CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Từ chối giải văn học: Ai nói sự thật?



Tiếp sau hiện tượng nghệ sỹ Kim Chi từ chối lời khen của Thủ tướng, lá thư ngỏ của một nhà văn về chi tiết nội bộ Hội Nhà văn Việt Nam lại khiến dư luận xôn xao.
Nhà văn Y Ban, từ Hà Nội, nói với BBC, bà hy vọng lá thư ngỏ của mình “sẽ thức tỉnh” các văn nghệ sỹ còn chưa nhận ra, hoặc vì một lý do nào đó không dám nói ra những chuyện mà ai cũng đã biết từ lâu.
Nhà văn Y Ban cho biết bà từ chối khen thưởng vì không thừa nhận ban giám khảo này, và thấy mình “ngồi hai năm trong ủy ban văn xuôi mà không làm gì giúp ích được cho những người cầm bút” nên xin rút khỏi ủy ban.

Ai nói sự thật?

Lá thư ngỏ của nhà văn Y Ban đề gửi Hội Nhà văn và Chủ tịch Hội nêu chi tiết về cách xét giải thưởng hội đồng giám khảo như chưa đọc tác phẩm vẫn bỏ phiếu, bỏ phiếu hai lần để trao giải, hay những tác phẩm hay nhưng không được chọn.
“Họ [ban giám khảo] chỉ đủ tầm để đọc loại văn học ở tầm thấp thôi, chứ còn văn học đỉnh cao thì nó còn ở nhiều trường phái khác nhau thì họ không đủ tầm để đọc,” nhà văn Y Ban nhận xét.
“Và vì không có tầm, không có tài năng nên họ cũng không đủ cái tâm.”
Nhà văn Y Ban nói về Hội nhà văn VN
Nhà văn Y Ban mong thư ngỏ “sẽ thức tỉnh” các nghệ sỹ, mong sớm sẽ có người ủng hộ niềm tin của mình.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Trong khi đó phát ngôn viên cho Hội Nhà văn, ông Đình Kính, nói với BBC rằng những lời nhận xét của nhà văn Y Ban trong lá thư ngỏ là không chính xác.
Nhà văn Bùi Đình Kính xác nhận câu trả lời của ông trên Thể thao Văn hóa là giải thưởng được tiến hành đúng quy chế, không có chuyện bỏ phiếu hai lần và “tuyệt nhiên không có chuyện” không đọc tác phẩm mà vẫn bình chọn.
Trả lời về nhận xét trên của ông Đình Kính, nhà văn Y Ban nói “hoàn toàn không ngạc nhiên”.
“Bởi vì nếu họ thừa nhận những vấn đề tôi làm ra là đúng thì có vẻ là họ sẽ sổ toẹt toàn bộ cái giá trị của họ trước đó, và cả một hội nghề nghiệp như thế, sẽ dẫn đến đâu?”
Nhà văn Y Ban tin rằng, sự thật, bằng cách này hay cách khác sẽ được phơi bày, “nhất là trong thời dân chủ như thế này nó sẽ nhanh đến được với mọi người thôi”.

Trao giải có phù hợp?

"Quy chế trao giải này năm nào cũng được cải tiến, và cho đến thời điểm này theo ý kiến cá nhân tôi, nó chuẩn rồi"
Nhà văn Đình Kính, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam
Ngay tiếp sau lá thư của nhà văn Y Ban là thư từ chối khen thưởng của tác giả với tiểu thuyết đầu tay Thế kỷ bị mất, ông Nguyễn Ngọc Cảnh Nam với lý do “đơn giản, mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương.
“Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học”.
BBC hỏi đại diện Hội Nhà văn có thấy cần thay đổi gì trong cách trao và xét giải thưởng để nhà văn thấy mình được tôn vinh hơn, hay cách trao giải này đã phù hợp rồi.
Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, ông Đình Kính trả lời, “quy chế trao giải này năm nào cũng được cải tiến, và cho đến thời điểm này theo ý kiến cá nhân tôi, nó chuẩn rồi”.
“Nhưng, đương nhiên, do có những dư luận này nọ, nên có thể là năm sau Ban Chấp hành sẽ họp lại và có thể có những cái thay đổi,” nhà văn Đình Kính nói thêm, chỉ là thay đổi về tiểu tiết.
Về việc nhiều nghệ sỹ, nhà văn gần đây từ chối giải thưởng, bằng khen, không chỉ riêng ở Hội Nhà văn, ông Đình Kính nói, “ví dụ như vừa rồi người ta có ồn lên về cái sự việc của chị Kim Chi, nhưng người ta đã trao đâu, người ta mới định trao thôi đấy chứ.”
Với nhà văn Y Ban, đây là những người mà bà “rất tôn trọng và ngưỡng mộ”, song việc bà từ chối nhận khen thưởng là hoàn toàn độc lập và vì “mong tới những điều tốt đẹp, trung thực với bản thân, với ngòi bút”.

Eo xèo

Nhà văn Y Ban cho rằng xã hội không phát triển được vì vẫn còn lợi ích nhóm, còn tham nhũng, “suy thoái trong tất cả mọi vấn đề”.
Nhà văn Y Ban 'nói không chính xác'
Nhà văn Đình Kính, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam nói những chuyện nhà văn Y Ban kể trong thư ngỏ là 'không chính xác'.
“Các loại hình nghệ thuật eo xèo hàng 10 năm nay rồi, chứ không phải đến bây giờ,” vì mọi người nể nang nhau, không muốn vạch áo cho người xem lưng.
“Nhà văn chúng tôi thi thoảng cười với nhau cũng nói bao giờ cho đến ngày xưa. Bởi vì ngày xưa hình như các nhà văn, sự tài năng đối với tài năng nó đẹp hơn bây giờ, chứ nó không bị dìm đến như bây giờ,
“...Người ta cố tình người ta đánh tráo cái việc đấy,” theo nữ nhà văn.
Đối với tác giả của I am Đàn bà, hành động này được coi là “tội ác” vì “vì kéo tụt đất nước”, làm đất nước không phát triển được.
Bình luận về sự sáng tạo và những ý kiến khác số đông cần có trong xã hội phát triển, bà nói, “một nhà văn luôn luôn phải sáng tạo, chính lúc chúng ta ngừng sáng tạo là chúng ta đã thụt lùi”.



Copy từ: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét