CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Sự thật đằng sau việc NHNN liên tục bán vàng

10-cau-hoi12Nói “sự thật” cho kêu vậy chứ đến nay hầu như ai cũng rõ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng thông qua các phiên đấu thầu là nhằm giúp các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng. Vấn đề là vì sao NHNN phải làm như vậy?
Dùng chữ “tất toán” với “trạng thái” có thể gây khó hiểu. Nói theo kiểu đơn giản hóa, là trước đây ngân hàng thương mại huy động vàng của dân về hoặc đem cho vay lại, hoặc bán ra lấy tiền kinh doanh nay phải mua vàng để trả lại cho dân. Cho nên về mặt kỹ thuật có hai loại trạng thái: trạng thái cho vay và huy động và trạng thái kinh doanh. Cái đầu đã có lâu rồi còn cái sau mới có từ cuối năm 2011 và có phần trách nhiệm rất lớn của NHNN.

Đã làm thì phải chịu

Nếu nhớ lại, vào ngày 6-10-2011, NHNN thành lập nhóm G5+1, tức gồm năm ngân hàng thương mại (ACB, Đông Á, Techcombank, Eximbank và Sacombank) cộng với SJC với mục đích bình ổn giá vàng. Các ngân hàng này được chuyển đổi tối đa 40% số vàng tồn quỹ đã huy động của dân từ trước thành tiền mặt, tức bán vàng ồ ạt ra thị trường dưới danh nghĩa bình ổn giá theo yêu cầu của NHNN mặc dù trước đó đã có nhiều văn bản yêu cầu chấm dứt việc huy động vàng, cho vay bằng vàng…
Ngày đầu tiên bán ra 5 tấn và chỉ trong một tuần 10 tấn vàng đã được bán ra, sau đó lên 16 tấn (giá lúc đó khoảng 44-45 triệu/lượng, chênh lệch so với giá vàng thế giới chừng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng).
Trên nguyên tắc, các ngân hàng này bán ra bao nhiêu vàng thì phải mua vào bấy nhiêu vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Lúc đó ngân hàng nào được chọn cũng “phấn khởi” vì kiếm lãi dễ dàng. Nói là chỉ được bán 40% vàng tồn quỹ nhưng chắc chắn có tình trạng lấy vàng ở các ngân hàng khác về bán bởi lúc đó nhiều ngân hàng không nằm trong G5+1 vẫn nâng lãi suất huy động vàng lên cao, có khả năng đưa vàng cho G5+1 bán, lấy tiền về kinh doanh. Lãi suất huy động vàng được nâng lên cao từ 2% đến 3%, và trên nguyên tắc họ bị cấm huy động vàng nhưng vẫn huy động được theo kiểu giữ hộ. Nhiều nguồn tin nói người dân mua vàng về lại đem vào ngân hàng gởi hưởng lãi, ngân hàng lại tiếp tục bán ra. Tổng số vàng bán ra trong đợt bình ổn giá này là bao nhiêu, không rõ nhưng chắc chắn cao hơn con số 16 tấn, có lẽ vào khoảng 25 tấn như một số nguồn cho biết.
Ai nấy cứ tưởng giá vàng sẽ giảm, lúc đó họ sẽ mua lại vàng để bù lại chỗ đã bán ra hoặc cùng lắm thì nhập vàng từ tài khoản vàng ở nước ngoài về.
Không ngờ NHNN không cho nhập vàng vật chất, dành lấy vị thế độc quyền vàng, giá vàng thế giới lại tăng tiếp mãi cho đến gần đây mới giảm. Vậy là từ đó đến nay các ngân hàng liên tục mua vàng vào để tất toán trạng thái và chịu lỗ nặng. Đông Á cho biết lỗ trên 137 tỷ đồng do phải tất toán tài khoản vàng, ACB lỗ đến 1.800 tỷ đồng mới tất toán xong trạng thái. Eximbank cũng lỗ vài trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể vàng trên tài khoản nước ngoài nay cũng lỗ vì mua với giá cao nay giá giảm mạnh.
Một người rành hoạt động kinh doanh vàng kiểu này cho rằng, do liên đới chịu trách nhiệm nên NHNN nay phải tìm cách bán vàng cho các ngân hàng thôi. Có người cho rằng các ngân hàng đã tất toán trạng thái kinh doanh vàng nay chỉ còn trạng thái cho vay và huy động vàng mà thôi. Dù sao đi nữa, vàng bán ra bao nhiêu là các ngân hàng mua hết chính vì nhu cầu tất toán đó.
Thử đặt mình vào vị trí của NHNN thì thấy nếu NHNN bán với giá thấp (gần bằng giá quốc tế) thì thiệt hại cho dự trữ quốc gia, lại mang tiếng hỗ trợ cho lợi ích nhóm; cho ngân hàng thương mại nhập khẩu thì phải bán đô-la cho họ với giá chính thức, cũng thiệt hại cho dự trữ ngoại hối. Nhưng thế thì phải nói thật, trình bày cho người dân nắm rõ chứ đừng loanh quanh lúc nói thế này lúc nói thế khác.
Thật ra, nếu NHNN lên tiếng thừa nhận sai lầm vào thời điểm yêu cầu G5+1 bán vàng bình ổn rồi làm đúng cam kết là cho các ngân hàng này nhập vàng từ tài khoản nước ngoài thì đã giải quyết được vấn đề một cách khéo léo hơn nhiều. Đằng này NHNN chọn cách giải thích vòng vo, đòi độc quyền vàng và đích thân bán vàng như một tổ chức kinh doanh. Hành động đó đã có những tác hại sẽ nói kỹ ở phần hai.

Vàng tiền tệ và vàng phi tiền tệ

Người ta thường phân vàng thành hai loại:
Vàng tiền tệ: Theo định nghĩa của các tổ chức tài chính quốc tế thì đây là loại vàng ngân hàng trung ương đưa vào dự trữ ngoại tệ. Tất cả các loại vàng còn lại là vàng phi tiền tệ. Tuy nhiên trong trường hợp Việt Nam, nhiều nhà kinh tế cho rằng cần phải xem vàng miếng do các ngân hàng thương mại huy động từ người dân, trả lãi cho họ, rồi đem cho vay cũng là vàng tiền tệ. Thậm chí vàng được đem ra để làm phương tiện thanh toán vào những năm trước cũng là vàng tiền tệ.
Vàng phi tiền tệ: Gồm cả vàng của người dân mua về làm trang sức, cất giữ như một phương tiện lưu trữ giá trị, hay vàng dùng trong công nghiệp.
Trước đây, NHNN đã làm đúng khi cố gắng hạn chế loại vàng tiền tệ, như không cho ngân hàng thương mại huy động vốn bằng vàng, không cho phép cho vay vốn bằng vàng, không được chuyển đổi vàng cất giữ dùm người dân thành tiền để kinh doanh. Nhà nước cũng dần dần xóa bỏ được thói quen dùng vàng làm phương tiện thanh toán, hiện nay ngay cả mua bán nhà, ít ai tính bằng vàng nữa. Lý do là khi tồn tại vàng tiền tệ trong nền kinh tế, xem như lượng tiền lưu thông bị thay đổi, bị khếch đại lên, mà sự thay đổi, biến động đó không nằm trong vòng kiểm soát của NHNN nên dễ xảy ra biến động tỷ giá, lãi suất…
Có lẽ phần ở trên ai cũng thấy và ai cũng đồng ý. Chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng nói vàng là ngoại tệ.
Thế thì chỉ vì lý do như ở phần một mà NHNN lại lấy vàng từ dự trữ ngoại hối của quốc gia, tức vàng tiền tệ đem ra bán rộng rãi ra bên ngoài. Có phải Ngân hàng Nhà nước đang đi ngược lại chủ trương chống “vàng hóa” của mình? Có phải Ngân hàng Nhà nước đang pha loãng lượng tiền lưu thông bằng ngoại tệ, một yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của chính mình?
Quản lý dự trữ ngoại hối là một công tác quan trọng, không thể khinh suất bán hết vàng dự trữ trong khi các nước đã từng nâng tỷ lệ vàng dự trữ lên trong những năm qua. Bán như thế thì tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối sẽ giảm xuống còn bao nhiêu?
Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng tiền tệ ra thị trường như thế dẫn đến những hệ lụy:
- Hút tiền đồng về trong khi thị trường vẫn đang thiếu thanh khoản, dư nợ tín dụng tăng không đáng kể, đi ngược lại nỗ lực giảm lãi suất của thị trường.
- Làm giảm dự trữ ngoại hối trong bối cảnh xuất siêu chưa bền vững, vẫn còn nguy cơ nhập siêu lớn.
- Thay vì tìm cách huy động vàng trong dân như từng chủ trương, nay lại đưa vàng về cho dân cất dưới nệm.
Chính vì thế nhiều chuyên gia đã tiên đoán việc đấu thầu vàng như hiện nay sẽ không kéo dài được lâu, sẽ phải sớm chấm dứt.
Ở đây có câu hỏi nhiều người đặt ra: vì sao có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế cao như thế mặc cho NHNN bán ra thị trường trên 15 tấn vàng? Lý do thì có nhiều nhưng một chuyên gia về vàng đưa ra một lý do mà tôi cho là chính xác nhất: Chừng nào NHNN còn độc quyền về vàng chừng đó giá sẽ còn chênh lệch như thế bởi độc quyền đồng nghĩa với khó mua nên dẫn đến tâm lý găm giữ vàng, ai có đều lo thủ thế nắm giữ chứ không bán ra, làm sao giá không chênh lệch cho được.

Khi NHNN nói và làm sai luật

Nghị định 86 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước quy định: Dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm “vàng tiêu chuẩn quốc tế”. Điều 10 còn nói rõ hơn: “Vàng của Quỹ dự trữ ngoại hối phải là vàng tiêu chuẩn quốc tế”.
Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định: “Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ”.
Trong hai văn bản này hoàn toàn không có dòng chữ nào về vàng thương hiệu quốc gia, không đề cập đến nhãn hiệu SJC.
Ngay chính Ngân hàng Nhà nước, trong một văn bản gần đây nhất, vẫn khẳng định:
- Nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua, bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử và không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác SJC.
- Nghị định 24 và các quy định khác của pháp luật không có quy định nào bắt buộc phải chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC.
Khi ra Thông tư 16, hướng dẫn thi hành Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đề cập đến thương hiện vàng quốc gia cũng như nhãn hiệu SJC.
Đến Thông tư 06, hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước thì Ngân hàng Nhà nước mới quy định loại vàng miếng được giao dịch mua bán: “Ngân hàng Nhà nước mua, bán vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 01 (một) lượng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ”. Cũng không có cụm từ “thương hiệu vàng quốc gia” hay “SJC”.
Trong lúc đó, phát biểu trước Quốc hội vào ngày 25-11-2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói “Nhà nước sẽ độc quyền về sản xuất vàng miếng và trước mắt, SJC sẽ là thương hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước”.
Trước đó vào ngày 4-7-2012, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho báo chí biết “Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ và thống nhất với UBND TPHCM quyết định lựa chọn thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng của Nhà nước”.
Như vậy luật từ nghị định đến thông tư không đề cập, chỉ có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phát biểu một cách chính thức về SJC đã gây ra không biết bao nhiêu là tốn kém, phiền toái và lộn xộn.
- Chỉ tính riêng việc tạm xuất vàng bốn số chín phi SJC rồi nhập lại vàng nguyên liệu cũng bốn số chín về để dập thành vàng SJC, đã lãng phí biết bao nhiêu công sức và chi phí.
- Chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng phi SJC ngày càng lớn cũng do những tuyên bố và cách làm này.
Như vậy rõ ràng NHNN cần phải làm hai việc để chấm dứt sự bất ổn chung quanh vàng.
- Chấm dứt việc bán vàng từ nguồn dự trữ quốc gia vì góp phần tạo nên tình trạng vàng hóa và làm giảm dự trữ ngoại hối quốc gia. Tìm con đường khác để buộc các NHTM tất toán vàng, trả lại cho dân.
- Lãnh đạo NHNN lên chính thức đính chính phát biểu của mình để nói rõ không chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia.
Chỉ cần làm hai điều đó, tôi nghĩ cũng đã ổn định được thị trường.


Copy từ: Quê Choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét