CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

BÁO CÁO ĐẠI TÁ.



Đại tá Phó Cục trưởng cục CSGT (C67) Bộ công an Trần Sơn Hà ký văn bản 1042 nói về nội dung cấm giả danh nhà báo quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, trong đó đoạn: "“Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm (XLVP) khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ.

  Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật", làm dậy sóng dư luận, tựu trung là được hiểu như cấm nhà báo, và công dân quay phim chụp ảnh các hoạt động của CSGT trên đường.

Sau khi các báo chất vấn, đại tá Hà, sau đó là đại tá Tuấn ( cũng cục phó C67) đều trả lời không cấm nhà báo quay phim chụp ảnh, và không cấm người dân quay phim chụp ảnh: “Theo tinh thần văn bản này có thể hiểu, người dân hoàn toàn được tự do ghi âm ghi hình CSGT ở những địa điểm không có biển cấm quay phim chụp ảnh. CSGT đang thực thi công vụ chứ không phải riêng tư nên người dân không cần phải xin phép”..


Tóm lại là nhà cháu đầu óc sáng suốt lắm nhưng không hiểu nội dung văn bản cấm rồi trả lời thì không cấm là như thế nào.


Báo cáo các đại tá:


1. Việc mạo danh nhà báo thì đã có pháp luật trừng trị. Còn việc công dân quay phim chụp ảnh để vì động cơ tiêu cực, động cơ bôi nhọ, động cơ bóp méo sự thật, động cơ xuyên tạc sự thật thì khi có chứng cứ, chẳng cần văn bản này thì pháp luật cũng sẽ trừng trị. Cho nên nói phát hành văn bản này để cấm mạo danh nhà báo hay cấm những hành vi công dân cố tình bôi nhọ, làm xấu hình ảnh cảnh sát giao thông là thừa.


2.Nếu nói, chỉ được quay phim chụp ảnh ở những địa điểm không có biển cấm quay phim chụp ảnh thì quá đúng, pháp luật đã quy định rất rõ tại Quyết định 160 từ năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định, khu vực cấm quay phim chụp ảnh phải đảm bảo 2 điều kiện. Đó phải là khu vực cụ thể bị cấm theo quy định và phải có biển cấm.


Các khu vực cụ thể bị cấm như là: các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân; Các kho dự trữ chiến lược quốc gia;...


Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, con người, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn, đe dọa nghiêm trọng, tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, Nhà nước, mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài". 


Cho nên tất cả những chốt, những vị trí làm việc suốt tuyến đường của cảnh sát giao thông chắc chắn không nằm trong quy định cấm quay phim chụp ảnh, nói rõ ra thế để tránh trường hợp, chốt cảnh sát giao thông ở đâu thì tùy tiện đặt biển cấm quay phim chụp ảnh là không có được đâu thưa đại tá.

  3.Đại tá ở một cơ quan thực thi pháp luật, điều tối thiêu đại tá cần biết là bất cứ một văn bản nào phát hành cũng không và không thể "qua mặt" các bộ luật đã quy định. Đại tá có thể ra văn bản trong khuôn khổ cán bộ chiến sĩ do  Cục của Đại tá quản lý, khi đụng đến công dân, nhà báo là nhảy vọt quá xa quyền được phép đấy đại tá ạ. 

4.Và nói hết ra thế, để nói câu cuối, văn bản này không có ý nghĩa gì nữa. Vì như thế thì nhà báo hay công dân có quyền( như vốn là thế) giám sát mọi hoạt động của cảnh sát giao thông cả việc quan sát, quay phim, chụp ảnh, ghi âm. 
Và việc cần làm lúc này là gì? Thu hồi văn bản. Thế thôi. 

  Đúng không ạ?
Báo cáo đại tá, hết.



Copy từ: blog Nguyễn Quang Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét