(NLĐO) - Chỉ một năm mà tài sản của một gia đình cán bộ Sở Thông tin – Truyền thông (TT - TT) Hà Nội tăng thêm hàng chục tỉ đồng đã khiến nhiều người “ngả nón”. Làm giàu chân chính thì đáng khuyến khích nhưng làm giàu quá nhanh cũng làm dư luận không khỏi dị nghị.
Ba căn nhà với tổng diện tích 900 m², 1
khu nghỉ dưỡng diện tích 150 m², 3 khu đất trồng cây lâu năm với tổng
diện tích 20.765 m², 2 ô tô trị giá 2 tỉ đồng là tổng số tài sản tăng
thêm trong năm 2012 của bà Phạm Mỹ Hoa, Giám đốc Trung tâm Giao dịch
công nghệ TT-TT. Ước tính giá trị số tài sản trên lên đến hàng chục tỉ
đồng. “Tốc độ” làm giàu của gia đình bà Hoa không chỉ khiến người dân
bình thường mà ngay cả những doanh nhân lớn cũng thán phục.
Khuyến khích kê khai trung thực
Chưa nói đến việc tài sản đó từ đâu mà có nhưng khi cơ quan yêu cầu kê khai tài sản tăng thêm mà bà Hoa đã khẳng khái kê khai như thế là đáng khuyến khích. Nhiều bạn đọc cho rằng trong những đợt kê khai tài sản vừa qua không ít cán bộ đã không kê khai đúng với tài sản của mình. Đơn giản họ sợ bị dị nghị, không giải trình được tài sản này từ đâu mà có…
Bạn đọc Võ Thuận cho rằng: “Nên biểu dương bà Hoa vì đã dám kê khai tài sản của mình. Mọi người cũng đừng nghi ngờ gì mà hãy ghi nhận tinh thần trách nhiệm của bà Hoa khi làm đúng quy định của tổ chức. Nếu khai thật mà bị những phiền hà, dò xét thì sẽ chẳng ai khai thực cả. Nhiều người còn nhớ vụ nhà một giám đốc một sở bị trộm mất 64 cây vàng nhưng chỉ dám báo mất có 4... cây”.
Cùng quan điểm, bạn đọc Lê Hiền Quang nói thẳng: “Tôi muốn đặt câu
hỏi là dư luận xã hội đang cần tính trung thực của cán bộ công chức hay
sự gian dối ở họ? Vì qua bài báo tôi thấy muốn trở thành một cán bộ
trung thực quá khó, bởi kê khai tài sản một cách trung thực thì cũng bị
nói, săm soi, đặt nghi vấn còn kê khai gian dối thì cũng bị tai tiếng
này nọ khi bị phanh phui. Một khi cán bộ trung thực kê khai trên giấy
trắng mực đen đồng nghĩa họ có thể chứng minh được tài sản đó là hợp
pháp. Cái chúng ta cần ở cán bộ là tính trung thực đó chứ không phải soi
mói tài sản đó ở đâu ra”.
Sở TT - TT Hà Nội, nơi bà Phạm Mỹ Hoa làm việc và kê khai tài sản tăng thêm hàng chục tỉ đồng trong năm 2012.
Ảnh: Thế Kha
Còn bạn đọc Thanh Hà thì cho rằng: Nói được làm được, tài sản minh
bạch, công khai thu nhập. Chính đáng, rõ ràng thì dù là cán bộ ở cấp nào
cũng nên biểu dương. Nếu khối tài sản đó tăng mà không hợp lý thì giao
cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Như vậy việc kê khai tài sản của
cán bộ mới có tác dụng thực tế. Hiện còn khối người không dám kê khai
tài sản và cũng không biết kê khai như thế nào nữa kìa. Đơn giản là
những tài sản đó đến một cách quá “mờ ám”, tìm cách giấu còn không được
thì lấy đâu dám kê khai”.
Hãy chỉ cho dân cách làm giàu!
Không thể không thừa nhận một thực tế là cán bộ của ta rất nhiều người giàu. Cán bộ càng lớn thì càng giàu, trong khi tiền lương thì ai cũng than vãn là quá thấp, không đủ sống.
Bạn đọc Nguyễn Thành Nam, so sánh: “Trong khi đại bộ phận dân chúng còn nghèo, nhiều người chỉ đủ ăn qua ngày, không có tích lũy mà cán bộ giàu quá thì cũng… khó coi. Mục tiêu của chúng ta là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” mà chỉ một bộ phận dân chúng giàu thì không khỏi làm nhiều người nghi ngờ. Cán bộ giàu mà có thể làm cho cuộc sống người dân ngày càng khá lên mới là giỏi. Hãy chỉ cho người dân cách làm giàu với”.
Một bạn đọc lấy tên Nhà Tranh cảm thán: Thời buổi nền kinh tế thế giới suy thoái, khủng hoảng nhưng ở nươc ta số cán bộ, vợ con cán bộ làm kinh tế cực giỏi không ít. Qua báo chí, cách đây không lâu người dân “choáng” khu dinh cơ sinh thái của vị quan tỉnh ở Hải Dương gần 5.000 m². Vị quan tỉnh vùng cao về vườn sớm nhưng khu nhà vườn nhìn “lác mắt” thiên hạ. Chỉ ngôi nhà to như cái đình tổ dưới xuôi bằng gỗ quý thì quả là đố ai làm kinh tế giỏi như vị ấy.
Nhiều bạn đọc cho rằng không phải không có lý do để người dân nghi
ngờ những khối tài sản kếch xù của cán bộ, công chức. Bạn đọc Thanh Thủy
tính toán: “Nếu chỉ tính riêng thu nhập từ công việc một cán bộ cấp sở
làm việc trong 10 năm cũng không thể mua nổi một căn nhà chứ nói gì đến
biệt thự, xe hơi. Mà với công việc ở cơ quan thì khó có thể còn thời
gian để kinh doanh gì được từ bên ngoài”. Bạn đọc này dẫn chứng cụ thể:
“Ở cơ quan tôi chỉ việc sắm trang thiết bị hằng năm thôi thì giám đốc có
thể có tiền hoa hồng đến vài trăm triệu đồng. Còn việc mở rộng các chi
nhánh thôi thì thu về bạc tỉ. Những nguồn thu này làm sao sếp của tôi
công khai. Mà cách kiếm tiền này cũng không thể chỉ cho ai”.
Cùng cách lý giải trên, bạn đọc Thanh Tuyền bộ bạch: “Tiền lương bình quân của cơ quan tôi chỉ khoảng 12 triệu/người/tháng. Nhưng con cái lãnh đạo ở cơ quan tôi đều đang ở Mỹ hoặc Úc du học. Cỡ tôi chỉ là giám đốc bộ phận mà đã có 2 căn nhà, một miếng đất ở quận 12 - TPHCM, con lớn của tôi đã đang học ở Mỹ. Có điều tôi chỉ lo tiền học phí 15.000 USD/năm, còn ăn ở có anh trai tôi đang ở bên đó lo. Nếu cơ quan bảo tôi kê khai tài sản trên thì tôi không biết sẽ khai ra sao và càng không thể chứng minh tôi sắm nó từ nguồn thu nhập nào. Kẹt lắm thì tôi sẽ nói là của anh trai tôi cho nhưng thực tế tài sản của tôi còn lớn hơn của anh tôi nhiều”.
Hãy làm thực chất
“Đây là một trong những quy định dễ gây phản cảm vì thiếu khả thi
khi triển khai, làm cho người thực hiện thiếu trung thực. Ngay cả việc
"kê khai thiếu trung thực có thể bị cách chức" cũng rất mơ hồ. Cơ quan
nào sẽ giám sát và khẳng định việc "thiếu trung thực" của người kê khai?
Rất, rất nhiều quan chức rất giàu nhưng nếu ai có cơ hội đọc những bản
kê khai này sẽ “cười không nổi” vì họ chỉ kkê khai một chút tài sản
không đáng giá gì” – bạn đọc Nguyễn Quốc Thắng.
“Việc kê khai tài sản để kiểm soát tham nhũng là mô hình đang được áp dụng ở các quốc gia tiên tiến đã có hạ tầng công nghệ thông tin hoàn hảo. Người dân ở các nước phát triển ít sử dụng tiền mặt, bất cứ dịch vụ lớn nhỏ nào cũng đều có thể thanh toán bằng thẻ. Nên khi cần, cơ quan thẩm tra đưa ID của đối tượng vào hệ thống quản lý là nắm được các thông tin biến động về tài sản. Còn ở nước ta thì ngược lại, bất cứ dịch vụ lớn nhỏ nào cũng đều có thể thanh toán bằng tiền mặt. Một quan chức được lót tay vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng tiền mặt thì đố ai biết được” – bạn đọc Khả Dĩ. |
Phạm Hồ
Copy từ: Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét