CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Hệ lụy của một dự án thiếu tầm nhìn và không tỉnh táo



Bauxite Việt Nam

Ngày 18/2/2013, trang Bauxite Việt Nam đăng tải bài “Có chút hy vọng mong manh nào cho alumina Tân Rai” của nhà báo Lê Trung Thành – tác giả của phóng sự 6 kỳ mang tựa đề “Chuyện chưa biết nhiều về Dự án bauxite Tây Nguyên” đăng trên BVNtrong tháng 11/2011.

Bài báo phân tích chân xác sự suy thoái của ngành công nghiệp nhôm toàn cầu, giá nhôm giảm liên tục mấy năm nay ảnh hưởng đến các tập đoàn sản xuất nhôm một thời lừng lẫy. Sản phẩm alumin của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) ở Tổ hợp bauxite Tân Rai chuẩn bị chào hàng ra thị trường thế giới ngay lập tức phải hứng chịu thảm cảnh giá nhôm tuột dốc thê thảm. So sánh giá thành xuất xưởng tại Tân Rai và giá chào bán cho Trung Quốc và Malaysia, một tấn alumin sẽ bị lỗ thấp nhất 40-50 USD.
Ngày hôm sau, ngày 19/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với tỉnh Bình Thuận. Tại đây, ông chính thức tuyên bố dừng Dự án xây dựng cảng Kê Gà – một mắt xích quan trọng của Dự án bauxite Tây Nguyên do chính ông duyệt năm 2007 – vì xét thấy không có hiệu quả kinh tế.
Và rất kịp thời, các báo Thanh niênNgười lao độngDân tríPháp luật TPHCMTuổi trẻ,… cùng nhiều trang mạng đã có nhiều bài viết về những hệ lụy của việc dừng Dự án cảng Kê Gà đồng thời phân tích những sai lầm nghiêm trọng của Chính phủ, của Bộ Công thương, của Vinacomin trong việc lập lấy được và triển khai lấy được Dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ.
Nhiều chuyên gia kinh tế như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, bà Phạm Chi Lan… đã nêu rõ quan điểm của mình, đề nghị tạm dừng triển khai Dự án để giảm bớt thiệt hại vì sẽ thua lỗ lớn nếu cứ cố tình tiếp tục “đâm lao phải theo lao”.
Ý kiến của các chuyên gia lần này, không khác biệt với những kiến nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của một số cá nhân chuyên gia khai khoáng, và của hàng ngàn nhân sĩ, trí thức, nhiều nhà khoa học, xã hội học, dân tộc học trong và ngoài nước cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân đã đồng ký tên vào các bản Kiến nghị tháng 4/2009 và các Thư ngỏ liên tiếp trongtháng 4, tháng 5 (7/5/2009 và 17/5/2009) do GS. Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GSTS. Nguyễn Thế Hùng khởi xướng… nhằm đánh động dư luận cả nước cũng như gửi tới các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội để đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ thua thiệt vô cùng lớn trên cả bốn phương diện: 1. An ninh quốc phòng; 2. Môi trường sinh thái; 3, Nền văn hóa cổ Tây Nguyên; 4. Kinh tế, giúp cho những ai nắm giữ quyền lực nhưng chưa đến nỗi mất tỉnh táo, hoặc bị thao túng bởi một thế lực bên ngoài nào đó, kịp thời thức ngộ và tránh cho đất nước một sự trả giá nặng nề.
Kết quả thì sao? Những gì ông Đoàn Văn Kiển phân bua, coi đây là một ván bạc 5 ăn 5 thua, và với tư cách “nhà cái” thì cứ đánh cược tính mạng và tài sản nhân dân vào ván bạc cái đã, thôi ta không cần nhắc lại làm gì. Nhưng lời lẽ gay gắt của người có tên Lê Dương Quang trong một hội nghị sát trước kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2009, nói xưng xưng rằng ý kiến phê phán của giới trí thức đối với Dự án bauxite Tây Nguyên là “rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên các thông tin sai lệch", thậm chí “dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng.”, thì hẳn không ai có thể quên.
Cũng không ai có thể quên được cùng với mấy Kiến nghị nóng hổi nói trên, trang Bauxite Việt Nam đã ra đời như một đòi hỏi chính đáng, tập hợp tiếng nói của những người nhiệt tâm với đất nước, lên tiếng phản biện thẳng thắn, sát sườn đối với những bước đi có thể nói là phiêu lưu của những người đứng đầu Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ – vừa tự động ký tắt với nhà cầm quyền Trung Quốc xúc tiến xây dựng nhanh các nhà máy khai thác alumin ở Tân Rai và Nhân Cơ không đếm xỉa đến luật pháp quy định ai mới là người có đủ tư cách để ký, lại vừa ngấm ngầm chia nhỏ dự án thành từng gói nhỏ để khỏi phải đưa ra trình Quốc hội, cốt thực thi Dự án cho nhanh – và cũng hết sức thẳng thắn khi lên tiếng nhắc nhở kịp thời những hành vi không phù hợp đạo đức truyền thống, như thái độ bất nhất, coi thường lời can gián của một bậc thầy như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khiến dân chúng không khỏi ngỡ ngàng, ảnh hưởng rất bất lợi đến tâm lý và hành vi đạo lý trong xã hội... Sau mấy tháng hoạt động hết mình như thế, cái giá phải trả mà người trong cuộc cũng như công luận trong ngoài nước không thể nào tin, ấy là người điều hành trang Bauxite Việt Nam đã bị công an thẩm vấn suốt 22 ngày liền, ngay sau cái Tết Âm lịch năm 2010, mặc dù cuối cùng phải thừa nhận ông là một người yêu nước. Còn chính trang mạng – tiếng nói yêu nước mà ông được anh em ủy nhiệm điều hành – thì bị phong tỏa và đánh sập không phải một mà đến hai ba lần.
Bây giờ đây, khi một thảm họa lớn về kinh tế nối tiếp vụ Vinashin và vụ Vinalines đang lởn vởn như mây đen ở phía chân trời, không hiểu ông Lê Dương Quang có định nói lại một lời cho sòng phẳng với dân chúng và trí thức, về lời phát biểu không thể định danh khác đi là hung hăng của mình cách đây hơn 3 năm rưỡi hay không. Và những cấp cao hơn ông ta nữa, liệu đã tính đến những lời xin lỗi trước Quốc hội về “trách nhiệm chính trị” của mình hay không. Nhưng còn quan trọng hơn, và thiết thực hơn, theo chúng tôi nghĩ, đó là những người chủ chốt đóng vai chủ trương, chỉ đạo và điều hành Dự án bauxite ở Tây Nguyên cần sớm xem xét một cách cầu thị không phải chỉ phương diện kinh tế đã và sẽ thua lỗ như thế nào của dự án này, mà đồng bộ cả bốn mặt đã nêu trong các Kiến nghị phản biện Dự án bauxite Tây Nguyên năm 2009, để thấy đất nước ta đã, đang và sẽ thiệt hại to lớn – những thiệt hại không thể lường tính hết nguy cơ ghê gớm – đến thế nào.
Và cũng từ những hậu quả nhãn tiền nhìn thấy từ những gì đã triển khai trong ba năm qua, việc kịp thời dừng lại để tránh cho đất nước một vụ Vinashin trong ngành khai khoáng trong gang tấc cố nhiên là cần kíp. Song cũng cần kíp không kém, có lẽ còn là ở chỗ, cần đánh giá lại toàn diện quan điểm dùng người của các vị, khiến các vị đang ngày càng trở nên cô lập. Các vị đã nhất mực nghi ngờ, cảnh giác một cách thiếu căn cứ với trí thức, vô hình trung tự mình đẩy những người hết lòng với dân với nước và muốn đem trí tuệ cống hiến cho đất nước, soi tìm cho đất nước một con đường đúng, thành những người đối lập ảo với các vị. Và không cần nói cũng rõ, là kết quả của chủ trương “cảnh giác chính trị” lạ lùng ấy đã làm các vị đâm ra mất minh mẫn, vì chẳng còn mấy trí tuệ, nên việc gì các vị tiến hành cũng... nói như dân gian, “đâm quàng vào bụi”, để lại cho toàn dân những gánh nặng tày đình. Vụ bauxite chỉ mới là một dẫn chứng thôi, còn bao nhiêu vụ khác cũng quan trọng ngang hoặc còn hơn vụ bauxite mà trí thức đã từng cảnh báo, chẳng hạn: đừng nên mê muội trước kẻ thù truyền kiếp là bọn Đại Hán Trung Cộng, vì một thứ không có thực hoặc đã bị chính chúng xóa bỏ trong thực chất là chuyện “ý thức hệ”, chỉ đưa lại chút lợi cỏn con là duy trì lợi ích của một nhúm nhỏ mà đánh mất đi quyền lợi to lớn muôn đời của Tổ quốc, đẩy cả nước ta đến hiểm họa mất nền độc lập tối thiêng liêng mà tổ tiên giữ được hàng ngàn năm nay; hoặc nữa, cũng đừng vì quyền lợi ích kỷ của một tổ chức đang suy thoái trong thực tế mà khăng khăng tìm mọi xảo ngôn này khác để quyết giữ lại bằng được những điều trong bản Hiến pháp vốn đã không còn phù hợp với xu thế phát triển của cả dân tộc này, nó tất yếu sẽ gây ra những tấn kịch không thể nói là tốt đẹp cho chính Đảng Cộng sản và cho cả dân tộc chúng ta.
Trên đây là những gì có thể tạm gọi là bài học thiết thực mà chúng tôi chân thành gửi đến các vị, mong mỏi các vị hãy nghiêm túc rút ra qua một cuộc thử nghiệm không thành công về kinh tế khi các vị khăng khăng bỏ ngoài tai những lời can gián chân thành của trí thức và quần chúng.
Cũng theo yêu cầu của nhiều người gửi e-mail tới chúng tôi, để bạn đọc xa gần nhớ lại và tìm lại tài liệu về quá trình phản biện dự án bauxite Tây Nguyên, từ nay, BVN sẽ lần lượt đăng lại các bản Kiến nghị đã gửi đến các cấp có thẩm quyền cũng như đã công bố trên các trang BVN phiên bản cũ – nay đã là những trang mạng xấu số – trong năm 2009, cùng một số bài quan trọng khác trong hơn ba năm rưỡi qua, đồng thời cũng sẽ hệ thống hóa những bài viết khác về bauxite kể từ năm 2009 đến nay và làm đường link giúp quý bạn tìm đọc chúng, mà do dung lượng trang mạng có hạn nên không thể đăng lại được.
BVN
* * *
Phụ lục:
Kiến Nghị 2009

Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam (12/04/2009)

Danh sách chữ ký 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 – 7 – 8 – 9
Kính gửi:
– Ông Nguyễn Minh Triết Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ;
– Ông Nguyễn Phú Trọng cùng toàn thể Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam ;
– Ông Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
Chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây, lo lắng trước vận mệnh nước nhà về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, xin kính gửi quý cơ quan bản kiến nghị này.
Thưa quý cơ quan,
Dân tộc Việt Nam chúng ta trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh giành độc lập và thống nhất, ngày nay đang huy động tổng lực sức người sức của và sức trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước theo định hướng đổi mới toàn diện.
Trong công cuộc xây dựng mới đất nước ta, trên nguyên tắc, không có sự đối lập về quyền lợi giữa Nhà nước và nhân dân – nhân dân ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, người giữ cương vị lãnh đạo cũng như người dân bình thường, ai ai cũng muốn đất nước ngày càng giàu mạnh, ngày càng văn minh, cả dân tộc sẽ là một gia đình lớn, vui tươi, ấm no, hạnh phúc.
Tiếc rằng, trong vụ bauxite đang diễn ra, những con người trung thực của đất nước bắt đầu thấy hẫng hụt, lý tưởng chung tay xây dựng đất nước gần như đang ít nhiều suy giảm vì cách làm việc của cơ quan điều hành đất nước, một tình trạng cần được phân tích ngắn gọn như dưới đây.
Thưa quý cơ quan,
Việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có tài nguyên bauxite, là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá!
Công việc chuẩn bị cho dự án bauxite đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra những thiếu sót toàn diện, mà chỉ riêng hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đủ cho thấy những bất cập về chính trị, quốc phòng, môi trường, kinh tế, kỹ thuật, và kiến nghị của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, của Giáo sư Phạm Duy Hiển, và của các nhà nghiên cứu độc lập khác ở trong nước như nhà văn Nguyên Ngọc, học giả Nguyễn Trung, nhà báo Lê Phú Khải, nhà văn Phạm Đình Trọng, và ở ngoài nước như Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp chuyên gia về ô nhiễm môi sinh ở Úc, Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung chuyên gia về mỏ ở Pháp… là những bổ sung toàn diện mang tính chất “kỹ thuật” cho hai lá thư tâm huyết của Đại tướng.
Tất cả các kiến nghị đó đã chỉ ra những kẽ hở hoặc những sai phạm khó chấp nhận trong chủ trương làm dự án bauxite này, mà chỉ ba điều sau cũng đủ để tất cả những ai có lương tri phải suy nghĩ:
- Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được “ký tắt” với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội;
- Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích;
- Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự “nổi tiếng” của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng).
Thưa quý cơ quan,
Đất nước là của chung của cả dân tộc, chứ không là của riêng của một nhóm người nào, của một nhóm quyền lợi nào, hoặc một tổ chức nào dù tinh hoa đến đâu cũng vậy.
Tất cả những người có ý thức với dân tộc, với đất nước, xót xa trước những việc làm không được kiểm soát chặt chẽ xoay quanh vụ bauxite, đều thấy cần thiết phải lên tiếng.
Chúng tôi kiến nghị:
1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định;
2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó;
3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.
Thưa quý cơ quan,
Những người ký tên dưới bản kiến nghị này bày tỏ sự lo lắng khôn cùng trước phương cách làm việc chưa thấu triệt và hoàn bị về nhiều mặt cho một dự án có tầm chiến lược sống còn của đất nước như dự án bauxite.
Xin quý cơ quan nhận ở đây lòng kính trọng của chúng tôi và rất mong được thông hiểu cho nỗi trăn trở của chúng tôi cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước.
Nhân dịp này, chúng tôi cũng kêu gọi người Trung Hoa nhất là giới trí thức hãy ủng hộ dân tộc Việt Nam, giúp cho môi trường sống của nước láng giềng phía Nam được trong lành, giúp cho nhiều vấn đề còn dở dang giữa hai quốc gia được giải quyết trong hòa bình và hữu nghị.
Việt Nam, ngày 12 tháng 4 năm 2009
Ký tên
GS Nguyễn Huệ ChiNhà văn Phạm Toàn và GSTS Nguyễn Thế Hùng

 
 

Copy từ: Hữu Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét