(ĐVO) – Tốc độ nợ tăng nhanh
khi nguồn thu kém; tiền vay được vung quá trán, không quản lý chặt, việc
trang trải nợ không có khả năng… là nguy cơ và bài học từ nhiều nước
Châu Âu khiến Việt Nam cần tỉnh táo sớm nhìn nhận.
Đây là những cảnh báo các chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo: ‘Khủng hoảng nợ công ở Liên minh châu Âu và những vấn đề gợi mở đối với Việt Nam’ vừa được tổ chức sáng 25/4 tại Hà Nội.
Soi nợ công thấy....rất lo ngại
Theo TS Mai Thanh Quế, Học Viện Ngân
hàng, khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp và các nước trong Liên minh châu Âu
đang dấy lên tình trạng lo ngại Liên minh tiền tệ châu Âu bị phá vỡ.
Đến thời điểm này cuộc khủng hoảng nợ vẫn chưa được giải quyết và tình
trạng bất ổn trong khu vực vẫn đang gây ra những lo ngại cho các nước
khác.
TS Mai Thanh Quế: 'Đến thời điểm này cuộc khủng hoảng nợ vẫn chưa được giải quyết và tình trạng bất ổn trong khu vực vẫn đang gây ra những lo ngại cho các nước khác' |
Khủng hoảng nợ được biểu hiện từ việc
lãi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh, việc phát hành trái phiếu khó
khăn; ngân sách nhà nước bội chi lớn, nợ công vượt mức cho phép và chính
phủ không có khả năng thanh toán các khoản nợ khi đến hạn; lòng tin của
công chúng giảm sút ...
Chỉ ra nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng
hoảng này, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Học Viện Ngoại giao cho rằng chính
những bất hợp lý từ mô hình kinh tế thiên về dịch vụ tài chính và ngân
hàng. Khi nền kinh tế suy thoái, nợ công lại tăng cao do chính phủ không
đưa ra những giải pháp lâu dài cho vấn đề nợ công mà chỉ chú tâm vào
những giải pháp nhất thời.
Trong khi ngành dịch vụ tài chính ngân
hàng phát triển mạnh nhưng chủ yếu dựa trên kẽ hở của thị trường, thiên
về đầu cơ tài chính tại nên những viễn cảnh giàu có ‘ảo’. Hậu quả làm
nảy sinh nhiều bất ổn trong cơ cấu ngành nghề, phân khúc giàu nghèo và
số người thất nghiệp tăng lên sống nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ.
Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái
kinh tế và khủng hoảng nợ công ở EU đã bộc lộ những khuyết tật trong mô
hình liên kết cũng như của từng nền kinh tế, khiến cả EU phải đối mặt
với vòng luẩn quẩn của tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao, an sinh xã hội
nặng nề. Giới chuyên môn cho rằng đây là kinh nghiệm Việt Nam cần nhìn
ra.
Nhìn những biểu hiện khủng hoảng nợ công
ở châu Âu, giới chuyên môn cho rằng thực trạng nợ công ở Việt Nam có
khá nhiều điểm tương đồng và đáng lo ngại.
PGS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, bắt đầu từ
năm 2006, để thúc đẩy tăng trưởng cao, Việt Nam đã đẩy đầu tư rất mạnh
và trong một thời gian dài có tỷ lệ đầu tư so với GDP thuộc vào loại cao
nhất thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Tỷ lệ cung ứng tiền tệ và tín dụng
cũng thuộc loại cao nhất thế giới và do vậy gây ra tỷ lệ lạm phát cũng
cao ở mức kỷ lục của thế giới.
Tỷ lệ đầu tư cao hơn tiết kiệm chỉ có 2
cách, một là vay mượn nước ngoài, hai là phát hành tín dụng mạnh mẽ vô
tội vạ để rồi ngày càng lâm trọng tình trạng nợ khó có khả năng chi trả
và lạm phát phi mã như những năm vừa qua.
Nếu tính đúng thông lệ, nợ công Việt Nam cao hơn nhiều
Theo một chuyên gia kinh tế, trong 10
năm trở lại đây, nợ công tại Việt Nam tăng nhanh một cách đáng lo ngại
và có cơ cấu kém bền vững. Con số nợ công của Việt Nam có thể sẽ cao hơn
nhiều nếu được tính đầy đủ theo thông lệ quốc tế.
Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố,
tính đến hết năm 2011, nợ công của Việt Nam tương đương 56,7% GDP,
trong đó cơ cấu nợ công gồm: nợ chính phủ 80%, nợ chính phủ bảo lãnh
doanh nghiệp 19% và nợ của chính quyền địa phương 1%. So với GDP năm
2010, nợ công 56,7%, nợ chính phủ 45%, nợ chính phủ bảo lãnh doanh
nghiệp 13% và nợ của chính quyền địa phương 3% GDP.
Theo các chuyên gia, nếu tính đúng nợ công Việt Nam lo ngại hơn nhiều |
‘Nếu tính đúng, tính đủ số nợ của khối
doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và nguồn vốn huy động bằng trái phiếu Chính
phủ thì con số nợ công sẽ cao hơn nữa’, vị chuyên gia này nói.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, ngay cả
khi căn cứ trên số liệu do Bộ Tài chính công bố là 56,7% GDP thì con số
nợ công của Việt Nam vẫn là cao so với mức độ phổ biến được khuyến cáo ở
các nền kinh tế đang phát triển (từ 30-40%). So sánh với các nền kinh
tế mới nổi mức nợ công, nợ nước ngoài của Việt Nam so với ASEAN thì Việt
Nam vẫn đứng ở con số đầu bảng.
Giải cứu gấp hệ thống tài chính...
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn,
Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, bài học cho Việt Nam khi giải cứu
cuộc khủng hoảng đó là phải giải cứu nhanh hệ thống tài chính, ngân hàng
bằng cách bơm thanh khoản theo yêu cầu thị trường và nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, bài học cho Việt Nam khi giải cứu cuộc khủng hoảng đó là phải giải cứu nhanh hệ thống tài chính, ngân hàng bằng cách bơm thanh khoản theo yêu cầu thị trường và nền kinh tế. |
Đặc biệt kiểm soát chặt và phải có cách
ngăn chặn nhằm giảm nợ bên ngoài khi cán cân mậu dịch và can cân vãng
lai xuất hiện trong tình trạng thâm hụt.
Có ý kiến thì cho rằng, cần cải tổ các
doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm dần bao cấp, hỗ trợ, đồng thời chú
trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm một môi trường
cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp ở ngay thị trường trong nước.
Trong phát triển hạ tầng, xu thế của các
nước là rút dần các doanh nghiệp công hữu trong các lĩnh vực độc quyền
tự nhiên như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, năng lượng... và
hướng đầu tư công sang phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, tạo đòn
bẩy để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng tri thức, xanh sạch, bền
vững về môi trường và xã hội.
Kinh nghiệm quốc tế và các nước Đông Âu
cho thấy cần phải xác lập tính độc lập của ngân hàng trung ương trong
vận hành chính sách tiền tệ. Việc điều tiết tỷ giá, lãi suất, lạm phát
là những công cụ vĩ mô quan trọng cần ổn định và dự báo được.
Đồng thời Ngân hàng trung ương cần tăng
cường các biện pháp, chế tài nhằm kiểm soát, cảnh báo rủi ro của hệ
thống ngân hàng, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hội
nhập với khu vực và thế giới.
Bích Ngọc
Copy từ: Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét