CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam 2012 Giàu nghèo phụ thuộc bố mẹ là ai!


Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam 2012

Giàu nghèo phụ thuộc bố mẹ là ai!


SGTT.VN - Ở Việt Nam, có những nguyên nhân gây nghèo không chính đáng như bất bình đẳng về cơ hội, do bố mẹ là ai, nhờ sống ở nông thôn hay thành thị… Đó là một trong những nhận định của báo cáo Đánh giá nghèo Việt Nam 2012 do ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng 24.1 tại Hà Nội.
Có những nguyên nhân gây nghèo không chính đáng như bất bình đẳng về cơ hội như bố mẹ là ai, sống ở đâu... (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Lê Quang Nhật

Bà Valerie Kozel, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh hệ thống đo lường và theo dõi nghèo của Việt Nam đã trở nên lỗi thời. Hiện Việt Nam vẫn áp dụng chuẩn nghèo là 1,1 USD/người/ngày dựa trên mô hình tiêu dùng của người nghèo năm 1993 do WB và tổng cục Thống kê đưa ra. Những mô hình tiêu dùng đó không phản ánh nhu cầu tiêu dùng hoặc nguyện vọng chung của người dân trong giai đoạn hiện nay.
Trả lời phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bà Kozel cho hay con số đáng ra Việt Nam cần áp dụng thời điểm này là 2,25 USD/người/ngày, mức mà nhiều nước trên thế giới có thu nhập thấp hơn Việt Nam đã áp dụng.
Theo nhóm nghiên cứu, tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 14,5% năm 2008 và 10% năm 2010 là một tiến bộ đáng chú ý. Tuy nhiên, mức độ dễ bị tổn thương trước sự tấn công của nghèo đói ở Việt Nam còn cao, các cú sốc về thời tiết, sức khoẻ và rủi ro từ các cú sốc khác về thu nhập còn đe doạ nhiều người; ở một số vùng, rủi ro thậm chí còn đang tăng lên. Nền kinh tế tiếp tục chững lại khiến việc giảm nghèo của Việt Nam càng khó hơn và nghèo đói ngày càng tập trung vào các hộ dân tộc thiểu số và ở các vùng xa hẻo lánh, vào các hộ có trình độ học vấn và kỹ năng thấp. 

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đến hiện tượng bất bình đẳng gây ra đói nghèo. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, người Việt Nam thuộc mọi tầng lớp nông thôn và thành thị, giàu và nghèo, cảm nhận bất bình đẳng tăng đáng kể trong năm năm qua. Có những nguyên nhân gây nghèo không chính đáng như bất bình đẳng về cơ hội (bố mẹ là ai, sống ở đâu...); bất bình đẳng về quyền lực và quan hệ (được xem là yếu tố ngày càng quan trọng quyết định khả năng tiếp cận việc làm, chuyển học vấn thành việc làm hay duy trì quyền sử dụng đất...) Báo cáo chỉ rõ: “Bất bình đẳng thu nhập có liên hệ với các yếu tố chính như khả năng tiếp cận cơ hội việc làm tốt, tiếp cận đất; vốn chính trị, xã hội có liên quan đến sự khác nhau về quan hệ, tiếng nói và ảnh hưởng...”
Góp ý với báo cáo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan còn lưu ý đến bất bình đẳng trong phân bổ nguồn lực, khiến lợi ích không được chia sẻ. Chẳng hạn như nguồn lực tín dụng chủ yếu dựa vào vay, mà dư nợ của các tập đoàn là 65 tỉ USD. Nguồn lực tài chính tập trung vào hơn 1.000 doanh nghiệp nhà nước thì lấy đâu ra cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, lấy đâu ra cho nông nghiệp? Bà Lan cũng cho rằng thời điểm này người nghèo đang bị thách thức do tăng trưởng kinh tế chậm lại, các năm tới cũng khó lòng tăng GDP 7 – 8% như những năm trước.
Tham gia phần thảo luận, ông Nguyễn Hoàng Mai, uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng báo cáo này của WB còn thiếu phần đánh giá các chính sách hỗ trợ người nghèo hiện nay của Việt Nam. Theo ông Mai, Việt Nam có chính sách đầu tư cho đồng bào các dân tộc ít người, chính sách giảm nghèo cho các vùng “lõi nghèo” nhưng việc thực hiện chính sách ấy “người nghèo chưa thực sự được hưởng”. Ông nói: “Chẳng hạn như bảo hiểm y tế cho người nghèo, về lý thuyết rất là hay, tất cả mọi người nghèo đều có bảo hiểm y tế, nhưng khi thực hiện lại có câu chuyện không dùng hết thì chuyển lên trung ương” trong khi thực tế là người nghèo ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế do chưa có dịch vụ đó ở địa phương họ.
Đại diện của Quốc hội đề nghị WB cần có nghiên cứu bổ sung, đánh giá chính sách giảm nghèo hiện nay xem nên tập trung vào các thách thức chính sách nào, đưa ra kiến nghị hữu ích mà các cơ quan chính sách có thể ứng dụng được.
Việt Anh



Copy từ: SGTT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét