S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Nhà văn Phan Anh
sinh năm 1984. Hơn hai mươi năm trước, trước khi ông mở mắt chào đời,
làng báo của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (trong cùng một ngày) đã
đồng loạt loan tin (*) về một vụ án gián điệp, với những lời lẽ mạt
sát nặng nề đến độ lố bịch – dành cho bị cáo:
Copy từ: Tưởng Năng Tiến (RFA’ blog)
Phan Anh
- Báo Thời Mới(21/01/1960): Năm tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành cúi đầu nhận tội …Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau khi hết hạn giam”.
- Báo Nhân dân (21/01/1960): Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết tội lỗi của chúng.
- Báo Thủ đô Hà Nội ( 21/01/1960): Tên Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Báo
Nhân văn có tính chất chính trị ngay từ số 1. Mục đích của tờ báo là
khích động quần chúng cùng với chúng tôi chống lại lãnh đạo”.
Để đạt mục đích ấy, - đây vẫn là lời của tên Đang - chúng tôi đã dùng
lối bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, các bài báo của chúng tôi không đúng
sự thật, cứ viết bừa nói bừa, chuyện không nói có và nói toàn những vấn
đề quan trọng để gây những tác hại lớn.
- Báo Quân đội nhân dân (21/01/1960): Ta
hãy nghe Đang cung khai trước Tòa án: Tôi đã gây hoài nghi đối với sự
lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tôi đã cổ động cho những xu hướng chính
trị phản động. Tôi đã thổi phồng hoặc xuyên tạc bịa đặt ra những khuyết
điểm để nói xấu Chính phủ và những cơ quan Nhà nước.
- Báo Văn học (05/02/1960): Nguyễn
Hữu Đang thú nhận: “Tư tưởng của chúng tôi là phản động nên chúng tôi
ra tờ báo Nhân văn để chống đối lãnh đạo, kích động quần chúng làm áp
lực đấu tranh”. Ngoài báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang còn dùng nhà xuất
bản Minh Đức làm một công cụ để chống cách mạng. Y cung khai: “Tôi đã
biến nhà xuất bản Minh Đức thành một công cụ chống lãnh đạo.”
Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại, Lê Nguyên
Chí... và những nạn nhân có liên quan đến Nhân Văn – Gia Phẩm đều đã
lần lượt qua đời. Tác giả của những bài báo bẩn thỉu kể trên (chúng
tôi không nêu tên ra đây vì tôn trọng con cháu họ) có lẽ cũng đều đã
chết. Tuy thế, cái vết nhơ của nền tư pháp và truyền thông Việt
Nam – qua phiên toà thượng dẫn – vẫn còn ... sống mãi. Nó vẫn tồn
tại với thời gian, mỗi lúc một thêm nhơ nhớp và .... “băng hoại tới mức độ không thể cứu vãn nổi” nữa – theo như cách nói của nhà văn trẻ tuổi Phan Anh.
Ông có quá lời chăng?
Xin để từ từ phân giải. Trước hết, hãy xem (qua) vài bài báo
khác, xuất hiện trong những ngày gần đây, về một “vụ án gián điệp,
phản động, chống phá xuyên tạc cách mạng, âm mưu lật đổ...” – vừa
được xét xử tại toà án tỉnh Phú Yên:
- Báo Công An (09/02/2012) : Tổ
chức phản động “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” do đối tượng Phan
Văn Thu tức Trần Công (SN 1948, quê ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh
Phú Yên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tổ 10, Liêm Trực, thị xã An
Nhơn, tỉnh Bình Định) cầm đầu. Đây là đối tượng đã lập nên tổ chức “Ân
đàn đại đạo”, núp dưới danh nghĩa tu hành để hoạt động tình báo, gián
điệp.
- Báo Pháp Luật (05/02/2013): Nhóm hoạt động lật đổ chính quyền “chia nhau“... 299 năm tù. Sau
5 ngày xét xử, hôm qua, TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt Phan Văn Thu (còn
gọi là Trần Công, sinh năm 1948, ngụ phường Bình Định, thị xã An Nhơn,
Bình Định), đối tượng cầm đầu tổ chức phản động “Hội đồng công luật công
án Bia Sơn” án chung thân về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân.
- Báo Thanh Niên (05/02/2013): Các
bị cáo “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” lãnh án...Theo HĐXX, từ năm
2003 đến tháng 2.2012, tại khu du lịch sinh thái Đá Bia (xã Hòa Xuân
Nam, H.Đông Hòa, Phú Yên), Thu cùng đồng phạm thành lập tổ chức có tên
gọi Hội đồng công luật công án Bia Sơn, núp bóng doanh nghiệp để xây
dựng khu du lịch sinh thái Đá Bia thành căn cứ địa làm trung tâm chỉ huy
hoạt động.
- Báo Tuổi Trẻ (04/02/2013): Án chung thân cho thủ lĩnh “hội đồng công luật công án Bia Sơn...
Với chiến lược “tiền sinh thái, hậu tổ đình” và “bất bạo động”, nhóm
này đã tổ chức lập thành 12 ban, 26 pháp hội và 4 nhóm chưa đặt tên ở
các địa phương; sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc
chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ngôn ngữ của những người làm báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật
... bây giờ – nghe ra – cũng cuồng tín, nông nỗi, và bẩn thỉu không
khác gì những cái loa sắt đặt ở Ba Mươi Sáu Phố Phường, hồi giữa thế
kỷ trước. Đã thế, nay họ còn có thêm cái nét đểu cáng (đặc trưng) của
thời đại mới: “Nhóm hoạt động lật đổ chính quyền ‘chia nhau’ ... 299 năm tù.”
Tuy thế, hai tuần lễ sau, vào ngày 17 tháng 2 (ngày đánh dấu 34
năm xảy ra cuộc chiến Việt-Trung ở biên giới phía Bắc) những người làm
báo ở Việt Nam lại đồng lòng giữ im lặng trước sự kiện này. Không
phải mà vô cớ mà đến nỗi có blogger đã gọi họ là bọn “đĩ bút an-nam.” Hoa ngữ cũng có một hạn từ đồng nghĩa nhưng được chuyển ngữ một cách thanh lịch hơn là “kỹ giả”:
“Trang mạng của “Đề án nghiên cứu truyền thông Trung Quốc” (China
Media Project, 中國傳媒研究計劃) của Viện Đại học Hương Cảng có chuyên mục ‘Từ
điển truyền thông’ (Media Dictionary) giảng giải những từ ngữ thuộc loại ‘chỉ có ở Trung Quốc’. Đọc rồi ngẫm lại thấy nhiều mục giống y như ở Việt Nam.
Từ kỹ giả là một ví dụ. Mấy năm trước cư dân mạng đặt ra
thuật ngữ này để bày tỏ bất bình với đạo đức nghề nghiệp yếu kém của
giới làm báo. Từ này chỉ những nhà báo, nhất là từ các cơ quan truyền
thông chính thức của đảng, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút. Một thay đổi
nhỏ nhiều hàm ý: về căn bản thì phát âm giống nhau, nhưng chữ ký (記, jì) trong ký giả (記者, jìzhě) được thay bằng kỹ (妓, jì; gái điếm).
Từ này được dịch sang tiếng Anh là whorespondent, kết hợp giữa whore (gái điếm) và correspondent (ký giả, phóng viên).” (Ký Giả Và Kỹ Giả – Phạm Vũ Lửa Hạ).
Tôi e rằng giới kỹ nữ sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi họ bị đem ra so
sánh với những kỹ giả ở Việt Nam, hiện nay. Bán thân nuôi miệng là
một việc làm cổ xưa của nhân loại mà những người hành nghề đều là
những kẻ (chả may) bị hoàn cảnh sống đẩy cho đến bước đường cùng.
Bán miệng nuôi thân cũng là một chuyện bất đắc dĩ, cũng có thể
thông cảm được, khi con người ở vào tình thế chẳng đặng đừng. Trong
cái không khí khủng bố, đe doạ (cùng với chính sách hộ khẩu khắc
nghiệt) ở miền Bắc Việt Nam, khi xẩy ra sự kiện Nhân Văn/ Giai
Phẩm, người ta có thể hiểu được cái thái độ hèn kém, cũng như cái
ngôn ngữ hạ tiện của những người cầm bút – vào thời điểm đó – đã dành
cho nạn nhân của vụ án. Họ (có lẽ) đã không có được lựa chọn nào khác
ngoài việc “đánh đĩ ngòi bút” để được yên thân, chứ chả dám mong đến
chuyện ấm thân.
Hơn nửa thế kỷ đã qua. Cái bức màn sắt che kín đất nước đã bị
chọc thủng. Cái sổ gạo cũng không còn là vũ khí đáng sợ trong tay của
Đảng CS Việt Nam. Người ta không nhất thiết cứ phải bám vào nhà nước
mà vẫn có thể sống còn một cách đàng hoàng, và lương thiện. Cái
thời mà người dân “sợ lạc đàn, sợ đi một mình không có cơm ăn, không có
khí đốt, không có hộ khẩu thành phố” (theo như cách nói của Solzhenitsyn) cũng đã qua rồi.
Vậy điều gì đã khiến cho những người làm báo Tuổi Trẻ, Thanh
Niên, Pháp Luật .... hôm nay có thể thản nhiên gạt bỏ liêm sỉ, đứng
về phía cường quyền (thay vì là nạn nhân) trước một vụ cướp đất
trắng trợn – như vừa xẩy ra ở khu Sinh Thái Bia Sơn, thuộc tỉnh Phú
Yên?
Hãy nhìn hai viên công an, đứng giữ tay ông Trần Thu (người bị
kết án chung thân) trong tấm ảnh dưới đây đi. Họ trông đều rất buồn
phiền và ái ngại. Chút tình cảm nhân bản đó, tiếc thay, không thể
tìm thấy được trong bất cứ một bài báo của những người cầm bút VN
(vừa) viết về vụ án này.
Ông Phan Văn Thu trước toà. Ảnh: Xuân Hoà. Ảnh: Tuổi Trẻ
Nhà văn Phan Anh, rõ ràng, đã không quá lời khi thốt lên rằng: “Báo chí nước ta nó đã băng hoại tới mức độ không thể cứu vãn nổi.”
T.N.T
(*) Tất cả các bản tin về phiên toà xử Nhân Văn - Giai Phẩm, do Lại Nguyên Ân sưu tầm, đều có thể đọc được ở talawas
Copy từ: Tưởng Năng Tiến (RFA’ blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét