(NLĐO) - Một số người Hàn Quốc trở về từ khu công nghiệp chung Kaesong cho biết Triều Tiên đã thay thế các nhân viên hải quan dân sự bằng binh sĩ, đồng thời triển khai xe bọc thép quanh đó.
Khu công nghiệp chung Kaesong, biểu
tượng cuối cùng của sự hợp tác liên Triều, đang đối mặt cuộc khủng hoảng
tồi tệ nhất kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2003.
Khu công nghiệp này đóng cửa nghỉ lễ hôm 5-4. Trước đó, trong hai
ngày 3 và 4-4, Triều Tiên không cho phép các phương tiện và công nhân
Hàn Quốc vào khu công nghiệp chung, dù vẫn cho người Hàn Quốc làm việc ở
đó về nước.
Các phóng viên phỏng vấn một nhân viên Hàn Quốc trở về từ khu công nghiệp Kaesong hôm 3-4
Ảnh: Chosun Ilbo
Một số người Hàn Quốc trở về từ Kaesong hôm 3-4 cho biết những
người Triều Tiên ở đó trông căng thẳng hơn thường lệ. Một người kể: “Các
công nhân Triều Tiên vốn thường mặc quần áo dân sự đã chuyển sang đồng
phục quân đội và các hoạt động tuần tra cũng được tăng cường”. Triều
Tiên còn cho thay thế các nhân viên hải quan dân sự bằng binh sĩ và công
tác kiểm tra hải quan cũng dài hơn thường lệ. Một người khác nói các xe
bọc thép đã được điều đến quanh Kaesong.
Một số người Hàn Quốc nhận định: “Thái độ của công nhân Triều Tiên
dường như thay đổi chỉ sau một đêm. Họ lạnh lùng hơn và không hề nở nụ
cười”. Còn một nhân viên khác nói: “Quan hệ liên Triều đang gặp trục
trặc, chúng tôi rất lo ngại sẽ mất việc làm”.
Một số nhân viên cho biết đồng nghiệp của họ vẫn còn ở Kaesong và
họ đang lo lắng có thể bị bắt làm con tin. Theo thống kê, vẫn còn 800
người Hàn Quốc ở lại Kaesong. Một người cho biết: “Nếu các linh kiện hay
thực phẩm không tới Triều Tiên sau 2-3 ngày nữa, các dây chuyền sản
xuất sẽ phải ngừng hoạt động và nhân viên sẽ bị đói”.
Dù vậy, vẫn có một số người Hàn Quốc cho rằng tình hình ở Kaesong
không thay đổi mấy. Một người nhận định: “Bầu không khí vẫn thế. Chúng
tôi đã vượt qua cuộc khủng hoảng sau vụ đắm tàu Cheonan và tôi không
nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào từ các công nhân Triều Tiên ở đó”.
Khoảng 80 nhà báo Hàn Quốc và nước ngoài đã tập trung tại chốt kiểm
soát ở Paju, giáp biên giới với Triều Tiên hôm 3-4 nhưng hầu hết các
nhân viên Hàn Quốc trở về từ Kaesong đều từ chối trả lời phỏng vấn chi
tiết.
Tên lửa Taurus được phóng từ một máy bay Đức. Ảnh: Chosun Ilbo
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim
Kwan-jin hôm 4-4 cho biết nước này dự định mua tên lửa tầm xa phá
boongke Taurus của châu Âu nhằm tăng cường khả năng tấn công giữa lúc
căng thẳng với Triều Tiên leo thang. Taurus có tầm bắn 500 km, khả năng
cắm sâu tới 6 m vào bê tông kiên cố và có độ lệch từ 2-3 m.
Phát biểu trước một ủy ban quốc hội, ông Kim cho biết tên lửa Mỹ
cũng là một lựa chọn nhưng việc mua chúng không dễ nên Hàn Quốc đã
chuyển sự tập trung sang Taurus của hãng TAURUS Systems GmbH, một công
ty liên doanh Đức – Thụy Điển.
Giới truyền thông đưa tin Hàn Quốc muốn mua 200 tên lửa Taurus vào
năm 2014 để sử dụng cho máy bay chiến đấu F-15K hoặc KF-16. Thông tin
này chưa được xác nhận.
P.Võ (Theo Chosun Ilbo, Reuters)
Copy từ: Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét