Thí sinh chuẩn bị “phao” trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2012 - Ảnh: Hà Bình
Copy từ: Lao Động
Thăm dò ngẫu nhiên:
Hơn 400/500 thí sinh nói có gian lận thi cử
Phần lớn thí sinh được hỏi trong cuộc
thăm dò thừa nhận đã có rất nhiều hình thức gian lận thi cử trong kỳ thi
tốt nghiệp THPT 2012, từ hỏi bài nhau, mang tài liệu vào phòng thi cho
đến tổ chức giải bài tập thể...
Và giám thị dường như làm ngơ trước những trò gian lận ấy.
Nhóm phóng viên vừa phối hợp với một số
nhà xã hội học thực hiện thăm dò trên 500 thí sinh từ 36 tỉnh thành về
tính nghiêm túc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Kết quả: 84,6% thí
sinh trong số đó thừa nhận có xuất hiện hiện tượng tiêu cực tại nơi các
bạn dự thi.
Cuộc thăm dò xuất phát từ trăn trở của
một số nhà xã hội học khi theo dõi tình hình giáo dục nước nhà. Một vị
trong nhóm này băn khoăn: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có tỉ lệ đỗ
tốt nghiệp rất cao với gần 98% học sinh thi đỗ”.
Việc thăm dò được thực hiện theo hình
thức phát phiếu ngẫu nhiên sau buổi thi đầu tiên tại nhiều điểm thi
trong đợt thi tuyển sinh ĐH thứ hai và đợt thi CĐ vừa qua trên địa bàn
TP.HCM. Do thực hiện theo hình thức ngẫu nhiên tại TP.HCM nên kết quả
thăm dò thu nhận được chủ yếu là của các thí sinh phía Nam. Cụ thể, thí
sinh được hỏi đến từ các vùng, miền như Đông Nam bộ (233 thí sinh), Tây
Nam bộ (105 thí sinh), miền Trung (99 thí sinh), Tây nguyên (61 thí
sinh).
Từ “hỏi bài” đến... “nhìn bài”
ThS Đổng Ngọc Lập (giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh): Tỉ lệ cao khiến dư luận nghi ngờ
Tôi cho rằng qua cuộc thăm
dò này, có thể nơi này nơi kia có hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi tốt
nghiệp THPT các em mới nói như vậy, chứ không bịa ra được. Tuy nhiên,
chúng ta nên nhìn nhận ở hai góc độ: Thứ nhất, đó có thể là những hiện
tượng các em nhìn thấy, nghe thấy tại nơi mình dự thi. Thứ hai, đó cũng
có thể là do các em bị tác động nhiều từ báo chí, truyền thông về những
vụ như Đồi Ngô, những việc quay cóp, tài liệu từ những nơi khác và “liên
tưởng” khi đưa ra ý kiến trong thăm dò. Tôi không dám nói có tiêu cực
nhưng với tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước lên quá cao (trên 97%) đã
khiến dư luận nghi ngờ về thực chất.
HÀ BÌNH ghi
|
Khi được hỏi về kỳ thi tốt nghiệp THPT
năm 2012, có đến 84,6% (423/500) số thí sinh được hỏi cho biết có diễn
ra hiện tượng tiêu cực dưới nhiều hình thức khác nhau tại nơi các bạn dự
thi. Trong đó, phổ biến nhất là các hiện tượng như nhìn bài của nhau,
trao đổi bài cùng nhau trong khi thi. Thậm chí thí sinh cũng cho biết có
cả việc giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài, xem tài liệu và kể cả
việc... tổ chức giải bài thi tập thể nơi các bạn dự thi.
Những hiện tượng tiêu cực cụ thể được
thí sinh cho rằng có diễn ra tại nơi mình dự thi với những mức độ gần
như phổ biến như sau: có đến 84,2% cho biết có hiện tượng “hỏi bài nhau
trong khi thi”. Còn hiện tượng “nhìn bài của nhau trong khi thi” cũng có
đến 83,5% cho biết có diễn ra.
“Giải bài tập thể”
Ngoài ra, một số hiện tượng tiêu cực
khác tuy có tỉ lệ thấp hơn nhưng cũng được thí sinh nhìn nhận có diễn ra
trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại nơi các bạn dự thi như “giám
thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài nhau” với 36,4%. Hay như hiện tượng
“trao đổi tài liệu trong khi thi” cũng có 23,4%, “mang tài liệu vào
phòng thi” có 20,6% cho biết có diễn ra.
Đáng chú ý, những hiện tượng tiêu cực
nghiêm trọng hơn như “giám thị làm ngơ cho thí sinh xem tài liệu”, “giám
thị gợi ý giải bài cho thí sinh”, “mang điện thoại di động vào phòng
thi” và “mang tài liệu vào phòng thi để xem”... cũng lần lượt có 13,5%,
10,4%, 13,7% và 11,8% thí sinh khi được hỏi cho biết có diễn ra nơi mình
dự thi. Thậm chí 11,3% số thí sinh được hỏi còn cho biết hiện tượng tổ
chức “giải bài tập thể” diễn ra tại nơi mình dự thi tốt nghiệp THPT năm
nay.
Về mức độ, các hành vi tiêu cực theo
từng địa phương, thí sinh từ 36 tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ,
Tây Nam bộ, miền Trung, Tây nguyên... đều nhìn nhận nơi mình dự thi tốt
nghiệp THPT năm nay có xảy ra tiêu cực. Tuy nhiên, hành vi và mức độ
tiêu cực ở mỗi nơi khác nhau. Chẳng hạn với hành vi “giám thị làm ngơ
cho thí sinh hỏi bài nhau”, có nơi 51,1% thí sinh được hỏi nhìn nhận có
diễn ra nhưng cũng có nơi chỉ có 15,6% thí sinh nhìn nhận. Hay như hành
vi “giải bài tập thể” có nơi 14,8% thí sinh được hỏi nhìn nhận có xảy ra
và ở nơi khác là 13,0%... Tỉ lệ này được thống kê căn cứ trên tỉnh
thành mà thí sinh cho biết mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Sau khi thực hiện xong cuộc thăm dò, nhà
xã hội học này kết luận: “Tôi không nghĩ kết quả cuộc thăm dò này mang
tính chất đại diện cho toàn thể thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT ở các
tỉnh thành trên cả nước. Nhưng tôi cho rằng kết quả này là một cơ sở
ban đầu để lý giải vì sao tỉ lệ tốt nghiệp THPT của chúng ta lại cao
ngất ngưởng như đã thấy”.
TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học): 500 phiếu là con số không nhỏ
Để làm cuộc thăm dò xã hội
học thì dung lượng mẫu khảo sát tối thiểu phải là 30 và số mẫu càng
nhiều, độ chính xác càng cao. Ngoài ra, độ chính xác của vấn đề cần thăm
dò còn lệ thuộc vào phương pháp khảo sát.
Trong bối cảnh thực trạng
tiêu cực thi cử còn bị bưng bít như hiện nay, việc thực hiện phương pháp
thăm dò khách quan để tìm hiểu sự thật về tính nghiêm túc hay không
nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là cách làm tốt. Tôi cho rằng
500 phiếu khảo sát được phát ra là con số không nhỏ. Mẫu câu hỏi của
khảo sát cũng đa dạng. Việc chọn thí sinh là đối tượng chính để thăm dò ý
kiến cũng phù hợp vì so với các đối tượng khác như nhà quản lý, cán bộ,
giáo viên tham gia kỳ thi thì thí sinh là đối tượng có thể trả lời
khách quan hơn.
Tuy nhiên số tỉnh thành được
thực hiện việc thăm dò khá nhiều (36 tỉnh thành), với 500 mẫu khảo sát
thì trung bình mỗi tỉnh thành chỉ thăm dò 13-14 phiếu. Nếu có thể tăng
số phiếu thăm dò nhiều lên nữa sẽ thuyết phục hơn. Ngoài đối tượng thăm
dò là thí sinh, cũng nên tiếp cận những nhóm đối tượng đa dạng khác.
V.HÀ ghi
GS Phạm Minh Hạc (chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam): Các em đã nói thật
Tôi cho rằng các em được hỏi
đã nói thật về những hiện tượng gian dối, không trung thực, quay cóp...
diễn ra tràn lan, phổ biến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Qua đó
thấy được có cơ quan đưa ra tuyên bố này, tuyên bố khác về kỳ thi
nghiêm túc chỉ dựa vào báo cáo chung mà thôi.
Nghiên cứu về xã hội học
giáo dục, tôi được biết những trường như THPT chuyên, trường tương đương
chuyên mới có thể có tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Các trường THPT dưới chuyên
một chút cao nhất là có tỉ lệ tốt nghiệp 90% và trường trung bình
khoảng 70-80%. Tôi có hỏi các cháu của tôi học ở Mỹ về nghỉ hè, các cháu
cũng nói trường xuất sắc lắm ở Mỹ mới có thể tốt nghiệp 100%. Những
trường trung bình khoảng 80%. Như vậy trong tình hình giáo dục của nước
ra như hiện nay, không thể nào có tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước lên
đến trên 97% được.
TS Vũ Thị Phương Anh
(phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc
Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập): Mỗi địa phương “hành xử” một
kiểu
Là kỳ thi quốc gia nhưng qua
cuộc thăm dò, tôi thấy cách “hành xử” của nhiều địa phương có khác nhau
trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này thể hiện qua thăm
dò, thí sinh nhìn nhận về hành vi, mức độ tiêu cực ở các địa phương,
vùng miền có chênh lệch lớn. Chẳng hạn hành vi tiêu cực “giám thị làm
ngơ khi thí sinh hỏi bài nhau” có nơi gấp ba lần nơi khác. Như vậy, vấn
đề đặt ra là nên khen hay chê địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhưng
thực chất?
TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Kết luận xác đáng
Các kết luận rút ra từ cuộc
thăm dò đều xác đáng, nhất là các nhận định từ dữ liệu phân theo vùng.
Qua đó, chúng ta cũng thấy tiêu cực “giải bài tập thể” không phải là cá
biệt. Đây là lỗi nặng của thí sinh lẫn giám thị và thường mang tính tổ
chức, được chuẩn bị sẵn chứ không phải ngẫu nhiên mà vi phạm.
|
Theo TT
Copy từ: Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét