(Patrick Goodenough | CNSNews.com
| 21.5.2013) – Giữa lúc chính quyền cộng sản Việt Nam đưa ra các quy
định mới áp đặt những hạn chế quan liêu hà khắc về thờ phượng trong tôn
giáo thì người đặc trách tự do tôn giáo quốc tế trong chính quyền Obama
lại đề cập đến Việt Nam hai lần hôm thứ Hai như một quốc gia mà Hoa Kỳ
nhận thấy là có tiến bộ tích cực.
Đại sứ
lưu động đặc trách tự do tôn giáo quốc tế Suzan Johnson Cook nêu Việt
Nam như một dẫn chứng về một quốc gia mà ở đó “những biến chuyển tích
cực” về tự do tôn giáo đã diễn ra.
Việt Nam là một trong bảy quốc gia mà
chính phủ Hoa Kỳ, một lần nữa, lại xác định là chưa đạt ngưỡng lọt vào
danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt” (CPCs) vì vi phạm tự do tôn
giáo, bất chấp khuyến cáo của một cơ quan giám sát độc lập, Ủy Ban Tự Do
Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF).
Những nước khác cũng bị đề xuất đưa vào danh sách là Ai Cập, Iraq, Nigeria, Pakistan, Tajikistan và Turkmenistan.
Khi công bố báo cáo hàng năm của Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế cùng với Ngoại trưởng John
Kerry, bà Đại sứ Lưu động Suzan Johnson Cook chỉ đề cập đến hai nước như
là những ví dụ điển hình cho các quốc gia có tiến bộ – Thổ Nhĩ Kỳ và
Việt Nam.
“Vi phạm tự do tôn giáo dễ làm thế giới
chú ý đến, vì thế tôi chỉ muốn nêu bật một số phát triển tích cực, có xu
hướng thay đổi ngầm từ bên trong”, bà Cook nói.
“Mặc dù chính phủ vẫn còn hạn chế tự do
tôn giáo ở Việt Nam, song chính phủ đã tiến bộ khi cho phép thực hành
các lễ nghi thờ phượng quy mô lớn với hơn 100.000 người tham gia.”
Trong thời gian trả lời phỏng vấn sau đó
vài phút, Cook lần thứ hai đề cập đến Việt Nam: “Có một số quốc gia mà
chúng tôi đang theo dõi, như tôi đã nêu trong phần kết thúc nhận xét của
mình, chẳng hạn như Việt Nam, đã đạt được tiến bộ ở chỗ cho phép thờ
phượng tại những địa điểm lớn.”
Thật ra “ tiến bộ” này không phải là
mới: Cả hai báo cáo gần đây nhất mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hồi
tháng Chín năm 2011 và tháng Mười Một năm 2010 đều đề cập đến việc chính
quyền cho phép tụ tập hơn 100,000 tín hữu, trong đó có một sự kiện của
Công giáo năm 2009 và các cuộc quần tụ của đạo Cao Đài (một tôn giáo bản
địa, pha trộn giữa các yếu tố Kitô Giáo và Phật Giáo) trong cả hai năm
2009 và 2010.
Trong khi, cũng chính quyền đó, gần đây
lại đưa ra một loạt quy định gây cản trở gọi là “Nghị định 92,” yêu cầu
tất cả các nhóm tôn giáo phải tái đăng ký chính thức, và đảm bảo được
chính quyền các cấp (trưởng thôn, ủy ban nhân dân xã, phường v…v…) cho
phép trước khi hội họp. Các nhóm vận động cho rằng các nhóm Kitô giáo
Tin Lành là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ
những đòi hỏi này.
Hai sự kiện khác trong những tháng gần đây đã làm dấy lên lo ngại mới về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam:
- Một lãnh đạo hội thánh Tin Lành tên là Hoàng Văn Ngãi
đã chết trong đồn cảnh sát ở Tây Nguyên ngày 17 tháng Ba. Thân nhân của
ông không thừa nhận việc cảnh sát cho rằng ông này tự tử bằng cách chọc
tay vào ổ cắm điện, với bằng chứng rõ ràng là cơ thể ông bị đánh đập
nghiêm trọng.
- Ngày 13 tháng Tư, khi Phó Trợ lý Ngoại
trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động Dan Baer viếng
thăm Việt Nam để đối thoại song phương về nhân quyền, chính quyền đã
đồng ý cho ông gặp gỡ với một số nhà hoạt động nhưng ngăn cản không cho
ông có một cuộc họp riêng với nhà vận động tự do tôn giáo Nguyễn Văn
Đài.
Theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế
(IRFA) chính quyền Hoa Kỳ có quyền xác định những nước vi phạm nghiêm
trọng tự do tôn giáo và đưa vào danh sách CPC, rồi đưa ra một số giải
pháp lựa chọn, trong đó có biện pháp trừng phạt, vốn được thiết kế nhằm
khuyến khích các chính phủ vi phạm (tự do tôn giáo) cải thiện tình hình.
Các nước bị xác định đưa vào danh sách
CPC hiện nay bao gồm: Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều
Tiên, Ả Rập Saudi, Sudan, và Uzbekistan.
Được thành lập theo IRFA để tư vấn cho
các ngành thuộc hành pháp và lập pháp, USCIRF muốn đưa thêm bảy nước nữa
vào danh sách này, và trong báo cáo hàng năm của mình công bố ba tuần
trước, tổ chức này lại một lần nữa kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Ai Cập,
Iraq, Nigeria, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Việt Nam vào danh
sách các nước vi phạm tự do tôn giáo.
Báo cáo công bố hôm thứ Hai bỏ qua tất cả bảy đề xuất này.
Khi xuất hiện trước báo giới, bà Cook đã chỉ ra rằng USCIRF là một cơ quan độc lập.
“Những tham chiếu và đề xuất của Ủy ban
Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế chắc chắn được chúng tôi quan tâm đặc
biệt khi viết báo cáo, nhưng về những gì họ xác định, đề nghị quý vị
tham khảo Uỷ ban này.”
Sự xác định có hiệu lực trong quá khứ
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa
Kỳ, dân biểu Ed Royce (California), đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết
định này. Tuần trước, ông đã đề xuất nghị quyết kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ
đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
“Tự do tôn giáo vẫn còn bị tấn công ở
Việt Nam,” ông nói. “Từ thập niên này sang thập niên khác, chính quyền
Cộng sản Việt Nam đã chối bỏ các quyền tự do cơ bản nhất của người dân.
Một lần nữa, thất bại của chính quyền Obama trong việc đưa Việt Nam vào
danh sách ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ là đáng thất vọng, và nhân
dân Việt Nam xứng đáng nhiều hơn thế.”
Lần đầu tiên USCIRF đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC là năm 2001, và những năm sau đó đều làm như thế.
Chính quyền Bush đã theo lời đề nghị này
trong năm 2004 và 2005, nhưng sau đó lại đưa Hà Nội ra khỏi danh sách
vào năm 2006, với lý do “cải thiện đáng kể trong việc thúc đẩy tự do tôn
giáo,” như kết quả của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.
USCIRF nói quan chức Việt Nam đã đáp lại
mối quan tâm của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo trong năm qua, thả các tù
nhân và mở rộng một số điều khoản bảo hộ pháp lý cho các nhóm tôn giáo
được nhà nước công nhận.
“Hầu hết các lãnh đạo tôn giáo ở Việt
Nam cho rằng những thay đổi tích cực này là nhờ đề xuất đưa Việt Nam vào
CPC [năm 2004-2005] và điều ưu tiên dựa vào mối quan tâm tự do tôn giáo
trong quan hệ song phương Mỹ-Việt”, Uỷ ban cho biết trong báo cáo gần
đây của mình.
Nhưng việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này vào năm 2006 là tái phạm một sai lầm.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục mở rộng
quyền kiểm soát tất cả các hoạt động tôn giáo, hạn chế khắc nghiệt việc
thực hành tôn giáo độc lập, và đàn áp những cá nhân và nhóm tôn giáo nào
mà họ coi là thách thức quyền lực của mình,” báo cáo USCIRF cho hay.
“Nhà cầm quyền tiếp tục bỏ tù hoặc bắt
giữ các cá nhân vì những lý do liên quan đến hoạt động tôn giáo hoặc vận
động cho tự do tôn giáo; hoạt động tôn giáo độc lập vẫn còn bị đàn áp;
chính phủ duy trì một lực lượng cảnh sát chuyên trách để đối phó với các
nhóm tôn giáo; những biện pháp bảo vệ về mặt pháp lý cho các tổ chức
tôn giáo được chính phủ công nhận thì lệ thuộc vào cách giải thích tùy
tiện hoặc phân biệt đối xử dựa trên các yếu tố chính trị; và những người
thuộc các sắc dân thiểu số cải đạo sang Tin lành hay Công giáo phải đối
mặt với tình trạng bị phân biệt đối xử, đe dọa, và áp lực để buộc họ từ
bỏ niềm tin.
Copy từ: Defend the Defenders
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét