CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Cảnh giác những chiêu lừa táo bạo

Các thủ đoạn lừa đảo đang ngày càng tinh vi khi thủ phạm dựng lên những màn kịch khá bài bản.

Ngày 28.4, thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Phó trưởng công an TP.Quy Nhơn (Bình Định), cho biết đơn vị này đang điều tra việc một chủ khách sạn trình báo bị 3 kẻ lạ mặt lừa đảo, chiếm đoạt 80 triệu đồng.
Kịch bản “kẻ bán người mua”
Theo trình báo của bà M.H, chủ khách sạn Viễn Dương (ở P.Nguyễn Văn Cừ, TP.Quy Nhơn), sáng 21.4, có 2 người đàn ông khoảng 40-45 tuổi, tự xưng là nhân viên “Trung tâm ứng dụng công nghệ Việt - Úc”, có trụ sở ở P.9, Q.3, TP.HCM. Hai người này đến xin làm hợp đồng gắn pano quảng cáo tại tầng lầu và dán bảng báo giá sản phẩm các mặt hàng của trung tâm tại quầy lễ tân. Được bà M.H đồng ý, họ đã dán bảng báo giá tại quầy lễ tân. Dưới bảng giá có ghi tên Đặng Tuấn Hùng, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ điện máy Việt - Úc, kèm theo số điện thoại di động.
 Cảnh giác những chiêu lừa táo bạo
Giấy giới thiệu, phiếu thu và hợp đồng của các công ty mà anh Nguyễn Bá T. sập bẫy lừa đảo - Ảnh: Hoài Nam
Đến sáng 22.4, một người tự xưng tên Mai đến khách sạn Viễn Dương giới thiệu là cán bộ của một trung tâm y tế huyện và cần đặt phòng cho đoàn cán bộ gồm 20 người đi tập huấn ở Quy Nhơn. Bà Mai tỏ ra rất cần những mặt hàng trên bảng báo giá của “Trung tâm ứng dụng công nghệ điện máy Việt - Úc” nên đặt vấn đề nhờ bà M.H mua hộ 400 gói phòng dịch tiêu độc định kỳ SOLAMID loại 50 gr. Tổng số hàng bà Mai đặt mua trị giá 100 triệu đồng (mỗi gói lọc nước được niêm yết giá 250.000 đồng).
Theo số điện thoại trên bảng báo giá, bà M.H gọi điện cho ông Đặng Tuấn Hùng trao đổi về việc bà Mai đặt mua số hàng trên. Ông Hùng hứa sẽ nhanh chóng cho nhân viên chuyển hàng đến, nhận tiền và trích cho bà M.H 30% hoa hồng. Trưa 22.4, hai người hôm trước đến treo bảng báo giá của “Trung tâm ứng dụng công nghệ điện máy Việt - Úc” đến giao hàng và yêu cầu bà M.H ứng trước 80 triệu đồng. Khi 2 người trên vừa đi khỏi, bà M.H điện cho ông Hùng thì có người bắt máy nhưng không trả lời. Khoảng 1 giờ sau, bà M.H điện lại số điện thoại di động đó thì không còn liên lạc được nữa. Bà M.H tiếp tục điện thoại cho người khách tên Mai thì cũng ò... í... e... Biết mình bị lừa, bà M.H đến Công an P.Nguyễn Văn Cừ trình báo vụ việc.
Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long cho biết khi lực lượng điều tra đi thu thập thông tin, có 2 chủ khách sạn khác trên địa bàn thông báo cũng gặp 2 người tự xưng là nhân viên của “Trung tâm ứng dụng công nghệ điện máy Việt - Úc” đặt vấn đề tương tự. Tuy nhiên, chủ các khách sạn này đều từ chối nên chưa sập bẫy.
Dịch vụ môi giới lừa đảo
Anh Nguyễn Bá T. (ngụ Q.12, TP.HCM), có nhu cầu sang lại cơ sở Spa M.H ở Q.5. Sau khi đăng thông tin trên internet, lập tức có 3 công ty làm dịch vụ quảng cáo bất động sản liên hệ với anh xin làm dịch vụ môi giới, đăng thông tin lên những trang mạng có uy tín. Nghĩ rằng càng nhiều công ty tham gia thông tin thì việc chuyển nhượng càng nhanh, nên anh T. đồng ý.
Khoảng 8 giờ 30 ngày 6.2, một nhân viên tên Cảnh mang giấy giới thiệu và hợp đồng của Công ty TNHH quản lý bất động sản A.P (trụ sở trên đường Lý Tuệ, P.Tân Quý, Q.Tân Phú) tới đề nghị anh T. ký hợp đồng. Sau đó, người này chụp ảnh Spa M.H và thu của anh 900.000 đồng tiền lệ phí, hẹn 1 tuần sau sẽ đưa thông tin lên trang mạng có uy tín. Cùng ngày, một thanh niên khác xưng tên Phú đại diện cho Công ty TNHH MTV C.H.V (Q.Tân Phú) cũng mang giấy giới thiệu, hợp đồng tới thu 1 triệu đồng của anh T. Tiếp đến, vào ngày 16.2, một cô gái xưng tên Diễm cũng mang giấy giới thiệu xưng là nhân viên của Công ty TNHH TMDV QC đầu tư môi giới K.G (trụ sở ở đường 29 P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân), thu 1,7 triệu đồng của anh với lời hứa tương tự.
Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng, không thấy 3 công ty này đưa thông tin của mình lên trang mạng quảng cáo, anh T. đã nhiều lần gọi điện đến những nhân viên giao dịch trên, kể cả số điện thoại của các công ty ghi trên hợp đồng, nhưng không thể liên lạc được. Sau đó, anh đến tận Công ty TNHH TMDV QC đầu tư môi giới K.G hỏi thì chẳng ai biết. Tiếp tục truy tìm trên mạng internet; anh phát hiện công ty này đã ngưng hoạt động. Tương tự, khi PV Thanh Niên tìm đến Công ty TNHH quản lý bất động sản A.P ở Q.Tân Phú, có địa chỉ nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo, và cũng chẳng ai biết mặt mũi công ty này. Khi đến địa chỉ của Công ty TNHH MTV C.H.V được ghi trên hợp đồng (nằm trên đường Lê Thúc Hoạch, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú), thì cũng không có tên công ty như thế.
Đặc biệt, trong quá trình đi tìm hiểu, anh T. mới biết 3 nhân viên của các công ty này đã móc nối với nhau để khai thác thông tin của anh, nhưng thực chất là lừa đảo. “Tôi tin tưởng vì nhân viên đến làm việc có giấy giới thiệu, có hợp đồng con dấu, chữ ký của giám đốc lại có phiếu thu hẳn hoi, ai ngờ đó chỉ là những công ty lừa. Tôi bị lừa 3,6 triệu đồng không tiếc, chỉ mong thông tin này được phản ánh lên thông tin đại chúng để nhiều người khác không bị lừa đảo như tôi”, anh T. bức xúc.
Hoàng Trọng - Phi Hùng - Hoài Nam
>> Đề nghị án chung thân cho tổng giám đốc lừa đảo 560 tỉ đồng
>> Tạm giữ “nữ quái” chuyên lừa đảo học sinh
>> Giả danh đoàn kiểm tra ATVSTP để lừa đảo liên tỉnh
>> Lừa đảo xuất khẩu lao động, vào tù


Copy từ: Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét