RA ĐỜI MỘT TRANG MẠNG MỚI: "CÙNG VIẾT HIẾN PHÁP"...
NQL: Một
sự kiện hơi bị lạ và rất phấn khởi, là: gs toán Ngô Bảo Châu, gs vật lý Đàm
Thanh Sơn và nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, nguyên tổng biên tập ViệtNamnet, đã
cùng nhau lập nên trang web: Cùng viết hiến pháp ( tại đây). Dưới đây là tuyên
ngôn của họ.
Cùng viết hiến pháp
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt nam 1992 đã gây nên sự chú ý rộng
rãi trong người dân. Trang Cùng viết Hiến pháp này ra đời nhằm tạo thêm một
không gian đối thoại cho tất cả những người quan tâm đến việc sửa đổi Hiến
pháp, để họ có thể cùng thảo luận về chủ đề này một cách nghiêm túc và dân chủ.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia. Hiến pháp phải chứa
đựng những nguyên tắc làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị, tổ chức
và vận hành của nhà nước, bảo vệ những quyền cơ bản của người dân. Một bản hiến
pháp tốt là bước đầu tiên để đảm bảo cho các công dân cùng nhau xây dựng một
cuộc sống hoà bình, tự do, một xã hội dân chủ và công bằng, cái mà xét cho
cùng, chính là lý do cho sự tồn tại của mọi thiết chế xã hội. Tuy đều có hoặc
đều dựa vào nền tảng triết học này, hiến pháp của các nước đã ra đời trong
những bối cảnh lịch sử khác nhau, đã bị chi phối bởi những hệ thống quyền lợi,
những sức mạnh chính trị khác nhau, và rốt cuộc chúng đã có những dấu ấn khác
nhau lên lịch sử phát triển của mỗi nước. Để hiểu Hiến pháp 1992 và tham gia tích
cực vào việc sửa đổi nó, thiết nghĩ cần tham chiếu các bản Hiến pháp Việt nam
đã từng có trước đó, cũng như những bản Hiến pháp đã có dấu ấn trong lịch sử
thế giới.
Cùng viết Hiến pháp sẽ đăng, hoặc đăng lại những bài viết phân
tích về những nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt nam 1992, về
bối cảnh ra đời, dấu ấn lịch sử của những hiến pháp quan trọng trên thế giới,
và sẽ đặc biệt quan tâm đến những yếu tố làm nên sức sống và sức mạnh của một
bản hiến pháp, như một hệ qui chiếu trong một thế giới luôn luôn vận động, chứ
không chỉ đơn thuần như một công cụ cho công tác quản lý nhà nước.
Cùng viết Hiến pháp khuyến khích đối thoại giữa các tác giả, và
với độc giả. Cùng viết Hiến pháp đề cao tinh thần tôn trọng trong đối thoại,
tôn trọng người viết, tôn trọng người đọc, tôn trọng ngữ pháp tiếng Việt. Cùng
viết Hiến pháp khuyến khích tranh luận thẳng thắn dựa trên lý lẽ và dẫn chứng,
không lấy phẫn nộ làm phương pháp tranh luận, không nhận đăng những ý kiến có
tính qui kết vô căn cứ, có tính thoá mạ, vu khống hoặc lạc đề.
Cùng viết Hiến pháp chủ trương hạn chế nội dung trong phạm vi
những vấn đề liên quan trực tiếp đến Hiến pháp và việc xây dựng một nhà nước
pháp quyền. Các vụ việc cụ thể nếu được nêu sẽ khoanh định dưới dạng thức học
thuật để nghiên cứu tính hợp lý và nhất quán của Hiến pháp và pháp luật. Cùng
viết Hiến pháp không tham gia vào việc bình luận, phán xét đúng sai trong những
vụ việc cụ thể.
Cùng viết hiến pháp ra đời ngày 1/2/2013 để tạo ra một không gian
đối thoại dân chủ về việc sửa đổi Hiến pháp, và sẽ được duy trì ít nhất đến
ngày 31/03/2013 để phục vụ việc đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến
pháp 1992. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu tạo điều kiện cho những
đối thoại thẳng thắn về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Nhóm khởi xướng
Ngô Bảo Châu
Đàm
Thanh Sơn
Nguyễn
Anh Tuấn
( Theo Que Choa )
Đọc thêm: Điều 4 mới là vấn đề của mọi vấn đề
Copy từ: NV Phạm Viết Đào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét