CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Đánh giá ủy viên BCT quá cố Hồ Đức Việt


Ông Hồ Đức Việt
Còn khác biệt trong đánh giá về năng lực thực sự của ông Hồ Đức Việt
Một tuần sau khi ông Hồ Đức Việt (1947-2013), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời, nhiều ý kiến tiếp tục nhìn lại con người cũng như những thăng trầm trong sự nghiệp chính trị của ông.
Hôm 6/6/2013, tờ báo mạng Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn lời của Giáo sư  Nguyễn Minh Thuyết nhận xét về phẩm chất của vị nguyên Truởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
"Anh Việt có tầm nhìn xa. Có lẽ tư duy của một tiến sĩ Toán học và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm hoạt động chính trị đã tạo nên ở anh khả năng khái quát vấn đề nhanh và lối diễn đạt hàm súc," cựu Đại biểu Quốc hội nói về thủ trưởng cũ của ông ở Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
"Hồ Đức Việt là một người hiểu biết rộng. Trong thời gian làm việc, có nhiều dịp trao đổi, rồi cùng anh dự hội nghị, hội thảo, thẩm tra luật, thực hiện các đợt giám sát về công nghệ cao, sở hữu trí tuệ, thủy điện, khoáng sản, trồng rừng..., tôi thấy lĩnh vực nào anh cũng hiểu biết rất sâu và chắc chắn," Giáo sư Thuyết nói tiếp.
Giáo sư Thuyết đánh giá cao ông Việt về khả năng chủ trì, lãnh đạo với tư cách chính trị gia xuất thân từ một nhà khoa học có học vị tiến sỹ ngành toán - lý.
"Đặc biệt, những ai từng tham dự các hội nghị, hội thảo do anh Việt chủ trì đều thích cách tổng kết hội nghị của anh.
"Anh tóm lược vấn đề rất sắc sảo, chuẩn xác và bao giờ cũng nêu lên những việc cần làm, kèm theo phân công cụ thể."
Giáo sư Thuyết cũng đưa ra nhận xét quan trọng về năng lực và phong cách lãnh đạo của ông Việt:
"Quan sát cách làm việc của anh Việt, tôi cứ nghĩ khi người ta được giao một cương vị đúng tầm thì sẽ có phong cách làm việc mới mẻ và khoáng đạt."
Tuy nhiên, trong trao đổi với BBC hôm 07/6, nhận xét về nhân cách và con đường chính trị của ông Việt, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:
"Anh Việt có tầm nhìn xa. Có lẽ tư duy của một tiến sĩ Toán học và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm hoạt động chính trị đã tạo nên ở anh khả năng khái quát vấn đề nhanh và lối diễn đạt hàm súc"
GS Nguyễn Minh Thuyết nói với tờ InfoNet
"Ông Hồ Đức Việt có một quá trình rất thuận lợi, trong hoạt động công tác của mình, mà không phải người nào cũng có được những điều kiện thuận lợi như vậy.
"Ông ấy được cử làm Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên, Sinh viên, rồi đi làm bên Quốc Hội, làm Bí thư (Tỉnh ủy) Quảng Ninh, Bí thư Thái Nguyên và sau đó làm Tổ chức, Cán bộ
"Tôi không thấy ông ấy có một thể hiện nổi bật nào trong hoạt động của mình, để thể hiện là ông có một đường hướng rõ ràng, một quyết sách đổi mới rõ rệt
"Và những điều mà chúng ta đã biết là đến Đại hội (Đảng lần thứ) XI, phương án tổ chức cán bộ của ông ấy đã không được Đại hội chấp nhận và (Ban Chấp hành) Trung ương Đảng chấp nhận,
"Và việc bầu ông ấy, thì ông ấy cũng không được bầu lại."

'Bị ngựa hất xuống'

Sau khi ông Hồ Đức Việt qua đời, trên blog của mình, nhà văn  Nguyễn Trọng Tạo hé mở một số chi tiết đằng sau việc nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã bị mất chức ra sao.
Ông viết:
Ông Hồ Tùng Mậu
Ông Hồ Đức Việt là cháu nội của ông Hồ Tùng Mậu, một lãnh tụ thời kỳ sơ khai của Đảng Cộng sản VN
"Sự ra đi đột ngột của ông Hồ Đức Việt khiến nhiều người luyến tiếc vì một câu chuyện không êm chèo mát mái xảy ra trong phiên họp TW 15 – phiên họp cuối cùng trước đại hội đảng XI, khiến ông đang là một nhân vật đầy kỳ vọng, có truyền thống, có học thức bị bật khỏi guồng máy lãnh đạo của đảng.
"Tôi được ông Hồ Đức Việt kể lại thì sau hội nghị TW 14, ông Việt lên báo cáo sớm về kết quả giới thiệu nhân sự vào TW với cấp trên, liền có câu hỏi “Thằng T. thế nào?”. Ông Việt trả lời “Phiếu anh ấy bị thấp”.
"Và câu ông Việt nghe được tức thì là: “Chúng nó khốn nạn thế à?”. Thái độ phẫn nộ đó khiến ông Việt vô cùng bất ngờ. Và không chỉ “thằng T.” mà còn vài “thằng X.Y.” nữa phiếu cũng thấp. Và hội nghị 15 đã diễn ra, mang hậu quả lớn cho ông Việt.
"Tôi không thạo chuyện thâm cung, nhưng những chuyện như thế, nghĩ rằng khối người đều biết. Nghe câu chuyện đó tôi buồn mất mấy ngày, nhưng cũng chỉ an ủi ông Việt được vài lời, đại ý là “cái nước mình nó thế”.
Và nhà văn, nhạc sỹ kiêm blogger này bình luận: "Nhắc lại chuyện cũ để lần nữa chia sẻ với ông Hồ Đức Việt về chốn quan trường sau khi ông nhắm mắt, khép lại thế giới tục trần mà ai cũng phải trải qua."
Hôm thứ Sáu, 07/6, blogger Phạm Viết Đào bình luận với BBC:
"Tôi theo dõi mấy kỳ Đại hội Đảng thì tôi thấy là bốn ông vào vị trí tứ trụ thường là mục tiêu của các đối thủ khác, thì cái đó là chuyện muôn thuở của chính trị thôi.
"Không ông Việt thì ông khác trước ông ấy cũng bị như vậy thôi. Có những ông sau đó bị cấp cứu, đi bệnh viện về những cuộc đấu đá, như là ông Đào Duy Tùng, theo thông tin mà tôi biết được, sau cuộc ông trượt Tổng Bí thư thì ông ấy cũng đột quỵ luôn.
"Hồ Đức Việt là người đưa ra sáng kiến bầu trực tiếp một số chức danh của đảng ở một số địa phương, đấy là một bước tập dượt dân chủ, tôi nghĩ việc ấy là việc đáng hoan nghênh, nhưng nó không được hưởng ứng của tất cả các cấp khác"
Blogger Phạm Viết Đào
"Chuyện ấy, chuyện chính trường là chuyện muôn thuở. Một là anh phải giữ cương, anh cưỡi được ngựa, không thì ngựa nó hất anh xuống. Chuyện ấy là chuyện bình thường thôi.
"Tức là anh Việt bị ngựa hất xuống, tức là anh ấy không đủ chưởng lực, độ gân guốc với con ngựa bất kham ấy, anh phải ngã ngựa thôi."

'Khiêm tốn, chưa thuyết phục'

Mặt khác, blogger này cho rằng ông Việt có thể đã bị thất thế do để xuất một chủ trương mới mà không được chấp nhận.
Ông Đào nói:
"Hồ Đức Việt là người đưa ra sáng kiến bầu trực tiếp một số chức danh của đảng ở một số địa phương, đấy là một bước tập dượt dân chủ, tôi nghĩ việc ấy là việc đáng hoan nghênh, nhưng nó không được hưởng ứng của tất cả các cấp khác,
"Ông Việt đưa ra cái này không được hưởng ứng bởi vì nó đụng chạm tới quyền lợi của một số đông ở trong đảng, và họ vẫn muốn rằng đảng phải là những người nắm quyền lực, và họ muốn có những vị thế này, vị thế kia, không muốn sự dân chủ diện rộng như là sáng kiến của Hồ Đức Việt."
Hôm 05/6, trên truyền thông mạng xã hôi xuất hiện  một ý kiến gợi ý rằng có thể ông Việt bị thất bại trước một khuynh hướng được cho là bảo thủ hơn, và ý kiến này con so ông Việt với một người có khuynh hướng cải cách của Đảng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách, người cũng đã bị 'thất sủng'.
Ý kiến này còn đưa ra một suy luận mang tính giả thuyết về dự định của ông Hồ Đức Việt:
"Những điều mà ông Tổng Bí thư đã làm là ông cố gắng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, khôi phục lại vị thế của Đảng, và muốn cải cách bằng những công cụ phê bình và tự phê bình, và cho tới nay, những kết quả ông làm được còn khiêm tốn và chưa thuyết phục được quần chúng"
TS Lê Đăng Doanh
"Trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trưng ương, ông cho phép một tỉnh đảng bộ làm thí điểm đại hội đảng: Bầu cử cấp ủy trực tiếp theo mô hình các nước, các đảng phái chính trị ở các nước dân chủ phát triển. Việc làm của ông nhằm ngầm nói với dư luận:
"Nếu được làm Tổng Bí thư, ông sẽ cho thực hiện nền dân chủ toàn diện, phổ quát mà lâu nay còn thiếu vắng trong Đảng , chưa hề có trong xã hội dân sự Việt Nam."
Nhiều nhà quan sát nhận thấy tại Đại hội Đảng lần thứ XI, ứng cử viên cho ghế Tổng Bí thư của Đảng, ông Hồ Đức Việt đã không chỉ không thành công trong bước đường quan lộ này, mà sau đó ông còn không tiếp tục được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận xét:
"Tôi thấy là ông ấy còn tương đối trẻ và chính ra việc ông ấy phải nghỉ hoàn toàn như vậy là một điều rất không bình thường. Bởi vì một người ở vị trí của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương như vậy thì hoàn toàn có thể tiếp tục hoạt động được ở Quốc hội hay là ở Mặt trận Tổ quốc hay ở một chức vụ gì đó.
"Việc ông ấy nghỉ hưu hoàn toàn như vậy cũng là một việc không hoàn toàn bình thường. Và từ điều không bình thường ấy, có thể có người này, người kia có những sự suy luận khác nhau..."
Nhân dịp này, Tiến sỹ Doanh cũng bình luận về người đã được bầu vào ghế lãnh đạo Đảng và là đương kim Tổng Bí thư Đảng Cộng sản hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhìn lại những gì mà ông Trọng đã làm hoặc chưa làm được cho tới nay từ góc nhìn của mình, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:
"Những điều mà ông Tổng Bí thư đã làm là ông cố gắng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, khôi phục lại vị thế của Đảng, và muốn cải cách bằng những công cụ phê bình và tự phê bình, và cho tới nay, những kết quả ông làm được còn khiêm tốn và chưa thuyết phục được quần chúng."


Copy từ: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét