(Kienthuc.net.vn) - "Tình trạng chảy
máu khoáng sản, khai thác nhốn nháo, buôn lậu hoành hành, cấp phép tràn
lan... là thực tế tồn tại khá lâu trong ngành khai khoáng ở Việt Nam",
ông Đoàn Văn Kiển, Hội KH&CN Mỏ Việt Nam chia sẻ với phóng viên.
Kém thế là bình thường
Tại Hội nghị toàn cầu về "Sáng
kiến minh bạch hoá ngành công nghiệp khai khoáng" lần thứ 6, Báo cáo
đánh giá Chỉ số quản trị tài nguyên cho thấy, Việt Nam có chỉ số thấp
nhất trong nhóm các quốc gia yếu kém về năng lực quản trị: Đứng thứ 43 -
vị trí cuối cùng trong nhóm các quốc gia yếu kém. Ông thấy điều này có
bất thường không?
Tôi thấy nó đúng với thực tế, rất bình
thường và đáng tin cậy. Việt Nam mà không đổi mới, không minh bạch hoá
nhanh thì sẽ còn ngày càng tồi tệ hơn thế.
Điều gì dẫn đến hệ quả này ạ?
Ai cũng nhìn thấy nó là lợi ích cục
bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân... Lợi ích đó chi phối tất cả, nó làm
cho việc quản lý không minh bạch. Mà để thực hiện được lợi ích này thì
người ta lợi dụng lỗ hổng từ các chính sách, pháp luật, quản lý...
Cụ thể của cái "lỗ hổng" ấy là gì?
Ví dụ như trước kia địa phương có
quyền cấp phép khai thác khoáng sản các điểm không nằm trong quy hoạch
quốc gia. Thế là địa phương cấp cho rất nhiều doanh nghiệp. Cấp một cách
manh mún, không có quy hoạch và không yêu cầu các điều kiện đặc thù. Ví
dụ như Cao Bằng có Mangan với rất nhiều mỏ nhỏ lẻ và cấp cho nhiều
người. Trong khi đáng lẽ họ chỉ cấp cho 1 - 2 đầu mối để tập hợp nguyên
liệu thô, làm ra một nhà máy hiện đại.
Điều này dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi?
Mỗi một lần cấp lại có một chút lợi
ích. Thế là người ta ra sức xin, ra sức cấp. Có một chút quan hệ là xin
được giấy phép. Rồi có khi xin được rồi thì bán luôn giấy phép, bán luôn
công ty. Trong khi đáng lẽ ra phải chọn được người có khả năng, có hiểu
biết về khoảng sản, có vốn đầu tư để khai thác, minh bạch đấu thầu chọn
ra người có khả năng. Đằng này không thông tin nào được minh bạch hoá
cả. Xin giấy phép dựa vào quan hệ. Thành ra, cả xin và cấp giấy phép
khai thác khoáng sản, đều dễ như cho.
Thế nhưng đứng cuối bảng trong danh mục yếu kém nhất thì tôi vẫn thấy có gì đó gợn gợn?
Mỗi một mỏ nhỏ là một ông sở hữu. Ông
nào cũng có một chút phần. Cấp phép một cách manh mún như thế, nó dẫn
đến hệ quả là khai thác bừa bãi. Rồi bài toán đặt ra là tập hợp thế nào
để chế biến sâu, trong khi không được xuất khẩu thô? Thế là mua đi bán
lại, đẩy giá lên cao. Đó là việc nhỏ nhưng lại không làm được. Họ đánh
giá chuyện không minh bạch đó là đúng, không có gì phải băn khoăn cả.
Ông Đoàn Văn Kiển, Hội KH&CN Mỏ Việt Nam nói về việc Việt Nam đứng bét bảng thế giới về năng lực quản lý khoáng sản. |
Cấp phép khai khoáng dễ như cho
Những bất cập ông vừa nêu rõ ràng là sự bất hợp lý về chính sách?
Đúng là thế. Quản lý thì lỏng lẻo.
Càng nhiều người xin cấp phép thì càng tốt. Trong khi lẽ ra chỉ cấp cho
người có năng lực thì ai xin cũng cấp. Ta từng cấp phép khai thác khoáng
sản cho những công ty không có bất cứ một kỹ sư mỏ nào, thậm chí là
công ty làm xi đánh giày cũng được cấp phép khai thác khoáng sản.
Vì sao không có năng lực khai thác mà họ vẫn xin cấp phép?
Vì đó là cơ hội để họ làm giàu. Họ có
mối quan hệ với ông nào đó thì xin được. Có thể một cái giấy phép được
bán đi bán lại đến mấy lần. Từ giấy phép nó ra tiền thôi. Mỗi lần mua
thì giá trị nó lại đội lên. Là bởi người ta nhìn thấy cái mỏ ấy có thể
kiếm ăn được, làm ăn được.
Máu tài nguyên khoáng sản chảy ra cũng từ đó?
Đúng thế, ta nhìn thấy máu chảy mà
không làm được gì. Nó là sai lầm của chính sách. Còn với doanh nghiệp,
làm sao họ lộng hành được khi có sự quản lý chặt chẽ. Nếu người quản lý
vì đất nước thì sẽ khác.
Vậy là khâu quản lý không ổn do ít người vì cái chung?
Quản lý mà đặt quyền lợi cá nhân của
mình vào đó thì tự nhiên mọi thứ nó sẽ khác. Quyền lợi nhóm, quyền lợi
bộ phận sẽ làm lệch chính sách... Người ta khai thác trái phép một cách
công khai đầy ra đấy, ai làm gì được. Đá, cát, vàng, kim loại... khai
thác tràn lan đấy, ai làm gì được. Chính là do buông lỏng quản lý, không
minh bạch trong chính sách chứ ở đâu ra.
Rõ ràng là chúng ta hoàn toàn có thể quản lý được?
Được quá đi chứ. Có điều người ta có
muốn làm hay không thôi. Phải có một người chỉ huy kiên quyết, minh
bạch, có sự phân công, phân cấp trong từng khâu. Chứ khai thác chế biến
thì Bộ Công Thương, cấp phép thì là Bộ TN&MT thành ra là nó bất cập.
Nên có một đầu mối quản lý một cách rõ ràng quy trách nhiệm cụ thể,
quản lý giám sát chặt chẽ thì sẽ giảm thiểu được tiêu cực.
Loại ngay tư duy "rừng vàng biển bạc"
Tôi biết có người bao thầu từng
đoạn của sông Hồng để khai thác cát. Họ chỉ cần "làm luật" là được sở
hữu toàn bộ chứ không phải đóng đồng thuế nào cho nhà nước, thực trạng
đó có nhiều không?
Nhiều chứ, chỗ nào chẳng thế. Nhìn
thấy trên thực tế sẽ thấy nó dính đến quyền lực. Không thể có chuyện
người quản lý không biết được. Cứ nói là phải quy trách nhiệm rõ ràng,
nhưng đấy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Thỉnh thoảng nói ầm ầm lên
tí rồi lại thôi.
Thực trạng này diễn ra lâu chưa?
Cũng lâu rồi. Nó đều là bài toán quản lý thôi.
Có người bảo Việt Nam có tiềm năng khoáng sản to lớn, đa dạng, "rừng vàng biển bạc", nên có thất thoát một chút cũng không sao?
Đừng có nói rừng vàng biển bạc, đào
lên mà ăn. Có phải là cá đấy hớt lên ăn, than đấy đào lên mà bán được
đâu. Nên bỏ ngay cái tư duy rừng vàng biển bạc. Không có cái gì sẵn đấy,
cứ thế lấy mà ăn cả.
Mấy chục năm trong nghề, ông thấy tình trạng khai thác bừa bãi này đang đi theo chiều hướng nào?
Mấy năm vừa rồi nhà nước có quản lý
chặt chẽ hơn, việc khai thác bừa bãi cũng giảm bớt. Luật Khoáng sản thay
đổi cũng hạn chế một phần nào, có tiến bộ hơn. Kiểm soát tốt hơn. Nói
chung là cũng cải thiện được phần nào rồi.
Vậy giải pháp cốt lõi nhất cho vấn đề này là gì?
Dù gì cũng phải xây dựng được một đội
ngũ quản lý giỏi nghề nhưng có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân.
Có đạo đức quản lý, đạo đức nghề nghiệp. Thế thì mới giải quyết được gốc
rễ vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
- Như việc làm luật bây
giờ cũng có những bất cập. Luật lĩnh vực nào thì bộ ngành đó làm. Thế
thì đương nhiên luật sẽ phục vụ cho quyền lợi bộ phận đó. Tôi nghĩ Quốc
hội phải có những chuyên gia độc lập để làm luật. Những người đó không
bị chi phối bởi các lợi ích, thì luật đó mới khách quan. Như thế thì
luật đó mới phù hợp với thực tiễn, dễ thực thi.
- Báo cáo dựa trên 4 tiêu
chí gồm: Hệ thống pháp luật, Mức độ minh bạch thông tin, Năng lực kiểm
tra, giám sát và Môi trường tổng thể. Theo kết quả nghiên cứu độc lập
của TS Jerymy Weate (Công ty Tư vấn quốc tế Adam Smith Việt Nam), Việt
Nam sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí, khoáng sản khá đa dạng và phong phú
với hơn 60 loại khoáng sản tại hơn 5.000 mỏ, điểm quặng. Ngành khai
khoáng đóng góp khoảng 10 - 11% GDP trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay.
Copy từ: Kiến Thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét