Các
chị Khuất Thị Định, Hoàng Thị Nguyệt và Phan Thị Nam Đông đã có hành
động dũng cảm vạch trần vụ việc “nhân bản” xét nghiệm tại
Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, nơi
các chị đang công tác, gây chấn động dư luận trong thời gian vừa qua. Để
phơi bày tiêu cực ra ánh sáng, các chị đã phải trải qua biết bao sóng
gió, có những lúc bị đe dọa trả thù.
Dư
luận trong nước đồng tình, ủng hộ, ngưỡng mộ hành động của các chị bởi
các chị xứng danh anh hùng trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy khó
khăn. Thế nhưng, phần thưởng mà người ta trao cho các chị chỉ là một cái
giấy khen và 320 ngàn đồng (!) cho mỗi người. Buổi lễ diễn ra chóng
vánh, không một bó hoa, không một nụ cười, không một lời động viên.
Dường như những người trao đang cố “diễn” cho xong cái vai diễn bị bắt
buộc của mình. Nói “diễn” có lẽ không sai bởi trong thâm tâm các vị chắc
chẳng thích thú gì chuyện các chị tố cáo tiêu cực của bệnh viện dưới
quyền lãnh đạo của mình.
Hành
động của các chị tuy giúp mọi người thấy được sự thật của sự giả dối bị
bao phủ bởi lớp vỏ bọc hào nhoáng gọi là y đức, nhưng lại làm phiền
lòng các vị quan chức và chặn mất cơ hội móc túi bệnh nhân của kẻ khác.
Có lẽ vì thế mà trong thực tế đang tồn tại một nghịch lí là người ta
ngại chống tiêu cực cho nên khi xảy ra tiêu cực thì tìm cách “ém” nó,
bưng bít che đậy sợ nó lộ ra thì ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan,
đến sự an toàn cho cái ghế của sếp. Cho nên tham nhũng cứ diễn ra hàng
ngày mà báo cáo tổng kết của đơn vị hàng năm vẫn là “không phát hiện có
tiêu cực tham nhũng”.
Người
có công chống tham nhũng thì không được động viên, khen thưởng đúng
mức, có khi còn bị mọi người trong cơ quan xa lánh. Điều đó đang đúng
cho trường hợp của các chị. Cái phần thưởng 320 ngàn chỉ mua được dăm tô
phở, trở thành sự đàm tiếu của những kẻ sống dựa vào tham nhũng. Được
thưởng mà chẳng sung sướng gì, các chị chỉ còn biết cười trong nước mắt.
Người
viết bài này muốn nhìn nhận cái lễ trao thưởng của Sở Y tế Hà Nội ở góc
độ văn hóa. Khen thưởng, theo đúng nghĩa của nó là niềm vinh hạnh cho
cả người nhận và người trao. Một buổi lễ khen thưởng bao giờ cũng mang
tính chất trang trọng; niềm vui lộ rõ trên gương mặt, nụ cười, lời nói
của người khen, người được khen và cả những người tham dự. Đằng này thì…
Chả lẽ văn hóa ứng xử bây giờ xuống cấp đến thế sao ?
18-8-2013
Nguyễn Duy Xuân
Copy từ: Nguyễn Duy Xuân
.......................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét