CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Những ý tưởng lạ lùng

Thùy Ngân 

NQL:  Bệnh thành tích đã làm Bộ GD& ĐT lú lấp hết lượt rồi, hu hu!
Cuối tuần, có 2 thông tin liên quan đến giáo dục khiến nhiều người cười nhưng lòng thật đau. Cười vì không thể hình dung được tại sao có những ý tưởng lạ lùng như thế. Đau vì những chuyện như thế này sao cứ xảy ra hoài ở môi trường được xem là tập trung những người làm thầy thiên hạ?


Nếu lấy mốc từ năm 2007, một năm sau khi toàn ngành giáo dục thực hiện cuộc vận động “Hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng lên liên tục. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 (lần 1) chỉ đạt 66,7%, và tăng đều đến năm 2012, hầu hết các địa phương đều có tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%, thậm chí nhiều nơi đạt 100%. Lúc này dư luận đặt ra câu hỏi có cần phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp quy mô toàn quốc mà tỷ lệ đỗ gần 100%? Vậy là, tại Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 diễn ra cuối tuần qua ở TP.Đà Lạt, trước bức xúc của lãnh đạo một Sở GD-ĐT vì Sở này bị cắt thi đua do để tỷ lệ tốt nghiệp năm 2012 cao hơn năm trước, mới vỡ ra rằng đã có một “thỏa thuận tối mật” giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các sở địa phương. Đó là quyết tâm để tỷ lệ tốt nghiệp không được vượt quá năm trước. Lý lẽ của Bộ là khi chấm phúc tra 17.000 bài thi của 16 tỉnh thành trong kỳ thi tốt nghiệp năm trước, phát hiện sai phạm rất lớn ở những tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp tăng.

Đành rằng phải có biện pháp để hạn chế tiêu cực, đưa con số tốt nghiệp THPT về đúng giá trị thực của nó nhưng không thể bằng một biện pháp hết sức khiên cưỡng, máy móc và quan liêu đến vậy!

Biện pháp này hoàn toàn không khoa học vì trình độ học sinh từng năm không như nhau; điều kiện giảng dạy, học tập có những lúc thay đổi; lực lượng, trình độ giáo viên không phải là bất biến; đề thi mỗi năm mỗi khác; thêm những điều kiện khách quan xảy ra lúc này lúc khác… Cũng cần nhắc lại, tốt nghiệp bậc trung học là mức độ “phổ thông” chứ không phải “tuyển”, không thể có yêu cầu cứng nhắc là tỷ lệ năm này phải không cao hơn năm trước. Đó là chưa kể, nếu áp dụng quá máy móc, để đạt thành tích, biết đâu có địa phương phải “hy sinh” cho rớt một số học sinh đủ chuẩn đậu để đạt “định mức”!   

Biện pháp này cũng không hợp lý vì đâu phải cứ chỗ nào tỷ lệ tốt nghiệp tăng là bắt buộc phải có tiêu cực. Khi thanh tra, nếu phát hiện địa phương nào sai thì phạt địa phương đó, sao lại có thể đánh đồng khái niệm như vậy?

Chuyện thứ hai diễn ra ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhằm hạn chế tình trạng chạy trường, lãnh đạo Phòng Giáo dục thành phố này đã có sáng kiến học sinh vào lớp 1 các trường như Quang Trung, Trưng Vương phải có giấy tờ chủ quyền nhà của cha mẹ. Không biết còn nơi nào có một yêu cầu quá khắc nghiệt và thô bạo đến vậy, không cho một đứa trẻ chập chững vào lớp học đầu tiên trong đời, thực hiện cái quyền mà mọi trẻ em trên thế giới đều được hưởng: quyền đến trường?

Biết rằng ngành giáo dục rất đau đầu với nhiều vấn nạn, chẳng hạn bệnh thành tích, chạy trường… nhưng đưa ra những biện pháp quá thô bạo đến vậy liệu có hợp lý?

Lời bình của Nguyễn Vạn Phú:

Đọc được cái chuyện lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng 63 giám đốc sở đã có cuộc họp tuyệt mật rồi đi đến thỏa thuận “tỷ lệ tốt nghiệp không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp của những năm trước đó”, tôi nghĩ không còn có thể dùng những từ ngữ lịch sự được nữa rồi.
Các ông chống tiêu cực trong thi cử bằng con đường này thì rõ ràng các ông đã đi vào con đường tà đạo. Các ông bây giờ ứng xử, điều hành, chỉ đạo dựa vào phản ứng của dư luận, mong sao dư luận để họ được yên thân.

Thử hình dung giám đốc một sở, sau ngày chấm thi đầu tiên, thấy kết quả đạt điểm tốt nghiệp cao hơn năm ngoái, bèn chỉ đạo xuống cho các trung tâm chấm thi, “siết lại, chấm chặt hơn, cho rớt thêm vào đi”. Một giám đốc sở khác, ngược lại, thấy tỷ lệ còn thấp, bèn động viên, “nới tay đi, cho điểm cao hơn một chút, cho đậu nhiều vào”.

Cái thỏa thuận tuyệt mật nói trên đã bất chấp số phận học sinh, bất chấp chuyện học, bất chấp thực tế; chỉ lo cho mình, cho sự an nguy của chiếc ghế. Lãnh đạo như thế thì lãnh đạo được ai? Và vì sao 63 giám đốc không ai lên tiếng phản đối?



Copy từ: Quê Choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét