CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Từ chuyện biệt thự của Thủ tướng

Từ chuyện biệt thự của Thủ tướng Căn biệt thự sang trọng của Tổng thống Nga Putin ở Tây Ban Nha trị giá 15 triệu USD, rộng 4.000m2- trên một khu đất rộng 18.000m2.

Từ chuyện biệt thự của Thủ tướng

Ngôi biệt thự của Thủ tướng, theo một bản kê khai, rộng 367,8 m2. Ngoài ra, trong tài khoản của ông, với đơn vị tiền tệ được tính bằng dollar, có 167.000 USD. Thủ tướng cũng có 2 chiếc xe hơi, dù không rõ nhãn hiệu và giá trị.
Tất nhiên, vị thủ tướng mà chúng ta đang nói tới là Thủ tướng Nga Medvedev.

Hôm 3.4, Tổng thống Nga Putin, trong nỗ lực chống tham nhũng và kiểm soát thu nhập của các quan chức, đã ký một sắc lệnh mang tính chất “tối hậu thư”: Hoặc kê khai tài sản. Hoặc bị cách chức.

Theo đó, tất cả những khoản chi phí lớn như mua nhà, bất động sản khác, chứng khoán, phương tiện cá nhân như xe ô tô, du thuyền đều phải kê khai. Ngoài tài sản, sắc lệnh còn nhấn mạnh đến nguồn gốc những khoản tiền. Putin cũng yêu cầu các quan chức phải đóng tất cả các tài khoản cá nhân hay bán cổ phần ở nước ngoài trong vòng 3 tháng, đồng thời sẽ phải nộp tờ kê khai tài sản, chi tiêu của họ trong năm 2012 trước ngày 1.7.2013. Những ai có bất động sản ở nước ngoài cần phải giải thích đã mua chúng bằng cách nào, nếu không thể đưa ra lời giải thích chính đáng sẽ bị cách chức.

Ngay sau đó, Putin, cùng Thủ tướng Medvedev đã nộp báo cáo kê khai tài sản cá nhân.

Theo bản cáo bạch tài sản này, Putin đang sở hữu một căn hộ diện tích 77 m2, 3 chiếc xe hơi do Nga sản xuất và 1 chiếc xe kéo ô tô. Thu nhập năm 2011 của ông khoảng 116 ngàn USD. Thủ tướng Medvedev có thu nhập 108 ngàn USD. Theo bản kê khai, ông có một tài khoản 167 ngàn USD, 1 căn biệt thự rộng 367,8 m2 và 2 chiếc xe hơi, dù không nêu rõ thương hiệu 2 chiếc xe này.

Câu chuyện ở Nga cho thấy rất nhiều điều thú vị. Chẳng hạn, ngay khi ký sắc lệnh buộc kê khai tài sản, người ký, vị “công dân số 1”, ngay lập tức trở thành một tấm gương. Hơn nữa, dân Nga hoàn toàn có thể tra cứu những thông tin này trên mạng Internet vì những bản kê khai này là hoàn toàn công khai.

Đúng hôm Putin ký sắc lệnh “tối hậu thư”, ở Việt Nam, dư luận xôn xao trước bản kê khai tài sản của một quan chức cấp phòng, thuộc sở TT và TT Hà Nội. Theo bản kê niêm yết ở cơ quan, số tài sản gia tăng sau trong chỉ một năm 2012 của Giám đốc Trung tâm Giao dịch công nghệ TT-TT, bà Phạm Mỹ Hoa bao gồm: 3 nhà ở với tổng diện tích 900 m2, tăng 1 khu nghỉ dưỡng diện tích 150 m2, tăng 3 khu đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích 20.765 m2, tăng 2 ô tô trị giá 2 tỉ đồng.

Một tình tiết đáng chú ý là trong bản kê khai tài sản 2011, bà Hoa, khi đó mới giữ chức Phó văn phòng Sở, mới chỉ có 1 ngôi nhà và 1 ô tô.

Trên Người Lao động, bà Hoa “khẳng định”: Những tài sản tăng thêm không có cái nào đứng tên riêng của bà mà do chồng làm thêm mà có.

Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết bà Hoa từng trả lời ông: Đây là khối tài sản… “do ông bà để lại”.

Ông bà muôn năm khi giờ đây các cụ đã trở thành lý do tuyệt vời cho giải thích có lẽ là không ít phổ biến mỗi độ con cháu phải vò đầu bứt tai.

Khi người ta đã bảo “do ông bà để lại thì có nghĩa là “hòa cả làng” bởi lẽ rất giản dị, “ông bà” chẳng hạn có bị buộc phải khai cũng sẽ rất dễ dàng qua mặt đủ loại chỉ thị, nghị quyết để chỉ giản dị mấy chữ “do các cụ (tức ông bà của ông bà) để lại”.

Câu chuyện “do ông bà để lại” ở Việt Nam hẳn cũng sẽ cho bạn đọc những trải nghiệm cảm xúc thú vị, kèm theo một sự thật cũng không ít hay ho khác: Ở Việt Nam, người ta rất dễ dàng chứng minh nguồn gốc tài sản, khi không thể chứng minh, không biết lý giải ra sao ngoài lý do “ông bà để lại”. Sâu xa hơn: Minh bạch chưa phải là thứ được xây bằng thời gian để có thể lục tìm trong một tàng thư nào đó một bản kê khai từ thời ông bà.

Nhưng không phải vì thế mà những quan chức Nga đang “hoặc phải kê khai, hoặc từ chức” có thể “vỗ đùi đánh đét”, miệng kêu “tiên sư anh Tào tháo” mà vội mừng học lỏm bí kíp này từ Việt Nam. Putin chẳng hạn, từng phải kê khai khi còn là Tổng thống từ nhiệm kỳ trước trước nữa.

 



Copy từ: Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét