Biểu tình chống chính
phủ tại Caracas, 19/03/2014. Dòng chữ trên biểu ngữ: “Khi Trung Quốc bước vào
năm con ngựa, Venezuela ở vào kỷ nguyên con lừa. Hãy ra khỏi chủ nghĩa
cộng sản Castro!”
|
LND : Mới đây hôm
22/03/2014, hàng chục ngàn người Venezuela lại xuống đường bất chấp đàn áp, đòi
tự do dân chủ, phản đối cách cai trị « độc tài theo kiểu Cuba ». Quốc
gia Mỹ la tinh này tuy xa xôi nhưng lại ít nhiều gần gũi với Việt Nam với khuynh
hướng « xã hội chủ nghĩa », thường xuyên đả kích các « thế lực
thù địch ».
Thụy My xin giới thiệu
hai bài viết trên Le Monde ngày 12/03/2014 nói về « chủ nghĩa xã hội kiểu
Chavez » đã đẩy quốc gia có trữ lượng dầu lửa hàng đầu thế giới đến tình
cảnh phải phân phối theo chế độ tem phiếu.
Về tiềm năng, Venezuela, đất nước sản xuất dầu lửa, là một
nước giàu. Nhưng mười lăm năm đi theo chủ nghĩa xã hội kiểu Chavez đã làm đo
ván quốc gia này cả về kinh tế lẫn xã hội. Từ đầu tháng Hai, người dân
Venezuela đã xuống đường hàng ngày để phản đối một chế độ đã làm nên ba thành
tựu : lãng phí do quản lý tồi tệ, tham nhũng và độc tài chính trị.
Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Chavez – cố Tổng thống nắm quyền
từ năm 1999 cho đến lúc qua đời vào năm 2013 là một thứ cốc-tai xã hội – độc
lập dân tộc theo mô hình Cuba, và phong trào đấu tranh chống đế quốc đã lỗi
thời của châu Mỹ la tinh.
Mười bốn năm ngự trị của Hugo Chavez đã giúp ích cho một bộ
phận dân chúng : những người nghèo nhất trong số 30 triệu dân Venezuela đã
được tái phân phối lợi tức từ dầu lửa. Còn lại, Chavez đã đưa quốc gia này
xuống đến đất đen : nền kinh tế ì ạch dưới ách của Nhà nước, các nhà đầu
tư trong và ngoài nước nản lòng ; kiểm soát từ giá cả, ngoại hối cho đến
ngoại thương…
Được bầu lên vào tháng 4/2013, người kế nhiệm ông Chavez là
Nicolas Maduro lại còn làm « tốt » hơn. Chỉ trong vòng một năm, ông
ta đã làm đóng băng hoạt động kinh tế của đất nước. Tuần này ông loan báo buộc
lòng phải thiết lập chế độ tem phiếu, theo cách Cuba đã làm cách đây nửa thế
kỷ…
Ngoài dầu lửa với trữ lượng lớn nhất thế giới, Venezuela sản
xuất ngày càng ít đi, và nhập khẩu hầu như tất cả mọi thứ. Trước đây là quốc
gia trồng trọt và chăn nuôi, ngày nay Venezuela phải đi mua hơn một phần ba
hàng tiêu dùng thông dụng.
Nhà nước hầu như không còn tiền mặt – thật không còn gì để
bình luận đối với một quốc gia xuất khẩu dầu lửa hàng đầu ! Các bệnh viện
thiếu thốn đủ thứ. Việc cúp điện ngày càng trở nên thường xuyên. Tỉ lệ lạm phát
hàng năm vượt mức 56%, khiến những người nghèo lại càng khốn khổ hơn.
Rừng người biểu tình
chống chính phủ Maduro tại Caracas ngày 22/03/2014.
|
Những người biểu tình đối đầu với các dân quân. Lực lượng
trung thành của chế độ lên án những ai xuống đường là « tư sản ». Họ
đã lầm. Đằng sau các sinh viên, lực lượng chủ công của phong trào phản kháng,
là chiếc bóng của toàn xã hội Venezuela biểu lộ nỗi lo lắng của họ cho tương
lai.
Với việc cá nhân hóa quyền lực tột độ của Chavez, quân đội
không ngừng tăng cường dấu ấn lên đời sống chính trị. « Mô hình
Cuba » sản sinh tại đây tất cả những hệ quả thiếu lành mạnh nhất. Một nền
kinh tế không chính thức ra đời, một thị trường chợ đen cả nội thương lẫn ngoại
thương trong đó những kẻ tai to mặt lớn ung dung hưởng lợi.
Bên cạnh sự sụp đổ của nền kinh tế, còn phải kể đến tình
trạng mất an ninh tăng vọt : 25.000 vụ giết người một năm, không kể đến
các vụ trộm cướp, tấn công, bắt cóc đủ loại. Caracas là thủ đô nguy hiểm nhất
hành tinh.
Cần phải huy động mọi sự thu hút của tính ngoại lai Mỹ la tinh mới có thể khiến một số nhà trí thức Pháp tìm thấy vài điều thú vị nơi chủ nghĩa xã hội kiểu Chavez. Dưới thời Maduro cũng như Chavez, tự do của công chúng bị chế nhạo, một bộ phận báo chí bị bịt miệng và tất cả các phe đối lập đều bị trấn áp. Trong thực tế, chủ nghĩa xã hội Venezuela đã biến thành cơn ác mộng.
Copy từ: Thụy My (RFI)’ blog
.................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét