CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

TÍN HIỆU

Có thể nói  gần 40 năm qua, người dân Long An lần đầu tiên được thấy biểu tình

Khi một mình đi lên bến xe Chợ Lớn để đón xe buýt xuống nhà tù Long An thăm Uyên, Kha, Uy vào lúc 6 giờ sáng ngày 15.8, tôi không tin sẽ được nhìn thấy mặt các em đàng sau chắn song sắt. Đi là đi vậy thôi. Không ngờ xuống đó lại gặp các nhân sĩ Sài gòn tổ chức thành đoàn xuống thăm và gởi quà cho các em. Còn hơn thế nữa, không những  thấy được cả ba em một cách thoải mái mà còn được trực tiếp nói chuyện với Phương Uyên.
Một tín hiệu?

Sáng ngày 15.8, mọi người chống đỡ cuộc đàn áp dữ dội của công an Long An trước cổng tòa án . Ban đầu chỉ có gia đình Uyên - Kha và một số mẹ chị đến từ Vũng Tàu, Đồng Nai và một số bạn trẻ đến từ Sài Gòn...rồi đến chúng tôi gồm anh Huỳnh Kim Báu, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà báo Kha Lương Ngãi, kỹ sư Tô Lê Sơn... Bên cạnh đó là nhóm Nguyễn Tường Thụy, Lê Quốc Quyết... từ Hà Nội vào mấy hôm nay. Rồi mọi chuyện bùng nổ khi các bạn trẻ No- U cùng với nhóm Bùi Hằng gồm Thụy Nga với cháu bé trước bụng, Trương Dũng, Viễn Nguyễn...đến từ Hà Nội. Lực lượng chị em Nam Bộ được bổ sung thêm các mẹ chị đến từ An Giang, Sài Gòn. Ngược hẳn với thái độ từ tốn của anh Báu khi chất vấn viên chỉ huy công an lý do không cho chúng tôi vào dự phiên tòa,  Nhóm Bùi Hằng, Thụy Nga, Trương Dũng vừa đến nơi  đã to tiếng phản ứng việc công an cấm đoán chúng tôi chụp hình trong khi cả rừng an ninh mặc thường phục chỉa các loại máy quay vào tận mặt từng người chúng tôi. Công an phản ứng lại bằng cách tăng cường người và gia tăng áp lực. Anh Viễn Nguyễn rồi Kha Lương Ngãi vừa lôi điện thoại  và máy ảnh ra đã bị hàng loạt công an chìm nổi nhào đến cướp giật máy và khống chế đưa lên xe 113. Bùi Hằng xông ra, Trương Dũng và Thụy Nga chỉa máy chụp hình vào mặt những người đang chỉa máy vào chúng tôi. Cả hai ngay tức khắc bị khống chế thô bạo đưa lên xe. Chúng tôi chen vào giằng co và che chắn để bảo vệ em bé được địu trước bụng Thụy Nga. Mọi người nằm xuống trước đầu xe, một vài bạn khác nằm chặn sau xe.
Nhưng vì lực lượng công an và dân phòng quá đông nên cuối cùng xe cũng cài số lui chạy thoát.

Chúng tôi họp lại thành một đoàn biểu tình đi diễu hành quanh một số đường phố. Ban đầu chi chừng 40 người nhưng qua trưa và đến  đầu giờ chiều, số người biểu tình đã lên đến gần cả trăm. Lực lượng tăng cường cho đoàn biểu tình đến từ khắp nơi. Các câu khẩu hiệu được hô vang: Tự do cho người yêu nước, Phương Uyên- Nguyên Kha vô tội, phản đối công an bắt người biểu tình, phản đối phiên tòa bưng bít... Người dân thành phố Tân An ngỡ ngàng và rúng động. Sau nầy nhiều người nói: "Cả đời dân ở đây, hơn 40 năm qua, đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh biểu tình". Tôi nghĩ, có lẽ cả trăm năm qua người dân tại đây chưa thấy biểu tình là gì vì trước 75, hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra tại Sài gòn.

Tại đây cũng cần dừng lại để có lời khen ngợi chính quyền Long An đã tôn trọng quyền tự do biểu tình của người dân theo đúng hiến pháp đã ghi. Đoàn biểu tình gần 100 người với các biểu ngữ các loại, kéo đi qua khắp các đường phố, hô vang các khẩu hiệu phản đối các điều sai trái trong suốt cả ngày mà không hề bị ngăn chặn hoặc bị gây khó khăn. Người trong đoàn biểu tình cũng không bị bọn giả danh côn đồ hoặc các lực lượng an ninh đánh đập thô bạo như ở Sài Gòn và Hà Nội.
 Một tín hiệu?

Phiên tòa bị bưng bít hoàn toàn khi không có luật sư biện hộ cho hai bị cáo, không có bất cứ người nhà nào được cho vào. Anh Linh, chị Nhung, chị Liên, chị Như...là cha, mẹ, chị...đều bị đuổi ra khỏi khu vực cổng tòa trên 20 mét như mọi người dân khác.
Phương Uyên đã kiên cường tuyên bố trước tòa khi tự bào chữa cho mình: “Tôi không cần giảm án, chỉ cần xử đúng người đúng tội… Chống Đảng Cộng sản không phải chống phá đất nước, dân tộc!”. 
Công tố viên đã đề nghị y án với em. Thế nhưng bất ngờ tòa tuyên Phương Uyên hưởng án treo và thả ra ngay, Nguyên Kha được giảm 1 nửa mức án, tài sản tịch phu trái phép của Đinh Nhật Uy được trả lại.
Không còn là một tín hiệu nữa mà là một phát đại pháo báo hiệu cho sự chuyển mình của lịch sử?

                                                                 *               *
                                                                         *
Tối 15.8, sau khi thăm Uyên Kha Uy trong tù, tôi định ở lại hẳn Long An để chuẩn bị cho hôm sau nhưng được tin anh em thân hữu Sài Gòn tổ chức tiệc mừng anh Lê Hiếu Đằng trở lại sau những ngày thập tử nhất sinh trong bệnh viện, tôi lại lên xe chạy về lại Sài Gòn.
Nhà Văn Phạm Đình Trọng và anh Lê Hiếu Đằng tại buổi tiệc mừng anh khỏi bệnh

Mặc dầu đã hồi phục sau khi mổ nhưng anh Đằng vẫn còn rất yếu, tuy vậy sức sống trong anh vẫn tỏa ra mãnh liệt. Sức sống ấy đã nổ tung ra qua bài viết "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh..." và lan truyền ra như một làn sóng lớn. Bài viết "Phá Xiềng" ngay sau đó của anh Hồ Ngọc Nhuận và các bài viết hưởng ứng khác là sự tiếp nối của sức sống ấy.
Anh em bạn bè ngồi ăn uống chuyện trò nhưng không khỏi không tỏ ra lo cho anh Đằng sau bài viết ấy có bị công an quấy rầy gì không. Anh Đằng nói: Khi chiều đại diện Bộ Công An có đến nhà tôi. Mọi người xôn xao, anh cười nói: Các bạn ấy đến để trao quà và thăm viếng bịnh tình của tôi. Các bạn ấy chân thành chúc mừng tôi đã phục hồi sức khỏe và dường như còn muốn nói với tôi nhiều chuyện khác nhưng rất tiếc lại có khách khác đến nên thôi...
Rồi sáng nay, 17.8, trong lúc ngồi ăn sáng với anh và gia đình Phương Uyên, tôi hỏi anh đã nghe động tỉnh gì từ phía trên kia... anh lại nói riêng với tôi: Chiều hôm qua anh Tư Sang có gởi đến cho anh một món quà cùng lời thăm hỏi chân tình. Tôi hỏi quà gì? Anh nói: Một loại thuốc chữa bệnh rất quý chỉ dành riêng cho các vị lãnh đạo.
Một tín hiệu nữa chăng?

                                                                   *              *
                                                                           *
Niềm vui đến rất lớn nhưng rồi vẫn có những nghi ngại. Vẫn có những ý kiến này khác.
Tôi bảo lòng mình cứ tin rằng đang có những bước đổi thay thật sự vì sự tồn vong và phát triển của đất nước, đang có những bước đổi thay vì hạnh phúc của toàn dân. Nhẽ nào quyền được sống tự do theo lý tưởng của một cô gái bé nhỏ lại là món hàng trao đổi của Nhà nước nầy cho một yêu cầu chiến thuật nào đó? 




Copy từ: Huỳnh Ngọc Chênh


................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét