Dòng người xếp hàng chờ
mua thực phẩm tại một siêu thị ở San Cristobal, 27/02/2014.
|
Nạn khan hiếm hàng và
buôn lậu ở Venezuela
Tại Caracas, Elsy Marino phải xếp hàng từ sáu đến mười tiếng
đồng hồ mỗi tuần. Bà thở dài : « Tất
cả mọi thứ luôn thiếu thốn : trứng, dầu ăn, bột bắp. Chắc chắn là mọi
người đều chán ngán ». Nhưng đối với người nhân viên luôn ủng hộ chủ
nghĩa Chavez, không có chuyện đi biểu tình « với
bọn tư sản đối lập ». Lý do của khủng hoảng, theo bà : « Do ông Hugo Chavez không còn
nữa ».
Người kế nhiệm, Nicolas Maduro đã quyết định đấu tranh chống
lại « bọn đầu cơ tích trữ », mà
theo ông là những kẻ phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng. Hôm 08/03/2014, ông
loan báo thiết lập « một hệ thống
cung ứng cấp cao » dự kiến phân phát các thẻ « tem phiếu điện
tử ». Biện pháp này không thể trấn an được phe đối lập, vốn chỉ trích
chính quyền đã lấy Cuba làm kiểu mẫu, và từ một tháng qua đã xuống đường tố cáo
« sự phá sản của chế độ ».
Gần một phần ba (28,3% vào cuối 2013) hàng tiêu dùng vắng
bóng trong các cửa hàng, theo « chỉ số khan hàng » của Ngân hàng
Trung ương. Lạm phát đạt mức 56,2% trong năm 2013, phá mọi kỷ lục. Trên thị
trường chợ đen, đồng đô la được bán với giá cao gấp 12 lần giá chính thức. Trữ
lượng ngoại hối giảm mất 30% trong năm 2013.
Catalina, y tá làm đêm, đi chợ tại siêu thị Excelsior Gama,
ở cạnh các rào cản. Bà tìm thấy dầu ô liu nhưng không có dầu ăn bình thường,
sữa đậu nành thay vì sữa bò, thịt bò nhưng không có thịt gà, giấy lau dùng cho
nhà bếp nhưng tìm được giấy vệ sinh. Bà cho biết : « Có thể mua được từ những người bán hàng lưu động ở khu Petare,
nhưng đắt lắm ». Tại đất nước có trữ lượng dầu hỏa lớn nhất thế giới,
giấy vệ sinh đã trở thành một món hàng buôn lậu.
Làm việc tại một bệnh viện phụ sản, Catalina kể : « Các bệnh viện thiếu thốn đủ mọi
thứ… » Nếu phong trào phản kháng bùng nổ ở các tỉnh, đó là vì nạn khan
hiếm hàng hóa, thiếu thốn thuốc chữa bệnh và nạn cúp điện còn trầm trọng hơn
tại Caracas rất nhiều. Catalina kết luận : « Chính phủ biết rằng nếu Caracas bùng nổ, thì sẽ là dấu chấm hết
đối với họ ».
Khách hàng được viết số
thứ tự xếp hàng lên cánh tay.
|
Làm thế nào Venezuela lại ra nông nỗi này ? Từ mười lăm
năm qua, việc tái phân phối lợi tức từ dầu lửa cho người nghèo đã làm tăng vọt
nhu cầu nội địa. Nhưng việc sản xuất hàng tiêu dùng lại không theo kịp, và quốc
gia này phải đi nhập khẩu đủ loại hàng. Theo các nhà kinh tế đối lập, việc kiểm
soát ngoại hối, được thiết lập từ năm 2003 cũng như kiểm soát giá cả đã góp
phần vào việc bóp nghẹt dần nền kinh tế. Giáo sư Pedro Palma so sánh với « chiếc ga-rô buộc chặt lâu ngày rốt
cuộc đã làm hoại thư toàn bộ cơ thể ».
Nhà nước hiện nay đang thiếu tiền mặt. Venezuela, quốc gia
sản xuất dầu thô thứ 11 thế giới, mỗi ngày đưa ra thị trường 2,7 triệu thùng
dầu, theo BP Statistical Review of World Energy. Ông Palma nhắc nhở : « Tuy nhiên một phần trong số dầu xuất
khẩu là cho không - chủ yếu cho Cuba, hoặc là cho các nước nhỏ ở vùng Caribê
vay, hoặc là trả nợ cho Trung Quốc ».
Các cuộc bầu cử năm 2013 đã gây áp lực lên két tiền của
PDVSA, tập đoàn dầu khí quốc doanh, và lên tài chính công. Sau chiến thắng ngắn
ngủi của ông Maduro vào tháng Tư, chính quyền không ngần ngại đổ tiền ra để đảm
bảo chiến thắng cho các ứng cử viên phe mình trong cuộc bầu cử địa phương tháng
12. Nhà nước trút đến những đồng tiền cuối cùng trong hầu bao và cho các máy in
tiền hoạt động. Trong vòng một năm, số tiền đưa vào lưu hành tăng lên 74%.
Đất nước tràn ngập những đồng bolivar. Nhưng chính phủ phân
phối một cách dè sẻn tiền mặt với tỉ giá 6,3 bolivar đổi được một đô la. Trên
thị trường chợ đen, một đồng đô la có giá đến 82 bolivar. Sự cách biệt tỉ giá
lớn lao này mang lại hạnh phúc cho những người giỏi xoay sở và bọn buôn lậu.
Những người bán lẻ ở khu Petare chỉ là cò con trong một hệ
thống mà từ trên thượng nguồn đã nuôi dưỡng tham nhũng với những món lợi khổng
lồ.
Theo chính quyền, 40% số thực phẩm nhập khẩu theo tỉ giá
chính thức được tái xuất khẩu sang những nước láng giềng trong đó có Colombia.
Một ký gạo với giá quy định, sang bên kia biên giới tăng gấp mười lần. Bọn
mafia đầy quyền lực kiểm soát việc buôn lậu xăng dầu, mặt hàng gần như miễn phí
ở Venezuela.
Do không thể nhập khẩu được những nguyên liệu cần thiết, các
doanh nghiệp sản xuất suy sụp. Do không thể chuyển lợi nhuận về nước, các công
ty đa quốc gia ngần ngại không muốn đầu tư thêm. Tập đoàn cuối cùng còn cho lắp
ráp xe hơi tại Venezuela là Toyota vào cuối tháng Giêng đã thông báo tạm ngưng
hoạt động. Tổng cộng, Nhà nước Venezuela còn nợ các công ty tư nhân 13 tỉ đô
la.
Theo báo cáo Doing Business 2013 của Ngân hàng Thế giới,
Venezuela đứng thứ 181/189 về không khí kinh doanh. Nhà kinh tế Angel Garcia
Banchs nhấn mạnh : « Tuy nhiên
thị trường Venezuela sinh lợi cao và đầy hứa hẹn khiến các tập đoàn đa quốc gia
thường làm ngơ ».
Copy từ: Thụy My (RFI)’ blog
..............
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét