Đoàn Vương Thanh
Người ngót 80 như tôi mắc chứng ít ngủ đã đành, nhưng những ngày “vụ án Đoàn Văn Vươn” ở Hải Phòng càng làm cho tôi mất ngủ nhiều hơn. Ôi, cuộc đời hiện tại và nhân tình thế thái, và quyền lực, và Tổ quốc và nhân dân, và lương tri thời đại của hậu duệ Hồ Chí Minh. Vụ án Đoàn Văn Vươn, đứng về góc độ nào cũng có thể đặt ra nhiều vấn đề trong cuộc sống hiện tại. Trong bất kỳ chế độ nào, cần thực thi luật pháp để giữ gìn kỷ cương đất nước, những kẻ phạm tội phải bị trừng trị, có khi là giáo dục, kiểm điểm, răn đe, có khi là tù tội…tùy theo mức độ phạm tội gây hại cho cộng đồng, cho kinh tế xã hội, cho an ninh quốc gia, cho ảnh hưởng quốc tế đều phải trừng trị. Tuy nhiên, nền pháp trị của ta, dưới sự chỉ giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng lớn của Đảng, bao giờ cũng “trị bệnh, cứu người” là chính, không dồn những người phạm tôi vào con đường cùng, trừ những tội trạng không thể tha thứ.
Vụ án Đoàn Văn Vươn, theo chúng tôi, chưa thể khép lại, tức là chưa thể kết thúc, cho dù cuộc sống cứ cuồn cuộn chảy. Tuy nhiên, đối với tôi, vụ án này đặt ra nhiều câu hỏi lớn nhỏ cứ xoáy vào tâm can. Tôi chỉ là một người lính già, đã về hưu nhiều năm, được hưởng một chút bổng lộc chế độ ban cho, song không vì thế mà đã thui chột những ý nghĩ trăn trở của mình. Cách đây nhiều thế kỷ, lịch sử còn ghi chuyện Thày giáo vĩ đại Chu Văn An khi làm việc trong Triều thấy rõ những “tội ác” của bọn gian thần, đã trăn trở nhiều và viết “Thất trảm sớ” dâng lên Nhà vua xin Vua ra lênh chém đầu bọn hại dân, hại nước. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó cũng có thể “vì cái ngai vàng của mình” nhà Vua không chấp thuận, Chu Văn An từ bỏ bổng lộc Triều đình, xin về ẩn dật. Tấm gương ấy còn soi cho đến mai sau. Còn bây giờ thì sao ? Những ai đã và đang noi gương Chu Văn AnTrở lại những suy nghĩ sau vụ Đoàn Văn Vươn. Trước tiên, tôi có lới xin lỗi anh và gia đình vợ con anh, bắt buộc tôi lại nhắc đến “vụ án Đoàn Văn Vươn”. Vì theo tôi, anh và những người thân tín của anh bỗng nhiên trở thành Anh hùng, anh hùng của giai cấp nông dân nói riêng và của dân tộc này nói chung. Người anh hùng ấy không có tội tình gì, không phạm pháp, không gây tội ác. Ba tiếng súng hoa cải, vài tiếng nổ hạn chế không giết một ai, vẫn bị “quy là tội giết người”, thì ra người nắm luật trong tay, nhất là nắm quyền trong tay, muốn làm gì chẳng được. Họ đang đứng trên đầu nhân dân. Họ đang phản bội Hồ Chí Minh bằng cách “học tập và làm theo đạo đức” của Người. Nếu làm theo được độ một phần trăm, thậm chí một phần nghìn thôi, thì sẽ không có “một bộ phận không nhỏ” (không nhỏ tức là quá lớn) cán bộ, đảng viên suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, dẫn đến tham nhũng, quan liêu, xa dân, thậm chí đối lập cả với nhân dân, người đã từng hi sinh xương máu nuôi họ trưởng thành và họ cầm quyền. Lịch sử đã chỉ rõ, khi còn phải đấu tranh xương máu, người ta dễ dàng quy tụ lại với nhau thành sức mạnh và tỏ ra thương yêu đùm bọc lẫn nhau, nhưng khi chiến thắng rồi, nhất là giành được chiến thắng vĩ đại, người ta, nhất là những người “đứng mũi chịu sào” trước đó bỗng trở thành “người khác” cũng tham lam, tham nhũng, tranh giành địa vị, ngôi thứ, quay lại phản bội những lý tưởng cao đẹp mà khi cần đấu tranh với kẻ thù họ đưa ra để tập hợp đội ngũ. Trong 31 năm kháng chiến chống ba kẻ thù xâm lược, trong số mấy chục triệu cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân khắp hai miền Nam Bắc hi sinh tính mệnh vì tin vào tương lai tươi sáng mà những người lãnh đạo, nhất là tin vào Cụ Hồ, mà chiến đấu “đến hơi thở cuối cùng. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi, trong sô mấy chục triệu người hi sinh ấy có bao nhiều đảng viên ? Mà đảng viên hi sinh ấy suy cho đến cùng cũng từ nhân dân, từ nông dân mà ra, cũng là con em nhân dân cả thôi. Chứ còn lúc nào cũng kể lể công lao của Đảng để rồi chiếm lấy quyền lãnh đạo, có quyền lãnh đạo rồi thì muốn làm gì thì làm. Họ có quyền, thì phải biết ơn người đã trao quyền cho họ hoặc là họ cố tình “xưng hùng xưng bá”, tức là họ phải biết ơn nhân dân, chứ không phải là họ quay lưng lại hoặc phản bôi nhân dân. “Một bộ phận không nhỏ” tham nhũng, tức là có một bầy sâu hiện nay chưa thể diệt trừ tận gốc, chính là bọn phản bội, phản bội Lãnh tụ, phản bội chính ông bà, cha mẹ sinh ra mình, phản bội giai cấp, phản bội quê hương làng xóm đường phố của đất nước. Nếu cần có một Tòa án thì ngay bây giờ đang cần có Tòa án xử tù tất cả bọn tham nhũng lớn nhỏ, đã câu kết với nhau làm đất nước tàn lụi đi, trong khi thiên hạ, cũng bằng ấy thời gian họ tiến xa, bỏ rơi mình đến nửa thế kỷ ! Viết đến đây, tôi bỗng có một ao ước, là trong một khóa mới của Quốc hội nếu có việc bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội…thì nên giới thiệu những ứng cử viên là phụ nữ. Nước ta không thiếu gì phụ nữ có trình độ học vấn, có đạo đức, không tham nhũng, xứng đáng giữ những cương vị vào hàng “nguyên thủ quốc gia’, nếu không phải là phụ nữ tất cả thì kiên quyết lấy ý kiến nhân dân bầu những người đủ phẩm chất, ít ra cũng là “con cháu” Bác Hồ thật sự để lãnh đạo đất nước. Còn những con sâu, hoặc cả bầy sâu, cho dù có giáo dục, cũng nên thay đổi để tránh “ngựa quen đường cũ”. Cái đầu “tham nhũng”, “mua quan bán chức”, “quan liêu” đáng sợ hơn gấp nhiều lần cái hành động của họ. Chống tham nhũng phải chống tận gốc, chống bằng chủ trương, chính sách thật sáng suốt thật triêt để và xử lý cũng không cần nương nhẹ, vì bon tham nhũng là bọn đã mất hết nhân tính, không còn một chút thương dân.Vụ án Đoàn Văn Vươn là một minh chứng cụ thể về chủ trương quản lý đất đai, nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia dân tộc. Chừng nào còn duy trì “quyền sở hữu toàn dân” thì cái ông “toàn dân” này còn sinh ra lắm chuyện. Chỉ có thực hiện “đa sở hữu đất đai”, triệt để “tư nhân hóa” quản lý kinh tế, kích thích và khuyến khích mọi cá nhân tham gia xây dựng phát triển đất nước, thì mới mong có “dân giầu nước mạnh” mà có dân giầu nước mạnh thì không một kẻ thù nào, thế lực thù địch nào dám nhòm ngó nước ta. Thời Hai Bà Trưng cách đây gần 2000 năm mà ngọn cờ khởi nghĩa với sức mạnh chính nghĩa “thù nhà, nợ nước” đã dẹp tan quân Đông Hán, giành nền độc lập cho nước nhà. Chắc chắn lúc đó chưa có chủ nghĩa xã hội và chưa có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Bài học lịch sử nước ta đã dạy rằng, triều đại nào biết duy trì, phát triển sức mạnh của dân, làm vua quan liêm khiết vì dân thật sự thì triều đại ấy bền lâu, làm nên vinh quang cho dân tộc. Ngược lại, triều đại nào sau khi có ngai vàng là tha hóa, tham nhũng, không lo cho dân nữa, thì triều đại ấy nhanh chóng xụp đổ. Mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam ta đã chứng minh điều này. Kỷ cương phép nước là rất cần thậm chí lại là cốt lõi của quốc gia. Vấn đề là ở chỗ “kỷ cương phép nước ấy được xây dựng trên cơ sở nào, trên cốt lõi của chế độ nào. Nếu là chế độ dân chủ thật sự chứ không phải dân chủ hình thức, thì nói như Bác Hồ, phải cho dân được “mở miệng”. Còn chúng ta, nhất là từ sau thống nhất nước nhà, dân càng ngày càng không được mở miệng. Nghị quyết 6 của Đảng đã cởi trói nhiều vấn đề có liên quan đến đường lối phát triển đất nước, nhưng sự cởi trói ấy, nhất là về mặt dân chủ tự do, cái mà Bác Hồ cần nhất thì lại bị vi phạm thậm chí “mất dân chủ, mất tự do”. Hình như ta chỉ nói dân chủ tự do chứ chưa làm được nhiều dân chủ tự do, cho nên bị dân không tin nữa. Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình anh vì tin vào chính quyền, tin vào chữ ký do đại điện chính quyền ký, 20 năm đã bỏ ra tiền của công sức mà không phải ai cũng làm được để cải tạo đầm hoang bãi hoang thành cơ ngơi nuôi trồng thủy sản hứa hẹn góp phần làm giầu cho gia đình và địa phương. Nhưng chính điều này đã làm nảy sinh lòng tham của bọn quan tham nên mới có sự cưỡng chế mà ngay cả thủ tướng cũng bảo là sai…Rồi lại bầy ra “vụ án” xử cả hai bên, bên anh Vươn là nạn nhân vụ cưỡng chế và bên cưỡng chế trái pháp luật để “cân bằng” một cái gì đó…Từ vụ Tiên Lãng, đất nước ta xảy ra khá nhiều “Vụ Tiên Lãng” giống như là một vết dầu loang, hình thành một sự đối lập, đối kháng giứa Đảng Nhà nước với nhân dân, chủ yếu là nông dân. Vì sao có hơn 70% các vụ khiếu kiện là khiếu kiện về đất đai. Mảnh đất ông cha tại sao lại “nóng” lên như vậy ? Tham nhũng có nhiều loại, nhiều hình thức, nhiều gây hại, nhưng chủ yếu vẫn là tham nhũng đất đai. Vụ Tiên Lãng suy cho cùng cũng là âm mưu tham nhũng đất đai mà thôi. Rất đau là nhiều khu đất tốt, đất “bờ xôi ruộng mật” họ làm xiếc về đầu tư, mở mang công nghiệp, để “đục nước béo cò” và nay, như ở xã tôi, có 450 ha đất canh tác, riêng hai công ty chiến 200 ha 7 năm nay chưa làm gì ra hồn. Trong đó cả một “bầy sâu” từ thôn trở lên đến xã, đến huyện bâu vào “Gặm” hết đất mầu mỡ và làm giầu bất chính ! Thậm chí đất dành cho làm nghĩa trang nhân dân cũng bị đấu thầu, đấu giá, và đầu cơ…
Vụ án Đoàn Văn Vươn có thể cho ta nhiều bài học, kể cả bài học về duy trì sự lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng, về quản lý đất đai, về 30% công chức viên chức “ngồi chơi xơi nước” về “lỗi hệ thống” và về cách thức diệt một bầy sâu…Thập kỷ 40 của thế kỷ trước, Cụ Hồ Chí Minh cùng với đồng chí, học trò của mình và 5000 đảng viên, đã làm nên cuộc cách mạng tháng Tám long trời lở đất thắng lợi vang dội. Còn bây giờ, chống một bầy sâu tham nhúng ta có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một hệ thống Đảng và Nhà nước hùng hậu, liệu có ăn nhằm gì không. Khó, cực kỳ khó, vì chẳng ai dại gì đi “chống” lại đám lợi ích, chống lại đồng chí, chống lại con cháu, chống lại ê-kíp, bè đảng cùng tham nhũng của mình. Cái bả vinh hoa nó còn sức hấp dẫn mạnh hơn cả lực lượng cách mạng chống lại nó./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét