LỜI TOÀ SOẠN
Anh Phạm Chánh Trực thân mến,
Tôi
với anh từng là bạn thân, từng là đồng chí từ thời kháng chiến chống
Mỹ, nay – với tư cách là chủ biên một trang web – tôi vừa nhận được một
bài tường thuật khá chi tiết về vụ “lấy đất của dân” ở quận 9. Vụ này có
liên quan tới anh từ khi anh còn làm trưởng ban quản lý dự án Khu Công
nghệ cao Tp HCM. Vậy anh nên bỏ chút thì giờ xem xét lại vấn đề thực hư
ra sao và góp phần tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý và hợp pháp để
cho nhân dân được nhờ và cũng để lấy lại niềm tin vốn đã sứt mẻ quá
nhiều.
Trong
bài tường thuật này, người dân nói rằng họ đã gởi khiếu kiện đi khắp
nơi nhưng không ai trả lời, còn báo chí thì họ cũng chẳng hy vọng gì,
nên tôi phải giúp họ nói lên tiếng nói của mình.
Website Lề Bên Trái không chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của các sự kiện
Lời
lẽ trong bài tường thuật này có vài chỗ hơi quá khích nhưng tôi đăng
nguyên văn, không sửa chữa gì, cốt là để anh thấy được sự phẫn nộ của
quần chúng.
Thân mến,
Đào Hiếu
nhà văn, chủ biên website LỀ BÊN TRÁI và Blog LỀ BÊN TRÁI
Địa chỉ truy cập: http://daohieu.wordpress.com/
ĐÃ SAI LẠI CÀN QUẤY
From: “Thép Bút” <butthep.ss404@gmail.com>
Nhận
được tin một số CA phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, Tp HCM trong lúc
trấn áp người dân giữ đất đã có hành vi thô bạo. Dã man hơn, có kẻ đã
dùng chân đá vào bụng một phụ nữ đang mang bầu, tôi vội vàng thu xếp
công việc để tìm hiểu rõ vụ việc.
NHÂN VIÊN CÔNG VỤ HAY XÃ HỘI ĐEN?
Sự
việc xảy ta tại địa chỉ 207, đường Man Thiện, khu phố 5, phường Tăng
Nhơn Phú A, quận 9, Tp Sài Gòn. Đây là khu vực nhà cũ của bà Nguyễn Thị
Gái, đã bị chính quyền quận 9 dùng quyền lực và sức mạnh công vụ cưỡng
chế trái phép ngày 14 tháng 10 năm 2008. Vụ cưỡng chế trái phép này đã
được tường thuật trong bài “Hình ảnh cưỡng chế nhà chị Gái”.
Gia
đình bà Gái cho rằng chính quyền quận 9 cưỡng chế thu hồi đất của gia
đình bà là trái với pháp luật. Vì vậy bà cùng con cháu kiên quyết bảo vệ
mảnh đất tổ tiên để lại, cũng là bảo vệ quyền sử dụng đất mà nhà nước
đã trao một cách hợp pháp cho gia đình bà. Sau khi chính quyền cưỡng
chế, cào nát ngôi nhà cấp bốn mà gia đình bà phải mất hơn mười năm dành
dụm mới xây dựng được, bà che một túp liều dưới bụi tre già để ở giữ
đất. Được chừng hơn tuần lể sau thì chính quyền đem công an vào phá luôn
túp liều của bà. Sau đó Công ty CP Phát Triển Khu Công Nghệ Cao cho xe
ủi phá tận gốc bụi tre và cho xe ben đổ đất san lắp mặt bằng bất chấp sự
phản đối trong tuyệt vọng của bà Gái. Họ tự ý phân lô trên đất của bà,
bán lại cho chính quyền quận 9 để họ bán lại cho dân tái định cư.
Sáng
ngày 12/03/2009, Ông Phan Thế Truyền, và ông Hiếu (không đeo bảng tên
nên không rõ họ), đại diện cho công ty Cổ Phần Phát Triển Khu Công Nghệ
Cao dẫn đến một nhóm công nhân cho triển khai xây dựng trên đất của gia
đình bà Gái. Bà Gái ra giải thích với việc chính quyền cưỡng chế trái
luật pháp và can ngăn những người thi công một cách ôn hòa. Bất chấp
những lời lẽ phải trái của bà Gái, ông Truyền vẫn lệnh cho công nhân
tiến hành thi công và gọi công an đến trấn áp tinh thần gia đình bà. Hôm
đó, những công an đến làm nhiệm vụ “bảo kê” cho công ty Công ty CP
Phát Triển Khu Công Nghệ Cao gồm có các ông Phạm Minh Hiếu, Đặng Thanh
Tâm, cùng 4 công an viên và 1 dân quân không đeo bảng tên. Tất cả họ
điều là cán bộ chiến sĩ công an của phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, Tp
Sài Gòn. Ngoài ra còn có ông Trần văn Tiên, là trưởng khu phố 5 của
phường Tăng Nhơn Phú A cũng có mặt. Ông già hơn 70 tuổi này nổi tiếng
“Việt gian” bởi câu nói bất hủ hồi năm 2005: ”Cứ đổ đất bao vây cho
nước mưa ngập nhà chúng nó (nhà của dân khu phố 5) là chúng phải bỏ đi
”. Ông ta nói câu này khi người dân không chịu di dời giao đất, giao nhà
cho chính quyền vì giá đền bù quá thấp.
Trước
một lực lượng công an hùng hậu như thế “bảo kê” cho nhóm công nhân của
công ty Công ty CP Phát Triển Khu Công Nghệ Cao thi công, bà Gái đành
bất lực nhìn kẻ khác xâm phạm đất đai gia mình trong nước mắt. Biết làm
gì bây giờ khi công lý không thuộc về những người dân yếu đuối như gia
đình bà? Tuy vậy bà vẫn kiên quyết phản đối hành vi xâm phạm tài sản hợp
pháp của gia đình bà một cách ôn hòa. Bởi bà biết đây là cái bẫy của
bọn vô lại nhằm tìm cách ám hại gia đình bà. Chỉ cần họ có hành vi dùng
vũ lực chống lại là sẽ bị công an chính quyền khép vào tội “gây rồi trật
tự công cộng” hoặc “chống người thi hành công vụ”. Đây là hai tội danh
rất hữu hiệu trong việc ứng dụng đễ cướp đất người nông dân nghèo khổ ở
Việt Nam hiện tại.
Thế
nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Bà Gái kể: sáng ngày 16/03/2009, một
lần nữa ông Truyền lại tiếp tục gọi công an phường Tăng Nhơn Phú A đến
đất của gia đình bà để “bảo kê” cho công nhân thi công. Có lẽ với quyết
tâm cao độ muốn trấn áp gia đình bà Gái một phen cho xong nên lần này
dẫn đầu nhóm công an là ông Trần Văn Thắng, phó CA phường Tăng Nhơn Phú
A. Khi bị gia đình bà Gái can ngăn không cho thi công, ông Thắng hùng hổ
nhào vô chửi bới gia đình bà, đòi bắt giam gia đình bà. Gia đình bà Gái
hôm ấy ngoài bà còn có ông Đước là chồng của bà, và con gái bà là cô
Nguyễn Ngọc Hạnh đang mang thai và một đứa con 3 tuổi của cô Hạnh.
Tôi hỏi: “Diễn biến cụ thể sự việc ngày 16/03/2009 như thế nào, bà có thể kể lại rõ hơn không? “
Bà
Gái kể: “Lúc đó khoảng 10 giờ. Ông Truyền cho công nhân đem máy đến
đóng cọc (máy ép cọc làn nền móng công trình – BT) trên đất của tôi. Tôi
giải thích với công nhân đất tôi chưa giao cho nhà nước, còn đang khiếu
kiện. Thấy tôi cản ngăn ôn hòa công nhân họ cũng không muốn làm. Lúc đó
ông Truyền dùng điện thoại di động gọi cho công an phường. Một lúc sau
thì họ đến chừng chục người, vừa công an mặc áo xanh, dân quân tự vệ và
có mấy người mặc đồ dân sự không rõ là ai. Họ đến bằng xe bán tải hiệu
Ford của công an phường và có người đi xe gắn máy.
Khi
công an tới, thấy tôi và con gái tôi đang ngồi trên chỗ họ định đóng
cọc ông Thắng vung tay đuổi cả nhà tôi ra khỏi đất của tôi. Ông ta ra
lệnh: Đứa nào không cho làm thì bắt hết về phường. Tôi hỏi: Ông làm công
an bảo vệ lẽ phải hay bảo vệ kẻ cướp? Ổng nói:Tôi học luật hết rồi,
biết luật rõ lắm. Tôi mới hỏi: Anh học luật nào? Ổng nói học luật đất
đai. Con gái tôi mới hỏi: Anh học luật nhiều mà anh biết được bao nhiêu?
Anh có biết nghị định 84 không? ( Nghị định 84/2007 về bồi thường đất
đai theo giá thị trường). Chắc là ổng không biết nên im lặng không trả
lời mà nói với con gái tôi: Tôi không nói chuyện với cô. Con gái tôi vặn
lại: Đất của tôi ông lấy được mà sao không nói chuyện với tôi?”.
Có
lẽ đuối lý nên ông Thắng lệnh cho lính nhào vô xốc cô Hạnh lôi đi. Có
khoảng sáu bảy thanh niên lực lưỡng nhào vô cùng một lúc.Hai người xốc
nách kéo tay cô Hạnh lại không phải là công an đang mặc sắc phục. Một
người mặc đồ dân quân kè bên trái, một tên mặc áo thun màu đen không rõ
họ tên kéo tay phải. Tên mặc áo thun đen vung tay mạnh đến nỗi cái đống
hồ đeo tay của hắn đập vào miệng cô Hạnh làm mẻ mất một cái răng. Cô
Hạnh thét lên chửi tên mặc áo thun đen: “Mày là ai mà bắt tao? Mày là xã
hội đen hả?”.
Mọi việc trở nên rối loạn. Lúc này nhiều người dân trong xóm cũng như người đi đường hiếu kỳ đứng lại xem khá đông.
Đứa
con của cô Hạnh mới 3 tuổi khi thấy công an nhào vô lôi mẹ nó đi thì sợ
quá khóc thét lên rồi chạy lại ôm bà Gái. Ông Đước thấy con gái mình bị
lôi đi thì chạy đến ngăn lại. Cô Hạnh dù bị kéo lôi đi sền sệt nhưng
vẫn giãy giụa không ngừng. Đột nhiên có một người dân la lên: “Trời ơi,
nó đang có bầu mà mấy ông lôi nó như vậy có gì mấy ông chịu trách nhiệm
đó”. Nghe mấy tiếng “chịu trách nhiệm” bọn công an vội buông tay. Cô
Hạnh bị thả bất ngờ nên té ngược về phía sau. Ngay lúc cô chưa kịp ngồi
dậy thì Đào Khánh Nam, công an phường Tăng Nhơn Phú A, mặc đồng phục
xanh, nhào vô vung chân đá mạnh vào bụng cô Hạnh. Cô Hạnh ôm bụng giãy
giụa.
Ông
Đước thấy con mình bị đá vào bụng nóng ruột thét lớn:“Con tao có bầu mà
tụi bây làm gì vậy hả? ”. Mấy công an vừa buông cô Hạnh ra liền nhào
lại bao vây ông Đước như chuẩn bị lôi ông đi. Lúc đó nhiều người dân lên
tiếng phản đối dữ quá nên công an có phần giãn ra bớt. Bà Gái cũng nhào
vô đỡ cô Hạnh, vừa chỉ mặt tên Nam mắng: “Con tao có bầu sao mày đá
nó?”. Ông Đước nhào lại phía gã tên Nam, đọc bảng tên trên ngực hắn rồi
quay lại nói với bà Gái: ”Bà nhớ tên nó nghen. Nó là Đào Khánh Nam”. Rồi
ông quay lại nói với Nam: “Con tao có chuyện gì là mày chết”. Thấy
nhiều người dân lớn tiếng mắng tên Nam vì tên này vừa đá vào bụng cô
Hạnh nên ông Thắng kéo tên Nam ra ngoài nói nhỏ điều gì đó. Tên Nam vội
vã ra ngoài lên xe bỏ đi. Có lẽ hắn sợ đứng đấy thêm một chút nữa thì
dân họ nỗi điên sẽ đánh hắn nên chạy trốn trước cho chắc.
Một
người dân ở khu phố 5 có chứng kiến sự việc kể lại với tôi: “Lúc đó lộn
xộn lắm, đám công an xáp lại cô Hạnh lôi cổ đi, nhiều người lên tiếng
phản đối, la ó um xùm. Khi họ buông cô Hạnh ra thì cổ bật lùi té ngược
ra sau. Không hiểu tại sao thằng Nam công an lại nhào đến đá vô bụng cô
Hạnh. Tội nghiệp, đang bụng mang dạ chửa mà bị đá như súc vật. Thằng Nam
công an trẻ trông đẹp trai mà lòng dạ độc ác, dã man hơn lang sói ”.
Tôi hỏi: “Chị có thể ra tòa làm nhân chứng tố cáo tên Nam không?”. Chị
ngập ngừng trả lời đại ý là chị sợ thế lực của họ mạnh lắm, mình đang
sống trong chế độ cộng sản mà, mình kiện không lại đâu. Có khi lại còn
bị họ thù vặt mà trù dập thì phiền lắm. Nhiều người dân khác cũng nghĩ
như chị. Nhưng nhìn cách biểu hiện tình cảm của họ, tôi biết khi cần họ
cũng rất sẵn sàng đứng ra làm nhân chứng vạch trần tội ác bọn côn đồ mặc
áo công vụ này.
Thấy
tình hình căng thẳng và khó có thể thắng lại ý chí quyết tâm giữ đất
của gia đình bà Gái. Ông Truyền dẫn đám công an vô quán cà phê gần đó
vừa uống nước giải lao vừa bàn tính kế sách đối phó. Đến khoảng 11 giờ
30 phút thì rút quân.
Mấy
bữa sau nữa thì bà Gái làm đơn tố cáo các hành vi côn đồ như trên của
công an phường Tăng Nhơn Phú A do ông Trần Văn Thắng cầm đầu. Đơn của bà
đã gửi cho công an quận 9, công an Tp HCM, bộ trưởng công an, và nhiều
cơ quan khác.
Việc
ông Trần Văn Thắng đem lực lượng công vụ đến hiện trường đất nhà bà Gái
nếu chỉ nhằm mục địch ngăn ngừa sự bức xúc của người dân dẫn đến xô
xát, đánh nhau mất trật tự là rất cần thiết. Tuy nhiên gia đình bà Gái
chỉ tranh đấu ôn hòa, giải thích nhẹ nhàng với công nhân thi công. Gia
đình bà Gái không có các hành vi quá khích. Trong khi đó cách thực thi
công vụ như đã nêu ở trên của các cán bộ, nhân viên công vụ như ông
Thắng, tên Nam,…. là lạm dụng quyền lực công. Họ làm thế khiến cho
người dân nghĩ họ đem quân đến “bảo kê” cho công ty CP Phát Triển Khu
Công Nghệ Cao, “bảo kê” cho kẻ mạnh. Nhiều người dân quá bức xúc mắng
chửi họ là bọn “chó săn” cho kẻ có thế lực. Phải chăng đó là cách mà ông
Thắng, tên Nam,… thực hiện nhiệm vụ: “Bảo vệ quyền tự do, dân chủ, tính
mạng, tài sản của nhân dân” như “Luật công an nhân dân” quy định. Hành
vi của của ông Thắng, tên Nam,… có thể nào phù hợp với tôn chỉ: “Đối với
nhân dân phải kính trọng, lễ phép”. Hành vi của ông Thắng, tên Nam,… vi
phạm quá rõ các quy định của “Luật công an nhân dân”, “Pháp lệnh lực
lượng cảnh sát nhân dân” và “Pháp lệnh cán bộ công chức”. Đó là chưa kể
dùng người không có sắc phục để bắt người dân vô tội là vi phạm pháp
luật. Làm như vậy sẽ khiến cho người dân nghĩ công an chính quyền dùng
bọn lưu manh xã hội đen để trấn áp dân, hoặc là người ta sẽ cho rằng
nhân viên công lực mà lại hành xử như xã hội đen. Tạo nên dư luận không
tốt đối với công an quận 9 nói riêng cũng như lực lượng công an nhân dân
nói chung.
Tôi
hỏi: “ Sự việc đã xảy ra như thế, chắc cũng chỉ là hành vi cá biệt của
một số cán bộ chiến sĩ công an ở phường Tăng Nhơn Phú A mà thôi. Theo bà
thì bà muốn xử lý thế nào? ”.
Bà
Gái trả lời nhẹ nhàng nhưng cương quyết: ” Tôi thấy công an đối xử với
gia đình tôi như vậy là không đúng. Mấy ông công an này không có ý thức
vì dân. Lẽ ra họ phải bảo vệ pháp luật, bảo vệ những người dân bị những
kẻ có chức, có quyền, có tiền chà đạp mới đúng. Tôi muốn các cấp có thẩm
quyền phải xử lý nghiêm mấy người công an có hành vi cốn đồ này. Nhất
là thằng Nam, phải đuổi ra khỏi ngành công an những kẻ hung hãn, dã man
như vậy. Chứ nếu không thì dân tụi tui chắc chết. ”.
Bà
Gái đã có đơn yêu cầu phải xem xét và có hình thức kỷ luật ông Thắng,
tên Nam, … theo điều 39 của “Pháp lệnh cán bộ công chức”.
Đến nay đã hơn một tháng nhưng chưa cơ quan bảo vệ pháp luật nào của chính quyền có động thái hồi âm.
ĐÃ SAI KHÔNG SỬA LẠI LÀM CÀN?
Mọi
việc bắt đầu từ khi ông Phạm Chánh Trực còn làm trưởng ban quản lý dự
án khu công nghệ cao Tp HCM. Ông ta chủ trương “đi tắc đón đầu” mà cố
tình quên đi các quy định của pháp luật trong công tác quy hoạch đất
đai nói chung cũng như các quy định về trình tự, thủ tục cho một khu
công nghệ cao nói riêng. Có lẽ ông ta nghĩ rằng với thế lực đàn anh của
nhiều cán bộ lãnh đạo ở Sài Gòn thì chỉ cần có ý chí là có thể xây dựng
nên khu công nghệ cao. Từ đó mà ban quản lý dự án khu Công Nghệ Cao do
ông ta lãnh đạo không làm việc gì đến nơi đến chốn.
Việc
đầu tiên là hoàn chỉnh bản đồ quy hoạch khu Công Nghệ Cao để trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt, từ đó mới có căn cứ để tiến hành ra quyết định
thu hồi đất của các hộ dân. Trong quyết định 989/QĐ-TTg, Thủ Tướng Chính
Phủ cũng nói rõ là giao cho UBND Tp HCM chủ trì phối hợp với các cơ
quan hữu quan để xây dựng quy hoạch tổng thể, trình thủ tướng chính phủ
phê duyệt trước khi tiến hành thu hồi đất. Một công việc quan trọng
nhưng rất đơn như vậy mà ông Trực cũng như UBND Tp HCM không làm được.
Chưa có bản đồ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà ông lại
thúc ép UBND Tp vội vã ra quyết định thu hồi đất cho dự án khu Công Nghệ
Cao (Ông chủ tịch UBND Tp HCM trước đây đã từng than vãn với một tổng
biên tập báo nổi tiếng đại ý là: Nghe lời Năm Nghị ( tức ông Phạm Chánh
Trực ) “đi tắc đón đầu” ở dự án Khu Công Nghệ Cao ra quyết định thu hồi
đất vội quá nên bây giờ dân kiện rối quá). Chưa có bản đồ hợp pháp nên
việc tiếp theo là xác định ranh mốc hợp pháp của khu Công Nghệ Cao
không xác định được. Thêm vào đó, cán bộ thừa hành ở quận 9, cụ thể là
ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, vừa yếu năng lực vừa thiếu
bản lĩnh. Do đó chính quyền quận 9 đã tiến hành thu hồi đất của cả những
hộ dân ngoài ranh dự án khu công nghệ cao. Nhiều người dân quận 9 đã và
đang khiếu nại, tố cáo việc này. Họ cho rằng có sự cấu kết giữa cán bộ
chính quyền với ban quản lý dự án khu Công Nghệ Cao, cố tình không xác
định rõ ranh mốc dự án nhằm mục đích thu hồi thêm đất của dân ngoài dự
án. Đây là cách
làm việc “dối trên gạt dưới” chẳng những của ban quản lý dự án Khu Công
Nghệ Cao mà còn có sự tiếp tay nhiệt tình của nhiều cán bộ ở quận 9 và ở
UBND Tp HCM. Thanh tra chính phủ cũng đã ra kết luận về nhiều sai phạm
của Ban quản lý dự án khu Công Nghệ Cao nói chung cũng như của ông Phạm
Chánh Trực nói riêng. Về việc này chúng tôi sẽ có một chuyên đề riêng
trong tương lai gần đây.
Theo
điều tra của chúng tôi, khu vực nhà bà Gái không thuộc dự án khu công
nghệ cao, mà thuộc một dự án “ăn theo” khu công nghệ cao, không rõ ràng
về các cơ sở pháp lý, được gọi là khu tái định cư 18.75ha, nằm dọc đường
Man Thiện ( Mặc dù trong quyết định thành lập khu Công Nghệ Cao đã có
quy hoạch khu tái định cư riêng 23ha nhưng ban quản lý dự án Công Nghệ
Cao không làm, lại lấy thêm đất ngoài ranh khu công nghệ cao). Dự án này
do công ty CP Phát Triển Khu Công Nghệ Cao làm chủ đầu tư, công ty này
phân lô bán nền lại cho chính quyền quận 9 tái bố trí dân cư cho các hộ
dân bị giải tỏa. Ngoài ra còn có một số chung cư từ 5 đến 15 tầng, cũng
nhằm mục đích bán lại cho chính quyền quận 9 là khu tái định cư cho
người dân bị giải tỏa, di dời bởi dự án khu công nghệ cao. Bên cạnh đó
có khoảng 100 căn biệt thự chắc chắn không dành cho người dân.
Vấn
đề sai trái là ở chổ: Dự án này cho đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm
quyền phê duyệt theo đúng trình tự luật pháp quy định. Dự án được bắt
đầu bởi một văn bản thỏa thuận quy hoạch kiến trúc của sở quy hoạch kiến
trúc Tp HCM về quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực 18.75ha (Văn bản số
2051/QHKT-D9B2 ngày 18/6/2004 của sở quy hoạch kiến trúc Tp HCM). Văn
bản này không đủ cơ sở pháp lý để thu hồi đất. Biết không đủ cơ sở pháp
lý nên ban quản lý dự án Khu Công Nghệ Cao và cán bộ chính quyền quận 9
toa rập với nhau mượn quyết định 2193/QĐ-UB là quyết thu hồi đất bổ sung
của dự án Khu Công Nghệ Cao để công bố quy hoạch. Một việc làm lừa đảo
người dân, làm cho dân tin rằng đó là quy hoạch hợp pháp mà phải giao
đất cho chính quyền. Đến lúc người dân phát hiện sự lừa dối này kiện ra
tòa án Thành phố vì họ lại lấp liếm đảo ngược lại. Giải thích là nhầm
lẫn, đổi lại dùng quyết định 2666/QĐ-UB là quyết định thu hồi đất ban
đầu của dự án Khu Công Nghệ Cao. Việc này sai lại càng sai. Bởi lẽ theo
nội dung của cả hai quyết định 2666/QĐ-UB và 2193/QĐ-UB điều không xác
định được khu 18.75ha n82m trong dực án Khu Công Nghệ Cao. Bị người dân
tố cáo lên Thủ Tướng Chính Phủ, chính quyền từ quận 9 đến thành phố sửa
sai bằng cách “chạy thuốc” để hợp thức hóa chuyện đã rồi. “Thuốc” thì đã
chạy nhưng “bệnh” vẫn không hết. Đến nay vẫn chưa có quyết định phê
duyệt hợp pháp chính thức của Thủ Tướng Chính Phủ. Cho nên khu vực này
hiện nay vẫn bị nhân dân xem là “quy hoạch lậu”. Ai lỡ bị lừa gạt giao
đất rồi thì đành chịu, ai chưa giao thì kiên quyết đấu tranh tìm công lý
đến cùng. Gia đình bà Gái thuộc số những người dân kiên trì tranh đấu
đòi công lý. Chính quyền quận 9 cũng ra “đòn độc” bằng cách bắt giam gần
chục người khiếu kiện dự án Khu Công Nghệ Cao hồi đầu tháng 3 năm 2008,
trong một vụ án hình sự với tội danh “Gây rối trật tự công cộng”. Dù
vậy, người dân vẫn kiên cường tranh đấu. Nhiều người tuyên bố hồi kháng
chiến chống Mỹ họ không sợ bom đạn, vũ khí tối tân của Mỹ, lẽ nào bây
giờ họ lại sợ đám “Việt gian” ăn theo cộng sản. Lẽ ra với những sai phạm
có hệ thống như trên thì một số cán bộ của ban quản lý dự án Khu Công
Nghệ Cao cùng với các cán bộ liên quan ở quận 9 và UBND Tp HCM phải bị
truy tố ra tòa. Nhưng cho đến nay họ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật,
còn nhiều người dân vô tội thì phải chịu cảnh tù ngục. Bản chất bất công
của xã hội đã bộc lộ rõ qua các sự việc nêu trên.
Tháng
tư 2008, Thanh tra chính phủ công bố kết quả thanh tra dự án khu công
nghệ cao. Trong đó nêu rõ nhiều tố cáo của người dân là có căn cứ và yêu
cầu các cấp chính quyền từ quận 9 đến thành phố nhanh chóng khắc phục
các sai phạm. Sau đó Thủ Tướng Chính Phủ cũng có văn bản yêu cầu chính
quyền thành phố kiểm điểm, sửa chữa. Không biết chính quyền có sửa chữa
các sai phạm đến đâu, chỉ biết họ tiếp tục tiến hành thu hồi đất kể cả
các khu vực ngoài dự án như khu 18.75ha. Ai không giao đất cho chính
quyền thì họ dùng công an, quân đội, xe pháo đủ bộ đến cưỡng chế tước
đoạt. Ngày 14 tháng 10 năm 2008 chính quyền quận 9 cũng tổ chức một cuộc
cưỡng chế hoành tráng như vậy. Gia đình chị Gái lập tức phát đơn tố cáo
hành vi cưỡng chế trái pháp luật của chính quyền quận 9. Tuy nhiên đến
nay vẫn không có kết quả gì. Bà Gái kể, ông Phan Thế Truyền đã từng đắc
chí tuyên bố với bà:”Bà đi kiện đi, thắng tôi chặt bàn tay tôi đền cho
bà”. Có lẽ ông ta quá biết một khi người dân sống trong chế độ cộng sản
độc tài toàn trị thì không bao giờ tìm được công lý và lẽ phải nên
giọng ông ta khá hùng hồn. Ông ta không hiểu một khi chế độ này không
còn tồn tại trong lòng nhân dân thì có chặt cả trăm cái đầu như ông ta
cũng không đền được.
Cũng
cần nói rõ thêm về công ty Công ty CP Phát Triển Khu Công Nghệ Cao mà
ông Phan Thế Truyền làm đại diện. Vốn xưa kia ( hơn mười năm về trước)
là công ty xây lắp dầu khí, thuộc ban kinh tài của thành ủy (Kinh tế
đảng). Làm ăn thế nào mà thua lỗ đến phá sản. Sau đó được UBND Tp HCM
“hóa kiếp” thành Công ty CP Phát Triển Khu Công Nghệ Cao. Tiếng là “Cao”
nhưng lại rất “Thấp”. Công ty này chẳng có gì để gọi là “phát triển khu
Công Nghệ Cao” cả, bởi họ có biết gì về “Công Nghệ Cao” đâu mà “Phát
Triển”. Đây chỉ là một công ty kinh doanh địa ốc đơn thuần mà thôi, cái
tên đặt ra chỉ để “ăn theo” dự án khu Công Nghệ Cao của nhà nước. Hiện
tại họ chỉ làm dự án phân lô bán nền lại cho chính quyền để chính quyền
bán lại cho dân tái định cư.
ĐÃ “ĂN THEO”, “ĂN CHỰC” LẠI CÒN MUỐN “ĂN GIỰT”, “ĂN DƠ”
Gia
đình bà Gái là gia đình có truyền thống cách mạng từ thời kháng chiến
chống Pháp. Ông bà nội của bà Gái là cơ sở cách mạng của các cán bộ
kháng chiến. Cha bà Gái, ông Trần Văn Xê, là một du kích quân khét tiếng
diệt ác ôn thời chống Mỹ, ông hy sinh hồi Mậu Thân. Hai người chú của
bà Gái là các ông Trần Văn Hoảnh, ông Nguyễn Văn Xích cũng đã hy sinh
trong kháng chiến chống Mỹ. Bà nội bà Gái là Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng Lê
Thị Lãnh đã mất trong nghèo khó hồi năm 1990.
Gia
đình bà Gái thuộc diện nghèo ở địa phương. Vợ chồng bà có 4 người con,
hai trai hai gái. Tuy nghèo nhưng ông bà vẫn nuôi con đến nơi đến chốn.
Mấy người con lớn hồi trước nghèo quá không có tiền ăn học lên cao nhưng
cũng có người hết cấp hai, nay có nghề nghiệp làm công nhân nên cuộc
sống cũng tạm ổn. Cô con gái út thì nay đang học cấp 3, chuẩn bị lên đại
học. Bà Gái được ông Nội bà chia cho một phần đất có diện tích 1600 mét
vuông ở mặt tiền đường Man Thiện. Bình thường, bà nuôi gà vịt, trồng
rau để tự cung tự cấp phần nào cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày nên cũng
tạm ổn. Kể từ ngày bị cưỡng chế vô “khu tạm cư”, một nơi chỉ hơn “trại
tập trung” là được tự do ra vào, gia đình bà sống vô cùng khó khăn vì
mất đi nguồn sản xuất. Nếu không bị quy hoạch, vợ chồng bà dự định sẽ
chia cho mấy người con mỗi người một nền nhà để họ riêng an cư lạc
nghiệp. Phần còn lại vợ chồng bà có thể bán hoặc cho thuê kiếm tiền an
dưỡng tuổi già. Với giá đất theo thị trường khu vực này dù thời điểm nhà
đất đóng băng vẫn trên 10 triệu đồng một mét vuông. Vậy mà chính quyền
tính ngang tính dọc thế nào chỉ đền bù cho gia đình bà có hơn 650 triệu,
một cái nền tái định cư 110 mét vuông thì phải mua lại với giá 1,2
triệu một mét vuông. Với giá đền bù rẻ mạt như vậy gia đình bà không thể
tái ổn định cuốc sống. Không chấp nhận thì chính quyền đem quân đến
trấn áp cưỡng chế. Cách làm như vậy tránh sao người dân không gọi là
dùng súng “cướp đất“của dân? Dùng sức mạnh công vụ tước đoạt lợi ích
hợp pháp của người dân hiền lành là một tội ác không thể nào dung thứ.
Thế
hệ các cán bộ cách mạng được nhân dân yêu thương che chở, nuôi dưỡng
như người thân của họ. Người làm cách mạng ngày xưa chỉ biết chấp nhận
hy sinh bản thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Họ không đi làm cách mạng để cầu mong vinh hoa phú quý. Họ được nhân dân
cho ăn khi đói nhưng lại rất tự hào là mình “ăn chực” của dân. Bởi cái
ăn đó là tình cảm yêu thương của người dân, thậm chí là xương máu. Biết
bao người dân ở vùng “Bưng Sáu Xã” này bị bom đạn Mỹ là cho tan xương
nát thịt khi tiếp tế cho cán bộ cách mạng? Biết bao nghiêu người dân vì
tiếp tế cho cộng sản mà phải chịu tù đày mang bệnh tật? Họ có đòi hỏi sự
bù đắp nào đâu? Vậy mà thế hệ tiếp nối sau này, chỉ là những kẻ “ăn
theo” như ông Thắng, tên Nam,… đã làm được gì cho nhân dân lại còn tiếp
tay cho bọn “ăn giựt”? Hay là họ cho rằng “ăn theo” chưa đủ nên tập tành
theo thói “ăn giựt” để mau giàu, mau tiến thân? Lạm dụng quyền lực công
vụ để bảo vệ lợi ích cho những kẻ “ăn giựt” của nhân dân nhằm kiếm ăn
thì lại thêm tội “ăn dơ”.
Đối
với Công ty CP Phát Triển Khu Công Nghệ Cao cũng thế. Bản chất chỉ là
một công ty “ăn theo” dự án Khu Công Nghệ Cao của nhà nước mà thôi. Họ
có thể đầu tư kinh doanh địa ốc để đón đầu các cơ hội mang lại từ dự án
Khu Công Nghệ Cao. Nhưng họ phải sòng phẳng và rõ ràng đối với việc đền
bù đất đai của người dân. Có tiền chi trả đàng hoàng cho dân thì mới gọi
là đầu tư. Không tiền mà lại móc nối với các thế lực núp bóng chính
quyền, lạm dụng công lực của chính quyền để tước đoạt quyền lợi hợp pháp
của người dân thì gọi là “ăn giựt”, “ăn dơ” (một cách gọi nhẹ hơn của
“ăn cướp”) chứ không thể gọi là đầu tư. Trong một nền kinh tế thị trường
mà đất đai không bồi thường cho người dân theo cơ chế thị trường, lại
dùng quyền lực công để tước đoạt thì dù có lấy được đất của họ thì cũng
là “đất dơ”, không phải “đất sạch”. Người dân dù có bị tước đoạt nhưng
hàng trăm năm sau chủ quyền vẫn thuộc về họ và con cháu họ. Nhà đầu tư
nào sử dụng “đất dơ” thì sản phẩm họ làm ra cũng bị xem là “hàng hóa dơ”
đối với thị trường thế giới. Các sản phẩm sẽ đó bị tẩy chay ở mọi nơi.
Công ty CP Phát Triển Khu Công Nghệ Cao chắc cũng hiểu điều này. Nhưng
thực chất họ có đầu tư gì đâu nên họ vẫn cứ nhắm mắt làm bừa. Sản phẩm
của họ chỉ là chung cư tái định cư hoặc nền đất tái định cư được chính
quyền bao tiêu có bị tẩy chay đâu mà sợ. Chính vì vậy mà mới có chuyện
phối hợp “ăn ý” giữa công ty CP Phát Triển Khu Công Nghệ Cao và chính
quyền quận 9 trong việc trấn áp nhân dân nhằm tước đoạt tài sản hợp pháp
của họ như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Gái nêu trên.
XỬ LÝ NGHIÊM ĐỂ TRẢ LẠI NIỀM TIN CHO NHÂN DÂN
Chính
quyền hiện tại xuất phát điểm sinh ra từ xương máu của nhân dân, lấy
lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phục vụ. Do đó yêu cầu nghiêm ngặt đối
với mọi cán bộ, nhân viên công chức là phải biết tôn trọng nhân dân.
Không được phép lạm dụng công vụ để bảo kê cho kẻ mạnh, kẻ có tiền, có
thế lực. Cách đối xử “cạn tàu, ráo máng” của chính quyền quận 9 đối với
gia đình bà Gái, một gia đình có truyền thống cách mạng, con cháu của
những liệt sĩ đã hy sinh xương máu xây dựng nên chế độ này, là cách xử
sự của kẻ “ăn cháo đá bát”, kẻ phản phúc, kẻ vô ơn bội bạc. Không đúng
với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam. Cung cách đó
còn mang tính phản bội lợi ích nhân dân, mãi mãi bị người đời nguyền
rủa. Những sai phạm trọng việc lạm dụng quyền lực công vụ do ông Trần
Văn Thắng, phó công an phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 dẫn đầu là không
thể chấp nhận. Đặc biệt là đối với Đào Khánh Nam, cần phải đuổi ra khỏi
ngành công an. Hành vi côn đồ dã man của hắn chẳng những vi phạm pháp
luật mà còn vi phạm đạo đức công chức, vi phạm quyền con người. Hành vi
đá vào bụng phụ nữ đang mang thai còn vi phạm thêm “Pháp lệnh bảo vệ bà
mẹ và trẻ em”, có thể truy tố hình sự. Các hành vi đó tạo nên vết nhơ
cho công an quận 9. Làm xấu đi hình ảnh của người công an tận tâm tận
lực phục vụ đối nhân dân. Dư luận nhân dân quận 9 đang chờ đợi các cơ
quan chức năng xử lý nghiêm minh để trả lại niềm tin cho nhân dân đối
với chính quyền quận 9 nói chung cũng như công an quận 9 nói riêng.
BÚT THÉP
(Đại diện cho các nạn nhân phường Nhơn Phú A, Quận 9, TPHCM.)
Copy từ: Xuân Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét