Tưởng Năng Tiến (Danlambao)
- Theo thứ tự cấp bậc, và tuổi đời (tính từ thấp lên cao và từ trẻ đến
già) xin được giới thiệu trước về ông đại úy – qua thông tin của trang
mạng Tiếng Nói Trẻ:
Nguyễn Phương Hùng sinh năm 1946 tại Bắc Giang, sống tại Hà Nội
và năm 1954 di cư vào Nam, thời kỳ chiến tranh đã từng là sỹ quan binh
chủng Biệt động quân của Ngụy. Năm 1975 di tản sang định cư tại Mỹ. Từ
khi sang Mỹ, do tiếc nuối thời "vàng son", Nguyễn Phương Hùng đã tích
cực tham gia các hoạt động chống đối Việt Nam ở nước ngoài và từ năm
1985 bắt đầu tham gia các tổ chức phản động lưu vong. Suốt 36 năm kể từ
khi định cư tại Mỹ, do định kiến cá nhân là người chống cộng và từng là
sỹ quan Ngụy, do tiếp nhận những thông tin sai lệch về Việt Nam.
Đại úy Nguyễn Phương Hùng. Ảnh: tiengnoitre.blogspot |
Báo Quân Đội Nhân Dân, hôm 31 tháng 3 năm 2013, đã có bài phỏng vấn (“Hãy Trở Về Để Thấy Và Tin Vào Sự Thực”) viên cựu sĩ quan này. Xin được ghi lại nơi đây (nguyên văn) vài câu hỏi chính, cùng câu trả lời để rộng đường dư luận:
- Xin ông cho biết ông đã trở về Việt Nam bao nhiêu lần?
- Lần đầu tiên tôi về nước là vào tháng
9-2011 để dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Từ đó
đến nay, tổng cộng tôi đã trở về 6 lần trong 18 tháng. Lần nào về tôi
cũng chụp rất nhiều ảnh, quay những thước phim phóng sự, tư liệu... rồi
đưa lên trang web kbchn.net.
- Có cơ hội đi nhiều nơi ở Việt Nam,
ông có suy nghĩ gì khi một số tổ chức phản động lưu vong ở Mỹ luôn đòi
hỏi dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam?
- Ở bên kia chúng tôi cũng bị họ tuyên
truyền là ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền nhằm
lôi kéo nhiều người tham gia các hoạt động chống phá trong nước. Tôi
thừa nhận mình đã bị ít nhiều tác động. Nhưng đó là chuyện trước đây.
Những tuyên truyền về “đàn áp tôn giáo” ở Việt Nam đã hoàn toàn biến mất
trong tôi khi về nước, tôi được chứng kiến kiến trúc đồ sộ của Đại
Chủng viện (Công giáo) Long Khánh hay chùa Bái Đính ở Ninh Bình được
công nhận là lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Làm sao có thể tin có đàn áp tôn giáo khi ở
nhiều nơi tôi đi qua, rất nhiều chùa chiền, nhà thờ được xây dựng dọc
bên đường Quốc lộ 1 từ ngã tư Tam Hiệp đến Long Khánh, với những buổi
thánh lễ ngày chủ nhật giáo dân đứng chật thánh đường, người dân tấp nập
thăm viếng chùa chiền... Các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin
lành, Hòa Hảo, Cao Đài và Hồi giáo tự do phát triển ở Việt Nam. Lễ Phật
đản vừa qua tôi cũng có mặt tại Việt Nam nên đã được chứng kiến khắp nơi
tưng bừng mừng Đức Thích Ca đản sinh. Ngoài tôn giáo, tín ngưỡng cũng
được tự do phát triển, thí dụ hầu đồng đã được phép tái hoạt động.
Tôi đã đi, đã thấy, đã tin và vì đã tin
nên tôi phải viết, viết sự thật bằng tiếng nói trung thực của người làm
báo. Những hình ảnh đó tôi đã đưa hết lên trang web rồi nhưng tôi cũng
không bình luận gì thêm để tự mọi người nhìn vào đó và suy ngẫm xem Việt
Nam có tự do tôn giáo hay không.
- Ở Mỹ vẫn tồn tại một số tổ chức phản
động luôn rêu rao Việt Nam đàn áp nhân quyền. Vậy thực chất hoạt động
của các tổ chức này ở bên đó là như thế nào? Ông suy nghĩ thế nào về
những hành động này?
- Họ không chịu hiểu một thực tế rằng,
chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước vượt qua thời kỳ khó
khăn sau chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước Việt Nam có
thể nói đã có được thời gian hòa bình lâu dài và có sự phát triển gần
như “lột xác”. Đó chính là nhờ Việt Nam đã giữ được chính trị ổn định,
tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, đời sống người dân được bảo đảm,
vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, được nhiều nước
công nhận.
Ở Việt Nam, tôi không gặp lực lượng quân
đội hay cảnh sát có vũ trang trên đường như ở Mỹ. Điều đó chứng tỏ sự ổn
định về an ninh chính trị ở Việt Nam, sự an toàn của người dân được bảo
đảm. Như thế chính là thiết thực bảo đảm nhân quyền cho người dân.
Tôi thực sự khâm phục về khả năng điều
hành đất nước của Nhà nước Việt Nam trong hơn 3 thập niên qua. Tôi đã
nhìn thấy những tòa nhà cao tầng từ những thành phố tôi đi qua như Hà
Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh, Long Khánh và Cần Thơ
cũng như các thành phố khác của miền Tây Nam Bộ, cùng những khu resort
sang trọng ở Đà Nẵng... Tôi chưa có cơ hội đi hết những nơi khác ở Việt
Nam, nhưng tôi tin rằng cũng đã có nhiều đổi mới.
- Xin cảm ơn ông!
*
Nhận định của đại úy Nguyễn Phương Hùng về vai trò vai trò của ĐCSVN,
cũng như tình hình đất nước (e) không được mọi người chia sẻ. Đại tá Lê Hồng Hà là một trong những người như thế.
Đại tá Lê Hồng Hà. Nguồn ảnh: to-quoc.blogspot |
Cách đây chưa lâu, vào ngày 3 tháng 6 năm 2012, trang pro & contra có đăng tải một cuộc phỏng vấn nhân vật này, với lời giới thiệu (hơi) dài:
Ông Lê Hồng Hà, cựu đại tá công an, năm
nay 86 tuổi, là người đã tham dự Khóa I cho người Việt Nam về Chủ nghĩa
Marx-Lenin tại Bắc Kinh năm 1949 và ở lại làm trợ giảng cho các khóa II,
III đến năm 1952. Năm 1953 về nước phụ trách Trường Công an Trung ương
(tiền thân của Học viện An ninh hiện nay). Năm 1958 là Chánh văn phòng
Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, là Ủy viên Đảng Đoàn Bộ
Công An từ năm 1956. Ông là người đã cùng ông Nguyễn Trung Thành (cựu Vụ
trưởng Vụ Bảo vệ Đảng dưới thời ông Lê Đức Thọ), vào nửa cuối thập niên
1990, đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải minh oan
cho những nạn nhân trong vụ án có tên “Vụ án chống Đảng theo chủ nghĩa
xét lại làm tình báo cho nước ngoài” (tên thường gọi: “Vụ án xét lại
chống Đảng”). Không lâu sau ông đã bị khai trừ khỏi Đảng (cùng ông
Nguyễn Trung Thành) và bị vào tù một thời gian.
Chúng tôi cũng xin được ghi lại nơi đây
(nguyên văn) vài câu hỏi chính, cùng câu trả lời, của buổi nói chuyện để
rộng đường dư luận:
Phạm Hồng Sơn: Thưa ông Lê Hồng
Hà, với cương vị là người đã tham gia Cách mạng tháng Tám, Kháng chiến
chống Pháp và chứng kiến Kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ Đổi Mới, xin ông
cho biết tình hình Việt Nam hiện nay có những vấn đề gì đáng lưu tâm
nhất?
Lê Hồng Hà: Tình hình chung hiện
nay tôi thấy có ba vấn đề lớn nhất. Thứ nhất là sự đánh giá của ĐCSVN về
chính ĐCSVN và về hiện trạng đất nước nói chung là sai lầm. ĐCSVN vẫn
cố tô vẽ cho thực trạng hiện nay những điều không có, vẫn tự khoe
khoang, huyênh hoang rằng nhờ mình thì đất nước mới có nhiều điều tiến
bộ. Ví dụ Đảng luôn cho lịch sử của dân tộc từ khi có Đảng là một bản
anh hùng ca.
Theo tôi, về công cuộc giải phóng dân tộc
thì có thể là anh hùng ca nhưng về việc xây dựng và phát triển đất nước
thì từ khi có ĐCSVN đến giờ đó là một quãng lịch sử thất bại. Và giải
phóng dân tộc vừa qua cũng không như Đảng nói là nhờ chủ nghĩa
Marx-Lenin mà cái chính là do nhân dân đã tiếp thu, tiếp nối được truyền
thống yêu nước của dân tộc.
Chủ nghĩa Marx-Lenin nếu có chỉ có một
phần nhỏ là tập hợp được đoàn kết giữa công nhân và nông dân thôi. Còn
thực tế đã cho thấy Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN thì càng phát
triển lại càng tụt hậu về nhiều mặt so với các nước trong khu vực. Xây
dựng và phát triển đất nước mà lại theo chủ nghĩa Marx-Lenin thì sai
hoàn toàn. Chủ nghĩa Marx-Lenin là một học thuyết đấu tranh giai cấp, là
một học thuyết phản phát triển.
Thứ hai là tình hình xã hội hiện nay ở mức
độ xấu chưa từng có, kể từ năm 1975 đến giờ. Sự xuống cấp của đất nước
hầu khắp mọi lĩnh vực từ an ninh, đạo đức, văn hóa, giáo dục, xã hội,
hay chính trị. Chính trị nghĩa là uy tín của của ĐCSVN đã xuống thấp
chưa từng có, gần như không còn ai tin vào cái Đảng này nữa. Như vậy xã
hội hiện nay, theo tôi, đang lâm vào một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện
mà nguyên nhân là do đường lối của ĐCSVN về phát triển là sai.
Thứ ba là vấn đề Trung Quốc. Trung Quốc đã
và đang ráo riết thực hiện những kế hoạch dữ dội, xâm nhập, ảnh hưởng,
chèn ép, bao vây trên mọi lĩnh vực, kinh tế, an ninh, quốc phòng, lãnh
thổ, nhằm thực hiện ý đồ cuối cùng là thôn tính Việt Nam. Còn về phía
Việt Nam thì nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam lại đã và đang bị Trung
Quốc mua chuộc và khống chế. Tất cả những điều đó đều là một quá trình
liên tục từ Đại hội VI của ĐCSVN đến nay. Thái độ nói chung của lãnh đạo
Việt Nam hiện nay về Trung Quốc lại lờ phờ, không rõ ràng. Đó là một
vấn đề hết sức nguy hiểm.
Phạm Hồng Sơn: Vậy ĐCSVN còn đóng vai trò gì đối với đất nước hiện nay?
Lê Hồng Hà: Trước đây Đảng đã từng
giữ vai trò tiền phong trong xã hội, thúc đẩy tiến bộ cho xã hội ở một
số phương diện. Nhưng đến nay Đảng không còn giữ được những vai trò đó
nữa vì Đảng vẫn đi theo hệ tư tưởng Marx-Lenin. Còn về đội ngũ của Đảng,
đặc biệt là hàng ngũ cầm quyền, đã bị tha hóa, tham nhũng, xoay sở, vô
cảm với đất nước, xã hội. Vì vậy Đảng hiện nay chỉ còn vai trò kìm hãm
xã hội thôi...
Phạm Hồng Sơn: Trân trọng cảm ơn ông Lê Hồng Hà.
*
Nhận định của đại tá Lê Hồng Hà rõ ràng (và hoàn toàn) tương phản với
cái nhìn của đại úy Nguyễn Phương Hùng về tình hình đất nước. Câu hỏi
đặt ra là trong hai ông ai là kẻ điêu ngoa và dối trá? Theo tôi thì đây
là lúc giới dư luận viên nên vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề, và để hướng
dẫn cho quần chúng “bớt” hoang mang về vai trò của Đảng Cộng Sản Việt
Nam trong giai đoạn hiện nay. Cái giai đoạn mà theo đại úy Hùng là “chính Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn sau chiến tranh,” còn theo đại tá Hà thì “Đảng chỉ còn vai trò kìm hãm xã hội thôi.”
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét