Ngô Thị Hồng Lâm
Hãy
thử nhìn lại tình hình những năm vừa qua: kinh tế thì suy thoái, lạm
phát thì leo thang, tham nhũng thì tràn lan, sờ đâu cũng thấy (lời ông
Nguyễn Phú Trọng). Nền giáo dục thì suy đồi, trụy lạc, dột từ nóc dột
xuống. Thầy hiếp dâm trò. Sách trong trường học, hàng hóa bán trong siêu
thị thì trương cờ Trung quốc. Xã hội thì đâm chém, cướp của giết người
man rợ. Các vụ buôn bán heroin ngày một gia tăng và nghiêm trọng. Đất
đai của dân thì bị phe nhóm xâu xé bằng quyền lực. Cư dân ra khơi đánh
bắt cá thì bị Trung Quốc bắn và cướp tàu mà không được quân đội và công
an bảo vệ. Người dân biểu tình chống Trung Quốc bắn giết ngư dân mình
thì bị nhà cầm quyền bắt bớ và đánh đập bằng bạo lực. Nhân dân trong
nước thì bị công an liên tục đánh chết chỉ vì vi phạm một lỗi nhỏ hành
chính.
Trong tình hình đó,
vừa qua Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết kêu gọi nhân dân trong cả nước
và kiều bào ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cho việc “Sửa
đổi Hiến pháp 1992”, “nhân dân có thể góp ý kiến đối với điều 4 Hiến
pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ
cả”.
Từ thực tế đó, nhóm chuyên gia Luật học
của Việt Nam đã soạn một bản “Dự thảo Hiến pháp” (mẫu), nó phản ánh khát
vọng cởi bỏ xiềng xích đang quấn quanh và cột chặt dân tộc Việt Nam.
Bản “Dự thảo Hiến pháp” (mẫu) và Kiến nghị gửi UBDT sửa đổi hiến pháp
1992 chính là sản phẩm kết tinh tinh hoa của trí tuệ lòng yêu nước mà 72
nhân sĩ trí thức đã ký (gọi tắt là Kiến nghị 72) và đến nay đã được
đông đảo trên 12 ngàn người dân ký tên đồng tình hưởng ứng.
Thay
vì tiếp thu và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, để tự nhìn
lại mình, nhìn lại nội tình đất nước, kể từ khi đảng thâu tóm tất tần
tật quyền thống trị, thì trước con số hơn 12 ngàn người ký tên trong
Kiến nghị 72 – một con số không nhỏ – đảng đã hoảng sợ và đã phải núp
vào trong “điều 4” là “lô cốt” của Hiến pháp 1992 để bắn lại nhân dân.
Ông
Nguyễn Phú Trọng đã lớn tiếng dậy dỗ nhân dân, chỉ trích những ai có
“tư tưởng đa nguyên, đa đảng”, đòi “bỏ điều 4 Hiến pháp”, đòi “phi chính
chính trị hóa quân đội”, “là suy thoái đạo đức, suy thoái chính trị”.
Và liền đó ông Nguyễn Phú Trọng đã bị nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên bẻ lại
như bẻ khúc củi khô!
Còn ông Nguyễn Sinh Hùng
thì cũng không kém phần lớn tiếng đe nẹt: “những ai lợi dụng việc sửa
Hiến pháp 1992 để kích động chống phá đảng và Nhà nước thì phải xử lý
nghiêm”. Ô hay, ông đang nói gì vậy? Ông quen cách hành xử “cả vú lấp
miệng em” mất rồi! Ông kêu gọi “nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4
Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác mà không có vùng cấm kỵ nào
cả” thì nhân dân đóng góp ý kiến cho các ông, thế thì tại sao ông lại
chụp cho dân cái mũ “lợi dụng sửa Hiến pháp để kích động, chống đối”?!
Nếu các ông thấy “Bỏ điều 4 là tự sát” thì các ông nên tuyên bố sửa
Hiến pháp nhưng giữ nguyên “điều 4” cho bàn dân được biết để không nói
nữa mà làm gì. Đảng muốn làm gì thì đảng làm và nếu thấy yếu trong mình
thì xin các ông đừng ra “hóng gió”!
Để làm giảm
giá trị của bản Kiến nghị 72, báo chí và truyền thông của đảng liên tục
đăng các bài vu khống những người tham gia ký Kiến nghị và tung tin
những người ký kiến nghị là giả mạo. VTV1 đã làm một phóng sự về bác
Nguyễn Đình Lộc, với mục đích tách bác Lộc ra khỏi nhóm 72 nhân sĩ trí
thức yêu nước để dễ trị.
Phóng sự về bác Lộc
trên truyền thông “lá cải” của VTV1 đã khiến cư dân nổi giận ném đá vào
bác và chỉ trích không tiếc lời cho hả giận.
Thưa các quý vị, ném đá bác Lộc là quý vị đã mắc mưu ly gián rồi.
Thử
hỏi trong hàng ngũ quan chức có được bao nhiêu vị thức tỉnh để đồng
hành cùng nhân dân như bác Lộc? Bác Lộc đã từng cùng anh em nhân sĩ trí
thức đi viếng những liệt sĩ hy sinh trong trận đánh trả bọn xâm lược
Trung Quốc bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc trong cuộc chiến bùng
nổ vào ngày 17/2/1979, những liệt sĩ này đã bị đảng cố tình lờ đi để làm
đẹp lòng bạn vàng “4 tốt”.
Bác Lộc đã cùng các
anh em nhân sĩ trí thức ký tên trong kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992.
Trả lời phỏng vấn của VTV1 bác Lộc đã nói đúng sự thực những gì mà bác
đã làm theo đúng trình tự của sự việc là chuyện hết sức bình thường.
Sau
những o ép, cho đến bây giờ bác Lộc vẫn xác định chữ ký của mình trong
Kiến nghị 72. Xin các vị hãy để dành đá còn xây nhà giữ đảo Trường Sa,
chứ đừng dùng đá để ném vào bác Lộc nữa.
Trong
cuộc đấu tranh này chúng ta cần đoàn kết để tăng sức mạnh! Bởi mỗi người
có một hoàn cảnh dấn thân khác nhau. Đóng góp của bác Lộc như thế đáng
quý biết bao. Hay các vị lại muốn nghe những cung bậc “hết thuốc chữa”
của Tuyên Trần (báo Nhân dân), Đại tá GS Đăng Thanh, PGS Nguyễn Tiến
Bình, GS TS Nguyễn Viết Thông, v.v. và v.v.?
Chưa hết, ngày 20/3/2013 lại có phóng sự điều tra sự thật của VTV1 về số người ký tên trong kiến nghị: “Thưa
quý vị và các bạn, thời gian gần đây, trên một số trang mạng đã xuất
hiện cái gọi là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do một nhóm
người soạn thảo và sau đó bản kiến nghị này được cho là đã có nhiều người ký tên ủng hộ, trong đó đông nhất là ở Hà Tĩnh và Thái Bình” (VTV1).
Với kết quả điều tra ở Thái Bình chương trình thời sự 20/3/2013 của VTV, được
VTV lựa chọn phỏng vấn: ông Nguyễn Văn Luân (Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình), Vũ Ngọc Ngoạn (phường Kỳ Bá, thành phố
Thái Bình), Quách Thước (phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), Vũ Đình
Trích (giáo dân xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) thì không thấy các vị
này trưng ra được bằng chứng những người nào là mạo danh??? Các vị chỉ
trả lời vu vơ giống như bắn súng lên trời, a dua theo kẻ mạnh mà không
chứng minh được con số bao nhiêu người được ngụy tạo. Tên? Tuổi? Địa chỉ
cụ thể? Nực cười cho ông Vũ Đình Trích trả lời có đoạn: “gần 2 triệu nhân dân Thái Bình không bao giờ như vậy. Đấy chỉ là một nhóm người bịa ra thôi”.
Xin
được hỏi ông Vũ Đình Trích rằng: Để mở một cuộc điều tra xã hội với 2
triệu dân không phải là chuyện dễ “nàm” xong trong một sớm một chiều để
có được kết luận ông nhỉ? Vậy căn cứ điều tra xã hội “lào” để ông kết
nuận rằng “gần 2 triệu dân Thái Bình không bao giờ như vậy”. Có lẽ ông
là “phù thủy” chăng?
Cũng tại phóng sự này, biên tập viên Quang Minh còn đề cập tới: “Cách
đây nửa tháng theo điều tra độc lập của báo Đại đoàn kết và tiếp đó là
Đài phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh thì hầu hết là người nông dân và
hơn 100 sinh viên Đại học Hà Tĩnh ký vào cái gọi là Bản kiến nghị về sửa
đổi Hiến pháp năm 1992 đều là tên giả và không có địa chỉ. Cách đây 2 ngày phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam đã về Thái Bình để tìm hiểu về sự việc này và đã phát hiện ra những bằng chứng về sự ngụy tạo này". Xin được hỏi VTV rằng: “bằng chứng về sự ngụy tạo này” xin được nêu cụ thể là cái gì? Các vị cứ nói leo lẻo “đã phát hiện ra những bằng chứng ngụy tạo” nhưng các vị có chứng minh nó là tên người nào? Địa chỉ ở đâu? Bao nhiêu người?
Nếu
đảng có giỏi thì cứ cho đăng song song tất cả các bản “dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992” trên truyền thông và mở cuộc trưng cầu ý dân về giữ lại
hay bỏ “điều 4” của hiến pháp 1992.
Thật rõ rằng bịa đặt dựng chuyện là “ngón, nghề” lão luyện của truyền thông nhà nước
Nhớ
lại vào ngày 20/12/2011 khi ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, các vị
đã tổ chức lễ đón long trọng Tập Cận Bình bằng lá cờ 6 sao trên tay các
em nhỏ và cũng đưa lên truyền thông chính thống VTV của quý vị lá cờ đỏ
sao vàng của Việt Nam bên cạnh lá cờ một ngôi sao to ở giữa, xung quanh
là 5 ngôi sao nhỏ cờ Trung cộng trong chương trình thời sự cùng ngày.
Trong khi lá cờ chính thống của Trung Quốc chỉ có 1 ngôi
sao to ở giữa và 4 ngôi sao nhỏ ôm xung quanh. Khiến cho nhân dân Việt
Nam bất bình nổi giận la ó các vị ầm ĩ trên mạng.
Đấy
là chuyện lá cờ của nước người mà các vị còn dám ngang nhiên thêm vào 1
sao thì thử hỏi có cái gì mà các vị làm không được? Các vị coi nhân dân
Việt Nam giống như những con bò không biết gì chăng ? Con số không nhỏ
trên 12 ngàn người đồng ký tên trong Kiến nghị 72, đã làm cho các vị
giật mình. Chẳng qua vì sợ bỏ điều 4 thì các vị không còn thống trị nhân
dân được nữa nên các vị nói lấy được, nói láo quen mồm “một mình một
chợ” chỉ muốn bịp dân, đó là bản chất của truyền thông “lá cải” của các
vị.
Chính các vị đã tự đánh mất bạn đọc, bạn nghe đài của mình. Ai không tin xin mời đọc báo Lao động online tại địa chỉ laodong.com.vn/Su-kien-binh-luan/Tran-dia-thong-tin/98694.bld có bài bình luận của nhà báo Đào Tuấn bên lề Hội nghị của Bộ Văn Hóa thông tin, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết: “Có
tới 17.000 nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay
động bạn đọc mà “thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ
blog cá nhân”. Nhân dân Việt Nam không mắc lừa các vị đâu nhé, thưa nhà đài VTV.
Ngày
4/2/2013, 15 vị nhân sĩ trí thức đã đến văn phòng thường trực UBDT sửa
đổi Hiến pháp 1992 để trao bản kiến nghị và bản dự thảo sửa đổi Hiến
pháp 1992 (mẫu). Đây là sự kiện được báo Người Lao động đánh giá là “cơ
hội tạo sức mạnh dân tộc” trong số ra ngày 4/2/2013. VTV nói sao trước
đánh giá khách quan này của báo người Lao động???
Tình hình thực tế cho thấy Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam ngày 12/04/2009 ngày
càng thể hiện tính khoa học, tính chính xác, tính đúng đắn tử tế của
những người khởi xướng và tham gia ký kiến nghị. Nếu từ ngày tiếp nhận
kiến nghị, những người cầm quyền biết lắng nghe và dừng lại cái “chủ trương lớn của đảng”
đầy tai ương cho dân tộc kia, thì ngày nay đã không bị lỗ nặng sau gần 4
năm đi vào hoạt động, “Cảng Kê Gà” một công trình phục vụ cho khai thác
bô-xit đã bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngưng đầu tư vì lỗ. Nếu
không tỉnh táo để dừng lại thì “càng làm càng lỗ”, một năm lỗ cả trăm triệu USD, xin đọc tại bài viết đăng trên Tuổi tre online (http://thethao.tuoitre.vn/The-thao/535060/Khai-thac-boxit-cang-lam-cang-lo.htm)!
Vậy
hậu quả “lỗ” nặng, tai hại của việc khai thác bô-xit này thuộc về ai,
khi các vị tiền nhiệm đã hạ cánh an toàn bên bờ Hồ Tây???
Cuối
cùng thì xin các vị đừng giở trò sửa Hiến pháp 1992 cho tốn tiền thuế
của dân nữa. Nếu muốn giữ nguyên điều 4, giữ nguyên sở hữu nhà nước về
đất đai thì cứ để thế mà ngồi xổm lên đầu nhân dân.
“Kim vàng ai nỡ uốn câu.
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”.
Ngày 2/4/2013
N.T.H.L.
Tác giả gửi trực tiếp cho Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét