Câu chuyện dân gian ngày xưa:
Có một cô gái đến ra mắt nhà chồng tương lai. Vì lần đầu đến nhà con
trai, cô chị rất ngại nên đưa theo cô em còn nâng đỡ khi khó khăn. Đến
nhà trai, khi đang ngồi tiếp chuyện bố chồng, chợt cô chị vốn bị xấu
bụng nên có một tiếng khe khẽ phát ra “tít”. Ông bố chồng tương lai vốn
nghễnh ngãng nên ngẩng lên hỏi: “Không biết có cái tiếng gì ấy nhỉ”? Cô em nhanh nhảu: “Đấy là chị con bị đau bụng từ sớm nên đánh rắm đấy ạ”. Cô chị đỏ bừng mặt và thu xếp cô em đi về sớm hơn dự định.
Về đến nhà, cô chị mắng cô em xối xả: “Mày ngu lắm, tao đang muốn
đến làm dâu nhà đó mà lại bị thế thì còn gì là nết na nữa, sao khi đó
mày không nhận là của mày có phải tử tế hơn không? Tao đưa mày đi là để
mày giúp tao những khi khó khăn như vậy chứ lại nói thế thì còn ra cái
gì”? Cô em chưng hửng khi hiểu ra hậu quả của sự thật thà của mình. Cô bèn bỏ chạy sang nhà ông thông gia, lễ phép nói: “Thưa ông, sáng nay, cái rắm đó là của cháu chứ không phải của chị cháu đâu ạ. Chị em cháu thương nhau lắm”. Rồi te tái trở về khoe với chị “Em đã sang nói lại rồi đấy nhé”.
Sở dĩ tự nhiên nhớ câu chuyện này, vì sau khi đọc bản tin “Bình Dương
nhận được hơn 44 triệu ý kiến đóng góp Dự thảo Hiến Pháp 1992”. Bản
tin được đưa trang trọng trên website của Tỉnh Bình Dương, trên báo
Thanh Niên và các báo nhà nước khác cũng hào hứng đưa bản tin về nội
dung này.
Thử làm một phép tính đơn giản:
Đến tháng 9/2013 mới hết thời hạn góp ý sửa đổi Hiến Pháp, đến nay
còn 6 tháng mà Bình Dương đã đóng góp tới hơn 44 triệu ý kiến, chính xác
là 44.459.628 ý kiến. Dân số Bình Dương theo con số hiện nay công bố là
1.497.177 người.
Như vậy:
- Kể cả trẻ sơ sinh, kể cả người nằm chờ xuống huyệt, trung bình
mỗi người dân Bình Dương đã đóng góp 29,696 ý kiến cho Sửa đổi Hiến
Pháp.
- Cứ đà này, tính cả nước 89 triệu dân, sẽ có 2.642.911.888 ý kiến đóng góp (Hai tỷ, sáu trăm bốn mươi hai triệu, chín trăm mười một ngàn, tám trăn tám tám).
- Mỗi ý kiến, người có trách nhiệm phải đọc ít nhất 1 phút để
hiểu và tiếp thu. Cứ cho rằng, một cán bộ làm việc lý tưởng đúng 8
giờ/ngày, 26 ngày/tháng và 12 tháng/năm, thì thời gian cho việc tiếp thu
các ý kiến đó sẽ là 44.048.531,5 giờ tức là 5.506.066,4 ngày, bằng
211.771,79 tháng, bằng 17.647,65 năm. Giả sử có 1.000 cán bộ chuyên
trách, thì thời gian tiếp thu số ý kiến trên sẽ là 17 năm 7 tháng.
- Riêng với Tỉnh Bình Dương với 44.459.628 ý kiến, thời gian của 1 cán bộ làm việc đủ công suất, thời gian là 296,7
năm. Nếu Tỉnh Bình Dương có 100 cán bộ chuyên môn làm việc này, thì
thời gian đọc chừng đó ý kiến sẽ hết 2,97 năm, tức là gần 3 năm. Còn
nếu như với cách làm việc 30% công suất như hiện nay báo chí đã nêu, thì
thời gian của 100 cán bộ sẽ phải làm việc 10 năm nữa mới có thể đọc và
tổng kết được con số ý kiến đóng góp Sửa đổi Hiến Pháp của Bình Dương.
Tương tự như vậy, nếu có 1.000 cán bộ chuyên trách của Ủy Ban Pháp luật
Quốc hội làm việc, sẽ cần đến gần 60 năm để tiếp thu và tổng kết số ý
kiến đóng góp Dự thảo.
Vậy mà Dự Thảo mới ban hành được 3 tháng, Bình Dương đã làm đủ các
việc từ in ấn, phát bản góp ý, thu lại tổng hợp phân tích cụ thể và báo
cáo đầy đủ, hơn 44 triệu ý kiến đóng góp, thậm chí còn nêu rõ có 638 ý
kiến không tán thành (!). Quả là tài cô Tấm ngày xưa có Bụt hiện lên
cũng phải chào thua Tỉnh Bình Dương. Bởi để có kết quả đó, theo cách
tính trên, hai tháng qua Bình Dương đã phải huy động 5.937 cán bộ làm
mỗi việc đọc và tiếp thu ý kiến nhân dân về Sửa đổi Hiến Pháp.
Như đã phân tích ở trên, con số đó là chuyện hoang tưởng. Vậy thì Bình Dương và báo chí nhà nước nghĩ gì khi đưa tin này?
Dự đoán: Có thể có những tình huống như sau:
- Bình Dương và báo chí đưa ra con số khống và tưởng rằng đồng
bào cả nước ai cũng ngu, chưa học hết lớp 4 để cộng trừ, nhân chia tìm
sự thực trong đó. Vì vậy cứ đưa đại ngôn một con số cho “các thế lực thù
địch và phản động” choáng vì nhân dân ta ai cũng chăm chú và đồng ý bản
Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp, vẫn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của
Đảng, đã đưa ra là chỉ có… tuyệt đối. Nhưng, giấu được cái đầu lại hở
cái đuôi con cáo nên chẳng lừa bịp được ai.
- Cũng có thể, Bình Dương không dại dột đến mức coi dân không
biết gì để nêu con số như vậy. Nhưng đây là thái độ để trả lời cho những
việc chẳng đâu vào đâu, chỉ tốn tiền dân mà không để làm gì. Nói cách
khác, là trò đểu, trò dân chủ giả hiệu. Nên đã đểu thì cho đểu luôn cho
nó… rõ.
- Cũng có thể có con số đó là thật, nghĩa là cứ mỗi người dân
bình quân, có 30 ý kiến đóng góp. Thì đây là đòn chơi đểu của Bình Dương
đối với UB Pháp luật của Quốc Hội. Người ta nhớ đến câu chuyện Hãng Sam
Sung sau khi bị thua kiện Apple vì vi phạm bản quyền, đã chơi đểu bằng
cách trả 1 tỷ đola bằng 30 xe tải tiền xu. Khi đã không thích mà bắt phải làm, thì cho một đống, tha hồ ngồi mà đếm.
Lời bàn:
Với cách làm như vậy, tự Tỉnh Bình Dương, Báo chí đã vạch rõ cho thấy
sự đáng tin của cách lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Sửa đổi Hiến Pháp,
của những con số, của cơ quan công quyền và báo chí nhà nước đến đâu.
Liệu có đủ 10%?
Ngoài ra, con số này cũng đã cho thấy sự nghiêm túc, nghiêm chỉnh của
các cơ quan thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc Hội, của Đảng đến
đâu.
Chợt nhớ câu chuyện: Một cán bộ lãnh đạo trong buổi lễ khánh thành trạm điện 3 pha về địa phương đã hùng hồn phát biểu như sau:
- Thưa bà con, hôm nay chúng ta nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ nên đã
có ánh sáng của Đảng về đây. Hôm nay, chúng ta đã đưa được điện 3 pha
về địa phương, tôi khẳng định rằng: Trong tương lai gần, nếu chúng ta
tiếp tục đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, chúng ta sẽ đưa
điện 4 pha, 5 pha, 6 pha, thậm chí 10 pha về đây, tha hồ sử dụng.
Vâng, câu chuyện hơn 44 triệu ý kiến của Bình Dương hôm nay, cũng là câu chuyện điện 10 pha về bản.
Hà Nội, ngày7/4/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Copy từ: J.B Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét