1/3 dân VN 'thoát cảnh đói nghèo'
Báo cáo mới nhất của
Ngân hàng Thế giới ngày 24/1 nói tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng
kể, nhưng cảnh báo những khó khăn trước mặt.
Thống kê được đăng tải trên trang web của tổ
chức này cho thấy trong 20 năm qua, tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam đã giảm
từ 60% xuống 20.7%.Khu vực giáo dục cũng đã có nhiều cải thiện, cụ thể tỷ lệ đăng ký đi học trường tiểu học và trung học ở bộ phận người nghèo đã tăng lần lượt hơn 90% và 70%.
Trình độ giáo dục được nâng cao cùng với việc đa dạng hóa những hoạt động phi nông nghiệp như làm việc ở công trường, nhà máy cũng giúp giảm tỷ lệ nghèo đói những năm qua.
Thử thách trước mắt
Mặc dù thừa nhận những điều đạt được là "rất ấn tượng," Bà Valerie Kozel, kinh tế gia kỳ cựu của Ngân hàng Thế giới, đồng thời là người đóng góp chính trong bản báo cáo cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách lớn."Tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây vì bất ổn vĩ mô và những cú sốc từ bên ngoài, khoản cách giàu nghèo đang tăng và đói nghèo ở khu vực người thiểu số vẫn cao," bà bình luận trong bản báo cáo.
"Những người nghèo còn lại rất khó để tiếp cận. Họ đối mặt với những thử thách khó khăn như bị cách ly, phương tiện hạn chế, trình độ giáo dục và điều kiện sức khỏe thấp."
"Trong những năm tới, việc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực của chính phủ, xã hội và thậm chí cả những đối tượng trong diện nghèo"
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội
Hầu hết các nhóm thiểu số đang định cư ở những khu vực khá cách ly và năng suất lao động thấp hơn những khu vực khác của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng đóng góp một phần vào sự thiếu cân bằng giữa thu nhập và cơ hội phát triển.
Một số người nghèo, đặc biệt là những người sống trong khu vực nông thôn hoặc thành phố nhỏ thường có ít cơ hội tiếp cận môi trường giáo dục, việc làm hay dịch vụ y tế chất lượng cao.
Báo chí Việt Nam thỉnh thoảng cũng nêu những câu chuyện 'đau xót' về cảnh nghèo ở các vùng sâu, vùng xa.
Gần đây nhất, truyền thông trong nước nói nhiều về chuyện trẻ em ở một xã thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La ' ăn thịt chuột để qua ngày giá rét'.
Quá trình đô thị hóa cũng đang mang lại những thử thách cho Việt Nam, theo báo cáo.
Nhiều người lên thành thị từ khu vực nông thôn để làm việc trong các khu vực công nghiệp và dịch vụ tư nhân thiếu các quyền lợi lao động như bảo hiểm y tế vào lương hưu.
"Trong những năm tới, việc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực của chính phủ, xã hội và thậm chí cả những đối tượng trong diện nghèo."
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới dẫn lời bình luận như vậy của bà Nguyễn Thị Hương Lan, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội tại Việt Nam.
Những gì cần làm
"Việt Nam cần thúc đẩy một số khu vực quan trọng," bà Kozel nói."Tăng trưởng đã là động cơ chính giúp giảm đói nghèo và Việt Nam cần phải có các biện pháp đảm bảo ổn định vĩ mô, giảm lạm phát và đảm bảo giữ được tăng trưởng trong tương lai."
Kinh tế gia kỳ cựu của Ngân hàng thế giới nhận xét thêm rằng cần phải trải tăng trưởng đều ra khắp nơi bằng cách mở rộng đầu tư ở khu vực nông thôn, thúc đẩy năng suất lao động trong ngành nông nghiệp bên cạnh các chính sách hỗ trợ sản xuất nặng về lao động bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần được thực hiện.
Ngoài ra, chính phủ cũng cần phải đảm bảo việc lao động có trình độ có khả năng di chuyển sang các vùng và những ngành công nghiệp mới khi cần việc làm.
Copy từ: BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét