CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

TƯ DUY CỦA ÔNG TRANH MÀU GÌ?

* MINH DIỆN
           BVB - Tôi cố tìm trên khuôn mặt tròn đầy như  trái mù u chín mọng một nét riêng, biểu lộ tinh hoa phát tiết hơn người, nhưng bất lực. Khuôn mặt ấy không có gì nổi trội, thậm chí còn kém khôi ngô hơn nhiều khuôn mặt mặt khác. Vậy mà không hiểu bằng cách nào ông có tấm bằng cử nhân?
            Đọc tóm tắt tiểu sử Tổng thanh tra Chinh phủ Huỳnh Phong Tranh, ai cũng phải  ngạc nhiên vì điều đó. Bản tóm  tắt tiểu sử ấy ghi: “Sinh ngày 12-1-1955/ Quê  quán Hậu Giang / Học vị cử nhân…”
               Kế đó thống kê quá trình công tác của ông, từ tháng 1 năm 1973, làm  cán bộ văn phòng Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Long Mỹ, Hậu Giang  cho tới khi được bổ nhiệm làm Tổng thanh tra Chính phủ. Đúng 40 năm, đảm nhiệm 13 chức,  từ thấp đến cao, sít sao, liên tục, không ngưng nghỉ ngày nào. Thử hỏi ông lấy thời gian đâu để học, để thi lấy tấm bằng cử nhân, dù chỉ là tại chức cho chiếu lệ!
            Nếu công bằng, và với tài phân biệt màu sắc của mình, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, phải để mắt tới những cái bằng tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân của đồng nghiệp và của chính mình, xem nó màu gỉ, và tệ nạn tham nhũng tới cỡ nào, thì ông lại chụp lên đầu những người dân đi khiếu nại, khiếu kiện về đất đai và tố cáo tham nhũng  cái gọi là  “màu sắc chính trị!”.
Nhưng thôi, chuyện đó dẹp qua một bên, bỏi bằng cấp thời nay là gì thì ai cũng biết cả rồi. Cái đáng nói nhất là quan điểm, trình độ, phương pháp xem xét và khả năng thực hiện chức danh, chức trách xứng với vị trí, tầm cỡ của mình.
            Nhớ lại gần hai năm trước, khi mới nhận trọng trách Tổng thanh tra Chính phủ, Huỳnh Phong Tranh bày tỏ quan điểm của mình: “Công tác thanh tra là bạn của dưới, tai mắt của trên. Nếu làm tốt công việc, chúng tôi có thể giúp cho công tác điều hành của Chính phủ và giúp cho sự lãnh đạo của Đảng ngày càng sát thực tế hơn. Tôi cũng sẽ cố gắng là nếu có cám dỗ sẽ tránh, đồng thời giáo dục lực lượng công chức trong bộ máy của mình trung thành, trung thực và trong sạch để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Tôi sẽ phát huy trách nhiệm, truyền thống của người tiền nhiệm. Đây cũng là nền tảng để tôi phấn đấu hơn nữa. Việc công khai thông tin với báo chí, tôi cũng sẽ thực hiện”.
           Ông Huỳnh Phong Tranh còn nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là tăng cường đối thoại, giải quyết tại cơ sở theo thẩm quyền!”.
            Quả thật chưa thấy vị Tổng thanh tra Chính phủ tiền nhiệm nào bày tỏ được quan điểm mạch lạc như ông Tranh. Đặc biệt nhất là quan điểm “bạn của dưới” (câu này ít ai nói, vì nó tối nghĩa về diễn đạt). Dưới ở đây tức là dân (hay ông chỉ giới hạn ‘bạn của dưới’ tức là Thanh tra Chính phủ với cấp bộ, ngành, tỉnh thành, địa phương, không hề có dân trong đó?). Đối tượng của  thanh tra, ở chế độ nào cũng vậy, là các cơ quan quyền lực, các tổ chức kinh tế, xã hội, còn tai mắt của  thanh tra là dân.  Quan điểm của ông Huỳnh Phong Tranh vừa biện chứng, vừa giàu tính nhân văn, lấy dân làm gốc!
              Nhưng đó là lời nói. Còn việc làm thì sao?
              Hơn hai năm qua, hình như Huỳnh Phong Tranh  chưa kết bạn được với “người dưới” nào, chưa tiếp dân buổi nào, và chưa đối thoại với dân lời nào,  nhưng, ngày 18-4-2013 vừa qua, trong cuộc họp bàn về nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại khiếu tố, ông tuyên bố: “Đối với các đoàn đông người, quá khích, đặc biệt là những đoàn mang màu sắc chính trị...Thanh tra chính phủ yêu cầu phải tiến hành cưỡng chế!”.
                Khái niệm màu sắc vốn cụ thể, để phân biệt màu của vật chất dưới tác động của ánh sáng. Cái gọi là “màu sắc” mà ông Huỳnh Phong Tranh dùng, nó vượt ra khỏi phạm trù đó, mang ý nghĩa trìu tượng, vô hình, vô ảnh,nhưng lại đậm đặc tính cực đoan.
               Ai cũng biết tình hình khiếu kiện, tố cáo những năm vừa qua rất căng thẳng, và hơn 70%  các vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan đến vấn đề  cấp đất,thu hồi đất,và  đền bù giải phóng mặt bằng. Hầu như tỉnh, thành phố nào cũng xảy ra khiếu kiện , tố cáo. Những vụ nổi cộm như Tiên Lãng, Văn Giang, Đông Triều, Hà Nam, Cần Thơ gây xôn xao  dư luận trong và ngoài nước.  Chỉ riêng quý I-2013, đã có 104 lượt đoàn khiếu kiện đông người, với thái độ  quyết liệt, căng cờ, biểu nghữ tập trung trước trụ sở tiếp dân của Trung ương đảng, và Chính phủ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
              Nguyên nhân dân khiếu kiện, tố cáo  là do những  bất cập trong chính sách của đảng, nhà nước .
             Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch ủy ban trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói thẳng: “Khi nhà nước làm không đúng, thì người ta nói lên ý kiến của người ta. Ở  các nước khác  đều như vậy. Thậm chí người ta biểu tình phản đối. Đó là quyền công dân của người ta !” .
               Thực tế ở nước ta, quyền  lợi chính đáng của người dân bị xâm phạm, thậm chí bị cướp đoạt vào tay bọn thoái hóa biến chất, đạo đức và lối sống bị băng hoại. Người dân, cả cán bộ đảng viên,  gửi đơn khiếu nại, tố cáo cho các cơ quan đảng, nhà nước nhưng không được giải quyết đến nơi, đến chốn. Một bộ phận dân bị oan ức, bức xúc kéo nhau khiếu kiện, tố cáo  là chuyện thường tình.
               Thử hỏi ông Huỳnh Phong Tranh, tất cả  đơn từ, và  băng rôn, biểu ngữ  ở các cuộc khiếu kiện đông người, dù gay gắt như Văn Giang, Đông Triều,  Hà Nam, hoặc  ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội bây giờ, có câu chữ nào đụng chạm tới chính trị,  mà ông bảo “Mang màu sắc chính trị”?  Nếu ông chưa học, hoặc ông quên, người viết bài này xin nhắc để ông nhớ  cái khái niệm chính trị mà một chính khách như ông phải thuộc lòng: “Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, đảng phái, quốc gia xoay quanh một một vấn đề trọng tâm là giành giữ và sử dụng quyền lực nhà nước!”.
          Người dân không có mục tranh giành,và sử dụng quyền lực nhà nước, không âm mưu lật đổ ai, chỉ muốn giành miếng cơm manh áo và một bầu không khí tự do dân chủ,  mà ông chụp cái “màu sắc chính trị” lên  họ rồi ra lệnh cưỡng chế ư?
          Khi mới nhậm chức ông muốn là bạn dân, giờ ông ra lệnh còng tay dân!
          Ông đã đẩy dân sang phe đối lập rồi. Và như thế ông đã làm lợi cho các đối tượng mà thanh tra phải đối đầu! Ông đã quên lời mình nói, hay không thể vượt qua được sự cám dỗ mà ông đã từng hứa sẽ cố gắng vượt qua?
           Là một người dân nghe lời tuyên bố của ông vừa qua, tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Hình như lịch sử đang được lặp lại một cách  thô thiển hơn.
           Gần sáu mươi năm trước, chỉ vì muốn có một bầu không khí tự dân chủ như Hiến pháp quy định, mà nhóm Nhân văn-Giai phẩm đã bị những người cực đoan, tiêu biểu là Tố Hữu chụp cho cái  mũ  “màu sắc chính trị, chống đảng”. Tổ Hữu kết tội họ: “Chúng vu khống đảng ta là chủ nghĩa cộng sản phong kiến bóp nghẹt tự do, vu khống  những người cộng sản là khổng lồ không tim, chà đạp con người, xuyên tạc những quan hệ giai cấp trong xã hội... Trần Đức Thảo cố tạo thế đối lập giữa lãnh đạo kìm hãm tự do và quần chúng lao động đòi tự do. Tất cả những luận điệu của chúng rõ ràng không nhằm mục đích nào khác , là chống lại lợi ích của Tổ quốc và chủ nghĩ xã hội ... (Tố Hữu, báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Văn Nhân –Giai Phẩm , ngãy 4-6-1958).
             Chỉ vì cái  “màu sắc chính trị” vô hình vô ảnh ấy mà hàng trăm con người, trong đó có những trí thức,văn nghệ sỹ đầy tài năng, tâm huyết, như Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Loan thân bại danh liệt, bị đày đọa  khốn cùng.
             Sáu mươi năm trôi qua, giờ đã đổi mới, thế thời đã khác, dân ta tưởng  được “tự do gấp vạn lần các nước tư bản” như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, nào ngờ  ông  Tồng thanh tra Chính phủ vẫn mang bổn cũ ra soạn lại, và hăng hơn, lệnh cưỡng chế, đi lo xác minh, điều tra để …ngăn chặn, răn đe dân.
            Thực chất, khi nói đến chính trị thì nội hàm, ngoại diên của nó rất rộng và sâu sắc. Suy ra, người dân sống trong một nước có tự do, độc lập thì cái lớn nhất là được hưởng nhân quyền thực sự mạng tính dân chủ, có đất đai, tài sản, nhà cửa  để sinh sống; từ bát cơm, manh áo, phương tiện đi lại cho đến việc làm, rồi tờ báo để đọc, cuốn vở tập viết cho đến viên thuốc uống…đều là màu sắc chính trị. Nó phản ảnh rất cụ thể nền chính trị do đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền này lo cho người dân được những gì, lo đến đâu? Có xứng đáng là một nền chính trị mang danh “nhà nước của dân, do dân, vị dân” hay không? Khi dân khiếu nại, thậm chí tố cáo ông đảng viên này, ông lãnh đạo cấp này-chức kia tham nhũng, đống chí X,Y,Z... cướp đất của dân, làm mất dân chủ nghiêm trọng, làm sai đường lối chính sách của đảng, là đụng đến "màu sắc chính trị" hay sao?
             Màu sắc chỉ chân thực khi có ánh sáng trong suốt của một môi trường trong lành. Cái màu sắc chính trị mà Tổng thanh tra Chính phủ chụp lên đầu dân xem ra rất thiếu ánh sáng đổi mới, là sản phẩm của một trí tuệ không minh mẫn, mà hình như sắc thái gương mặt ông cũng nói lên điều đó!  Từ khi nghe ông Chánh thanh tra Chính phủ phát biểu như vậy, tôi phải bóp đầu suy nghĩ và phải tự dằn nén cố mà bình tâm luận giải để khỏi bị tẩu hỏa nhập ma. Màu sắc chính trị của ông Tranh là gì? Chẳng lẽ dân mặc áo đỏ, đem cờ, biểu ngữ đỏ rực, chữ vàng, màu truyền thống cách mạng, màu cờ sao rất tự hào của đảng, của chế độ này là “màu sắc chính trị”? Dân còn tin chế độ này mới đem màu cờ đỏ đi đấu tranh đòi công bằng và quyền lợi chính đáng. Vậy mà ông Nguyến Thế Thảo, Chủ tịch UBND T.p Hà Nội nói: “Màu đỏ làm xấu bộ mặt Thủ đô”. Còn nay ông Tranh nói “màu sắc chính trị”, chẳng lẽ các ông sợ cả lời trong bài quốc ca: “Cờ in máu chiến thắng mạng hồn nước…”? Câu nói của ông một nửa chính trị, một nửa lấp lửng màu mè, không ra văn hoa mà cũng không phải hình tượng. Chẳng hiểu tư duy của ông màu gì?
M.D
-------------------
(Nhận bài từ tác giả gửi đến BVB)


Copy từ: Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét