Mai Xuân Dũng
- Theo thông tin đăng tải trên các trang mạng, ngày hôm nay, Anh Nguyễn
Chí Đức (người từng bị Đại úy công an Nguyễn Văn Minh đạp vào mặt trong
lần biểu tình chống TQ tại Hà Nội năm 2011) trong lúc đi ăn cơm trưa
tại khu công nghiệp Nam Thăng Long bị một nhóm thanh niên bịt mặt chặn
đường hành hung, đánh đập gây nhiều thương tích.
Theo lời của người bị hại và dư luận, đây không phải là một vụ hành hung
giống như rất nhiều vụ hành hung của côn đồ gây ra ở Hà nội và các địa
phương khác trên cả nước mang mầu sắc hình sự mà là một vụ trả thù có sự
bảo kê, giật giây, bật đèn xanh của “thế lực tà quyền”.
Ngay trong buổi chiều, hãng tin BBC đã có cuộc phỏng vấn và đăng tải
trong chương trình Việt ngữ, theo đó Chí Đức “nói với BBC rằng ông bị
"những người lạ" mà ông cho là "công an" cùng "côn đồ" đánh đập bằng
hung khí và chân tay ở cơ quan tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà
Nội, "chắc chắn" ít nhất một người tấn công ông là "công an".
Chính người này là người không bịt mặt và cầm cây gậy lớn đánh tôi, tôi
nhớ rất rõ," ông khẳng định khi thuật lại việc bị một nhóm người "bịt
mặt" bất ngờ "phục kích" khi đi ăn trưa.
Người đồng thời là chủ blog "Đông Hải Long Vương" cho hay mới đây ông
tham dự phiên tòa xử ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, nơi mà ông nói cũng
đã bị "hành hung" cùng với một nhà hoạt động khác là ông Trương Văn
Dũng, nhưng ông không bị "đau" nặng nề như lần này”.
Vụ này làm bạn đọc nhớ lại trước đây không lâu, luật sư bất đồng chính
kiến Lê Quốc cũng đã từng bị “một bọn côn đồ mai phục tấn công bằng gậy
sắt” mà sau đó luật sư Lê Quốc Quân cũng đã nhận rõ mặt “một người trong
số côn đồ tấn công ông là công an”.
Những vụ “côn đồ” tấn công những người bất đồng chính kiến, những
blogger ở Việt nam bằng nhiều hình thức “phong phú, sáng tạo” xảy ra rất
nhiều. Ngoài cách hành xử công khai coi thường luật pháp của chính
quyền đối với các Blogger Nguyễn Tường Thụy, Bùi Thị Minh Hằng, Huỳnh
Thục Vy, An Đổ Nguyễn… thì chính quyền còn sáng tạo ra cách sử dụng
những phần tử xã hội đen để tấn công những người bất đồng chính kiến
hoặc đơn giản chỉ là tham gia biểu tình chống Trung quốc gây hấn. Tất cả
những hành động đó không phải là những hành động đơn lẻ có tính địa
phương mà có sự chỉ đạo từ những cấp cao hơn. Điều đó đã để lại tiếng
xấu không thể biện minh và khó rửa sạch của ngành công an Việt nam.
Dư luận lâu nay thường phê phán truyền thông “lề đảng” (đặc biệt là báo
chuyên ngành Công an, An ninh) là loại truyền thông “cướp, giết, hiếp”
vì họ đăng tải quá nhiều thông tin về chủ đề này. Bỏ qua tính kỹ thuật
trong việc “câu view” người đọc hoàn toàn có lý khi nhận xét rằng tính
bạo lực lan tràn trên báo chí phản ánh một sự thật đau lòng và đáng xấu
hổ trong xã hội Việt nam ngày nay.
Ngoài truyền thông “lề đảng”, sự thực hiển nhiên về một xã hội tao loạn
được phản ánh ngày càng nhiều trên truyền thông “lề dân”. Chỉ có điều,
bạo lực được phản ánh trên truyền thông “lề đảng” và truyền thông “lề
dân” khác hẳn nhau về nguyên nhân, bản chất.
Bạo lực xã hội ở bất kể quốc gia nào đều có nguyên nhân chủ yếu từ sự
bất cập trong cơ cấu vận hành nhà nước dẫn đến các mâu thuẫn nội tại,
giữa cá nhân với cá nhân, giữa các nhóm đối kháng quyền lợi. Các mâu
thuẫn này, chủ thể nhà nước thiếu chế tài, năng lực hoặc do một số
nguyên nhân khác, không thể (hoặc không muốn) can thiệp. Trong xã hội
Việt nam, bạo lực lan tràn có nguyên nhân sâu xa từ thế giới quan của
những người theo chủ nghĩa Marx, theo đó giai cấp công nhân nắm quyền
lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước, lấy phương châm trấn áp giai
cấp tư sản để xây dựng một xã hội không có giai cấp. Các học trò “xuất
sắc” của Marx như Lê nin, Stalin, Mao trạch đông… luôn đề cao bạo lực,
coi việc bắn giết (súng đẻ ra chính quyền) là đường lối giải quyết mâu
thuẫn giai cấp nhằm đạt mục đích chính trị.
Trong xã hội dân chủ, các mâu thuẫn xã hội bộc lộ bằng các phương tiện
truyền thông, bằng các cuộc biểu tình phản đối nhà nước được coi là liều
thuốc hiệu quả để điều trị căn bệnh lạm dụng quyền lực, giúp cho thể
chế điều chỉnh chính sách bất cập tạo nên một xã hội hoàn thiện hơn. Ở
nước ta, các hoạt động nói trên đều bị coi là chống đối bởi “các thế lực
thù địch” và bị trấn áp quyết liệt.
Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nói: “không thể lấy sự sợ hãi và sự cẩu thả để
bảo vệ chế độ”. Câu nói đó cũng đúng trong trường hợp này. Việc chính
quyền lựa chọn phương cách “khủng bố” theo kiểu xã hội đen để gieo rắc
sự sợ hãi trong nhân dân là một cách làm rất cẩu thả và hoàn toàn phản
động. Đó là biểu hiện sự bế tắc đến cùng cực của một thể chế phi dân
chủ.
9/4/2013
Mai Xuân Dũng
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét