Lê Anh Hùng (Danlambao)
- Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 mới đây của Tập đoàn Điện
lực Việt Nam (EVN), PTT Hoàng Trung Hải đã khiến không ít người nghe
“mát lòng” khi phát biểu: “Giá điện hiện nay không rẻ!”. Tuy
nhiên, nếu ai đó vội tin rằng ngài Phó Thủ tướng “phụ trách kinh tế
ngành” có giải pháp thích đáng giúp hạ giá điện thì sẽ sớm thất vọng
tràn trề.
Mười hai năm trước, khi mới rời vị trí Tổng Giám đốc EVN để đảm nhiệm
cương vị Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo
Tuổi Trẻ, vị tân Thứ trưởng đã khẳng định chắc nịch: “An
ninh năng lượng là vấn đề quốc gia nào cũng đặt lên hàng đầu. Mặc dù
Trung Quốc, Campuchia, Lào có tiềm năng và đã sản xuất thủy điện rất
lớn, nếu nhập điện từ họ có thể giá rẻ, nhưng chúng ta có thể sẽ mất cơ
hội làm chủ công nghệ và mất cơ hội tạo công ăn việc làm trong nước và
mất cả ngoại tệ.” Ấy vậy nhưng, suốt nhiều năm qua, dưới sự
chỉ đạo của cánh tay phải của Thủ tướng đương nhiệm, Việt Nam không chỉ
nhập khẩu điện ngày càng nhiều từ Trung Quốc với giá cao (cùng những
điều kiện hợp đồng ngặt nghèo), mà còn gần như dâng cả ngành điện lực, một ngành kinh tế trọng yếu của quốc gia, cho người láng giềng “4 tốt 16 chữ vàng” này. (1)
Ai cũng biết rằng, chỉ trong một thị trường điện cạnh tranh, người dân
mới được hưởng giá điện cạnh tranh kèm theo dịch vụ tương xứng, phản ánh
đúng mức giá thị trường của loại hàng hóa đặc biệt này. Trong khi đó, ở
Việt Nam, kể từ khi nền kinh tế đất nước chuyển sang vận hành theo cơ
chế thị trường “định hướng XHCN”, Tổng Cty Điện lực Việt Nam mà bây giờ
là Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn là một người khổng lồ thống trị tuyệt
đối trên thị trường điện, cả ở khâu sản xuất lẫn khâu truyền tải và
phân phối. Theo báo Kinh tế và Đô thị ngày 4/4/2012: “Hiện
tại, các doanh nghiệp của EVN chiếm trên 70% tổng sản lượng điện sản
xuất, EVN độc quyền 100% ở khâu truyền tải và giữ 95% ở khâu phân phối
điện cả nước. Cùng với đó, công ty mua buôn điện duy nhất là Công ty mua
bán điện và đơn vị vận hành hệ thống và thị trường điện là Trung tâm
điều độ hệ thống điện quốc gia vẫn trực thuộc EVN. Thực tế này cho thấy,
rất khó tạo ra thị trường phát điện cạnh tranh, chưa nói gì đến thị
trường bán lẻ điện cạnh tranh.”
Việc mở cửa ngành điện, tạo lập thị trường điện cạnh tranh lành mạnh đã
được nói đến nhiều ngay từ những năm 1990, song luôn bị ông Hoàng Trung
Hải, người khuynh loát ngành điện Việt Nam suốt 15 năm qua, (2) tìm mọi
cách trì hoãn. Cũng trong cuộc phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ nói trên,
trước câu hỏi “Như thế tới đây thị trường điện sẽ mở rộng cửa?”, ngài tân Thứ trưởng lúc bấy giờ đã hồn nhiên thế này: “Có
một vấn đề: khi có sự độc quyền thì trách nhiệm cung cấp điện là của
Tổng Cty nhưng nếu mở cửa thị trường thì trách nhiệm của các doanh
nghiệp là như nhau. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy nếu đi quá nhanh sẽ
gây hoảng loạn trên thị trường vì trách nhiệm đấy không còn ai lo” (!!!). Và chính nhờ sự “lo xa” của ngài Thứ trưởng rằng “trách nhiệm cung cấp điện không ai lo” nên trên thị trường điện Việt Nam mới có những hiện tượng kỳ lạ như báo Tiền Phong ngày 26/7/2012 đã nêu: “Trong
khi ra sức ép các nhà máy thủy điện, thậm chí họ phải chào giá 0 đồng
để được chạy máy thì Tập đoàn điện lực VN (EVN) lại vác tiền đi mua điện
của Trung Quốc với giá cao gấp 2 đến 3 lần.”
Trong cuộc trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội ngày 7/11/2011, khi phóng viên đặt câu hỏi “Trước
đây Chính phủ cho tạm ngừng cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc EVN, đã kéo
dài nhiều năm, đến nay chưa biết khi nào tiếp tục cổ phần hóa các nhà
máy điện. Tại sao phải ngừng lâu như vậy trong khi EVN đang cần tiền để
giải quyết khó khăn?”, ngài PTT đã điềm nhiên rằng: “…
việc ngừng cổ phần hóa các công ty cũ là để sắp xếp, chờ tái cơ cấu
xong vì liên quan đến thị trường. Nếu cứ để nguyên như vậy, để cho lẻ tẻ
các nhà máy điện cổ phần hóa thì về sau thị trường sẽ bị chia lắt nhắt,
quá nhỏ. Như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, không lành
mạnh. Thứ hai, khi các nhà máy tách riêng, khả năng cạnh tranh rất khó
khăn vì mỗi nhà máy có đặc thù riêng: nhiệt điện, điện khí, thủy điện…”(!!!).
Bên hành lang Quốc hội ngày 7/11/2011:
“Phải hình thành thị trường điện cạnh tranh, ít nhất là ở khâu phát
điện!” (Ảnh: Ngọc Thắng – Vietnamnet)
Và đến khi Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 23/11/2012 theo Quyết định
số 1782/QĐ-TTg (3) thì người ta hiểu rằng chắc phải đợi đến Tết Công
Gô, Việt Nam may ra mới có cái gọi là “thị trường điện cạnh tranh” bởi
EVN vẫn tiếp tục cuộc chơi “cạnh tranh” theo kiểu “một mình một chợ”,
sẵn sàng và dư sức bóp chết bất kỳ đối thủ nào dám manh nha ý đồ “cạnh
tranh lành mạnh”.
Dĩ nhiên, chừng nào Tết Công Gô còn chưa đến, chừng đó người dân còn
tiếp tục được nghe những điệp khúc “mát ruột mát gan” (4) của ngài Phó
Thủ tướng như: “Cần giá điện cạnh tranh, minh bạch và công bằng”; “Giá điện không phải muốn là tăng”; “Tới đây phải công khai giá thành điện”; “Giá điện sẽ theo cơ chế thị trường”, v.v và v.v. (5)
Để hình dung ra bức chân dung đích thực của ngài PTT “phụ trách kinh tế
ngành”, cánh tay phải của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mời quý vị xem thêm
các bài: Điều gì đang xẩy ra với ngành điện lực của Việt Nam; Một nền kinh tế đang trên đà “Hán hoá”?
Hà Nội, 18/1/2013
________________________________________
Chú thích:
(1) Báo Thanh Niên ngày 14/1/2013 còn đăng bài “Điện nội ế vẫn nhập điện từ Trung Quốc” với giá cao.
(2) Giai
đoạn 9/1995-6/1997, ông Hoàng Trung Hải là Ủy viên Hội đồng quản trị
kiêm Trưởng ban Kiểm soát Tổng Công ty Điện lực Việt Nam; giai đoạn
4/1998-8/2000: Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty
Điện lực Việt Nam; sau khi rời EVN để đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng rồi
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (2000 – 2007) và sau đó là Phó Thủ tướng “phụ
trách kinh tế ngành” từ năm 2007 đến nay, EVN luôn thuộc quyền chỉ đạo
của ông ta.
(3) Trong
quyết định này, đáng chú ý là (i) Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc
gia và Cty Mua bán điện được giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm
trong cơ cấu Cty mẹ - EVN, và (ii) con số doanh nghiệp phải cổ phần hoá
là rất ít và đều là DN nhỏ, chủ yếu mang tính chất hỗ trợ chứ không
chuyên về sản xuất hay truyền tải và phân phối điện, số DN sẽ cổ phần
hoá mà EVN nắm giữ vốn điều lệ dưới 50% lại càng ít ỏi.
(4) Hẳn
nhiều người vẫn chưa quên là trong cuộc hội thảo khoa học về vai trò
của công nghiệp khai thác bauxite - sản xuất alumina - nhôm ngày
9/4/2009 tại Hà Nội, chính Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng từng kết luận
một câu xanh rờn: “Không khai thác bauxite bằng mọi giá!” Đến giờ thì
chắc ai cũng biết dự án khai thác bauxite Tây Nguyên “nổi tiếng” kia
đang “tiến triển” như thế nào và “hiệu quả” ra sao. Là dự án thuộc
lĩnh vực quản lý của mình nên, dĩ nhiên, dự án Bauxite Tây Nguyên có sự
“đóng góp” rất lớn của ngài PTT “phụ tránh kinh tế ngành”.
(5) Theo Quyết định số 1476/QĐ-TTg ngày 25/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì PTT Hoàng Trung Hải được giao những nhiệm vụ:
- Giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác trong khối kinh tế ngành và phát triển sản xuất bao gồm: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại - xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường.
- Chỉ đạo bảo đảm năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
- Các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia và các dự án nhóm A có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
- Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
- Phát triển các loại hình doanh nghiệp và kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
- Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và đầu tư ODA.
- Công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
- Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Làm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các Dự án trọng điểm về dầu khí; Trưởng Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm; Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản; Chủ tịch Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan.
- Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng.
Ngày
25/3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 320/QĐ-TTg bổ
nhiệm PTT Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư
Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội; ngày 12/9/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
ký quyết định số 1250/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các
công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Trưởng ban là Phó
TT Hoàng Trung Hải; ngày 4/5/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết
định số 580/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện Hạt
nhân Ninh Thuận, Trưởng ban là PTT Hoàng Trung Hải; ngày 15/4/2011, Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 546/QĐ-TTg, bổ nhiệm PTT Hoàng
Trung Hải làm Chủ tịch Uỷ ban An ninh Hàng không Dân dụng Quốc gia.
Ngoài ra PTT Hoàng Trung Hải còn là Trưởng ban Ban chỉ đạo Nhà nước Dự
án Thuỷ điện Sơn La; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện
VI, v.v.
Tóm lại, ông Hoàng Trung Hải chính là người nắm giữ chiếc ghế quan trọng thứ hai trong Chính phủ sau Thủ tướng.
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét