Sau khi xảy ra hàng loạt sự cố liên quan đến Trung Quốc, dư luận cho rằng không loại trừ có âm mưu, ý đồ nào đó của các thế lực xấu
Theo
thông tin từ siêu thị Big C The Garden (Hà Nội), đơn vị cung cấp nho có
dán cờ Trung Quốc cho siêu thị này là Công ty TNHH XNK Thương mại tổng
hợp Minh Quang, trụ sở nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc cụm 5, xã Tân
Lập, huyện Đan Phượng - Hà Nội.
Nho Ninh Thuận bị ảnh hưởng uy tín sau vụ việc ở BigC The Garden (Hà Nội). Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Mập mờ nguồn gốc
Mang danh công ty
nhưng nơi đây chỉ là một gian nhà cấp 4 rộng khoảng 20 m2 dùng để chứa
hàng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, trong
gian nhà chỉ có vài làn hoa quả và thùng xốp để ngổn ngang.
Trả lời thắc mắc của
phóng viên Báo Người Lao Động sau khi vụ việc bị phát hiện, bà Bùi Thị
Dung, giám đốc công ty, cho biết do công ty bán cho BigC The Garden số
lượng ít, khoảng 50-70 kg/ngày nên nho từ Ninh Thuận được nhập thẳng
siêu thị này. Nho xanh được đóng thùng nhựa 10 kg tại Ninh Thuận và chở
bằng tàu lửa ra Hà Nội. Những thùng nhựa này không hề được in hay dán
nhãn thương hiệu đơn vị cung cấp. Khi chuyển về, siêu thị BigC mới kiểm
hàng và loại bỏ nếu không đủ tiêu chuẩn.
Theo bà Dung, công ty
cung ứng nho xanh cho siêu thị BigC Thăng Long và BigC The Garden từ vài
năm nay. Hợp tác bán hàng giữa doanh nghiệp và BigC có hợp đồng, hóa
đơn chứng từ đàng hoàng. Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập hợp đồng ký
kết cung cấp nho cho BigC thì bà Dung không đưa ra được với lý do không
giữ những giấy tờ này (?!)
Trong khi đó, tại một
cuộc họp giao ban báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Như Mai, Chi cục trưởng
Chi cục QLTT Hà Nội, khẳng định khi làm việc với BigC The Garden, siêu
thị này đã xuất trình toàn bộ giấy tờ hợp lệ, hóa đơn và chứng minh được
việc mua nho trong nước. Cũng tại cuộc họp này, bà Mai cho rằng sau
nhiều vụ việc, có dấu hiệu của âm mưu, ý đồ nào đó không bình thường.
“Để làm rõ, cần có cơ quan công an vào cuộc” - bà Mai kiến nghị.
Trao đổi với phóng
viên Báo Người Lao Động, bà Mai cho biết vụ việc nho bày bán trong siêu
thị BigC The Garden có dán cờ Trung Quốc đang được lực lượng QLTT phối
hợp cơ quan an ninh điều tra. “Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ thông
báo tới báo chí” - bà Mai nói.
Ảnh hưởng uy tín nho Ninh Thuận
Ông Trần Xuân Hòa, Phó
Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đã chỉ đạo các đơn
vị chức năng làm rõ có hay không việc các nhà vườn tỉnh này bán nho cho
đầu nậu ở Hà Nội, sau đó đưa vào siêu thị BigC The Garden với nhãn mác
dán cờ Trung Quốc. “Phải làm rõ trắng đen bởi vụ việc đã ảnh hưởng lớn
đến uy tín của nho Ninh Thuận” - ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn
Mọi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nho Ninh Thuận, loại nho xanh ở tỉnh này là
giống NH01-48, được lai tạo thành công vào khoảng năm 2000. Tuy nhiên,
đây là giống nho quý, khó trồng nên toàn tỉnh Ninh Thuận chỉ có khoảng
20 ha với sản lượng bình quân 70-80 tấn/năm. “Số lượng nho xanh Ninh
Thuận vào siêu thị rất ít vì phải đạt tiêu chuẩn về độ an toàn” - ông
Mọi khẳng định.
Ông Mọi cho biết đã
từng ra Hà Nội khảo sát thị trường từ hơn 1 năm trước và đã chứng kiến
một số cơ sở bán nho Trung Quốc gắn mác Ninh Thuận. Từ năm 2012, tại
TPHCM cũng xuất hiện một số tư thương bán nho Trung Quốc bằng xe lưu
động nhưng cũng quảng cáo là xuất xứ Ninh Thuận. Tuy nhiên đến nay, Hiệp
hội Nho Ninh Thuận vẫn chưa biết xử lý thế nào. “Đến nay tiếp tục xảy
ra chuyện nho dán cờ Trung Quốc lại bảo mua ở Ninh Thuận” - ông Mọi ngao
ngán.
Lén lút phát tán bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa
Đại tá Đoàn Thế Tân,
Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bến Tre, cho biết cơ quan an ninh vừa phát
hiện một trường hợp bất thường là tại một hội thảo, khi ban tổ chức phát
tài liệu cho đại biểu đã phát hiện có bản đồ Việt Nam nhưng không có 2
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo nguồn tin của
phóng viên, hội thảo này do một công ty của Trung Quốc phối hợp Sở
NN-PTNT tỉnh Bến Tre tổ chức. Tuy nhiên, khi công ty này phát tài liệu
thì lén lút kèm theo bản đồ Việt Nam nhưng không có 2 quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa. Khi phát hiện, cơ quan công an đã thu hồi tất cả và đang
tiến hành làm rõ.
Trước đó, tại Trường
Tiểu học Tân Thạch A, huyện Châu Thành, giáo viên cũng phát hiện các em
học sinh tìm mua những thẻ nhựa in toàn chữ Trung Quốc. Đặc biệt, một
mặt của thẻ còn in cả quốc huy Trung Quốc và biểu tượng Vạn Lý Trường
Thành. Các em học sinh cho biết tìm mua vì trên thẻ có một dãy số giống
như CMND như người lớn. Theo ông Tân, Công an huyện Châu Thành đã thu
giữ tất cả các thẻ nói trên. “Hai sự việc nói trên là không bình
thường!” - ông Tân nhận định.
Hàng loạt “nhầm lẫn”tai hại
Vào
dịp Tết Quý Tỵ 2013, người dân Hải Phòng và Hải Dương mua nhầm lồng đèn
Trung Quốc có chữ “Tam Sa” và “Nam Sa” bằng tiếng Hoa. Cũng thời gian
này, tại TPHCM, một số người bán chậu cây đu đủ giả xuất xứ từ Trung
Quốc in bản đồ Việt Nam nhưng không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa .
Không
chỉ người dân, ngay với những người làm trong ngành văn hóa cũng “nhầm”.
Riêng trong tháng 3 và tháng 5, tập sách dành cho trẻ em có in cờ hoặc
bản đồ Trung Quốc có kèm “đường lưỡi bò” đã bị phát hiện. Không chỉ sách
tham khảo, ngay trong sách giáo khoa tiếng Việt tập 1, 2 của NXB Giáo
Dục cũng không thể hiện 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Liên
quan đến “đường lưỡi bò”, đầu tháng 3, Công ty TNHH TCIE Việt Nam nhập
từ Đài Loan một số sổ tay và lịch bàn in bản đồ Việt Nam nhưng không có 2
quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chi nhánh VietinBank Ninh Bình cũng
nhập từ Trung Quốc về 100 quả địa cầu in chữ Trung Quốc nói sai về 2
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để tặng khách hàng. Tại Hội chợ Du lịch
quốc tế ITB 2013 diễn ra ở Đức, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã treo ảnh
tượng Lạc Sơn Đại Phật của Trung Quốc để quảng bá cho du lịch Việt Nam.
T.Kim
|
NHÓM PHÓNG VIÊN
Copy từ: Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét