CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Tài làm kinh tế của quan chức Việt Nam: Khai thác bôxit: càng làm càng lỗ

TT - Nhà máy chế biến bôxit đầu tiên ở Lâm Đồng đã đi vào hoạt động. Nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động của nhà máy không hiệu quả, nhất là việc đầu tư đường sắt rồi cảng cần xem lại vì không biết bao giờ thu hồi vốn.
  • Đóng gói và vận chuyển alumin về kho (ảnh chụp ở Nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng) - Ảnh: NGUYỄN SANG

Ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV - Vinacomin), cho rằng công nghiệp sản xuất alumin - nhôm là ngành công nghiệp mới, rất phức tạp trong khi hai nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ là những dự án đầu tiên, mang tính thử nghiệm, mới ở giai đoạn đầu nên không tránh khỏi khó khăn. Ông Biên nhấn mạnh hiệu quả phải tính ở dài hạn, nếu một hai dự án khó khăn cũng không thể tính cả ngành công nghiệp sẽ khó khăn.
Chạy dưới công suất
"TKV đã thuê Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) tính toán hiệu quả dự án nhưng nhiều khả năng viện này không thể tính ra hiệu quả theo ý TKV nên đã... trả lại"
Theo ông Nguyễn Cảnh Nam - trợ lý hội đồng thành viên TKV, hiện Nhà máy alumin Tân Rai thuộc tổ hợp bôxit-nhôm Lâm Đồng đã ra những sản phẩm đầu tiên.
Các sản phẩm xuất ra TKV mới chỉ bán cho tiêu dùng trong nước vì chưa có cảng xuất khẩu, giá bán 340 USD/tấn. Ông Nam cho biết theo tính toán của TKV, giá thành sản xuất của hai nhà máy alumin khoảng 295 USD/tấn (Nhà máy Tân Rai rẻ hơn vì đường vận chuyển ngắn hơn), tức có lãi.
Tuy nhiên, ông Nam công nhận giá thành trên là ứng với nhà máy chạy được 100% công suất (650.000 tấn/năm), nhưng nhu cầu thị trường mới ở khoảng 100.000 tấn/năm nên nhà máy phải chạy theo nhu cầu, không thể chạy hết công suất. Do nhà máy chạy dưới 1/6 công suất nên khấu hao cũng tăng tương ứng.
Ông Nguyễn Cảnh Nam còn nói đang có sự dư thừa lớn trong công suất của ngành công nghiệp chế biến alumin và luyện nhôm trên toàn cầu. Giá bán thấp, rất nhiều nhà sản xuất alumin và nhôm bị đóng cửa. Mặt hàng nhôm cũng tồn kho cao, áp lực giảm giá trong trung hạn của thị trường nhôm sẽ vẫn còn, ít nhất đến năm 2015. Tuy nhiên, ông Nam cũng nói thời gian đầu khó khăn, thậm chí lỗ là “tất nhiên” nhưng vẫn cần xây dựng các dự án nhà máy alumin bởi trong tương lai nhu cầu alumin chất lượng cao vẫn lớn, VN mỗi năm cũng nhập khẩu một lượng nhôm không nhỏ.
Vì sao chọn cảng Vĩnh Tân?
Ông Lê Minh Chuẩn, tổng giám đốc TKV - Vinacomin, cho biết tập đoàn đã thuê Công ty Tedi chuyên nghiên cứu đánh giá về đầu tư cảng và Tedi đưa ra ba phương án, nếu lựa chọn cảng Kê Gà thì tổng mức đầu tư 5.095 tỉ đồng, lựa chọn cảng Mũi Gió thì mức đầu tư là 4.528 tỉ đồng và cảng Vĩnh Tân là 2.131 tỉ đồng. Với công suất như hiện nay, cảng Vĩnh Tân là lựa chọn ưu tiên số 1, mặc dù dài hơn 60km nhưng tính hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn bởi do tận dụng mặt bằng Vĩnh Tân đã đầu tư và chỉ cần mở rộng thêm.
Còn trong khi chờ đợi cảng Vĩnh Tân hoàn thành, sản phẩm của hai dự án sẽ được vận chuyển tới cảng Gò Dầu.
Chinhphu.vn
Tiết lộ TKV đang chuẩn bị xây dựng nhà máy thủy điện và nhiệt điện để tiến tới tìm đối tác xây dựng nhà máy điện phân nhôm với công suất dự kiến 0,3-0,6 triệu tấn/năm, ông Nam nhấn mạnh muốn phát triển ngành công nghiệp bôxit quy mô lớn ở Tây nguyên cần có đường sắt và cảng biển.
Tuy nhiên, ông Nam kiến nghị: do cảng và đường sắt này không chỉ phục vụ ngành công nghiệp bôxit mà còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước và địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng cảng, đường sắt Tây nguyên chứ không thể bỏ mặc cho ngành công nghiệp bôxit lo liệu.
Sản xuất sẽ “bổ sung” lỗ
Trong khi đó ông Nguyễn Thành Sơn - trưởng Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng trực thuộc TKV - nói ngay từ đầu khi đặt vấn đề làm nhà máy chế biến bôxit thành alumin, ông đã đề nghị lãnh đạo TKV cân nhắc về hiệu quả.
Là người của TKV nhưng với tư cách chuyên gia, ông Sơn tiết lộ với giá bán 340 USD/tấn thì Nhà máy Tân Rai chắc chắn lỗ vì công suất quá thấp so với thiết kế. Với giá bán hiện nay, nếu cứ sản xuất, Nhà máy alumin Tân Rai càng sản xuất càng lỗ.
Dù nhà máy đầu tiên đã xây xong, ông Sơn vẫn cho rằng nên dừng bởi sản xuất sẽ “bổ sung” lỗ. Về thời gian để thu hồi vốn đầu tư, ông Sơn nói không rõ khi nào. Về ý kiến cho rằng hiệu quả nhà máy phải tính về lâu dài, ông Sơn không đồng tình bởi hiện nay đầu tư một nhà máy alumin đã khoảng 750 triệu USD, riêng tiền trả lãi vay và khấu hao một năm đã khoảng 100 triệu USD. Ông Sơn tiết lộ thêm: TKV đã thuê Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) tính toán hiệu quả dự án nhưng nhiều khả năng viện này không thể tính ra hiệu quả theo ý TKV nên đã... trả lại.
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban nhôm của Tổng công ty Khoáng sản, đồng tình với quan điểm đầu tư nhà máy alumin hiện nay rất khó có hiệu quả. Chỉ dựa trên các số liệu do chính TKV cung cấp, trước đây các chuyên gia khuyến cáo và chứng minh được trong hội thảo có cả TKV tham dự là sẽ không hiệu quả. Hiện tại mới làm một nhà máy mà đã bộc lộ những vấn đề khổng lồ khó giải quyết, trong đó nan giải nhất là bài toán vận chuyển.
Theo ông Ban, tham vọng của TKV quá lớn nhưng lại làm theo cách vận chuyển bằng ôtô thì dự án khó có hiệu quả bởi tổng khối lượng phải vận chuyển lên tới cả triệu tấn/năm. Để nhà máy có hiệu quả hơn, ông Ban khẳng định phải chọn đối tác đúng, chứ bản thân đối tác Trung Quốc mà TKV chọn không có kinh nghiệm về loại quặng ở VN, công nghệ Trung Quốc cũng không hẳn tốt. Cần nghiên cứu phương án đưa nhà máy xuống gần biển để giảm bài toán nhức nhối là vận chuyển.
“Làm đường ống chuyển tinh quặng xuống không phức tạp, xuất hàng sẽ dễ hơn, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đề nghị như thế” - ông Ban khẳng định. Ông Ban cho rằng việc chuyển nhà máy là hợp lý bởi làm hồ bùn đỏ ở vùng cao nếu có vấn đề gì rất nguy hiểm.
Theo báo cáo của ông Phan Bội Lợi - trưởng Ban quản lý dự án tổ hợp bôxit-alumin Lâm Đồng tại hội nghị tổng kết năm 2012 của TKV, dù đã sản xuất được tới 190.000 tấn quặng tinh vào thời điểm tháng 1-2013 nhưng nhà máy “còn vấn đề”. Cụ thể, theo ông Lợi, “vấn đề lớn nhất còn tồn tại là lắng bùn ở bể cô đặc và hồ thải”.
Báo cáo cho biết đến tháng 1-2013, nhà máy alumin thải ra hồ bùn đỏ tới 61.000m3 và ông Lợi phải đề xuất tăng chi tiêu cho tiêu hao chất trợ lắng, đồng thời rắc thêm vôi bột ở hồ thải quặng đuôi số 5 để đảm bảo yếu tố môi trường.


Copy từ: Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét