CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Từ Tòa thánh Vatican đến xứ sở sương mù



Phan Thành Đạt
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu phái đoàn Việt Nam, đang có chuyến thăm chính thức Châu Âu. Ông đã hội kiến và bàn bạc nhiều vấn đề với các chính khách quan trọng. Thực ra đây không phải là lần đầu tiên, ông đến Châu Âu, trước đây khi còn là Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, ông đã có dịp đến thăm một loạt các nước Bắc Âu. Tôi còn nhớ rõ phóng sự của Đài Truyền hình Hà Nội tường thuật về chuyến thăm này. Ông Nguyễn Phú Trọng đứng bên cạnh ông Tây cao lớn và trao tặng bức tranh thêu có ảnh tháp Rùa. Ông nói với ông Tây: “Đây là tháp Rùa”. Ông Tây có vẻ hiểu ý gật đầu và cảm ơn ông cùng phái đoàn thủ đô Hà Nội. Chuyến thăm lần này, có ý nghĩa hơn nhiều, vì ông là nguyên thủ quốc gia đại diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.
Chuyến thăm quan trọng vì Việt Nam rất cần tiếng nói ủng hộ của Liên minh Châu Âu và các nước thành viên trong việc khẳng định chủ quyền của mình tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Muốn vậy Việt Nam cần thắt chặt hơn nữa hợp tác kinh tế và chính trị với Châu Âu. Đoàn sẽ dừng chân đầu tiên ở Bỉ, đất nước của Tin Tin. Trong chuyến hành trình dài ngày này, Tổng Bí thư và các thành viên của đoàn Việt Nam hội kiến với Herman Van Rempuy, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu. Ngoài thời gian làm việc, lúc rảnh rỗi, chắc nhiều người sẽ khám phá Bruxelles, thủ đô của Châu Âu, những nơi đáng thăm có lẽ là la Grande Place (Quảng trường trung tâm), le Palais de Justice (Tòa Pháp đình), các bảo tàng, các công trình kiến trúc đẹp của Bruxelles và nhất là Mannequin Pisse, hình ảnh chú bé vạch “cái tự do” như quả ớt đứng đái rất tinh nghịch – bức tượng này trở thành biểu tượng của Bruxelles, thể hiện tư duy độc lập và tính hài hước của người Bỉ. Bức tượng có từ thế kỷ 13, và người dân Bruxelles rất yêu quý và gắn bó với nó. Người ta kể nhiều truyền thuyết xung quanh câu chuyện này: Người Bỉ kể rằng vào thời Trung Cổ, Bruxelles bị vây hãm, và kẻ thù muốn phá tan các bức thành kiên cố, để tấn công Bruxelles. Có một chú bé, con một vị chỉ huy ban đêm đi ra ngoài đứng đái, và chú đái ngay vào ngòi nổ, nhờ đó mà Bruxelles được cứu thoát.
Sau khi thăm Bỉ, đoàn Việt Nam sẽ đến Ý và Anh. Hai chặng dừng chân quan trọng và sẽ để lại nhiều dấu ấn cho các chính khách Việt Nam. Rome và Londres, hai trung tâm lớn của Châu Âu và cũng là những thành phố kiến trúc nổi tiếng, ở đây mỗi công trình đều có dấu ấn lịch sử, văn hóa đặc sắc qua các thời kỳ. Đoàn sẽ thăm Nhà nước Vatican (I) và sẽ dự một phiên chất vấn tại Nghị viện Anh (II).
I. Cuộc hội kiến ý nghĩa với Đức Giáo hoàng
Đức Giáo hoàng Benoît XVI, là người Đức, tên của ngài là Joseph Ratzinger, đã gần 1000 năm nay mới có một người Đức trở thành người lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn, ngài là người học rộng và nói được nhiều ngoại ngữ, ngài có hai bằng tiến sĩ thần học và đã giảng dạy tai nhiều trường đại học ở Đức, trước khi đến Vatican làm việc. Thời niên thiếu của ngài có nhiều kỉ niệm buồn, như tất các các thiếu niên Đức, ngài phải tham gia vào tổ chức Tuổi trẻ Hitler, mặc dù ngài chán ghét chiến tranh, và có mơ ước duy nhất trở thành linh mục. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai gần kết thúc, ngài đủ tuổi đi lính và bị điều động đến một đơn vị công binh giáp biên giới Áo-Hung. Ngài đảo ngũ và bị bắt sau đó được thả. Khi chiến tranh kết thúc, ngài đi bộ nhiều ngày để trở về nhà. Sau đó ngài quyết tâm học để trở thành linh mục. Suốt thời tuổi trẻ, ngài đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử: Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến tranh lạnh giữa hai phe Tư bản và Xã hội chủ nghĩa, nước Đức bị tàn phá vì chiến tranh và bị chia cắt làm đôi, đã có ba triệu đồng bào của ngài di cư từ Đông Đức sang Tây Đức, để tránh làn sóng di cư, Liên Xô đã cho xây bức tường Berlin.
Hoàn cảnh lịch sử của nước Đức khá giống Việt Nam, nhưng nước Đức đã thống nhất được bằng thương lượng hòa bình. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, có lẽ sẽ là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của ngài. Mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa Đông và Tây khá lớn vào thời điểm nước Đức thống nhất; mỗi năm, Nhà nước phải chi một khoản tiền 1300 tỉ marks để kiến thiết lại các vùng miền Đông.
Những hình ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã khắc sâu trong trí nhớ của lớp người như ngài, vì là người rao giảng đức tin của Chúa Trời về tình yêu thương, lòng bác ái và hòa bình, ngài chắc rất hiểu và cảm thông với nỗi đau của Việt Nam. Hơn nữa, Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, một người Việt Nam hiền lành và rất có đức tin lại là người thân thiết với ngài tại Tòa Thánh Vatican từ khi ngài chưa được chọn làm Đức Giáo hoàng. Chính vì vậy, đất nước Việt Nam đối với ngài thật thân thiết và gần gũi. Và Ngài đã tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nồng nhiệt. Thường thường, ngài chỉ tiếp đón các vị Tổng thống các nước, nhưng đây là một dịp đặc biệt và ngoại lệ.
Chúng ta hãy tưởng tượng một cuộc trò chuyện giữa Đức Giáo hoàng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giống như cuộc gặp trước đây giữa Đức Giáo hoàng Jean-Paul II và Gorbachev. Sau đó Tổng Bí thư Gorbachev đã có một loạt các đổi mới về chính trị, với mong muốn nước Nga sẽ trở thành một Nhà nước dân chủ mới.
Đức Giáo hoàng Benoît XVI cũng muốn làm được nhiều việc quan trọng như Jean-Paul II, vì bản thân ngài muốn tự khẳng định năng lực và phẩm chất của mình, ngài không muốn bóng của Đức Giáo hoàng Jean-Paul II vẫn che phủ tất cả, tuy nhiên, ngài cũng áp dụng một số phương pháp của Jean-Paul II. Cũng giống như người tiền nhiệm của mình đã lặn lội đến tận Cuba cách đây 14 năm để thuyết phục Cuba đổi mới chính trị, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì, ngài vẫn đến Cuba và mong muốn Cuba đảm bảo các quyền tự do căn bản của con người như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, ngài mong muốn Cuba sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa để thực hiện tốt hơn các quyền đó. Ngài phản đối chính sách phong tỏa kinh tế của Mỹ với Cuba và mong muốn chính sách cấm vận sẽ sớm được loại bỏ. Liệu sẽ có nhiều thay đổi sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Châu Âu, nhằm đưa đất nước tiến lên, sau một giấc ngủ dài, để có thể đối trọng lại với Trung Quốc? Nước Đức bại trận chỉ cần 35 năm đổi mới để vượt qua Liên bang Xô viết, Hàn Quốc cũng chỉ hơn ba thập kỷ để trở thành cường quốc thứ 11 thế giới. Chúng ta hãy đợi xem. Cuộc gặp giữa Đức Giáo hoàng và Tổng Bí thư chỉ kéo dài 30 phút. Là người Việt Nam, tôi rất mong ngài sẽ cầm cây quyền trượng bằng vàng đầy quyền năng, mà nhiều người vẫn tin là có phép màu, và ban phúc lành giống như các Đức giáo hoàng ngày xưa trong buổi lễ phong vương và sẽ nói những lời của Chúa: “Chúc ông và các thành viên trong đoàn có sức khỏe dồi dào và luôn minh mẫn trong mọi tình huống để đổi mới đất nước vì hạnh phúc của nhân dân”.
Sau chuyến thăm Vatican nhằm tăng cường thiết lập quan hệ ngoại giao, đoàn Việt Nam sẽ đến Anh và theo dõi phiên họp ở Nghị viện.
II. Nước Anh, bài học cho Việt Nam về bảo vệ các quyền tự do và chủ quyền quốc gia
Nước Anh là quê hương của chế độ nghị viện là nơi sinh ra những con người nổi tiếng, đã làm nên lịch sử, Thomas Hobbes, John Locke, Darwin, Shakespeare, Winston Churchill… Nước Anh theo nền quân chủ lập hiến, nền dân chủ ở đây được tạo dựng và phát triển từ nhiều thế kỷ.
Tổng Bí thư và phái đoàn Việt Nam sẽ tham gia một phiên điều trần tại Nghị Viện. Cơ quan lập pháp ở Anh gồm hai viện Thượng viện và Hạ viện (La chambre des Lords et la Chambre des Représentants). Đoàn Việt Nam chắc sẽ theo dõi phiên chất vấn ở Hạ viện. Nước Anh có truyền thống lâu đời là nước có thể chế nghị viện với quyền lực mạnh, lấn át cơ quan hành pháp do Thủ tướng đứng đầu. Những phiên chất vấn diễn ra nảy lửa và rất căng thẳng ở Nghị viện Anh. Để biểu hiện sức mạnh của Nghị viện Anh, người ta vẫn khẳng định Nghị viện Anh có thể làm tất cả, kể cả việc biến một người đàn ông thành đàn bà! Việc tranh luận và truy tới cùng căn nguyên của một vấn đề đối với một bộ trưởng hay Thủ tướng luôn là công việc thường xuyên, nếu ai đó không đủ năng lực và không biết cách ăn nói, chắc sẽ phải đầu hàng. Thực ra tranh luận thẳng thắn, thậm chí cãi cọ là việc cần thiết trong một thể chế dân chủ. Điều này quan trọng hơn là việc nhất trí đến 90% của các đại biểu Quốc hội ở Việt Nam, vì ẩn chứa trong đó là rất nhiều vấn đề nguy hại cần bàn thảo lại thật cẩn thận. Ở các cơ quan Thượng viện và Hạ viện của Pháp và Mỹ, các cuộc tranh luận nảy lửa vẫn diễn ra tương tự. Để tránh các cuộc cãi vã, Chủ tịch Thượng viện hay Hạ viện có quyền tuyên bố ngừng phiên thảo luận, hay hoãn sang một ngày khác. Người Mỹ sáng tạo ra một phương pháp, khi các phiên thảo luận kéo dài, và không tìm được điểm tương đồng, người phụ trách phiên họp sẽ đọc Kinh Thánh, và người đó có thể đọc mấy phiên họp liền.
Từ Nghị viện trong tiếng Pháp có nghĩa nguyên gốc là nơi người ta thảo luận (le Parlement, c’est le lieu où on parle). Tôn trọng quyền được nói của các Nghị sĩ đến từ các đảng phái khác nhau cũng là tôn trọng tự do ngôn luận, tôn trọng các tiếng nói chính trị khác nhau và qua đó cũng là tôn trọng quyền con người, bởi vì khi chúng ta tôn trọng con người và tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, chúng ta sẽ trân trọng và biết lắng nghe các ý kiến khác biệt, mỗi người không ai giống ai cả vì nhận thức khác nhau, do đó mỗi chúng ta đều có ý kiến và quan điểm khác nhau về một vấn đề. Các chính đảng sẽ đại diện cho từng nhóm người, cùng thảo luận để tìm ra một giải pháp tối ưu nhất và đó là biểu hiện của nền dân chủ, phát triển trong đa dạng. Tính đồng nhất về chính trị, quy tụ tất cả mọi người cùng chung một mục đích, một lí tưởng là điểu không thể có, Jean-Jacques Rousseau, Marx và Lênin đều chủ quan và duy ý chí về vấn đề này.
Chất lượng các đạo luật trong các thể chế dân chủ cao hơn hẳn so với các đạo luật làm ra ở các thể chế thiếu dân chủ, hoặc dân chủ hình thức. Vì vậy phiên chất vấn thường nhật ở Nghị viện Anh cần được Việt Nam coi đó là bài học để làm theo.
Một bài học khác rất quan trọng mà chúng ta cần học ở người Anh là bảo vệ chủ quyền. Nước Anh là đất nước duy nhất ở Châu Âu kháng cự đến cùng Đức Quốc xã (le National Socialisme) để giữ vững chủ quyền, có thể vị trí địa lí đặc biệt của đảo quốc này, mà nước Anh có nhiều ưu thế về quốc phòng, tuy là một quốc gia Châu Âu, nhưng lại tách biệt lục địa này. Biển Manche nối Anh và Châu Âu trở thành một phòng tuyến tự nhiên, khiến người Anh có thể kháng cự lại các cuộc tiến công từ lục địa. Còn nước Pháp có biên giới chung với Đức, khi có chiến tranh, Pháp phải chọn giải pháp tối ưu cho mình. Trước sức mạnh của quân đội Đức, Pháp đã chọn biện pháp hợp tác tạm thời để bảo vệ con người và của cải vật chất. Sau này, Charles de Gaulle đã tổng kết khi nói về Chiến tranh thế giới thứ hai: “Nước Pháp có thể thua một trận chiến, nhưng nước Pháp không thua cả một cuộc chiến tranh”. Quan trọng hơn cả là tầm nhìn của người lãnh đạo, họ đã biết tính toán hơn thiệt ở một cuộc chiến tranh.
Nước Anh là thành viên của Liên minh Châu Âu, nhưng nước Anh không muốn trở thành nước tiên phong trong các kế hoạch của tổ chức này như Pháp và Đức. Nước Anh muốn có tư thế độc lập, và giữ gìn những nét riêng biệt của mình, vì vậy, tất cả những hiệp ước của Liên minh Châu Âu có thể ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, Nghị viện và Chính phủ đều phủ quyết, ví dụ như đồng tiền chung Châu Âu, Hiến pháp Châu Âu... Nước Anh đều không tham gia. Winston Churchill đã tổng kết về vị trí của nước Anh và chiến lược phát triển: “Nước Anh là một hòn đảo, nhìn ra Đại dương, nhưng là một nước ở Châu Âu, cứ mỗi khi phải chọn giữa Châu Âu và Đại dương, nước Anh lại chọn Đại dương”. Nước Anh chỉ tham gia vào Liên minh Châu Âu với một mức độ vừa phải, nhưng chiến lược của nước Anh không phải ở Liên minh Châu Âu, mà ở các nơi khác, đặc biệt là Mỹ.
Việt Nam là một quốc gia về đường biển, với 3260 km bờ biển, chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để xây dựng đất nước thành một cường quốc trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương. Trung Quốc không bao giờ là đối tác chiến lược với Việt Nam, vì hoàn cảnh lịch sử và những lợi ích khác biệt. Trung Quốc cũng không bao giờ coi chúng ta là đối tác chiến lược, nhưng do vị trí địa lí lợi hại, Việt Nam phải sống chung với Trung Quốc, vì thế chúng ta chỉ nên có quan hệ vừa phải, đồng thời có đối tác chiến lược với các cường quốc khác để bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Việt Nam, Lào và Campuchia thuộc bán đảo Đông Dương, vì vị trí địa lí và những điều kiện lịch sử gắn kết, chúng ta cần là đối tác lớn của hai đất nước này. Dãy Trường Sơn và những khu vực giáp biên giới rộng lớn với Lào đã từng là nơi che giấu các nghĩa quân của tướng Nguyễn Kim vào thế kỷ XV, cũng như các nghĩa quân của các thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Đây luôn là địa bàn chiến lược của Việt Nam.
Cũng giống như nước Anh, một cường quốc về biển (une thalassocratie), nếu phải chọn lựa giữa Trung Quốc và Biển Đông, Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ hướng về Biển, vì đó là tương lai của chúng ta.
P.T.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho :Bauxite Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét