vậy, với “bệnh nghề nghiệp” ăn sâu vào trí não và suy nghĩ rồi nên không thể bỏ qua những gì đang diễn ra trong xã hội ta bây giờ.. Hồi đất nước còn chiến tranh và “bao cấp”, sống và hưởng thụ trong khuôn khổ chặt chẽ, chúng tôi lại thấy quan hệ giữa con người với con người, giữa đồng chí với đồng chí, đồng nghiệp với đồng nghiệp có phần ấm cúng và chân thành hơn. Nhiều khi hàng tháng liền ăn bánh mỳ và hạt bo bo trừ bữa mà chúng tôi không cảm thấy khổ. Còn bây giờ, sau gần 40 năm có hòa bình thống nhất, đất nước có nhiều đổi mới, có nhiều thành tựu, mà sao chúng tối thấy con người sông bức bách thế nào ấy. Là một người làm báo thời bao cấp là chính có thói quen quan sát và “để ý” đến mọi việc, mọi vấn đề chung quanh. Thói quen ấy ăn sâu vào nếp nghĩ nếp sống khi tuổi đã ở ngưỡng cửa 80 xuân ! Thằng con cả tôi năm nay đã gần 50 tuổi, đã có cháu nội gọi bằng ông, thỉnh thoảng khuyên tôi : “Già rồi, ông mặc xác xã hội, mặc xác chúng nó, hơi đâu mà để tâm đến cho tổn thọ”. Nó nói, nó khuyên cũng có cái phải, nhưng rồi tôi chỉ nghe nó một chút thôi, còn thì vẫn phải làm theo ý mình, vẫn quan tâm đến nhiều khía cạnh cuộc sống, vẫn phải tìm ra cái đúng cái sai, cái thật cái giả của cuộc đời. Còn, đến già và già quá ai mà chẳng phải chết ?
 Là một người làm báo, khoảng 10 năm đi thường trú ba tỉnh Hải Dương cũ, rồi Thái Bình, rồi Hải Hưng và theo dõi hai ngành thủy lợi và nông nghiệp, và trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc, đi nắm tài liệu trước khi quân ta vào giúp các bạn Căm pu chia giải phóng đất nước họ vào ngày 7-1-1979…Kể ra, làm báo được viết nhiều lĩnh vực nhiều mặt của xã hội, trải qua nhiều gian khổ bom đạn mà còn sống nhăn răng đến bây giờ quả thật là hạnh phúc. Nhưng, không đơn giản thế đâu.
 Sau bốn mươi năm có hòa bình thống nhất mà sao số phận dân tộc ta vẫn phải chịu nhiều cay đắng thế nhỉ? Làm báo nên “phải” đi nhiều đọc nhiều, trong đó có rất nhiều báo cáo, báo chí, nghe đài, xem TV, tôi thấy chán ngấy. chán đến “lạnh cả xương sống” vì cái cách tuyên truyền, báo cáo một chiều và “trên cho nói” mới được nói và phải nói theo hướng dẫn. Tôi tò mò phát hiện ra một cách làm báo cáo của một ông thư ký riêng cho Chủ tịch tỉnh như thế này: Ông ấy được giao nhiệm vụ thường xuyên viết báo cáo gửi lên cấp trên. Trước khi viết, ông ta được nghe các ngành nhất là ngành thống kê báo cáo những con số kết quả thực hiện kế hoạch. Điều “cốt tử” đối với ông thư ký này là giữ tư liệu rất giỏi, tất cả các báo cáo nhiều năm trước, nhất là “năm ngoái” đều được ông cho vào tủ cất kỹ, khi viết báo cáo mới “làm xiếc” đổi mới nhiều con số cho “vừa lòng cấp trên”. Ông thư ký này bảo “rất dễ” không có gì khó lắm.
 Trong các báo cáo của HĐND xã tôi, năm nào cũng có một lô khuyết nhược điểm được thống kê mấy trang dài dằng dặc. Nhưng có một loại “khuyết điểm” mà năm nào cũng thấy có trong báo cáo “tình hình quản lý đất đai ở địa phương nhà có nhiều bất cập, phải tăng cường quản lý đất đại, chống lấn chiếm trái phép, tránh không để mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ nhân dân do tranh giành và lấn chiếm đất đai !” Nghe báo cáo, bùi tai, các vị đại biểu cấp trên ngồi dự gật gù. “báo cáo phải chỉ ra vấn đề như thế chứ ?” Thực chất ra sao. Xã có 1170 mấu Bắc Bộ ruộng canh tác, chỉ sau 10 năm, “gọi đầu tư” “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư” kết quả đến nay cái gì cũng dở dang, khu công nghiệp có đến 30 công ty xí nghiệp, nhưng chỉ có vài ba cái hoạt động. Ông bạn sản xuất xe máy to đùng đã chuyển sang bán bia, bán tôn lợp nhà rồi. Hai ông doanh nghiệp một trong nước, một nước ngoài vào đầu tư 7 năm rồi vẫn “án binh bất động trên diện tích 200 ha đất canh tác, đến bù hồi đó chỉ trên dưới 50 triệu một sào Bắc Bộ 360 mét vuông ! (hồi đầu chỉ đền bù 7 triệu một sào) Sau đó họ mua đi bán lại tiền tỷ một xuất không phải là một sào 360 mét vuông mà chỉ 100 đến 150 mét vuông mà thôi !
 Tình hình thực tế ấy mà trong nói cũng như viết báo cáo, rất nhiều nhà lãnh đạo, dưới bắt chước trên, nhai đi nhai lại hết “suy thoái, lại bất cập, tiêu cực, xuống cấp, hệ lụy…lại cả xã hội đen…Gần đây, người ta viết và nói hay dùng “quyết liệt”, “chỉ đạo quyết liệt” thu phí quyết liệt, triển khai quyết liệt…tất cả đều phải quyết liệt, quyết thế nào cho liệt thì thôi. Quả thật, hiện nay có nhiều cái bị liệt không thể quyết được nữa..
 Vì sao vậy ? Có nhiều nguyên nhân sâu xa lắm. Trước đây hơi một tý người ta “đổ tại cơ chế”, nay đổ tại cơ chế mãi nghe nhàm tai, người ta chuyển sang “tái cấu trúc”, tái cấu trúc mọi mặt cả ngân hàng lẫn công nghiệp nông nghiệp, cả tài chính lẫn ngân hàng, lại cả tàu thủy, máy bay, sân bay, bến cảng…rồi lại mơ cả đến “điện hạt nhân” “đường sắt cao tốc Bắc Nam…Nếu như đất nước đang tiến lên những mục tiêu vĩ đại thì về chính trị tư tưởng phải trong sáng, đúng đắn, tuyệt đối không được tiêu cực, không được nghĩ ngược lại nguyện vọng của nhân dân. Có cái gì đó mặc dù đúng nhưng chưa vừa lòng cấp trên thì là “suy thoái”. Phải kiên quyết cảnh giác và chống tiêu cực. Nghe theo cải cách hành chính, tổ chức chế độ “một cửa” nhưng lại sinh ra nhiều khóa, đấu tranh giảm bớt nạn thủ tục giấy tờ thì phải “đi cửa sau” cần tiền giấy chứ không cần giấy “A4″, bác sĩ chuyên khám bệnh cho đối tượng được hưởng “Bảo hiểm y tê” thì ngồi một chỗ, không bao giờ “để ống nghe vào ngực người bệnh” hỏi vài câu, và ghi vào sổ độ khoảng từ 30.000 đến 50.000 giá trị tiền thuốc và đi lĩnh thuốc, Chữa bênh theo Bảo hiểm y tế ở quận huyện, không bao giờ khỏi bệnh, nếu bị nặng thêm thì phải lên cấp trên tức là phải lên bệnh viện trung ương, vì vậy bênh viện trung ương chờ đến thiên niên kỷ sau mới được giảm tải, mới được “mỗi người bệnh một giường”.
 Các nhà lãnh đạo từ cơ sở trở lên bây giờ hay diễn thuyết và hay nói đến “suy thoái”, “chống tiêu cực”, chống xuống cấp, không để hệ lụy…và bất cập, thậm chí chống xã hội đen…Những khái niệm trừu tượng vô bổ này mà ai cũng thích dùng. Có khi trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều mặt, nhiều linh vực đã và đang suy thoái, tiêu cực, bất cập, xuống cấp,…nhưng nó là cái gì, nguyên nhân tại đâu, từ đâu mà có những điều “bất cập” này ? Không một ai chịu tìm ra nguyên nhân và có được biện pháp sửa chữa, khắc phục để đưa đất nước tiến lên ?
 Ôi, cái bệnh “suy thoái, tiêu cực, xuống cấp, hệ lụy, xã hội đen…cho đến “tội phạm” và chống “tội phạm”, “thế lực thù địch” và chống thế lực thù địch”…Sao đất nước bây giờ có nhiều loại giặc đến thế ? Các cụ ta đã dạy “nguy hiểm là thủy hỏa đạo tặc” nếu mọi thứ tốt đẹp, xã hội ổn định thật sự có dân chủ thật sự, người dân được giầu có thì làm gì phải chống nhiều loại “tặc” như thế ?
 Tác giả gửi cho Quê Choa
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
…………………………………………………………..
Đoàn Vương Thanh, tức Nguyễn Thanh Hà, 79 tuổi, cựu phóng viên TTXVN,
ĐT 0166 83 83 020 và 0321 6295 440. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com



Copy từ: Quê Choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét