CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Doanh nghiệp lắt lay thiếu vốn, ngân hàng chỉ lo bán vàng!

Dày đặc các từ phức tạp, xấu hơn, rủi ro, giảm sút, giải thể...tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế sáng 26/4...

Doanh nghiệp lắt lay thiếu vốn, ngân hàng chỉ lo bán vàng!
4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới với số giải thể xấp xỉ bằng nhau.
 
  NGUYÊN THẢO

Kinh tế thì khó khăn, doanh nghiệp thiếu vốn mà dân chỉ thấy hoạt động nổi bật của ngân hàng nhà nước là lo bán vàng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam phát biểu tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế, sáng 26/4.
Tham dự nội dung thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện kế koạch phát triển kinh tế năm 2012 và kế hoạch 2013 tại phiên họp này có đại diện lãnh đạo của 9 bộ. Các thành viên của Ủy ban Kinh tế đến từ nhiều vùng miền khác nhau cũng mang về nhiều thông tin nóng hổi của cuộc sống.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội vẫn đưa ra khá nhiều đánh giá đi liền với các tính từ tích cực, cải thiện, ổn định, được củng cố… còn các ý kiến thảo luận lại dày đặc các từ phức tạp, xấu hơn, rủi ro, giảm sút, giải thể…

Về tình hình chung, khá nhiều ý kiến tại cuộc họp gặp nhau ở điểm với 2013 lạm phát là chỉ tiêu dễ đạt hơn tăng trưởng. Chính phủ cũng nhìn nhận khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra là “rất khó khăn” nếu những khó khăn về tăng trưởng tín dụng và sản xuất kinh doanh…không được xử lý như nghị quyết số 02 của Chính phủ.

Cũng theo Chính phủ, nếu không tăng giá theo các biện pháp hành chính các mặt hàng do nhà nước quản lý thì khả năng lạm phát năm 2013 trong khoảng từ 6 -7%.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng chỉ số CPI không thể tăng được vì cung lớn hơn cầu, giá cả có rẻ dân cũng không có tiền để mua chứ không phải do kiềm chế lạm phát tốt.

Nhấn mạnh đến khó khăn của người dân, ông Lợi cũng đưa ra thông tin mang tính cảnh báo về tệ nạn ma túy, mại dâm, đặc biệt là nạn đánh bạc đang gia tăng mạnh ở nhiều địa phương, gây nhiều hệ lụy xấu.

Việc nền kinh tế sẽ phục hồi thế nào và các vấn đề xã hội được cải thiện ra sao vẫn là băn khoăn lớn ở hầu hết các phát biểu, khi 4 tháng đầu năm số doanh nghiệp thành lập mới với số giải thể xấp xỉ bằng nhau.

Phó bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, đại biểu Nguyễn Thế Tuy “than” rằng doanh nghiệp vẫn khó khăn lắm, nhiều ý kiến nói là chính sách chỉ bảo hộ ngân hàng thôi chứ chưa bảo vệ doanh nghiệp.

Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đức Thụ cũng “lấy làm lạ” là dư nợ huy động tăng nhưng cho vay gần như không tăng. Điều này là bất hợp lý, tiền chảy  đi đâu, có phải vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các ngân hàng lớn nên thà giữ tiền chứ không hạ lãi suất cho vay vì như thế vẫn được lợi hơn? ông Thụ đặt câu hỏi.

Trong khi Ngân hàng nhà nước cho rằng, yếu tố nới lỏng tiền tệ để khơi thông tín dụng không phải là giải pháp hữu hiệu trong việc giảm khó khăn đáng kể cho các doanh nghiệp nếu như yếu tố phía cầu ít được cải thiện và các giải pháp tài khóa mà khu vực doanh nghiệp đang chờ đón chậm triển khai, ông Thụ khẳng định với doanh nghiệp khó nhất vẫn là vốn chứ không phải là thuế, phải khơi thông tiền tệ, hạ lãi suất mới cứu được được doanh nghiệp.

Nếu các giải pháp cứ chùng chình thế này thì doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt, giải quyết vấn đề xã hội sẽ nặng hơn rất nhiều, ông Thụ sốt ruột.

Vốn cho doanh nghiệp thì bế tắc, cho vay gần như không tăng mà huy động vẫn tăng, vậy vốn đi đâu hay lấy vốn của dân đi mua vàng? Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng thắc mắc.

Ông Hùng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá sự liên thông của thị trường vàng trong nước với thế giới thế nào khi mà chưa đấu giá thì chênh lệch 2 triệu còn đấu giá thì có lúc chênh tới 7 triệu đồng một lượng.

Tái cơ cấu “ông” nào làm gì thì nên công khai cho dân biết, chứ đi tiếp xúc cử tri dân phản ánh rằng chỉ thấy ngân hàng bán vàng còn chả thấy làm gì cả. Doanh nghiệp đang cần vay vốn nhưng dân thấy nổi bật là bán vàng. “Đừng cứu ngân hàng vì ông ấy đang sida rồi, nên lo bảo vệ lợi ích của dân”, ông Nam nói.

Nhận xét là chưa có động lực nào để có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn nói dư địa cho chính sách tài khóa rất eo hẹp, nên trách nhiệm của chính sách tiền tệ hết sức nặng nề.

Nên giảm mạnh lãi suất vì có điều kiện để làm việc này, ông Ngoạn nhấn mạnh.

Đồng tình với một số ý kiến khác về sự hệ trọng của việc củng cố yếu tố niềm tin đang quá mong manh dễ vỡ trong bối cảnh hiện nay, ông Ngoạn cho rằng “kiến tạo lòng tin của thị trường còn quan trọng hơn chính sách cụ thể nào đó”.

Cũng liên quan đến yếu tố niềm tin, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhắc lại sự nghi ngờ về độ chính xác của số liệu của một số vị chuyên gia tại diễn đàn Kinh tế mùa xuân vừa qua và đề nghị cần rà soát lại và thống nhất tiêu chí đánh giá, bởi nếu số liệu không đáng tin cậy thì thì hoạch định chính sách sẽ chệch hướng.

Ông Phúc cũng nghiêng về đề nghị tách Tổng cục Thống kê ra thành một cơ quan độc lập và đề nghị sớm đưa luật về thống kê vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. 


Copy từ: VnEconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét