CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Luật làm khó dân


Hơn 5 năm Luật Cư trú đi vào cuộc sống, hàng chục ngàn hộ dân tại TPHCM vẫn chưa được nhập hộ khẩu do không tạm trú liên tục 1 năm hoặc vướng quy hoạch

Mới đây, vấn đề này tiếp tục được làm “nóng” khi Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TPHCM khảo sát tình hình thực hiện Luật Cư trú tại quận Bình Tân và quận Bình Thạnh - TPHCM.
Tạm trú trong nhà của mình
Khoản 1, điều 20 Luật Cư trú và khoản 4, điều 1 Nghị định 56/2010 quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc Trung ương là có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 1 năm trở lên. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây trở ngại, khó khăn mà còn tạo sự bất hợp lý trong đăng ký thường trú của công dân.
 
Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Bình Tân, dẫn chứng: Trên địa bàn quận có rất nhiều trường hợp người lao động đến làm ăn, sinh sống, do điều kiện khó khăn, họ phải đi ở trọ, tạm trú nhiều năm liền. “Sau một thời gian, họ dành dụm tiền, mua được căn nhà đứng tên mình sở hữu. Không lẽ họ phải tiếp tục tạm trú thêm 1 năm liên tục trong chính ngôi nhà của mình rồi mới đủ điều kiện đăng ký thường trú?” - thiếu tá Phong băn khoăn.
TPHCM hiện có hàng chục ngàn hộ dân vẫn chưa được nhập hộ khẩu do vướng Luật Cư trú và quy hoạch “treo”.
Trong ảnh: Một khu dân cư nằm trong quy hoạch “treo” trên địa bàn quận Bình Thạnh. Ảnh: TẤN THẠNH
Đồng tình, đại tá Phan Hồng Khanh, Trưởng Công an quận Bình Thạnh, trăn trở: Bất cập này người dân cứ kêu ca, phàn nàn suốt trong mấy năm nay. Họ cho rằng chính quyền làm khó dân mà đâu biết luật quy định như vậy. Còn ông Trần Thế Dân, Phó trưởng Công an phường 25, quận Bình Thạnh, bức xúc: “Nếu so với quy định của Hiến pháp, Luật Cư trú quy định như vậy đã tạo sự không công bằng trong quyền công dân. Thực tế chứng minh có rất nhiều trường hợp Việt kiều về nước mua nhà, xin nhập lại quốc tịch, hộ khẩu thì được giải quyết ngay, trong khi công dân trong nước không được giải quyết. Đây là điều không hợp lý”.
Trước những bất cập trên, nhiều ý kiến kiến nghị người dân có thể tạm trú ở nhiều nơi tại TPHCM nhưng tổng thời gian đủ theo quy định 1 năm, nay có nhà ở do mình đứng tên chủ sở hữu và hiện đang thực tế cư trú tại chỗ ở đó thì được giải quyết đăng ký thường trú ngay mà không nhất thiết phải tạm trú liên tục thêm 1 năm như quy định hiện hành.
Không quản được là cấm!
Trong tháng 2, khi tờ trình của Chính phủ về dự Luật Cư trú có những quy định liên quan đến việc cấm, xóa thường trú đã vấp phải sự phản ứng của các thành viên trong Ban Thường vụ Quốc hội bởi tự do cư trú là quyền hiến định, Nhà nước phải tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền này cũng như đăng ký thường trú là quyền cơ bản của con người, là quyền bất khả xâm phạm. Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn ĐB Quốc hội TPHCM, ngành công an lại tiếp tục đề xuất sửa đổi luật theo hướng “quản không được nên phải cấm”.
 
Theo ông Vũ Văn Ngọc, Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Bình Thạnh, điều 22 Luật Cư trú về xóa đăng ký thường trú có 5 đối tượng. Tuy nhiên, trước đây có quy định nếu công dân bỏ đi quá 6 tháng mà không có lý do có thể xóa thường trú nhưng khi Luật Cư trú ra đời thì không có nội dung trên. “Điều này tạo điều kiện thông thoáng cho người dân nhưng lại gây khó khăn trong công tác quản lý” - ông Ngọc trần tình. Bà Võ Thị Kim Hòa, Phó trưởng Công an phường 3, quận Bình Thạnh, đề nghị nên xóa thường trú đối với người đi tù. Bà Hòa lý giải đã có nhiều trường hợp đi tù về không trình diện nơi cư trú cũ. Còn đến nơi cư trú mới, đối tượng lại che giấu lý lịch, nhân thân, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhân, hộ khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TPHCM, ĐB Quốc hội, cứ quản không được là đòi cấm, đòi xóa, vậy là vi phạm quyền tự do cư trú. “Trước đây, có nhiều trường hợp khi đi tù về, nhiều địa phương không muốn nhập khẩu, không muốn chứa đối tượng này vì sợ làm ảnh hướng đến thi đua. Khi đi tù, người ta chỉ bị hạn chế quyền công dân ở mức độ nào đó chứ không phải là hoàn toàn nên không thể xóa quyền công dân của họ. Còn việc quản lý như thế nào là chuyện khác. Khi họp Quốc hội, chúng tôi mà đề xuất những ai bị đi tù thì phải xóa hộ khẩu là người dân sẽ phản đối ngay” - ông Ánh khẳng định.
Nên xây dựng chỉ tiêu về diện tích/người
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết Luật Quy hoạch đô thị quy định chỉ tiêu về xây dựng tối thiểu là 8 m2/người. Trong chương trình phát triển nhà ở của TP đến năm 2020 là 18 m2/người. TP cũng có quy định đến năm 2020, quận Bình Thạnh không được quá 560.000 dân. Nhưng nếu luật không quy định diện tích nhập khẩu thì có lẽ quận Bình Thạnh sẽ có 1 triệu dân vào năm 2020. “Tôi còn nhớ, giữa một hội nghị của TP, các lãnh đạo đề nghị tôi giải thích vì sao một căn nhà 15 m2 mà cho bảo lãnh nhập khẩu 25 người. Do vậy, Luật Cư trú cần quy định về diện tích để vừa bảo đảm các yếu tố về đô thị vừa phù hợp với các quy định khác” - bà Hà kiến nghị.
PHAN ANH


Copy từ:Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét