CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Để tránh tiêu cực về đất đai


Chủ Nhật, 20/01/2013 00:04

Quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội có thể làm gia tăng mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền

Thứ nhất, quy định về quyền thu hồi đất, khoản 3 điều 58 dự thảo Hiến pháp quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Tôi cho rằng chúng ta không nên hợp hiến quá quyền thu hồi đất của Nhà nước trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
 
Nhiều vấn đề về đất đai cần bàn thảo trong dự thảo hiến pháp sửa đổi
Ảnh: THỐT NỐT
Hiến pháp năm 1992 và pháp luật đất đai hiện hành cho phép Nhà nước có quyền thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Quy định này thoáng qua có vẻ nhằm mục đích phát triển kinh tế, giúp cho xã hội đi lên thật nhưng suy nghĩ kỹ lại thì nó có khả năng làm gia tăng mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền. Có một sự thực là trong thời gian qua, các vụ khiếu kiện về đền bù giải tỏa đất đai vẫn gia tăng hằng năm; độ quyết liệt, gay gắt, dai dẳng của các cuộc tranh chấp cũng tăng.
Theo pháp luật đất đai hiện nay thì chủ đầu tư có thể có đất thông qua hai kênh: một là tự thỏa thuận với người có đất; hai là Nhà nước thu hồi đất nếu dự án thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Và thông thường nhà đầu tư chọn cách thứ hai, bởi giá đất bồi thường rất rẻ, thậm chí như trong vụ thu hồi đất ở Đông Triều, Quảng Ninh, giá đất bồi thường chỉ là 38.000 đồng/m2 trong khi giá bán ra là rất lớn.
Do đó, các nhà đầu tư thường “bắt tay” với chính quyền địa phương để cố gắng tìm cách đưa dự án của mình thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Thực tiễn quá trình thực hiện Luật Đất đai 2003 thời gian qua cho thấy nhà đầu tư, chính quyền địa phương sau khi “bắt tay” với nhau  thường có hiện tượng nhập nhằng giữa trường hợp Nhà nước thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế và trường hợp không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.
 
Chính vì vậy, để tránh tiêu cực, tham nhũng trong đất đai, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất, tránh trường hợp khiếu nại, khiếu kiện kéo dài  thì mấu chốt cơ bản nhất là thu hẹp tiến tới xóa bỏ các trường hợp thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế để không thể có hiện tượng nhập nhằng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Theo tôi, chúng ta cần xem nhà đầu tư hay người dân đều là những chủ thể bình đẳng trước luật pháp; lợi ích chính đáng của họ đều phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau, không phân biệt.
 
Nhà đầu tư nhiều tiền của có thể tạo lập những khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại, du lịch, những dự án đầu tư hoành tráng, hiện đại; nhưng họ phải tuân thủ khuôn khổ sự vận động bình thường của đời sống dân sự. Từ những bài học về giải quyết xung đột liên quan đến đất đai trong thời gian vừa qua và kinh nghiệm của các nước, tôi cho rằng không nên thừa nhận quyền thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế - xã hội như quy định tại khoản 3 điều 58 dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
 
Thứ hai, quy định về tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Điều 57 dự thảo Hiến pháp quy định “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”.
 
Quy định chung chung như vậy rất dễ dẫn đến việc hiểu nhầm, ví dụ rừng trồng mà không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước thì đâu thể thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, mà nó phải thuộc sở hữu của chủ đầu tư, điều này cũng được Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định rõ.
 
Do đó, tôi cho rằng cần bổ sung và cụ thể hóa điều 57 dự thảo Hiến pháp như sau: “Đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn ngân sách Nhà nước, núi, sông, hồ, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, ngoại giao, quốc phòng, an ninh là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM)
 
 

Copy từ: Người Lao Động


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét