Đã quên nỗi nhục mất Hoàng Sa chưa?
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
.
Chuyện xưa: Câu Tiễn là vua nước Việt.
Khi Ngô vương Phù Sai chuẩn bị tấn công nước Việt, Câu Tiễn mang quân
chủ động đánh trước. Vì xem thường binh lực của nước Ngô mà Câu Tiễn bị
thua to ở Phù Tiêu, đem tàn quân trốn tránh ở núi Cối Kê.
Phù Sai đem quân bao vây Cối Kê, Câu Tiễn
buộc phải xin hàng. Ông bị đưa về nước Ngô làm con tin. Ông dùng khổ
nhục kế, tỏ ra một lòng một dạ với Ngô Vương kể cả phải nếm phân chẩn
bệnh cho Phù Sai, nên Phù Sai cho là ông đã mất hết ý chí bèn tha cho
về. Thời gian ở nước Ngô cũng như khi được
thả về nước, Câu Tiễn phải chịu rất nhiều nhục nhã và lao khổ để nuôi
chí báo thù. Ông bỏ giường, lấy gai lót lên nền nhà để nằm. Quả mật đắng
luôn luôn treo ở gần, thỉnh thoảng lại nếm một ít như để nhắc lại nỗi
tủi nhục, khổ đau. Mỗi lần như thế là một lần Câu Tiễn tự hỏi: “Đã quên
nỗi nhục ở Cối Kê chưa?” Cụm từ “nếm mật nằm gai” sinh ra từ đó.
Sau này, Câu Tiễn lấy được nước Ngô, Phù Sai tự vẫn.
Chuyện nay: Ngày 19/1/1974, Hải chiến
Hoàng Sa nổ ra giữa Việt Nam Cộng Hòa và Trung Cộng sau 3 ngày hai bên
triển khai thế trận. Trong một cuộc giao tranh chừng 30 phút, quần đảo
Hoàng Sa đã rơi vào tay quân xâm lược Trung Cộng. Hoàng Sa thuộc chủ
quyền của Việt Nam, trước đó đang do Việt Nam Cộng Hòa quản lý.
Trong cuộc hải chiến ấy, 74 chiến sĩ quân
đội Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận. Một số người lênh đênh trên biển sau
mới được tàu chở dầu Hòa Lan hoặc ngư dân cứu vớt. Có người chết trên
biển vì bị thương và kiệt sức. Có người được vớt lên nhưng sau đó không
qua khỏi.
39 năm qua, người ta phân tích, đi tìm
nguyên nhân của việc mất Hoàng Sa. Không thể đổ cho những người lính
chiến đấu không dũng cảm. Cũng khó mà chỉ đổ cho phương tiện chiến đấu
thiếu hay lạc hậu. Người ta phân tích nguyên nhân sâu xa của nó mà
thuyết phục nhất có lẽ là bởi công hàm của ông Phạm Văn Đồng năm 1956.
Nhưng không chỉ vì mỗi cái công hàm ấy mà vì chính sách ngoại giao của
Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Mất Hoàng Sa là nỗi đau không thể nào
nguôi trong tâm khảm mỗi người Việt Nam chân chính. Mỗi năm, cứ đến ngày
19/1, lòng chúng ta lại quặn thắt hơn lúc nào hết. Nỗi hận này không
bao giờ được quên.
Thiết nghĩ, mỗi người Việt Nam, trước hết
là các nhà lãnh đạo đất nước cũng nên học người xưa, thỉnh thoảng cần
tự vấn: “Đã quên nỗi nhục mất Hoàng Sa chưa?”
19/1/2013
NTT
Copy từ: Nguyễn Tường Thụy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét