Lê Trung Thành
Bài 4: ÔM MỘNG TÁI CHẾ BÙN ĐỎ VINACOMIN “MƠ VỀ NƠI XA LẮM!”
Ngày 23/2/2013,
trong văn bản số 909 Vinacomin-VP để cung cấp “tin chính thức” cho dư
luận xã hội, Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh
“về hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai-Lâm Đồng”, có một đoạn rất hay
(!). Đó là “Khả
năng nghiên cứu thu hồi các sản phẩm có ích từ bùn đỏ đã có kết quả ban
đầu khích lệ, khả năng thành công lớn. Viện Hàn lâm khoa học và công
nghệ Việt Nam (Viện KHCNVN) đang tích cực hoàn thiện đề tài ở quy mô thử
nghiệm để chuyển sang quy mô công nghiệp nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu
hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ. Nếu thành công sẽ mang lại nguồn thu
bổ sung cho Dự án và đặc biệt là giảm thiểu mức độ ô nhiễm của bùn đỏ,
giảm thiểu việc đầu tư hồ bùn đỏ, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với
dự án”.Vậy thì cái đề tài ở “qui mô thử nghiệm” của Viện KHCNVN như thế nào?
Ngày 22/5/2013, tại nhà máy Thép Thái Hưng (tên đầy đủ là Công ty cổ phần BCH – Nhà máy sản xuất phôi thép Thái Hưng, nằm trên QL5 thuộc địa phận xã Kim Lương, huyện Kim Thành – Hải Dương) nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học Việt Nam do Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật phân tích – phụ trách đề tài, đã tiến hành luyện mẻ thép thử nghiệm, từ 10 tấn bùn đỏ. Hôm đó, có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lang và một số nhà khoa học của Viện Hóa học, Viện KHCNVN tới theo dõi. Theo thông báo chính thức kết quả thử nghiệm, từ 10 tấn bùn đỏ thu hồi được 3,9 tấn thép có tỉ lệ sắt trong sản phẩm đạt 98,3%. Nhưng sau đó người ta đưa tin khác, chỉ chế được 2,539 tấn thép.
Ngày ấy, Tổ hợp bauxite Tân Rai đang ở giai đoạn hoàn chỉnh dây chuyền công nghệ, chưa có alumin (nhôm oxit) nên có lẽ chỉ là bùn đỏ “made in Việt Nam”, không phải của “made in Tân Rai” (?). Tuy nhiên cứ tạm chấp nhận số liệu của nhóm nghiên cứu đưa ra, cho thấy “bùn đỏ ở Việt Nam có hàm lượng oxit sắt Fe2O3 là 51-56%, tỉ lệ thu hồi thép đạt 68%”.
Tin này được loan tải rộng rãi trên nhiều tờ báo và tất nhiên, Vinacomin hồ hởi nhất. Hy vọng tái chế bùn đỏ thành thép cường độ cao, thành sắt xốp, cặn xỉ làm clinker, làm gạch,… với qui mô công nghiệp mở ra trước mắt những người có trách nhiệm trong dự án Tân Rai, Nhân Cơ một nguồn lợi lớn. Nghe đâu, nếu bỏ tiền xây dựng một nhà máy cạnh hồ bùn đỏ thì, mỗi năm, người ta có thêm cả trăm triệu USD đấy! Số tiền này, dư sức bù đắp cho sản phẩm alumin chính hãng Tân Rai thua lỗ nặng nề. Đã vậy, cái hồ chứa bùn đỏ sẽ cạn khô, bao nhiêu tác hại của bùn đỏ sẽ tan biến gần hết vào các sản phẩm mới của nhà máy Tân Rai!
Hướng đi của Vinacomin và các cơ quan nghiên cứu khoa học phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ để góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến và khai thác bauxite Tây Nguyên “phát triển bền vững” vì vậy, ngày 21/2/2013, ông Hoàng Trung Hải đã chỉ trì cuộc họp xem xét kết quả nghiên cứu bùn đỏ thành các sản phẩm hữu ích và giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường. Ông cũng chỉ thị cho các bên liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để biến kết quả nghiên cứu từ cuộc thử nghiệm sang giai đoạn “sản xuất đại trà”.
Chẳng biết Vinacomin sẽ tiếp tục chuyển sang giai đoạn đại trà theo cách nào nhưng qua tài liệu của các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Brazil… người ta đã chế thử nhiều loại sản phẩm từ bùn đỏ từ mấy chục năm trước. Bùn đỏ chứa nhiều loại tạp chất rắn và kim loại, nhiều nguyên tố hiếm, đất hiếm nhưng cũng có một số loại phóng xạ và hóa chất độc hại nên các kết quả thường chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm mà không thể chuyển sang quy mô công nghiệp vì chi phí quá lớn so với số tiền thu được từ sản phẩm tái chế.
Tuy nhiên, một số quốc gia có ngành công nghiệp bauxite – nhôm tiên tiến đang công nhận bằng sáng chế về công nghiệp xử lý và tái sử dụng cặn bauxite của Công ty Paratech Global LLC (Hoa Kỳ). Tháng 5/2012, công ty này đã kết hợp với Vinacomin tổ chức hội thảo với đề tài “Công nghệ ổn định và tái sử dụng bùn đỏ” tại Hà Nội.
Công nghệ của Paratech chuyển hóa bùn đỏ thành cặn bùn để ổn định (SBR) và SBR trở nên an toàn với môi trường, có thể được tái sử dụng như một loại nguyên liệu sản xuất xi măng hay lưu trữ trong thời gian dài với chi phí thấp. Tại Hungary, Paratech đã thử nghiệm ổn định bùn đỏ thành công tại một nhà máy có công suất 60.000 tấn/năm sau sự cố tràn hơn 1 triệu m3 bùn đỏ tháng 10/2010. Nếu Vinacomin hào hứng đón nhận công nghệ Paratech thì đầu tư khoảng 50 triệu USD xây dựng nhà máy. Sản phẩm của nhà máy tương lai (nếu có) sẽ chỉ là natri hydroxit, nhôm hydroxit, nước tinh khiết, tái sử dụng SBR và giảm chi phí lưu trữ SBR.
Trước những thông tin về thử nghiệm chế thép từ bùn đỏ, nhiều nhà khoa học đánh giá cao sự thành công bước đầu của Viện Hóa học, Viện KHCNVN, nhưng không kỳ vọng nhiều vào ý tưởng “sản xuất hàng loạt” của Vinacomin, thậm chí nghi ngờ về giấc mộng vàng sẽ chẳng mang lại kết quả bởi nhiều dự án của Vinacomin như Đại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh là một ví dụ điển hình về cách làm “đầu voi đuôi chuột”.
Triển khai rầm rộ từ năm 2007, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê ra đời có sự góp mặt của 9 cổ đông sáng lập – 9 ông lớn như Vinacomin, Vinashin, Bưu chính Viễn thông, Sông Đà… và Vinacomin là cổ đông lớn nhất, chiếm 30% vốn. Các loại thiết bị hiện đại từ mỏ than cọc Sáu được huy động vào Thạch Hà đào moong, mở vỉa sâu hàng trăm mét. Đất bùn tràn ngập khắp nơi, chôn lấp ruộng vườn, mồ mả của dân mấy xã quanh khu dự án. Các cổ đông “đánh trống, ghi tên” đóng không đủ vốn, chậm trễ nên Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê không có tiền hoạt động, đền bù giải tỏa, xây các khu tái định cư làm dự án nhiều lần ngưng trệ, ảnh hưởng lớn đến hàng chục ngàn người “đi cũng dở ở không xong”.
Dự án kéo dài, vốn đầu tư từ hơn 9.000 tỷ đồng nay dự định tăng lên 30.000 tỷ đồng. Nếu cộng vốn chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất thép 2,2 triệu tấn/năm là 25.000 tỷ nữa, tổng mức đầu tư trên dưới 2,8 tỷ USD. Với kế hoạch lấn biển 2,5 km làm bãi thải, người ta sẽ phải chi khoản tiền 6.000 tỷ đồng để đắp đê! Tiền lớn còn nằm trên giấy nhưng tiền nhỏ là 2.400 tỷ vốn phải góp ngay thì cho đến hết năm 2012, các cổ đông mới góp được một nửa! Bí quá nên Vinacomin đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép bán mấy trăm ngàn tấn quặng tận thu trong quá trình đào moong để lấy tiền chi phí và đền bù một ít cho dân (?).
Kiểu làm dự án nóng vội cẩu thả lặp đi lặp lại gây bao hậu quả cho xã hội, cho nhân dân vùng bị thu hồi đất đai khiến các nhà khoa học, kinh tế luôn luôn “cảnh giác” trước những dự án của Vinacomin. Vì vậy, kế hoạch tái chế bùn đỏ chỉ là màn biểu diễn nhằm giảm áp lực của dư luận xã hội đòi hỏi Vinacomin cần trung thực trong việc tính toán lại hiệu quả kinh tế của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ.
Có một bloger tên là SAODH với slogan “Lan man – Nhớ gì nói nấy” đã đăng lại tin chế thử thép từ bùn đỏ sau đó đưa ra một ý tưởng rất chi là mùi mẫn, gửi tới những người đang muốn đầu tư tiền của để chuyển từ “thử nghiệm” sang “công nghiệp”:
“Trong mỗi tấn nước biển có chứa 2 miligram vàng. Nếu lọc toàn bộ nước biển sẽ thu được 90 triệu tấn vàng!
Còn nếu không thể lấy được 90 triệu tấn vàng từ nước biển thì nên liên hệ với Vinashin, Vinalines, với Chính phủ VN cho đem tàu Hoa Sen, ụ nổi số 83M và các tàu cũ mà Vinashin, Vinalines mua về… để làm sắt vụn… nấu cho chảy ra rồi luyện thép thì chắc ăn như bắp rang!”
Ý tưởng này thật hay và có vẻ dễ thành hiện thực hơn là ôm mộng, nằm mơ thấy hàng triệu tấn thép từ một nơi xa lắm!
L.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho: Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét