Hôm qua, ở Thủ đô, một triển lãm “bá đạo” được tổ chức dưới cái tên “Chợ sức khỏe”. Ôi giời, tràn lan là ảnh ngủ gậm giường hoặc màn trời chiếu đất bên hành lang, vỉa hè bệnh viện. Những cảnh cá hộp “xưa như trái đất, thật như hiện tại, đúng như tương lai”. Muốn có sức khỏe phải ra chợ. Đã ra chợ, phải mất tiền mua. Và đã mua bán, thế nào cũng gặp phường gian dối. Gặp thực phẩm ôi thiu. Cái chữ “Chợ” càng nghĩ càng thấy “bá đạo”. Nhưng triển lãm này cũng sai đúng ở chữ “chợ”. Bởi chưng “luật chợ” là người ta có quyền mặc cả. Có quyền chê đắt. Có quyền làm thượng đế. Và có quyền lắc đầu. Trong khi đến “chợ” mua sức khỏe thì kể cả có tiền, xin mời xếp hàng, cứ hẵng “nu pa ga zi” đã.
Hôm qua cũng là ngày nữ Bộ trưởng xinh như búp bê, chắc là cay đắng thừa nhận “tình trạng cá hộp”, ngôn ngữ ngành y là “quá tải” ở hầu hết những cái “chợ lớn”. Chắc bà cũng chẳng vui vẻ gì với thường niên hình ảnh “Bệnh nhân bò từ gậm giường ra chào Bộ trưởng”. Đây là câu chuyện cần sự cảm thông của bà con, bởi giảm hay không giảm phụ thuộc vào vấn đề đầu tiên. Chuyện những “cái chợ” không đơn giản là việc vẽ trên giấy là được. Huống chi, ngân sách đang hụt thu. Huống chi, tiền còn phải để xây dựng bảo tàng 11 ngàn tỷ, để lập kế hoạch nhà hát nửa triệu đô, để xây “sân vận động massage”.
Hôm qua, trên VietNamNet, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL một mặt thừa nhận tình trạng “vừa thừa – vừa thiếu” đang xảy ra đối với nhiều công trình văn hóa, mặt khác lại chê “Nửa tỉ đô chưa chắc đã đủ” để xây một nhà hát lớn và “nổi tiếng trên thế giới”.
Giời ạ. Cơ bản là nhà hát đó trình diễn cái gì. Cơ bản ai sẽ đến nhà hát đó chứ không phải cứ cầu chữ to là được.
Chuyện nhà hát và những cái bệnh viện giờ giống y sì như chuyện “no con mắt và đói cái bụng” khi huyện nghèo miền núi Krông Nô vốn “chỉ có” 34,16% hộ nghèo, học đòi định tổ chức bắn pháo hoa.
Ừ thì “Không có một đất nước nào lại dừng lại và không hoạt động gì trong lúc khó khăn cả”. Cũng đúng khi “Bên cạnh đời sống vật chất thì còn nhu cầu đến hưởng thụ đời sống tinh thần”. Nhưng những người bụng sôi ùng ục, đang phải nằm chen như cá hộp trong gầm giường những cái “chợ bệnh viện” xin đặt một câu hỏi nhỏ: Những cái nhà hát hoành tráng, những Viện bảo tàng siêu khủng sẽ trình diễn những gì về cuộc sống đương đại? Bảo tàng lịch sử sẽ là nơi triển lãm những bức ảnh cơ cực với chủ đề “Chợ cóc bệnh viện”. Nhà hát sẽ là nơi những diễn viên mặc áo pijama hát lên khúc “bệnh viện bi ca”?
Hẳn nhiên việc no cái bụng chính đáng hơn sướng con mắt. Hẳn nhiên nỗi cơ cực ngoài da nhiêu khê, khốn khổ hơn nhiều so với thú vui tao nhã là “quần là áo lượt tai không trâu” đến nhà hát nghe nhạc giao hưởng.
Tin mừng là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện. Theo đó, đến 2020, mỗi bác sĩ chỉ còn phải khám 35 bệnh nhân/ngày và tại các bệnh viện sẽ không còn tình trạng quá tải. Cụ thể hơn, đến 2015 phải “cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép”.
Tin không mừng là một quan chức ngành thể thao khẳng định kinh phí tổ chức Asiad 2019 “chỉ 150 triệu USD” là “vừa sức”.
Nếu được một điều ước, giản dị thì đó là 34,16% hộ nghèo Krông Nô bỗng nhiên thoát nghèo để được hưởng một đêm pháo hoa thỏa thích. Hay thực tiễn hơn, Sân vận động Mỹ Đình trị giá 53 triệu USD sẽ trở thành Viện Châm cứu, thay vì massage đá nóng.
Nhưng ước mơ lãng mạn nhất của dân chúng thì dứt khoát phải là việc Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn sang tận Giảng Võ “ngỏ lời” với nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến với món tặng phẩm là 10.800 tỷ giải cứu cho những con cá hộp đang rúc gậm giường trong những cái chợ vẫn được gọi là bệnh viện!
Copy từ: Đào Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét