Số tiền vi phạm và kinh doanh thua lỗ lên tới hàng trăm
nghìn tỷ đồng nhưng khắc phục chưa được bao nhiêu. Đến nay Agribank đã xử lý kỷ
luật 158 cán bộ trong đó có 16 giám đốc bị miễn nhiệm.
Ngày 27/1, Thanh tra Chính đã có thông báo Kết luận thanh
tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Theo đó, nội dung thanh tra là việc chấp hành chính sách,
pháp luật trong hoạt động tín dụng, đầu tư tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản.
Thông báo nêu rõ, Agribank trong giai đoạn 2009 – 2012 có
nhiều ưu điểm như: Hệ thống mạng lưới được trải rộng, tăng trưởng tín dụng năm
sau cao hơn năm trước; là ngân hàng thương mại Nhà nước có quy mô lớn nhất
trong hệ thống; lợi nhuận tăng trưởng, nộp ngân sách đầy đủ…
Tuy nhiên bên cạnh đó, hoạt động của Agribank thời gian qua
còn để xảy ra nhiều khuyết điểm trong nhiều lĩnh vực, như hoạt động tín dụng,
đầu tư tài chính, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, đầu tư
xây dựng và buông lỏng quản lý.
Về hoạt động tín dụng:
Agribank đã để xảy ra nhiều khuyết điểm trong hoạt động cho
vay và huy động vốn, bảo lãnh và xử lý rủi ro.
Thanh tra Chính phủ xác định, từ năm 2009 đến hết năm 2011,
Agribank đã chi tiền môi giới huy động vốn cho đối tượng không phải là các tổ
chức tín dụng được cấp phép hoạt động môi giới; chi môi giới huy động vốn với
lãi suất vượt mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (14%/năm), trong đó chi
môi giới làm cho lãi suất vượt 14%/năm hơn 283 tỷ đồng.
Vi phạm quy định về thẩm quyền phê duyệt cấp tín dụng với
189 khách hàng với tổng dư nợ 13.816 tỷ đồng, nợ xấu là 1.046 tỷ đồng.
Vi phạm quy định về huy động và cho vay vàng với số lượng
lớn, kéo dài, kể cả khi có quy định cấm của NHNN. Không đánh giá những yếu tố
rủi ro và phương án phòng ngừa rủi ro với giá vàng và giá bất động sản.
Vi phạm quy định của NHNN về tỷ lệ cấp tín dụng vượt 20% vốn
tự có của Agribank đối với các công ty con mà ngân hàng này nắm quyền kiểm
soát, kể cả khi NHNN chỉ đạo bằng văn bản vẫn tiếp tục cho vay với số lượng lớn
lên tới 2.001 tỷ đồng và 148.464 chỉ vàng.
Cấp tín dụng 4.000 tỷ đồng cho Agriseco, là công ty chứng
khoán do Agribank kiểm soát thông qua việc ứng vốn và đầu tư trái phiếu của
chính công ty này.
Phát hành thư bảo lãnh thanh toán cho ALC II vay vốn của
BHXH Việt Nam không đúng quy định dẫn đến phải trả thay gần 209 tỷ đồng.
Cho ALCI, ALCII vay tiền mua các khoản nợ phải thu từ hợp
đồng cho thuê tài chính, cho vay mua tài sản đầu tư, cho thuê tài chính…Đến
31/12/2012 dư nợ cho vay mua tài sản đầu tư, tài sản cho thuê tài chính là
1.072 tỷ đồng trong đó nợ xấu 35,5 tỷ; dư nợ mua các khoản phải thu của ALC II
là 187,8 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, từ ngày
1/1/2011 không có nghiệp vụ gửi tiền và nhận tiền gửi giữa các tổ chức tín
dụng, nhưng năm 2011, Agribank vẫn thực hiện gửi tiền và nhận tiền gửi có kỳ
hạn với các tổ chức tín dụng khác với tổng doanh số lên đến hàng trăm nghìn tỷ
đồng, trong đó có nhiều giao dịch gửi tiền và nhận tiền gửi đối ứng cùng giá
trị, cùng kỳ hạn. Cụ thể có 423.943 tỷ đồng tiền gửi, 14 tỷ USD, 829 triệu Euro
vào các TCTD khác;Nhận tiền gửi 52.384 tỷ đồng, 357 triệu USD và 16 triệu Euro.
Các giao dịch này thực chất là lách quy định về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng,
làm tăng "giả tạo" tổng tài sản trên báo cáo tài chính của các tổ
chức tín dụng thực hiện giao dịch.
Mặt khác, Agribank còn thực hiện giao dịch gửi tiền, cho vay
đối với các TCTD khác thời hạn 3-5 năm trong khi nguồn vốn cho vay không được
xác định thời hạn, làm giảm chức năng dự trữ thanh khoản của nguồn vốn. Cuối
2009, Agribank đã phải vay NHNN 5.000 tỷ đồng để xử lý mất cân đối thanh khoản.
Việc phân loại nợ có nhiều vi phạm dẫn đến chưa phản ánh
đúng chất lượng tín dụng, nhất là tình trạng nợ xấu. Thanh tra đã rà soát lại
việc phân loại nợ trên số liệu và báo cáo của Agribank và xác định tỷ lệ nợ xấu
là 12,71%; nếu loại trừ các khoản nợ đã cơ cấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ thì nợ xấu là 12,21%; nếu loại trừ nợ xấu đã hạch toán ngoại bảng, cam kết
ngoại bảng thì nợ xấu là 9,83%; kết quả kiểm tra trực tiếp 62 hồ sơ tín dụng
với dư nợ hơn 15 nghìn tỷ đồng cũng cho thấy, khả năng nợ xấu của Agribank còn
có thể cao hơn.
Về xử lý rủi ro, qua kiểm tra 23 hồ sơ xử lý rủi ro cho thấy
hầu hết các hồ sơ đều có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ Agribank.
Hoạt động đầu tư tài chính
Có nhiều vi phạm, không hiệu quả, trong đó có trường hợp vi phạm nghiêm trọng, mất vốn lớn hoặc nguy cơ thiệt hại lớn.
Có nhiều vi phạm, không hiệu quả, trong đó có trường hợp vi phạm nghiêm trọng, mất vốn lớn hoặc nguy cơ thiệt hại lớn.
Năm 2009, các công ty con 100% vốn đầu tư của Agribank lỗ
1.782 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 4.393 tỷ đồng. Hai công ty cho thuê tài chính ALC I
và ALC II có nhiều vi phạm nghiêm trọng, lỗ lớn và mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu.
Trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng vi phạm ở nhiều khâu với số
tiền sai phạm lớn.
Việc đầu tư 144 tỷ đồng cổ phiếu CMC giá 72.000 đồng/cp đến
cuối 2011 thị giá chỉ còn 20,3 tỷ đồng; Việc đầu tư 5 triệu cổ phiếu Haland trị
giá 275 tỷ đồng chưa tuân thủ quy định và thị giá sau đó giảm còn 84,4 tỷ đồng;
Agriseco đầu tư 287 mã cổ phiếu giá trị ban đầu 576 tỷ đồng giảm còn 294 tỷ
đồng.
Về đất đai, cổ phần hóa, quản lý
Agribank còn xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần
hóa tại 2 DN trực thuộc còn khuyết điểm, vi phạm. Quản lý và thực hiện đầu tư
xây dựng còn khuyết điểm, vi phạm ở nhiều khâu giá trị hơn 8 tỷ đồng.
Do buông lỏng trong quản lý đã để xảy ra vi phạm pháp luật
nghiêm trọng tại Trung tâm công nghệ thông tin. Trong vụ việc này, mặc dù xác
định Nguyễn Ngọc Ánh lợi dụng chức vụ quyền hạn, giả mạo, tham ô tài sản chiếm
đoạt của Nhà nước hơn 33 tỷ đồng, có dấu hiệu nghiêm trọng cấu thành tội phạm,
nhưng Agribank xử lý thu hồi tiền chưa đủ và không chuyển cho cơ quan điều tra
để truy tố trước pháp luật.
Về kết quả chấn chỉnh khắc phục
Thanh tra cho biết Agribank đã rà soát lại và cơ cấu lại bộ
máy, mạng lưới. Đến nay đã xử lý kỷ luật 158 cán bộ, nhân viên trong đó miễn
nhiệm 16 giám đốc. Mới thu hồi được 71 triệu đồng chi cho môi giới và khách
hàng; Hoàn thành tất toán trạng thái vàng.
Về hoạt động tín dụng, với 155 khách hàng được thanh tra,
Agribank đã giảm 686 tỷ đồng dư nợ gốc, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro
4.004 tỷ đồng…
Về đầu tư tài chính và ủy thác đầu tư, đã thu hồi 1.296 tỷ
đồng và 5,7 tỷ đồng của khoản đầu tư hơn 2.000 tỷ trái phiếu Agriseco; 1.400 tỷ
đồng tiền lãi và gốc phát sinh của hợp đồng môi giới với Agriseco.
Về giao dịch gửi tiền, đã tất toán xong hơn 50 triệu USD với
LienVietPostBank.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thống
đốc NHNN kiểm điểm và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm về việc thực hiện chức năng
quản lý nhà nước, quyền chủ sở hữu đối với các vi phạm xảy ra tại Agribank, đồng
thời có biện pháp chấn chỉnh những sai phạm nói trên.
Kiến nghị giao các bộ, ngành liên quan xác định tiêu chí cơ
bản làm cơ sở đánh giá hậu quả thiệt hại gây ra trong hoạt động tín dụng, tránh
tùy tiện hoặc mâu thuẫn giữa các cơ quan chức năng, gây khó khăn, cản trở và không
khách quan trong xử lý vi phạm hoạt động tín dụng hiện nay.
Đối với Agribank, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và từng cá
nhân vi phạm được nêu trong Kết luận thanh tra, đồng thời có biện pháp thu hồi
số tiền vi phạm. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển 15 hồ sơ, vụ việc có
dấu hiệu cấu thành tội phạm sang Bộ Công an điều tra, xử lý theo pháp luật.
Nguyễn Hằng
Theo Trí Thức Trẻ
Copy từ: Cafef
.........................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét