Thủ tướng
Dường như ông đang cố tìm cách lấy lại hình ảnh sau cuộc kiểm điểm hụt
tại hội nghị 6. Lâu rồi mới thấy một hình ảnh Thủ tướng xông xáo năng nổ
và nói hay đến thế. Liên tiếp các cuộc gặp gỡ chỉ đạo, liên tiếp các
phát biểu hay.
“Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy
tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu
mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”- Câu hỏi bất ngờ của Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến Bộ Lao động- thương binh xã hội được các báo giật tít tràn kín trang.
Thú thật, tôi cũng không ngờ Thủ tướng lại có thể hỏi được một câu hay
đến vậy. Chỉ có điều, người phải trả lời câu hỏi đó không phải ai khác
ngoài chính ông.
Có lẽ đây là phát biểu hay nhất của Thủ tướng kể từ sau bài xin lỗi và
tự bạch về việc không từ chức tại quốc hội hơn 2 tháng trước.
Cũng là lần đầu tiên nghe ông tâm sự rằng rất đau lòng trước các sự thể
đổ vỡ ở Vinashin, Vinalines: “Tuy chỉ có một vài doanh nghiệp thua lỗ,
sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng như Vinashin, Vinalines nhưng ảnh
hưởng rất lớn, khiến người dân đặt câu hỏi còn Vina nào nữa? Tôi thực sự
đau lòng, dân phê phán là đúng, thua lỗ tiền tỉ như thế ai không sốt
ruột”- Lời bộc bạch trong cuộc gặp gỡ các tập đoàn kinh tế nhà nước- những mô hình “quả đấm thép” của chính phủ đang ôm món nợ khủng đến 60 tỷ USD.
Trước đó chỉ nghe ông nhận “trách nhiệm chính trị”, nhưng theo lời ông
thì trong cái chuyện Vinashin ấy, Thủ tướng cũng chẳng ký gì sai!
Vì vậy, cú “đau lòng” lần này cũng khá bất ngờ và ấn tượng.
Bất ngờ và ấn tượng hơn khi nghe ông thẳng thừng chỉ trích sự tê liệt của đảng:
“Tôi thấy hết sức buồn. Trong cách mạng tháng Tám ta chỉ có 5.000 đảng
viên mà vẫn giành thắng lợi. Tập đoàn Vinashin có tới 6.000 đảng viên.
Nhưng mà tê liệt. Làm trái, đầu tư tràn lan, rồi trái pháp luật kéo dài
một thời gian mà tôi không nhận được bất kỳ đơn thư tố cáo của bất kỳ
đảng viên nào. Rồi người đứng đầu thì được bầu vào hết cấp ủy này đến
cấp ủy khác.
Hay ở Vinalines, mấy nghìn đảng viên mà vẫn làm sai làm trái như thế. Con sâu làm rầu nồi canh. Người dân đặt câu hỏi còn Vina nào nữa? Doanh nghiệp nhà nước đi liền với tiêu cực, phạm pháp, tham nhũng. Đội ngũ đảng viên của chúng ta rất lớn, vậy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên ở đâu?”
Hay ở Vinalines, mấy nghìn đảng viên mà vẫn làm sai làm trái như thế. Con sâu làm rầu nồi canh. Người dân đặt câu hỏi còn Vina nào nữa? Doanh nghiệp nhà nước đi liền với tiêu cực, phạm pháp, tham nhũng. Đội ngũ đảng viên của chúng ta rất lớn, vậy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên ở đâu?”
Quá hay. Đâu phải mình Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới nói đến bầy
sâu. Thủ tướng cũng nói về sâu đấy chứ. Đâu phải chỉ có Tổng Bí thư mới
phê bình chỉ trích “đảng viên nhan nhản Cộng sản mấy người?”. Thủ tướng
cũng phê bình chỉ trích đảng đấy chứ, ông nói bộ máy đảng bị “tê liệt”
cơ mà.
Tôi… thích và ấn tượng với hình ảnh Thủ tướng tuần qua.
Quả bom Đà Nẵng
Dư luận bất ngờ đến choáng váng khi Thanh tra chính phủ tung ra kết luận sai phạm đất đai tại Đà Nẵng với mức hơn 3000 tỷ giữa lúc ông Nguyễn Bá Thanh chuẩn bị bàn giao Đà Nẵng ra Hà Nội ngồi ghế Trưởng ban Nội chính trung ương.
Ý kiến chỉ đạo xử lý của Thủ tướng và cả Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
rất gắt: Yêu cầu kiểm điểm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đà Nẵng được
cho là có liên quan giai đoạn 2003-2011, đồng thời chuyển cơ quan điều
tra Bộ Công an một số trường hợp rất cụ thể.
Dư luận nóng hực. Tưởng như sắp bắt ông này bà nọ đến nơi.
Việc vốn nóng, lại như được đổ thêm dầu sau cú phản đòn tới tấp dồn dập của chính quyền Đà Nẵng.
Cú phản pháo khiến tất cả các báo phải cắt bớt nhiều chuyên mục dành
đất như thể một chuyên trang cho cuộc phản đòn của Đà Nẵng.
Tân Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh,
người vẫn còn kiêm nhiệm Bí thư Đà Nẵng khẳng định dứt dạc rằng: Đà
Nẵng làm đúng và vận dụng từ chính chủ trương của chính phủ!
Chủ tịch Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến thì thẳng thừng: cú đòn thanh tra 3000 tỷ là “bất thường và không thuyết phục”.
Bất thường quá đi chứ. Cả nước bao nơi bết bê chuyện đất đai, đến biểu
tình, trấn áp nhân dân, đến nổ súng đổ máu, đến mức dàn quân trấn áp dân
như những trận càn của địch thuở chiến tranh, đến mức dân uất ức cùng
quẫn phải chĩa súng bắn vào chính quyền… Chỉnh trang giải tỏa thì rù rì
bế tắc, đô thị cày xới nhem nhuốc bẩn thỉu. Vậy mà chẳng thấy thanh tra,
chẳng nói năng gì. Đà Nẵng đang yên lành, đang phát triển, đang nổi lên
như một hiện tượng, một mẫu hình sáng của cả nước thì lại ập vào kiểm
thanh.
Bức xúc đến mức ông Chiến thẳng băng, bất chấp: Đà Nẵng không cần giải trình nữa vì đã giải trình quá nhiều rồi.
Trước yêu cầu của Thủ tướng chỉ thị phải “kiểm điểm Chủ tịch, các Phó
chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng”, ông Chiến nói vẻ rất… thách thức: “làm sao phê bình kỷ luật được ai?”.
Đà Nẵng rúng động. Cả nước nóng lên vì chuyện Đà Nẵng.
Một hiệu ứng ngược
khá hi hữu và thú vị chưa từng có trong lịch sử: Dư luận dân chúng và
cộng đồng mạng ào ạt sôi lên như những đợt sóng cuộn cổ vũ, bênh vực
“đối tượng sai phạm”. Thậm chí cả những trang mạng vốn được xem là chống
Cộng quyết liệt đến cực đoan cũng công khai tỏ bày thái độ ủng hộ
Nguyễn Bá Thanh và Đà Nẵng.
Sử Việt chưa thời nào có chuyện ly kỳ thú vị vậy: Dân tình đi ủng hộ một quan chức bị kết luận gây… “thất thu” hàng nghìn tỷ!
Thậm chí nhiều, rất nhiều bạn đọc còn tỏ thái độ sẵn sàng ủng hộ tiền,
trích hàng tháng lương để quyên góp ủng hộ ông Thanh và chính quyền Đà
Nẵng nếu thanh tra buộc phải truy nộp 3000 tỷ gọi là “thất thu” kia.
Cú phản đòn lập tức tạo dư chấn mạnh hơn cả quả bom 3000 tỷ từ kết luận thanh tra.
Chưa biết kết cuộc thế nào.
Dù sao, sú đòn này chắc khó tạo ảnh hưởng lớn đến đường tới của Nguyễn
Bá Thanh. Nhưng lại có vẻ như đang cản “đường về” của cựu Chủ tịch Đà
Nẵng, Phó trưởng ban Tổ chức trung ương Trần Văn Minh (nhiều khi có vẻ
như đây cũng là…. cái đích chính không phụ tí nào trong sự thể ầm ĩ
này).
Ghế Bí thư Đà Nẵng thay ông Thanh vẫn bỏ ngỏ. Ông Minh, cho dù là
phương án tối ưu nhất, nhưng vẫn chỉ là 1 trong 3 ứng viên. Nếu ông Minh
không phải là người được chọn để “trở về” thì đấy sẽ là một mối lo cho
Đà Nẵng thời hậu Bá Thanh.
Ngoài 2 điểm nóng trên, cũng cần phải nhắc thêm chút về 2 sự kiện nữa:
Những bữa cơm thịt chuột của học sinh vùng cao, ngày Hoàng Sa và quân
xâm lược Trung Quốc.
Những bữa cơm thịt chuột
Hình ảnh rơi nước mắt.
Những đứa trẻ học sinh vùng cao co ro giữa mùa giá rét, phải đi bẫy
chuột để làm thịt cải thiện bữa ăn. Những cái bẫy thép hoen gỉ, những
xác chuột (nhiều khi chẳng thể phân biệt được đâu là chuột đồng, chuột
cống hay chuột nhắt) được các em thản nhiên vặt lông, nướng chặt trộn
cùng gói mì tôm trong cái nồi nước lềnh bềnh làm… canh!
Không ti vi, không sách báo. Chẳng có đứa trẻ nào nghe đọc được câu
hỏi… xót lòng của Thủ tướng: “mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ
nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì,
cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”
Thầy giáo Phó Thủ tướng, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thiện Nhân thì đang miệt mài đi chỉ huy bắt gà lậu.
Ngày Hoàng Sa và quân xâm lược Trung Quốc
39 năm trước (19/1/1974) Hoàng Sa mất. Hôm qua, không có báo nào nhớ. Hay tất cả đều cố quên? Duy nhất một tờ Thanh Niên
dành gần trọn trang báo cho ngày Hoàng Sa, thuật tả chi tiết cuộc tấn
công xâm lược của kẻ thù cùng trận tử thủ bảo vệ Hoàng Sa và sự hi sinh
anh dũng của 53 quân nhân Việt Nam cộng hòa.
Lâu lắm, mấy chục năm rồi mới nghe một tờ báo dám nhắc đến cái tên:
quân Trung Quốc xâm lược. Mấy chục năm rồi mới thấy duy nhất một tờ báo
Thanh Niên gọi thẳng người bạn “16 chữ vàng 4 tốt” là kẻ thù, là kẻ xâm
lăng, là quân xâm lược.
Cuối tuần. Khí trời vẫn lạnh, nhưng vẫn đầy sự thể nóng. Nóng đến mức
nhiều khi muốn vung nắm đấm thụi vào đâu đó vài phát cho hả dạ!
Copy từ: Trương Duy Nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét