Cách đây 8 năm, nhân dịp báo Tuổi trẻ đăng nhật ký của bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và thư của tiến sĩ cựu
chiến binh Mỹ Fred ( người đã có công lưu giữ nhật ký Đặng Thùy Trâm)
gửi các bạn trẻ Việt Nam, tôi đã viết bức thư ngỏ dưới đây nhờ báo Tuổi
trẻ,Tiền phong, Thanh niên và các báo đăng nhưng không báo nào đăng, nay
xin nhờ các trang mạng bốn phương công bố giùm, trân trọng cám ơn.
BÙI MINH QUỐC
.
THƯ NGỎ
TRÂN TRỌNG GỬI CÁC BẠN TRẺ VIỆT NAM
VÀ HAI BẠN MỸ FRED, ROB
( Nhờ các báo TUỔI TRẺ,TIỀN PHONG,THANH NIÊN và các báo đăng)
Các bạn quý mến,
Tôi đã đọc với niềm xúc động
sâu xa và nhiều nghĩ ngợi nhật ký của bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và
thư của tiến sĩ cựu chiến binh Mỹ Fred gửi các bạn trẻ Việt Nam đăng
trên báo Tuổi Trẻ.
Khi Thùy Trâm ngã xuống vì đạn
Mỹ, tôi đang ở chiến trường Quảng Nam, cách Quảng Ngãi không xa.Trước
đó, đêm 8.3.1969, vợ tôi, nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý ngã xuống
vì một loạt đạn của lính Nam Triều Tiên khi từ dưới hầm bí mật bò lên
tìm cách thoát ra khỏi vòng vây tại Duy Xuyên , Quảng Nam.Sau Đặng Thùy
Trâm, chiều 1.5.1971, bạn tôi, nhà báo, nhà văn Chu Cẩm Phong trút hơi
thở cuối cùng trong một cuộc chiến đấu quyết liệt từ dưới hầm bí mật để
đáp lại lời gọi hàng của lực lượng đối phương đông gấp bội bao vây tấn
công từ bên trên cũng tại Duy Xuyên, Quảng Nam.Giữa tháng 4.1975, tại Đà
Nẵng, một sĩ quan quân đội Sài Gòn tìm gặp tôi và trao cho tôi cuốn
nhật ký của Chu Cẩm Phong mà bạn tôi đem theo bên mình tưởng đã bị vĩnh
viễn cuốn đi vô tăm tích trong bão lửa chiến tranh. Người sĩ quan cho
tôi biết mới đầu anh đọc vì hiếu kỳ nhưng càng đọc anh càng cảm phục
nhân cách của tác giả nên đã gìn giữ trân trọng suốt bốn năm bất chấp
hiểm nguy, giống hệt trường hợp Fred đối với Đặng Thùy Trâm.(Nhật ký của
Chu Cẩm Phong đã được nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2000 với nhan
đề “Nhật ký chiến tranh” và nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản năm 2005 trong “Tuyển tập Chu Cẩm Phong”).
Thùy Trâm kém tôi hai tuổi, kém
Xuân Quý, Chu Cẩm Phong một tuổi .Chúng tôi cùng một lứa được giáo dục
đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tại thủ đô Hà Nội và lên đường
vào Nam chiến đấu theo tiếng gọi KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO.Nhật
ký của Trâm, Quý, Phong đều ghi rõ tâm nguyện của mỗi người, mà cũng là
của cả thế hệ chúng tôi, sẵn sàng dâng hiến, không chút tính toán so
đo, từng ngày sống và cả cuộc đời cho độc lập, tự do.
Độc lập cho dân tộc và tự do cho mỗi con người.
Những giá trị thiêng liêng ấy
đã được ghi rõ, có thể nói không phải bằng mực mà bằng máu, trong Tuyên
ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ 229 năm trước và của nước Việt
Nam dân chủ cộng hoà từ 60 năm trước.
Không phải đến 2.9.1945 trong Tuyên ngôn độc lập, mà ngay từ 1942 trong “Nhật ký trong tù”, tư tuởng không có gì quý hơn độc lập tự do đã được chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định :
Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ
Để cho người dắt tựa trâu bò.
( Thiết nghĩ bốn câu thơ
trên cần được treo cùng chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh tại tất cả các
hội nghị, đại hội Đảng và đoàn thể ở mọi cấp ).
.
Nhà văn Nguyên Ngọc, sau khi
đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm đã qua hình ảnh người con gái trí thức anh
hùng này mà nghĩ về người trí thức, viết rằng người trí thức là người “vừa
sống vừa luôn biết tự quan sát mình, quan sát sự sống cách sống của
mình, luôn tự thẩm định mình, luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi về
tư cách sống của chính mình”.Tôi hiểu, cái tư cách sống ấy
của người trí thức, hay cái tiêu chí hàng đầu phải có để được coi là
trí thức không phải là bằng cấp mà phải là bản lĩnh suy nghĩ độc lập, là
cái năng lực biết gọi đúng tên sự vật, cái ý chí kiên quyết giành và
giữ lấy quyền tự do nói lên công khai những hiểu biết của mình bất chấp
mọi hiểm nguy.Như Ga-li-lê : “dù sao, nó ( trái đất ) vẫn quay”, dẫu cho Bru-nô bị lên giàn hỏa và Ga-li-lê bị lưu đày.Nói đến tư cách sống của người trí thức, không thể không nhắc lại ở đây lời của nhà văn cách mạng quá cố rất đáng kính Nguyễn Minh Châu : “Làm thằng nhà văn Việt Nam vào lúc này mà tìm cách lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách”(Trích thư gửi nhà thơ Nguyễn Trung Thu, tháng 4.1988).
Nhiều đồng đội của Fred, Rob
cầm súng sang Việt Nam, họ được nghe bảo rằng hoặc thực sự nghĩ rằng họ
đi chiến đấu để giúp nguời Việt Nam bảo vệ những giá trị đã được ghi
trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, nhưng rồi thực tế chiến tranh cho thấy
họ đã đến để gián tiếp hoặc trực tiếp bắn vào những giá trị ấy đang được
ấp ủ nâng niu trong tâm hồn những con người Việt Nam như Đặng Thùy
Trâm.Chính sự mẫn cảm về những giá trị ấy trong nhật ký Đặng Thùy Trâm
của thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu đã giúp Fred trở thành người gìn giữ
cho văn hoá Việt Nam một báu vật.Vô cùng cám ơn anh Nguyễn Trung Hiếu và
các bạn Fred, Rob.Nhân đây, một lần nữa tôi xin gửi tới một ân nhân
lớn, mà nhiều năm từ ngày gặp tôi không biết ở đâu, lời cám ơn chân
thành, đó là anh Nguyễn Hiếu (hoặc Hoàng Đình Hiếu), người đã gìn giữ và
trao cho tôi cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong.Nguyễn Trung Hiếu, Hoàng
Đình Hiếu, Fred, Rob ơi, trong cuộc “châu về Hợp phố” này có một cái gì
đó thật linh thiêng, cái linh thiêng nằm trong những giá trị tinh thần
kết tinh từ bao đời được truyền toả qua hồn thiêng các chiến sĩ đã hy
sinh vì độc lập tự do mà tất cả các dân tộc, cả nhân loại và mỗi con
người chúng ta đều tôn thờ.
Tôi, người may mắn sống sót sau
những hy sinh của Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Giá,
Chu Cẩm Phong cùng hàng triệu đồng bào đồng chí của tôi, từ 1975 trở đi
càng ngày càng thấy nhân dân tôi đã lâm vào một bi kịch thê thảm nhất,
cay đắng nhất, quái gở nhất : vì độc lập tự do mà cuồng nhiệt tự nguyện
dốc cả sông máu núi xương để rồi “tự do” tự nguyện choàng lên cổ mình
một cái ách nô lệ “vàng son” mang tên là sự lãnh đạo của Đảng thực chất
chỉ là sự cai trị độc đoán của hơn một trăm ủy viên trung ương thậm chí
chủ yếu là mười mấy ủy viên bộ chính trị.
Nô lệ đến mức người ta bảo bỏ phiếu cho ai là ngoan ngoãn bỏ cho người ấy, chẳng biết người ấy tốt xấu thế nào.
Nô lệ đến mức muốn nói điều
mình nghĩ, mình thấy, mình biết cũng không báo nào đăng cho, cỡ như cựu
thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn mà cũng không được đăng trọn
vẹn.
Nô lệ đến mức người ta áp đặt cái đường lối sai lầm dựa trên một kiểu lý luận nói lấy được (chữ
dùng của tướng quân Trần Độ) là “Kinh tế thị trường theo định hướng xã
hội chủ nghĩa” cũng không biết mà cãi, hoặc biết mà không dám cãi, hoặc
muốn cãi thì cũng không có diễn đàn mà cãi.
Trong dịp đại hội lần thứ 7 vừa
rồi của Hội nhà văn Việt Nam (tháng 4.2005), mấy đồng nghiệp của tôi –
nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải – phát
biểu tại diễn đàn chỉ tha thiết xin nhà nước thành lập cơ quan kiểm
duyệt chính thức, công khai, để nhà văn cứ viết hết cỡ theo lương tâm
mình, còn nhà nước không vừa ý chỗ nào thì cứ cắt nhưng phải in rõ chấm
chấm chấm kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm như thời chế độ thực dân.
Ôi, đau đớn làm sao, nhục nhã
làm sao ! Hỡi hồn thiêng các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý,
Nguyễn Văn Giá, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân , Trần Đăng,
Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Mai Ninh… và tất cả các liệt sĩ của tất cả các
thế hệ đã ngã xuống vì độc lập tự do, hãy về đây mà chứng kiến cho nỗi
nhục của chúng tôi ! Chẳng lẽ chiến đấu như thế hy sinh như thế để chuốc
lấy nỗi nhục này ? Sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự
do, nay chỉ xin cái mức tự do ngôn luận như thời thực dân mà cũng không
được.Xưa là nô lệ cho ngoại bang, nay lại làm nô lệ cho một nhúm cầm
quyền nhân danh Đảng.Nhục quá ! Nhục đến nỗi “đến bữa quên ăn nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…”(con
cúi xin Đức Thánh Trần cho con mượn lời này để bày tỏ nỗi lòng).Trong
Bộ chính trị hiện nay có một ủy viên cùng lứa tuổi cùng chiến đấu trên
một giải chiến trường ác liệt Khu Năm-Trị Thiên với Đặng Thùy Trâm,
Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, đó là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà câu
thơ của anh từng làm rung động bao trái tim Việt Nam thời ấy qua giai
điệu Trần Hoàn “Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ…Mai sau con lớn làm người tự do”.
Nhân đây tôi muốn gửi một lời nhắn hỏi : Nguyễn Khoa Điềm à, anh có
chia sẻ nỗi nhục này của chúng tôi không ? Và nếu chia sẻ thì anh làm gì
cho khỏi nhục ?
Một bạn trẻ thành đạt nào đó đã phát biểu
trên báo Tuổi Trẻ : “Tài sản của tôi là nỗi nhục nghèo khổ” – ý nói từ
chỗ thấy nhục vì nghèo khổ mà có chí vươn lên làm giàu.Tiến sĩ Fred ,
với thiện chí và thiện cảm chân thành đáng quý cũng nhắc bạn trẻ Việt
Nam noi gương Đặng Thùy Trâm mà phấn đấu đưa đất nước sớm thoát khỏi
nghèo khổ. Rất hoan nghênh. Nhưng tôi muốn nhắc : có một nỗi nhục còn
lớn hơn nỗi nhục nghèo khổ là nỗi nhục nô lệ, nỗi nhục của kẻ “mỗi việc mỗi lời không tự chủ để cho người dắt tựa trâu bò”, mà
thậm nhục là gần ba triệu đảng viên, hơn tám mươi triệu dân lại đành nô
lệ cho chỉ hơn một trăm ủy viên trung ương, mười mấy ủy viên bộ chính
trị. Đặng Thùy Trâm cũng như mọi liệt sĩ Việt Nam hy sinh cho Tổ Quốc là
một Tổ Quốc trên đó mỗi con người phải được làm người tự do,
như lời thơ Nguyễn Khoa Điềm họ đã hát vang thời ấy.Tình trạng không có
tự do dân chủ trên Tổ Quốc Việt Nam hôm nay đang từng ngày từng giờ xúc
phạm dòng máu thiêng của các liệt sĩ.
Không cam chịu mãi tình trạng nhục nhã
đau đớn ấy, tiếp nối sự dấn thân cao cả của những Đặng Thùy Trâm, Dương
Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong …, trong giới trẻ đã xuất hiện những chiến
sĩ dấn thân cho tự do, họ không tiếc những vị trí làm việc ngon lành mà
có lẽ không ít bạn trẻ đang mơ ước để quyết dấn thân và sẵn sàng chịu
khổ nạn, các bạn ấy bị chụp những bản án vô căn cứ, bị tù đày chỉ vì đã
viết và dịch các bài về dân chủ, viết đơn khiếu kiện giúp và viết bài
bênh vực các bà mẹ Việt Nam anh hùng bị ức hiếp…
Thủ tướng Phan Văn Khải sau khi đọc nhật
ký của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, gửi thư cho toà
soạn và bạn đọc báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh: “Đưa đất nước tiến kịp thời đại với
ý chí mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất”.Tôi muốn góp thêm
vào đây một ý này : đối với đất nước ta hiện nay, muốn tiến kịp thời đại, trước hết là phải gấp rút thoát ra khỏi sự tụt hậu về chính trị.Hệ
thống chính trị lạc hậu hiện nay là trở lực lớn nhất cho sự phát triển
lành mạnh và bền vững của đất nước.Sau cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã
xây dựng được một thể chế chính trị dân chủ tiến bộ nhất châu Á, nhưng
phải tạm gác công việc hoàn thiện nền dân chủ ấy vì hai cuộc kháng
chiến. Từ đấy dân chủ là một món nợ – món nợ xương máu – mà những người
cách mạng chúng ta nợ nhân dân ta.Sau một thời gian dài bị gạt ra một
cách khuất tất, dân chủ lại được đưa vào ghi thành mục tiêu xây dựng xã
hội trong cương lĩnh của Đảng tại đại hội 9, song tiếc thay cái dân chủ
ấy mới chỉ có trên mặt giấy. Rõ ràng trong bộ phận đảng viên cầm quyền
đã có một thế lực cố ý vỗ nợ dân chủ, phản bội nhân dân, lừa dối nhân
dân, miệng nói dân chủ mà tay thì nắm hết quyền vơ hết lợi của dân.Bọn
vỗ nợ dân chủ với bọn tham nhũng là một.
Tôi tin rằng nếu nhân dân ta, nhất là giới trẻ, biết chuyển toàn bộ sức mạnh đã có trong công cuộc giành độc lập thống nhất sang công cuộc dân chủ hoá đất nước thì chúng ta sẽ sớm đòi được món nợ dân chủ.
Tôi tin rằng trong giới cầm
quyền vẫn còn nhiều đồng chí tốt, nhiều đồng chí thuộc lớp trẻ, muốn sớm
trả món nợ dân chủ cho nhân dân, nhưng lúng túng giữa một mớ bùng
nhùng các mối quan hệ quyền lực.Theo tôi, tháo gỡ cái bùng nhùng này
cũng không đến nỗi khó, chỉ cần một thao tác đơn giản là lời nói đi đôi với việc làm,
lời nói về dân chủ thì đã có nhiều rồi, hãy bắt tay vào làm, hàng loạt
công việc cho dân chủ hoàn toàn có thể làm ngay hôm nay, ngay ngày mai,
chẳng hạn hãy mở ngay một cuộc gặp mặt bàn tròn, một hội nghị Diên Hồng
với nội dung “Làm thế nào để chuyển sức mạnh dân tộc trong công
cuộc giành độc lập thống nhất trước kia sang công cuộc dân chủ hoá đất
nước hôm nay?” Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nói nhiều về dân chủ, đã dẫn lời chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân chủ là cái chìa khoá vạn năng giải quyết mọi khó khăn”, chẳng
lẽ ở cương vị của mình lại không sớm tổ chức được một hội nghị Diên
Hồng như thế ? Hoặc là ngay từ ngày mai, tất cả các báo mỗi kỳ dành một
trang cho diễn đàn dân chủ đăng tất cả mọi ý kiến khác nhau để tìm kế
sách, biện pháp tối ưu nhằm đưa mục tiêu dân chủ từ nghị quyết vào cuộc
sống, việc này hoàn toàn có thể làm ngay chỉ cốt có thực tâm làm dân
chủ, thực tâm tôn trọng nghị quyết do chính mình biểu quyết.
Tôi cũng tin rằng giới trẻ đầy
năng động cũng sẽ chẳng thụ động ngồi chờ ai đem dân chủ tự do đến cho
mình, hoàn toàn có thể ngay hôm nay ngay ngày mai, bắt đầu bằng việc tự
động ngồi lại với nhau làm một cuộc Diên Hồng Trẻ với nội dung như thế.
Đất nước ta đã hàng nghìn năm
dưới ách chuyên chế, chỉ đến cách mạng Tháng Tám 1945 mới chuyển sang kỷ
nguyên dân chủ nhưng rồi bị đứt đoạn, sau ngày thống nhất tưởng rằng sẽ
xây dựng được một chế độ dân chủ gấp triệu lần ai ngờ lại là một chế độ
chuyên chế toàn trị độc đảng theo kiểu vừa xta-lin-nít vừa mao-ít được
Việt Nam hoá.Tôi nghe thấy hồn thiêng sông núi, hồn thiêng các liệt sĩ
đang thúc giục chúng ta : đây là thời điểm lịch sử, hãy cùng nhau chung
sức chung lòng làm nhiệm vụ lịch sử, chuyển toàn bộ sức mạnh dân tộc trong công cuộc giành độc lập thống nhất sang công cuộc dân chủ hoá đất nước,
đưa đất nước thực sự đặt bước vững chắc vào KỶ NGUYÊN DÂN CHỦ.Trong sự
nghiệp lịch sử trọng đại này, vai trò của các bạn trẻ, với vô vàn sáng
kiến, là rất quyết định.
Trân trọng gửi tới các bạn trẻ niềm tin và hy vọng của tôi.
Đà Lạt 19.8.2005
BÙI MINH QUỐC
03 Nguyễn Thượng Hiền-ĐàLạt
Tác giả gửi cho Nguyễn Tường Thụy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét