GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992
Copy từ: Pháp Luật
Không thể tùy tiện hạn chế quyền công dân
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nên bỏ cách ghi công
dân có quyền này, quyền kia “theo quy định của pháp luật”.
Sáng 24-1, Thường
trực HĐND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp (HP) 1992. Các đại biểu tập trung góp ý xoay quanh các nội dung về
quyền con người, quyền công dân; Hội đồng HP; chính quyền địa phương…
Có sự chưa thống nhất
Liên quan đến Chương 2 “Quyền con người, quyền và
nghĩa vụ cơ bản của công dân”, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ
nhiệm Văn phòng QH, cho rằng điểm tiến bộ so với HP hiện hành là dự thảo
đã bổ sung quy định về quyền con người để phù hợp với nội dung công ước
quốc tế mà VN là thành viên. Tuy nhiên, cách thể hiện trong dự thảo
chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Các chế định liên quan để thực hiện
các quyền này cũng chưa thống nhất.
“Điều 20 dự thảo quy định “quyền và nghĩa vụ công dân do HP và luật quy định”.
Có nghĩa là quy định về các quyền cơ bản của công dân phải do QH ban
hành. Nhưng cũng trong chương này lại ghi một số quyền thực hiện “theo
quy định của pháp luật”. Ví dụ Điều 26 ghi “công dân có quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Cách ghi không thống nhất này tạo điều kiện cho một số người lợi dụng
ban hành các văn bản dưới luật để cản trở quyền cơ bản của công dân” -
ông Thuận nhấn mạnh.
Bà Ngô Minh Hồng, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp
TP.HCM, cho rằng sửa HP lần này phải cho thấy thực sự chúng ta tôn trọng
HP, coi HP là đạo luật cơ bản, là nền tảng phát triển của nhà nước pháp
quyền. Ảnh: MC
TS Nguyễn Mạnh Bình, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật - Trường Cán bộ TP.HCM, cũng
phân tích: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền là
phải thượng tôn HP. Các văn bản ban hành không được trái với HP hoặc hạn
chế, thu hẹp quyền con người, quyền công dân. Do đó quyền công dân phải
do luật định (do QH ban hành). “Các điều khoản quy định liên quan trong dự thảo nên bỏ cụm từ “theo quy định của pháp luật” và
sửa lại là “theo quy định của luật”. Còn như tình trạng hiện nay, chính
quyền cấp dưới cũng có quyền ban hành văn bản pháp luật, điều ấy dễ bóp
méo các quyền của công dân” - ông Bình nói.
Trao quyền mạnh hơn cho Hội đồng HP
Về vấn đề bảo vệ HP, nhiều đại biểu kiến nghị cần
trao quyền mạnh hơn cho Hội đồng HP. Theo bà Ngô Minh Hồng, nguyên Giám
đốc Sở Tư pháp TP, đại biểu QH khóa XII, nói HP là đạo luật cơ bản có
hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với
HP là đúng nhưng chưa đủ. Đối với HP, phải xác định những nguyên tắc
quan trọng sau: Thứ nhất, HP phải đảm bảo thực thi; thứ hai văn bản pháp
luật phải thống nhất với HP, nếu trái thì sẽ bị bãi bỏ; thứ ba nếu có
mâu thuẫn khi ban hành hay áp dụng pháp luật thì phải được giải thích
theo tinh thần HP,…
Trên tinh thần đó, Hội đồng HP được xem như là cơ
quan bảo vệ HP, phải đảm bảo cho các nguyên tắc trên được thực thi. Cụ
thể, Hội đồng HP trước hết phải đảm bảo cho việc HP được thực thi, trong
đó có quyền giải thích HP. Hội đồng HP cũng phải có quyền kiểm tra và
giám sát tính hợp hiến của pháp luật cũng như điều ước quốc tế. “Nhưng
vấn đề ở đây là giám sát xong, nếu thấy vi hiến thì phải bãi bỏ. Còn nếu
chỉ quy định quyền kiểm tra tính hợp hiến để kiến nghị xem xét thôi thì
cơ chế ta hiện nay không thiếu” - bà Hồng nói.
Cũng theo bà Hồng, cần trao cơ chế cho Hội đồng HP
giám sát việc thực hiện quyền con người, quyền công dân. Đây phải trở
thành chỗ dựa cho công dân khi họ thấy quyền của mình bị vi phạm bởi
hành vi của cơ quan hành chính hay bản án của tòa án… Muốn thực hiện
được những điều trên thì Hội đồng HP cần có tính độc lập với các cơ quan
quyền lực khác (dĩ nhiên vẫn dưới sự lãnh đạo của Đảng).
Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cũng cho
rằng nếu quy định Hội đồng HP chỉ có chức năng kiểm tra, tham mưu, kiến
nghị mà không có quyền chế tài với các hành vi vi hiến thì chức năng bảo
vệ HP chưa mạnh. Theo bà Thảo, nên chăng có một Hội đồng HP độc lập có
thể chế tài mạnh hơn để xử lý kịp thời, hiệu quả những trường hợp vi
hiến.
Phải rõ hơn để xây dựng chính quyền đô thị
Theo bà Phạm Phương
Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, dự thảo sửa đổi HP 1992 đổi tên
chương “HĐND và UBND” thành “Chính quyền địa phương” là rất phù hợp. Tuy
nhiên, bà Thảo cho rằng cần có chế định liên quan đến đô thị đặc biệt
để tạo điều kiện cho các đô thị lớn như TP.HCM đề xuất những vấn đề liên
quan đến chính quyền đô thị phù hợp với đặc trưng và nhu cầu phát triển
của mình.
Nguyên Giám đốc Sở
Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng cũng nhìn nhận: Dự thảo chỉ đổi tên chương
chứ nội dung mới không bao nhiêu. Nhất là các nội dung liên quan đến
việc phân cấp trong tổ chức bộ máy và tổ chức đời sống kinh tế - xã hội
của chính quyền địa phương, gắn với thẩm quyền của HĐND còn mờ nhạt. Bà
Hồng đề nghị: “Dự thảo phải làm sao nêu bật được những nguyên tắc, để
khi ban hành luật liên quan về chính quyền địa phương thể hiện được tính
tự quản của địa phương; thể hiện rõ vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm
của địa phương đối với nhu cầu phát triển của mình và phải có sự phân
biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Tránh tối đa
những cơ chế gò bó hiện nay làm cản trở sự phát triển của các đô thị,
nhất là với các đô thị đặc biệt như TP.HCM”.
Đại biểu dân cử không nên kiêm nhiệm
Sáng 24-1, Khối trí
thức (thuộc Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP.HCM) cũng đã tổ chức
góp ý cho Dự thảo sửa đổi HP 1992. Trong bài góp ý của mình gửi tới hội
nghị, ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đề nghị “Đại
biểu QH, HĐND không thể là những công chức kiêm nhiệm để có nhiều thời
gian đảm nhận công việc đại biểu dân cử của mình”.
Theo ông Thôn, đại
biểu QH phải thật sự là đại diện của nhân dân, là những người chủ thật
sự, không kiêm nhiệm bất cứ công tác nào bên cơ quan hành pháp. “QH là
nơi của dân, của người chủ xây dựng luật và giám sát công chức thực
hiện, chống công chức tham nhũng, cho nên trong QH không thể có đại biểu
là công chức” - ông Thôn nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề
này, ông Lê Văn Oanh, Chủ nhiệm Khối trí thức, cũng đề nghị “cần tách
những người đứng đầu ngành hành pháp và tư pháp ra khỏi ngành lập pháp,
tức không tham gia vào QH”.
MC
|
MINH CƯỜNG
Copy từ: Pháp Luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét