CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Vụ ông Vươn, sao không kết thúc sớm?


Ông Đoàn Văn Vươn trong phiên sơ thẩm
Khởi tố từ tháng 1/2012 nhưng hơn một năm sau tới tháng 4/2013 tòa án mới xét xử sơ thẩm trong khi sự việc xảy ra cơ bản khá rõ ràng. Theo quy định của luật thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, song vấn đề ở đây là dù ông Vươn có tội hay không thì với tư cách công dân chúng ta đòi hỏi vụ án cần được kết thúc sớm.
Thực sự thì vụ án kéo dài không đem lại ích cho cả người dân lẫn chính quyền, chỉ khiến người bị giam hãm chịu khổ sở thay vì nhanh chóng được trả tự do nếu vô tội hoặc được thành án ra ngoài lao động cải tạo nếu có tội.
Một thực tế ít người biết là tình trạng bị giam hãm tù túng trong giai đoạn điều tra truy tố hoặc xét xử là rất khó chịu so với cuộc sống khi đã thành án chịu tù. Điều này thì những người đã kinh qua hai giai đoạn tạm giam và thi hành án phạt tù biết rõ. Khi đang tạm giam bị cáo không được ra ngoài lao động cải tạo như đã thành án phạt tù cho nên tình trạng bị giam trong phòng kín suốt nhiều tháng sẽ rất khổ sở.
Trong quá trình bị giam giữ chỉ những người được ưu ái đặc biệt mới được cho ra ngoài làm những việc như quét dọn vệ sinh sân vườn, giặt rũ quần áo cho người khác, hay chia cơm cho các phạm nhân…
Cho nên có tình huống là khi cán bộ điều tra trích xuất bị cáo ra ngoài để lấy lời khai thì bị cáo vui mừng như là được gặp người thân thiết.

Quy định của luật

Điều tra, truy tố và xét xử là các giai đoạn được quy định rõ thời hạn để hết thời gian đó thì phải chấm dứt, nhằm mục đích không cho việc xử lý tội phạm biến tướng thành công cụ đàn áp hành hạ, xâm phạm quyền lợi nhân dân. Thời gian giải quyết kéo dài vừa gây lãng phí thời gian công vụ của nhiều cơ quan tổ chức cá nhân, vừa gây khốn khổ cho bị can bị cáo và làm mất đi ý nghĩa tích cực của việc xử lý tội phạm. Tuy vậy quy định của luật hiện tại cho phép thời gian điều tra xử lý án quá dài lại cho nhiều lần được gia hạn cho nên có vụ vài năm có vụ hàng chục năm vẫn không kết thúc.
Ví dụ điển hình như vụ án Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên tử hình về tội giết người và hiếp dâm trẻ em kéo dài từ năm 2005 đến 2012, hiện bị cáo đã thành án và đang chờ tiêm thuốc độc. Đây là vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng mà thời gian kéo dài đã đọa đày cuộc sống của rất nhiều gia đình.
Nếu coi việc xử lý tội phạm như công việc của bác sỹ chữa lành vết thương cho xã hội thì việc kéo dài thời gian tố tụng sẽ kéo dài nỗi đau cho nạn nhân. Việc xử lý tội phạm mất đi ý nghĩa hàn gắn vết thương, xoa dịu nỗi đau cho xã hội.
Nếu coi việc xử lý tội phạm là giữ gìn sự bình yên cho nhân dân thì việc kéo dài nó lại gây hại cho sự bình yên của nhân dân, bởi vì kéo dài thời gian xử lý tội phạm là kéo dài môi trường dung dưỡng cho bạo lực.
Kéo dài thời gian tố tụng bất luận vì lý do gì đều cho thấy sự yếu kém của cơ quan tiến hành tố tụng và gây ra nhiều tổn hại cho xã hội. Đầu tiên đó là sự lãng phí về thời gian công vụ, sau đó là gây mất niềm tin vào sự đứng đắn nghiêm minh của pháp luật.
Trong vụ ông Vươn các cơ quan tư pháp kéo dài thời gian giải quyết án không cần thiết và cũng là kéo dài thời gian khó chịu cho bị cáo.

Làm sao tuyên ông Vươn vô tội?

Một thực tế lâu nay khi tòa án tiếp nhận hồ sơ do viện kiểm sát chuyển sang, sau khi nghiên cứu mà thấy chứng cứ kết tội yếu, thay vì mở phiên tòa để tuyên vô tội, tòa lại trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung củng cố chứng cứ kết tội. Như thế đồng nghĩa với việc mở phiên tòa chỉ là làm nốt phần việc kết tội, diễn biến phiên tòa chỉ còn hình thức vì phán quyết đã được định trước. Điều này đi ngược lại nguyên lý suy đoán vô tội và xét xử theo tranh tụng của luật pháp tiến bộ.
"Pháp luật cần khai triển nguyên tắc suy đoán vô tội một sản phẩm của pháp luật văn minh tiến bộ, sửa luật bỏ đi quy định cho phép tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, nếu hồ sơ điều tra không đủ căn cứ kết tội thì mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội."
Nếu những người có chuyên môn nghiệp vụ sau khi sử dụng mọi biện pháp kỹ thuật mà vẫn không chứng minh thuyết phục được một người phạm tội thì rất có thể và cần nhận định là người đó không phạm tội. Khi đó cần tuyên vô tội và trả lại mọi quyền tự do cho bị cáo, đó là bản chất của nguyên tắc suy đoán vô tội.
Việc tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thực chất là kết tội cho bằng được, như thế là coi trọng việc trả thù tội phạm mà xem nhẹ việc bảo vệ quyền công dân. Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung cũng đi ngược lại nguyên lý xét xử theo tranh tụng, bên buộc tội và bên gỡ tội tranh luận với nhau còn tòa ở giữa xem xét và phán quyết. Tranh tụng làm sao được khi luật sư tìm ra được kẽ hở và đưa ra luận điểm bào chữa bị cáo vô tội thì tòa án lại căn cứ vào đó trả hồ sơ yêu cầu làm rõ và khỏa lấp kẽ hở đó?
Cho phép tòa trả hồ sơ chính là nguyên nhân kéo dài thời gian giải quyết án, điều này gây ra những tai hại lớn cho xã hội, ví dụ như vụ kỳ án Vườn Mít cả chục năm xử lên xử xuống không xong.
Lâu nay các luật sư rất khó làm cách nào để thúc các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương giải quyết án, nhiều khi làm lợi cho thân chủ chính là ở chỗ này.
Vụ ông Vươn khi đã mở phiên tòa thì có nghĩa rằng tòa nhận định hồ sơ đã đủ để kết tội ông Vươn. Như thế việc mong ước ông Vươn được tuyên vô tội và trả tự do tại tòa là không khả thi với các quy định luật hiện nay.
Pháp luật cần khai triển nguyên tắc suy đoán vô tội một sản phẩm của pháp luật văn minh tiến bộ, sửa luật bỏ đi quy định cho phép tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, nếu hồ sơ điều tra không đủ căn cứ kết tội thì mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội. Có như thế mới nâng cao trách nhiệm trong hoạt động điều tra và truy tố, cũng như tạo sân chơi để các luật sư trau dồi và phô bày khả năng hùng biện thuyết phục.
Bằng cách đó sẽ giúp phân loại được luật sư giỏi hay dở và minh chứng được hiệu quả làm việc trước thân chủ. Khi đó các phiên tòa mới có được niềm vui vỡ òa khi tòa án tuyên bị cáo vô tội, tạo kịch tính hấp dẫn cho sân khấu xét xử, như lâu nay thì phiên tòa rất nhàm chán vì khi ra tòa là cầm chắc án có tội.


Copy từ: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét