CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Giá lúa thấp hơn giá ốc bươu vàng: sự thật đắng lòng


SGTT.VN - Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Boonsong Teriyapirom, bị Thủ tướng Yingluck Shinawatra cách chức vì để giá gạo Thái cao hơn giá gạo Ấn Độ và Việt Nam, làm giảm lượng xuất khẩu của gạo Thái. Đọc bản tin này tôi không thể không nghĩ đến và ngậm ngùi cho thân phận của bà con nông dân ở quê tôi, nơi mà giá lúa đang bị hạ thấp đến độ vô lý, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Vấn đề không ở chỗ giá lúa cao quá hay thấp quá mà ở tính hợp lý và hài hoà lợi ích của giá đó, và mọi sự bất hợp lý, không hài hoà của chính sách – gắn với chính khách, đều phải có cơ chế để đặt vấn đề trách nhiệm.
Quê tôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đó là vùng đất được ví von là vựa lúa của Việt Nam, và có thể là một vựa lúa lớn trong vùng Đông Nam Á. Để có cái danh hiệu đó, người dân quê tôi phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên những cánh đồng. Suốt năm này sang năm khác, người nông dân ở đây phải đương đầu với rất nhiều thiên tai, thảm hoạ, và vì thế cuộc sống của họ càng ngày càng chật vật hơn.
Ốc bươu vàng hại lúa bán còn được giá hơn lúa. An ninh lương thực ở đâu? 
Vài năm trước, vùng ĐBSCL kinh qua một thảm nạn có tên là “ốc bươu vàng”. Đó là loại ốc do ai đó vì lý do nào đó đã “du nhập” từ Trung Quốc hoặc Đài Loan về Việt Nam. Những con ốc sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt. Chúng cũng tàn phá ruộng lúa theo tốc độ cấp số nhân. Những cây lúa chưa kịp lớn đã bị chúng “cắt” ngang. Trong một thời gian dài, nông dân quê tôi khốn đốn với chúng, nhìn lúa bị huỷ hoại mà không làm gì được. Có năm, như 2010, có hàng chục ngàn hecta bị chúng phá sạch. Chẳng ai chịu trách nhiệm. Trong khi đó thì người dân phải tìm cách đối phó. Đến vài năm sau người ta mới tìm thấy “tác dụng” của ốc bươu vàng: làm thức ăn cho vịt. Thế là bà con nông dân, kể cả trẻ con, đi ruộng bắt ốc bươu vàng bán cho các trại nuôi vịt. Nhưng ốc bươu vàng được xem là thứ “rác rưởi”, như cây cỏ, nên giá bán cũng rất thấp.
Nhưng điều trớ trêu ngày nay là ốc bươu vàng có giá trị hơn… lúa. Lần đầu tiên trong lịch sử, giá lúa rẻ hơn giá ốc bươu vàng! Khi nghe bà con chòm xóm bàn tán và so sánh một cách hài hước, tôi nghĩ họ chỉ nói đùa cho vui. Nhưng không, lúa ở quê tôi (và vùng ĐBSCL nói chung) có giá trị thấp hơn ốc bươu vàng. Đó là một thực tế. 1kg ốc bươu vàng giá 15.000 đồng. 3kg lúa chỉ khoảng 10.000 – 12.000 đồng. 3kg lúa không bằng 1kg ốc bươu vàng. Tôi không biết có nơi nào mà người ta có thể ăn ốc bươu vàng thay cho gạo. Tôi cũng không biết có nơi nào trên thế giới mà giá lúa thấp hơn giá ốc bươu vàng, vốn được xem là một loại rác sinh học.
Người nông dân quê tôi vốn nghèo nay càng nghèo hơn. Trước khi sạ lúa, bà con đã phải vay tiền (từ ngân hàng hay bạn bè, thân nhân) để mua phân bón, thuốc trừ sâu. Giá phân bón và thuốc trừ sâu lúc nào cũng gia tăng theo thời gian. Thành ra, bây giờ khi thu hoạch lúa xong, với cái giá bèo đó thì họ hoặc là lỗ hoặc là huề vốn. Có người sau một mùa vụ thì trắng tay vẫn hoàn trắng tay. Tình trạng này rất nhất quán với con số của tổng cục Thống kê, rằng trong số những người nghèo nhất nước, 83% là nông dân. Đó là con số đáng báo động.
Chính phủ có nghị quyết “về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” và “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất”. Con số lời 30% có lẽ ru ngủ nhiều người và đẹp trên trang giấy, nhưng trong thực tế thì giá lúa tính chung giảm 30% từ năm 2011 – 2012. Sở dĩ có tình trạng này là do người nông dân bị ép giá khi mới thu hoạch. Vì phải thanh toán nợ nần nên họ đành phải bán lúa dưới giá sàn. Hậu quả là những con thương hưởng lợi. Thống kê cho thấy trong hai năm 2008 – 2009, Việt Nam xuất khẩu gần 11 triệu tấn gạo trị giá 5,5 tỉ USD, và tính trung bình giá xuất khẩu là 10.360 đồng/kg. Trong khi đó giá mua thì chỉ 7.000 đồng/kg. Như vậy, giá xuất khẩu và giá mua chênh lệch đến 3.360 đồng/kg lúa!
Ai là người hưởng lợi? Để trả lời câu hỏi này, có thể nhìn qua quy trình buôn bán lúa và xuất khẩu gạo. Xong mùa vụ, nông dân bán lúa cho các thương lái nhỏ (thường đi bằng ghe trên sông). Các thương lái nhỏ này bán cho thương lái lớn. Trong quá trình đó lúa có thể bị pha trộn và giảm chất lượng. Thêm vào đó là chính sách tạm trữ lúa gạo của Nhà nước vô hình trung tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mua lúa và tạm trữ. Các doanh nghiệp này, dù đã được hưởng lợi từ Nhà nước, chọn thời điểm để ép giá lúa, và hệ quả là người nông dân lãnh đủ. Đã có người đề cập đến “nhóm lợi ích nông nghiệp”, và đã đến lúc phải xác minh và nhận dạng nhóm này để thực thi nghị quyết của Chính phủ.
Với tình trạng như thế thì chẳng ai ngạc nhiên khi thấy cha mẹ “quyết không để con làm ruộng”. Thu nhập của nông dân nếu tính ra còn thấp hơn thu nhập của công nhân trong các hãng xưởng. Do đó, không ai ngạc nhiên khi phụ nữ xếp hàng đi lấy chồng Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc (một số thì bị chết thảm), và vấn nạn này là một quốc nhục. Trong khi đó, nam thanh niên thì đi lang bạt làm thuê ở các khu kỹ nghệ khắp nước. Có nơi (như Thới Bình, Cà Mau) chỉ trong vòng sáu tháng có hàng ngàn thanh niên bỏ huyện đi làm ở các tỉnh khác. Ngày nay, đến mùa gặt lúa nông thôn rất khó tìm nhân công. Thêm vào đó là sự tăng trưởng dân số cộng với sự thiếu quy hoạch, đã gây nên sức ép môi trường ghê gớm. Hệ quả là môi trường sống và môi trường canh tác càng ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng. Ở quê tôi, không ai dám tắm sông. Có thể nói không ngoa rằng nền tảng nông thôn vùng ĐBSCL đã và đang lung lay.
Những người dân thuộc vùng ĐBSCL đã đưa Việt Nam thành một trong những nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Họ đã đóng góp và đem về cho ngân sách hàng tỉ USD mỗi năm. Ấy thế mà người dân vùng ĐBSCL bị thiệt thòi nhất nước. Đánh giá qua bất cứ chỉ tiêu nào (giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà ở, v.v.), ĐBSCL thường đứng hạng chót hay áp chót. Đối với người dân ở đây, câu nói ĐBSCL là “vùng đất trù phú” chỉ là huyền thoại và là một sỉ nhục.
Một quan chức cao cấp thuộc vùng ĐBSCL từng giải thích sự sa sút của vùng đất lúa gạo này: “ĐBSCL ở xa Trung ương quá, lâu lâu bộ mới vào một lần. Trung ương mà không sớm thay đổi chính sách, bỏ rơi thì miền Tây không thoát nghèo được”. Có lẽ chính vì “xa mặt trời” nên tình trạng lúa có giá trị thấp hơn ốc bươu vàng ở vùng ĐBSCL chẳng ai chú ý và chịu trách nhiệm.
Nguyễn Văn Tuấn


Copy từ: SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét