CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Phải có người chịu trách nhiệm !


Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nhận định như vậy về việc “Vũ trường, quán bar: Chưa đánh đã động” mà Báo Người Lao Động phản ánh

* Phóng viên: Bà nhìn nhận thế nào về hoạt động các vũ trường, quán bar trên địa bàn TPHCM?
- Bà Nguyễn Thế Thanh: Vũ trường, quán bar là một trong những loại hình kinh doanh giải trí bình thường, giống như cơ sở karaoke, nhà hát hoặc rạp chiếu phim. Theo tôi, các loại hình trên về bản chất không có vấn đề gì, vì chúng ra đời là để đáp ứng nhu cầu lành mạnh của con người. Vấn đề chỉ xuất hiện khi người ta lợi dụng nó để “kinh doanh những nội dung không lành mạnh”: chiếu phim đồi bại ở rạp, thực hiện hành vi mua bán dâm trong địa điểm karaoke, bán ma túy và các chất gây nghiện trong quán bar, vũ trường... Gần đây, khi đọc thông tin trên báo, tôi thấy quá lo ngại vì những hành vi gây bất an cho trật tự xã hội đã xuất hiện nhiều trong vũ trường, quán bar. Hiện tượng đánh nhau, mãi dâm đã đáng lo rồi, vậy mà có cả mua bán chất gây nghiện trong quán bar, vũ trường nữa thì đáng sợ quá. Nhưng càng bất bình thường hơn khi chúng ta chậm phát hiện, chậm xử lý để cho các hiện tượng xấu, độc hại đó tồn tại, lây lan.
* Hiện nhiều vũ trường, quán bar trên địa bàn TPHCM hoạt động có sai phạm nhưng tại sao các cơ quan chức năng lại khó khăn trong việc xử lý?
- Có thể nói chúng ta không thiếu lực lượng có chức trách quản lý và xử lý các sai phạm của vũ trường, quán bar. Thứ nhất là lực lượng tại chỗ như công an phường, dân phòng; thứ hai là công an quận, quản lý trật tự đô thị và quản lý thị trường quận; thứ ba là các cơ quan chuyên ngành như Công an TP, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), đoàn kiểm tra liên ngành 814… Quan trọng theo tôi là các lực lượng đó có kiên quyết xử lý hay không. Điều gây bất bình lớn cho xã hội là kẻ vi phạm vẫn nhởn nhơ, người có thẩm quyền và trách nhiệm xử lý vi phạm thì vẫn cứ bình thường, không ai bị sao cả. Mình không thích cũng không mong cán bộ bị xử lý kỷ luật nhưng nếu bộ máy công vụ không làm tròn chức trách mà cũng không ai phải chịu trách nhiệm gì thì quả là sự vận hành xã hội đang không bình thường.
Các chủ kinh doanh vi phạm pháp luật, không chịu thi hành quyết định xử lý vi phạm thì vẫn còn có quy định của luật pháp để buộc họ phải chấp hành, nếu không phải xử lý theo luật chứ. Tôi nghĩ, có gan trời các chủ kinh doanh ấy cũng không dám “chống đến cùng” trừ phi họ có “chỗ dựa” nào đó. Còn chỗ dựa đó là ai, ở cơ quan nào thì bộ máy Nhà nước các cấp phải tìm biết để giải quyết nếu thực sự muốn xử lý vi phạm, tội phạm. Nếu cơ quan chức năng đang thực hiện chức trách xử lý vi phạm mà có sự can thiệp khiến họ không dám mạnh tay thì vấn đề cần phải xử lý rốt ráo nằm ở đó chứ ở đâu nữa!
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của quán bar Club 39
(phường Bến Nghé, quận 1 - TPHCM) khuya 26-1. Ảnh: PHẠM DŨNG
* Khi còn đương nhiệm, bà đã gặp sự can thiệp nào từ cấp trên hay từ một ai đó trong quá trình đi kiểm tra, xử lý các sai phạm của các vũ trường, quán bar?
- Vũ trường, quán bar thì chưa. Nhưng karaoke thì có. Cả một tập thể có trách nhiệm ở sở đã không đồng ý nghe theo sự can thiệp đó. Tôi nghĩ, khi gặp chuyện khó xử đó, không phải chỉ riêng tôi mà những đồng nghiệp của tôi sẽ thẳng thắn trả lời là “không thể khác được, xin anh chị đứng sang một bên để chúng tôi làm việc đúng nguyên tắc. Nếu không thì chính chúng tôi sẽ bị mang tiếng là ăn tiền để cấp phép hoặc làm ngơ với sai phạm, bất chấp quy định của pháp luật”.
Sở VH-TT-DL là cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND TP về lĩnh vực văn hóa. Cơ quan giúp việc, người giúp việc mà tắc trách, gian dối, tham lam thì cấp trên bị ảnh hưởng xấu biết nhường nào. Hạnh phúc của người giúp việc là được người mình giúp việc đánh giá “đó là người giúp việc có hiệu quả, tận tâm và mẫn cán”. 
* Những đợt kiểm tra đột xuất của các cơ quan chức năng với lực lượng hùng hậu nhưng đều phải ra về tay không vì không phát hiện được gì, phải chăng có hiện tượng cán bộ bị “mua”?
- Hiện tượng cán bộ bị “mua” thì có thể đoán có, chỉ có điều là mình chưa biết tên tuổi cụ thể thôi. Nói là đoán vì giả như có một đợt kiểm tra quyết định tiến hành vào lúc 24 giờ, tại số nhà X, trên đường Y (là những địa chỉ mà trinh sát địa bàn khẳng định có vi phạm). Chỉ vài người có trọng trách biết và tuyệt đối bí mật. Nếu bí mật đã được giữ trong vòng hẹp như thế mà đoàn kiểm tra vẫn về tay không thì chắc chắn đã có người biến mình thành ma quỷ để thông tin rò rỉ ra bên ngoài.
 
Chuyện lộ bí mật một lần thì không khó hiểu nhưng khó hiểu và bất bình thường khi nó liên tiếp lộ lần 2, lần 3. Tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta về tay không do là bị lộ bí mật. Còn việc lộ bí mật đó là do người của mình chủ động chuyển thông tin cho kẻ phạm tội hay vô tình để lộ thì kết quả chỉ có thể có khi điều tra, kết luận. Có kết quả điều tra và kết luận rồi thì phải xử lý. Tùy theo mức độ và tình tiết để xử phạt từ nhẹ tới nặng: phê bình, cảnh cáo hoặc cách chức, nặng hơn thì phạt tù. Chỉ có cách làm như vậy mới từng bước xóa đi những nghi ngờ trong nội bộ và trong dư luận xã hội về hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm.
Thường xuyên luân chuyển cán bộ kiểm tra
Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 1, hiện trên địa bàn quận có 35 quán bar cỡ vừa và lớn. Quận 1 có hai đội kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động của các vũ trường, quán bar trên địa bàn. Ngoài lịch kiểm tra riêng, hai đội này còn kết hợp đi kiểm tra với Sở VH-TT-DL và Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội. Trả lời về việc có hay không sự tiếp tay, thông báo trước của cán bộ cho chủ quán bar, vũ trường mỗi khi có đợt kiểm tra, bà Liên cho biết: “Chúng tôi thường xuyên luân chuyển thành viên của đoàn kiểm tra để hạn chế tiêu cực xảy ra. Mỗi khi đi kiểm tra, chỉ có đội trưởng mới biết địa điểm và thời gian đi kiểm tra để giữ bí mật”. Tuy nhiên, theo bà Liên vẫn có lực lượng luôn đeo bám hoạt động của đoàn công tác liên ngành để thông báo cho các quán bar, vũ trường chủ động ứng phó trước.
A.Nguyệt
“Quy định độ tuổi vào quán bar, vũ trường đã được ngành văn hóa và các ngành liên quan đề xuất lâu rồi, đến nay vẫn chưa ban hành thì rất khó hiểu. Nhiều nước đã thực hiện quy định này, sao nước mình cứ chần chừ mãi!” - bà Nguyễn Thế Thanh nói.
PHAN ANH thực hiện
 


Copy từ: Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét