Trước một thông tin, trước một tác phẩm, một bài viết, một cây bút,
một góp bàn phản biện, chỉ được phép dùng chính phương cách truyền thông
“tham chiến”, chứ không được phép dùng đến cái còng số 8, nòng súng và
nhà giam. (Trương Duy Nhất)
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Sau quyết định (“Nghỉ Báo Viết Blog”) của Trương Duy Nhất, có độc giả “bình” rằng đây là một “cáo phó” cho báo bổ thời bao cấp. Ông Mặc Lâm thì mô tả hành động này như là một phương cách “thoát khỏi vòng kim cô” của nhà báo nổi tiếng này.
Trương Duy Nhất, nói nào ngay, không phải là người đầu tiên có quyết định ngon lành như thế. Hơn nửa thế kỷ trước, Nguyên Hồng còn tuyên bố một câu (ngon) hơn thế:
“Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa.”
Ấy thế nhưng chả bao lâu sau, vẫn theo lời kể của Tô Hoài:
“Hội Nhà văn Đức tặng Hội Nhà văn Việt Nam 200 cái xe đạp Diamant mới
cứng. Nguyên Hồng được điện khẩn mời xuống công tác. Ấy là việc dắt
chiếc xe đạp đứng vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường. Vô
tuyến truyền hình của Việt, của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng
phẩm hữu nghị quốc tế.
Nguyên Hồng hồi ấy mới để râu, rõ ra phong thái học giả phương Đông.
Tuyên truyền thế thôi, cả hội chẳng được sờ vào vành bánh chiếc xe nào.
Hai trăm cái xe lăn cả vào kho Bộ Thương nghiệp”. (Tô Hoài. Cát Bụi Chân Ai. Wesminster, CA: Hồng Lĩnh, 1993.)
Tôi nghe nói, Bộ Thương Nghiệp, vào thời điểm vàng son của nó, quản
luôn cả đến cây kim và sợi chỉ nữa cơ. Nhờ thế, nhà nước cột chặt được
tất cả mọi người, không xót một ai. Muốn “đéo chơi” (với chúng nó) nữa
cũng chả phải là chuyện dễ dàng gì.
Cái thời hoàng kim (thổ tả) đó, của chúng nó, may quá, đã qua. Bây giờ,
cả ông hai ông Hữu Thỉnh và Đinh Thế Huynh dù có tam cố thảo lư, và
khiêng đủ “200 chiếc xe đạp Diamont mới cứng” đến tận nhà (chắc) cũng
không cách chi thuyết phục được Trương Duy Nhất trở lại cái “Hợp Tác Xã
Tư Tưởng” của nhà nước nữa.
Nhất đã đi rồi.
“Hợp Tác Xã Tư Tưởng” là chữ dùng (riêng) của Trương Duy Nhất để mô tả
những sinh hoạt có liên quan đến sách báo thời bao cấp. Cái thời mà
blogger Đào Tuấn đặt tên, một cách (vô cùng) lãng mạn, là “Thời Đại Buông Rèm.” Tôi vốn sính Tây nên gọi cái thứ của nợ này là một loại ghetto, dành cho những người cầm viết, ở Việt Nam.
Trong Thế Chiến Thứ II, ghettos
được Đức Quốc Xã tạo nên (ở nhiều thành phố Đông Âu) để làm nơi tập
trung người Do Thái. Với thời gian, hạn từ ghetto được phổ biến theo một
nghĩa rộng rãi hơn – để chỉ những nơi biệt cư, thường là nghèo nàn và
chật hẹp, của một nhóm người (nào đó) trong lòng phố thị:Black Ghetto,
Mexican Ghetto, Chinese Ghetto, Student Ghetto, Gay Ghetto...
Nguồn ảnh: http://www.whutupdoe.
Từ hơn nửa thế kỷ qua, nhà đương cuộc Hà Nội cũng thiết lập một loại
ghetto bẩn chật (tương tự) để làm nơi quần tụ cho những người cầm viết.
Kẻ nào lỡ bước qua (hay bị đẩy ra) khỏi lằn ranh của cái ghetto văn hoá
này là sẽ bị rơi ngay vào “bước đường cùng” – theo như (nguyên văn) lời
của Bùi Ngọc Tấn:
“Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn văn bản
mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm
chỉnh là không in bài của Mặc Lân, Lê Bầu. Nếu hạn hữu có in cũng không
được ký tên hai người… không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có
nốt.
Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống. Đang loay hoay với kế mưu
sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại
là người giải quyết cho Mặc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu…
Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc… Tiền tính theo cc còn tem
phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ,
2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền
và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui…
Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn
cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái
tên bất ngờ nhất:
Chính Yên!
Phan Kế Bảo!
…..
Phương Nam!
Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau.
Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó
tố cáo bước đường cùng.” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời gian gấp ruổi“. Viết về bè bạn. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006. 65 – 67)
Và đến “bước đường cùng” thì mới thấm thía hương vị của một tô phở, cho
dù là phở quốc doanh. Nó có thể làm cho khách qua đường phải ứa nước
miếng, và (đôi khi)… nước mắt:
“Ngày ấy từ quê ra đèo nhau qua hiệu phở, ngửi mùi thơm ngào ngạt,
quyến rũ, hai vợ chồng cùng thấy đói, thấy thèm và bảo nhau vào ăn phở.
Nhưng khi lục túi chỉ còn ba trăm. Đúng một bát phở chín. Không hơn. Ai
ăn? Bà bảo ông ăn vì trông ông gầy quá. Ông bảo bà ăn. Bà bảo thế thì
không ai ăn cả. Cùng về. Nhưng ông biết bà đã nhịn thèm nhịn nhạt,
nhường chồng con bao nhiêu năm rồi. Ông quát lên khe khẽ, bắt bà phải
ăn. Bà vâng lời ông. Ông còn dặn bà: Nửa bát đầu cứ thế ăn, nửa bát sau
hãy cho chanh ớt. Như vậy em được ăn hai thứ phở.” (Bùi Ngọc Tấn. Vũ trụ không cùng. Fall Church,Virginia: Tiếng Quê Hương, 2007).
Tranh: Babui
Ở trong vòng ghetto, tuy bẩn chật nhưng được cái an toàn. Nó an toàn đến
độ khiến không ít kẻ sinh tật múa gậy vườn hoang – theo như lời than
phiền của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, về một cây viết và một tờ báo tăm tiếng (và tai tiếng) nhất hiện nay:
“Vì sao Nguyễn Như Phong và báo An Ninh Thế Giới dám tự tung tự tác,
ngang nhiên hoành hành, đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người như vậy?
“
An Ninh Thế Giới không phải là tờ báo duy nhất chuyên ngậm máu (hay ngậm
cứt) phun người như thế. Ngày 31 tháng 10 năm 2009, qua một bài báo (“Bán dâu - Hủ tục man rợ vẫn hoành hành”)
tờ Tiền Phong cũng đã ngang hiên xỉ nhục người dân ở huyện Tiên Yên,
tỉnh Quảng Ninh, về điều mà họ mô tả là “tập tục vô luân” nơi địa phương
này: ”Thích thì bỏ tiền cưới vợ, khi ‘bực mình’ thì rao bán cả vợ cả con, bố mẹ chồng cũng có quyền bán con dâu và cháu nội…”
Một tuần sau, cũng báo Tiền Phong, số ra ngày 8 tháng 11, đăng lời “xin lỗi nhân dân và chính quyền xã Phong Dụ cùng bạn đọc...” vì “tác
giả bài báo đã xào xáo và không hiểu biết gì về tập tục và đời sống bà
con đồng bào dân tộc, thêm thắt, thổi phồng sự việc...”
Xin lỗi quấy quá, cho có lệ vậy thôi, chứ “đổi trắng thay đen” hay “thêm
thắt, thổi phồng sự việc” để phỉ báng thiên hạ – đối với những người
cầm viết trong ghetto Việt Nam – chỉ là chuyện nhỏ, không đáng để họ
phải bận tâm. Họ còn được dung túng để thay mặt cho cả ngành tư pháp của
xứ sở này kết án hết người này, đến người nọ về tội danh này hay tội
danh khác nữa cơ.
Qua một cuộc phỏng vấn, do Lê Thị Thái Hoà thực hiện, đọc được ở Thanh Niên Online vào ngày 30 tháng 4 năm 2008, nhà văn Trần Đăng Khoa cho biết:
"Tôi nói thật, chưa bao giờ tôi viết có xúc cảm hết. Thời trẻ con
cũng thế và sau này cũng vậy. Thấy cần viết là tôi viết. Họ đặt ký tôi
viết về người này người kia thì tôi viết. Thế là có tập Chân dung và Đối
thoại đấy".
“Thế ... đấy” nhưng tập Chân Dung Và Đối Thoại vẫn được tái bản đều đều.
Lý do: ghetto chữ nghĩa ở VN là một loại công ty độc quyền, không có
đối thủ, miễn có cạnh tranh, và thường kín như bưng. Bởi vậy, khi Trần
Đăng Khoa hé mở cho chút xíu ánh sáng (sự thật) soi rọi vào một vài mảng
tối thui ở đất nước này là tác phẩm của ông liền được đón chào nhiệt
liệt.
Dù thế, chỉ hơn một năm sau, qua một cuộc phỏng vấn khác – đọc được vào hôm 13 tháng 7 năm 2009, do Hồng Thanh Quang
thực hiện – Trần Đăng Khoa đã nói khác ngay. Ông không đề cập đến
chuyện “viết không cần cảm xúc” hay “viết theo đơn đặt” nữa. Thay vào
đó, ông nêu lên“thiên chức của nhà văn” bằng những lời lẽ hết sức trang
trọng và cảm động:
“Bởi vì ở Phương Đông cũng như ở Việt Nam, văn chương đích thực, phải
tải Đạo, như cụ Đồ Chiểu nói: Chở bao nhiêu Đạo, thuyền không khẳm. Vì
thế, trong con mắt của xã hội, nhà văn là cao quí, là đại diện cho giá
trị đạo đức và văn hoá xã hội.”
Cảm ơn Trần Đăng Khoa, và cảm ơn Trời. Thế thời, rõ ràng, đã đổi. Và đổi
nhanh ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Mới bữa nào người dân
Việt còn thi thoảng uống cà phê chui, nay thì họ ngồi đầy những tiệm cà
phê internet.
Cái phương tiện truyền thông (tân kỳ) này đã làm cho quả địa cầu nhỏ
lại. Nhân loại nhích lại gần nhau hơn. Việt Nam không còn là một nơi
biệt cư, dành riêng cho một dân tộc hoàn toàn mù thông tin, như trước
nữa. Bây giờ mà vẫn cứ “viết theo đơn đặt hàng” thì rách việc như không.
Và điều này thì Trương Duy Nhất biết rõ hơn rất nhiều người.
Cuối bài “Viện Sĩ Tự Sướng” (viết ngày 4 tháng 2 năm 2011) ông cho biết: “Tôi
post bài này lên lúc 14 giờ 57, xong đi một vòng chúc Tết. Chưa đầy 2
tiếng sau về mở lại thì thấy báo Nhân Dân đã tháo bài này xuống khỏi
trang Nhân Dân điện tử.”
Trước đó không lâu, báo Pháp Luật cũng bị một tai nạn tương tự vì bài báo “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng Xuất Sắc Nhất Châu Á” của ông hay bà Phượng Lê nào đó. Nó cũng được “tháo xuống” tức thì.
Hệ thống truyền thông quốc doanh, rõ ràng, không còn là nơi để có thể
múa gậy vườn hoang (như xưa) nữa. Dù nấp dưới bút danh nào, và trong ngõ
ngách nào chăng nữa, hễ cứ nói bậy hay nói láo là bị chúng “vả” vào mồm
– khiến mặt mũi sưng vù – ngay tức khắc.
Cái ghetto chữ nghĩa Việt Nam bây giờ, ví von mà nói, là một con thuyền
lủng. Nó sắp đắm đến nơi. Bởi thế, khi Trương Duy Nhất tuyên bố “bỏ
thuyền” thì ai cũng lấy làm mừng. Đây là một tin vui. Một người ngay
thoát nạn!
Nhất đã đi rồi!
Tưởng là đi đâu, ai dè ổng đi... vô hộp, theo như tin loan của Thanh Niên On Line, đọc được vào hôm 26 tháng 5 năm 2013:
“Bộ Công an vừa tiến hành bắt giữ ông Trương Duy Nhất (49 tuổi, ngụ
tại TP.Đà Nẵng) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi
ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công
dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự.”
Nguyên Hồng, rõ ràng, vẫn may mắn hơn Trương Duy Nhất. Thời của ông nhà
văn ở miền Bắc Việt Nam ngày trước – nói nào ngay – cửa tù không mở rộng
(hết cỡ) như thời của ông nhà báo hôm nay, trên toàn lãnh thổ. Bởi vậy,
nhiều người cầm bút ở Việt Nam đã chọn cuộc sống trong ghetto (được lúc
nào hay lúc đó) thay vì ở trong tù. Cái trước, khách quan mà xét, vẫn
rộng rãi thoải mái hơn cái sau nhiều lắm. Thiệt đúng là một xứ sở chỉ
có một góc nhìn duy nhất.!
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét