CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

“Báo động” thất nghiệp do doanh nghiệp phá sản


Tỷ lệ lao động phi chính thức tăng nhưng tỷ lệ người thất nghiệp được đào tạo nghề chỉ đạt 1%...

“Báo động” thất nghiệp do doanh nghiệp phá sản
Sự chuyển dịch người lao động bị thất nghiệp sang khu vực phi chính thức cho thấy tác động của khoảng 54,2 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động  trong năm 2012 đến vấn đề việc làm trong khu vực chính thức.
 


 
Theo báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, lao động - việc làm là một vấn đề xã hội cần quan tâm trong năm 2013, khi chỉ tiêu tạo việc làm năm vừa qua đã không đạt kế hoạch Quốc hội giao (kế hoạch giao là 1,6 triệu lao động, kết quả thực hiện chỉ đạt 1,52 triệu).
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại thành thị là 3,25%, và còn tăng trong quý 1/2013. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước (từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012).

Cơ quan giám sát về lĩnh vực này nhận định, sự chuyển dịch người lao động bị thất nghiệp sang khu vực phi chính thức cho thấy tác động của khoảng 54,2 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động  trong năm 2012 đến vấn đề việc làm trong khu vực chính thức.

Báo cáo cũng “điểm tên” nguyên nhân, năm 2012, do tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03%, trong khi mức dự kiến tăng trưởng từ 6%-6,5% dẫn đến việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho khu vực công chỉ ở mức 1,15 triệu đồng/tháng (dự kiến là 1,3 triệu đồng/tháng). Mức lương này chỉ đạt 38,4% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2013 chỉ điều chỉnh tăng thêm bình quân 17,4%, thấp hơn so với mức dự kiến điều chỉnh là 36,4%.

Quý 1 năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã nhích lên nhưng 4 tháng đầu năm lại có đến 19.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, tiếp tục tác động đến tình hình việc làm trong khu vực chính thức, cơ quan này tiếp tục lo ngại.

Đáng “giật mình” là số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ 7,9 triệu người năm 2011 lên 8,3 triệu người năm 2012 (tăng 4,2% sau 1 năm). Số người được hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trong 3 năm 2010 - 2012 tăng từ 145.000 lên 410.000, rồi tới 461.000 cuối năm qua.

Cơ quan giám sát đánh giá, tuy số người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp chỉ tăng khoảng 50.000 người so với năm 2011 nhưng số tiền chi bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng tăng tới 133% (từ 1.126 tỷ đồng lên mức 2.625 tỷ đồng trong cả năm 2012).

Trong khi đó, ba năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ người thất nghiệp được đào tạo nghề chỉ đạt 1% (0,5% số người thất nghiệp được đào tạo nghề trong năm 2012). Uỷ ban Về Các vấn đề xã hội cũng cảnh báo, ở một số địa phương đã có tình trạng lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Số nợ bảo hiểm này đến hết năm 2012 là 4.639 tỷ đồng.

Điểm đặc biệt tại báo cáo là có cả phần kết quả thực hiện lời hứa của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền sau phiên chất vấn tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 9/2012). Theo đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách cơ bản đã được ban hành. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ban hành được bộ quy tắc ứng xử dành cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.

Với nỗ lực của ngành, Việt Nam duy trì và mở rộng thêm được một số thị trường có chất lượng như Nhật Bản và Đức.

Tuy nhiên, cơ quan giám sát cũng nhắc về vấn đề đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc, Đài Loan khó khăn. Việc dừng chương trình cấp phép mới cho lao động Việt Nam đi Hàn quốc làm cho hơn 12.000 lao động đã hoàn thành xong các chứng chỉ nghề, ngoại ngữ chưa có cơ hội xuất ngoại.
 


Copy từ: VnEconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét