CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

TRUNG QUỐC DỒN SỨC CHO 3 MỤC TIÊU TRÊN BIỂN ĐÔNG


Tàu hải giám Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm
sâu vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam
                Đưa ra Thông điệp đầu năm 2013, Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào, nói: “Nhân loại chỉ có một Trái đất, các nước chung sống trong cùng một thế giới. Hoà bình và phát triển của thế giới đòi hỏi nhân dân các nước chung lưng đấu cật, cùng nhau thúc đẩy. Nhân dân Trung Quốc trước sau như một là lực lượng kiên định thúc đẩy hoà bình và phát triển của thế giới. Bất kể tình hình quốc tế biến đổi ra sao, nhân dân Trung Quốc sẽ không dao động quyết tâm kiên định đi con đường phát triển hoà bình. Trung Quốc sẽ trước sau như một phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên cơ sở năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình, tích cực thúc đẩy giải quyết thoả đáng các vấn đề nóng quốc tế và khu vực bằng phương thức hoà bình”.
Thế nhưng, dù ông Hồ Cẩm Đào phát biểu với những lời lẽ “ngọt như mía lùi”, ngay từ ngày đầu năm mới Trung Quốc chính thức triển khai kế hoạch ngăn chặn, lục soát, kiểm tra các tàu nước ngoài trên biển Đông, nhất là khu vực nằm trong “đường Lưỡi Bò”.
          Cũng ngày hôm qua (1/1), Trung Quốc đã làm cuộc “Khai trương Nam Hải” cho tàu hải giám cùng máy bay yểm trợ rà quét khắp vùng biển giáp Vịnh Bắc Bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc cho tàu hải giám tuần tra vùng tranh chấp ở Biển Đông, chính thức thực thi luật gây tranh cãi trong đó cho phép lực lượng cảnh sát nước này chặn và bắt giữ tàu nước khác ở khu vực tranh chấp mà Bắc Kinh tự nhận là thuộc chủ quyền của mình. Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) cho biết, hai tàu hải giám Hải giám 75 và Hải giám 84 dưới sự hậu thuẫn của máy bay trinh sát B-3843 đã tuần tra ở khu vực lãnh hải gần Vịnh Bắc Bộ thuộc Biển Đông. Vịnh Bắc Bộ là nơi tàu thuyền Trung Quốc nhiều lần quấy nhiễu, gây cản trở đối với tàu thăm dò của Việt Nam.
Trước đó, ngày cùng tháng tận 31/12/2012, tờ Nhật báo "Pháp chế Trung Quốc" đưa tin, diễn đàn "Quyền và lợi ích biển - an ninh và lợi ích quốc gia Trung Quốc" tổ chức tại Bắc Kinh đã bế mạc. Nhiều tướng quân đội và học giả Trung Quốc đã có tham luận xung quan đề tài hiện trạng và thách thức mà Trung Quốc đang "đối mặt trên biển" nhằm biến nước này thành một cường quốc biển.
Ông Tùng cho rằng, Trung Quốc cần phải thống nhất các lực lượng, tăng cường xây dựng đội ngũ "chấp pháp", bảo vệ lợi ích trên biển, tăng cường công tác chuẩn bị cho cuộc đấu tranh đòi chủ quyền Senkaku, chuẩn bị tư tưởng tác chiến lâu dài và chuẩn bị cho hành động.
Một viên tướng khác,Vũ Quế Phốc, cựu Phó phòng Nghiên cứu đại học Quốc phòng Trung Quốc, lon Thiếu tướng nhận định, trọng tâm của chiến lược xây dựng Trung Quốc thành cường quốc về biển là tổng hòa việc xây dựng và phát triển một cách khoa học quyền lợi biển, khai thác biển và phòng vệ trên biển.
Đáng chú ý trong các tham luận tại diễn đàn này, La Viện, một học giả đeo lon Thiếu tướng đã đề cập thẳng một vài vấn đề chiến lược đối với nhóm đảo Senkaku trong khi một viên tướng khác, Đường Dần Sơ, cố vấn cao cấp Học hội chiến lược quốc tế Trung Quốc lại trình bày vấn đề diễn biến tranh chấp chủ quyền Biển Hầu hết giới tướng tá, học giả Trung Quốc tham dự diễn đàn này đều thống nhất đề xuất giới chức Bắc Kinh xây dựng Luật Biển cơ bản của Trung Quốc, thông qua hình thức lập pháp để "cố định" chiến lược xây dựng cường quốc về biển.
Đối với lực lượng "chấp pháp, bảo vệ quyền lợi biển", giới học giả và tướng lĩnh Trung Quốc cho rằng, đến năm 2020 Bắc Kinh phải thống nhất đội ngũ cảnh vệ biển về một mối và giao cho cơ quan hành chính điều hành trong thời bình, nhưng sẽ do Bộ Quốc phòng (Hải quân) Trung Quốc trực tiếp chỉ huy trong thời chiến.
Hiện tại, lực lượng "chấp pháp trên biển" do Trung Quốc lập ra gồm có Tổng đội Hải giám của Cục Hải dương Quốc gia, Cục Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp, Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an, lực lượng Hải quan và lực lượng kiểm tra an toàn hàng hải phụ trách các vấn đề khác nhau trên biển Đông. Tuy nhiên giới truyền thông Trung Quốc không đề cập các nội dung cụ thể.
Trước khi luật Biển Việt Nam có hiệu lực một ngày, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và vùng biển tiếp giáp trong Biển Ðông. Người phát ngôn cũng nói rằng bất kỳ đòi hỏi chủ quyền nào do bất kỳ nước nào đưa ra, và bất kỳ hành động nào do bất kỳ nước nào tiến hành liên quan đến chủ quyền lãnh thổ tại các đảo và vùng biển tiếp giáp “đều bất hợp pháp và không có hiệu lực”. Trên thực tế, Bắc Kinh đã tăng cường thêm hai khu trục hạm và chín tàu khác từng được hải quân sử dụng cho việc tuần tra biển.
Trong một tuyên bố cuối tuần qua, bộ Ngoại giao Philippines phản đối việc Trung Quốc điều động tàu “Hải tuần 21” đến Biển Đông. Dư luận quốc tế cũng lưu ý việc tăng cường tàu của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và ở Hoa Đông. Hồi đầu tháng trước một máy bay của Trung Quốc bay trên vùng biển Hoa Đông, điều mà Nhật Bản cho là sự vi phạm không phận Nhật Bản lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 1958.
Cách đây hơn 10 năm, tháng 11-2002, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 nhóm họp tại CPC, Trung Quốc cùng các bên trong khối ASEAN ra “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (viết tắt là DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá quan trọng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việc ký DOC là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN, đặc biệt là của bốn nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở  quần đảo Trường Sa trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Theo điều 1  trong cam kết này: “Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC), với năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước. Điều 3 trong cam kết DOC nêu rõ: “Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời Biển Nam Trung Hoa như đã được minh thị bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Trong điều 5, quy định cam kết rõ hơn về ứng xử và hành động: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống…”.
           Thế nhưng, suốt hơn 10 năm qua, Trung Quốc vẫn không thực hiện đúng những “lời hứa” trong cam kết DOC. Không những thế, mọi nỗ lực của Hiệp hội Đông Nam Á nhằm thúc đẩy Bắc Kinh thực thi lời cam kết đều bị gạt bỏ. TQ không thực hiện đúng theo lập trường không thương thuyết đa phương của mình. Ngoài ra, vì chỉ nhăm nhe lo mở rộng quyền lợi và cả quyền lực trên Biển Đông và cả khu vực, Trung Quốc không ngần ngại dùng ảnh hưởng của mình để tạo ra tình trạng chia rẽ trong ASEAN, giữa các nước có tranh chấp với Trung Quốc và các nước ít dính dáng đến những gay cấn thường trực trên Biển Đông.
Đối với Biển Đông, TQ có ít nhất ba mục tiêu chiến lược từ trung hạn đến dài hạn. 
        Mục tiêu thứ nhất là bảo đảm các lợi ích, đặc biệt là kinh tế, trên Biển Đông, chủ yếu là dầu khí và thuế hàng hải. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng lớn, khi mà phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu đã lên đến 55,2% năm ngoái, cao hơn cả Mỹ (53,5%). Bắc Kinh ngày càng tin rằng sẽ tuyệt vời nếu khai thác được tài nguyên dưới lòng Biển Đông, đường ngắm chính diện là các khu vực mỏ dầu của Việt Nam.
       Mục tiêu thứ hai là bảo đảm tuyến đường vận tải trên Biển Đông, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ngày càng gắn chặt với kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đặc biệt phụ thuộc vào các tuyến đường vận chuyển đi qua eo biển Malacca - khoảng 60% tàu bè đi qua nút thắt cổ chai này treo cờ Trung Quốc hoặc là đang vận chuyển hàng cho Trung Quốc, việc ngăn chặn, kiểm tra, lục soát đưa ra các quy định do Trung Quốc đặt ra là cần thiết nhất. 
               Mục tiêu thứ ba xa hơn là phát triển mạnh lực lượng hải quân và không quân yểm trợ đánh biển hiện đại, sẵn sàng đối chọi với quân lực Mỹ và nhiều nước khác. Muốn vậy phải ngăn chặn, làm suy yếu các nước trong khu vực, nhất là việc các láng giềng tranh chấp như Việt Nam Malaysia, Philippines, Nhật Bản; răn đe, hạn chế họ mua tàu ngầm và các vũ khí, trang bị hải quân. Theo báo cáo, tàu ngầm là vũ khí thích hợp để phá vỡ các tuyến đường biển huyết mạch, và đây cũng là lý do để Trung Quốc đẩy nhanh sự hiện diện của hải quân trong vùng. 
               Ông Ernest Z.Bower, Cố vấn cấp cao, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhìn nhận: “Nếu xem xét lại một chuỗi hành động gần đây của TQ, có thể thấy rằng nước này không chỉ có một giọng điệu duy nhất về các mục tiêu và ý định của họ tại biển Đông... Nhiều nhà phân tích cho rằng các thông điệp không nhất quán của TQ nằm trong một chiến lược dài hơi của họ về đòi hỏi chủ quyền, trong đó có nỗ lực biến các yêu sách lịch sử thành yêu sách pháp lý. Nếu các nước yếu hơn không phản đối các yêu sách này và đưa ra yêu sách của chính mình, thì theo thời gian, bằng sức mạnh quân sự, bằng phát ngôn cứng rắn và bằng áp lực kinh tế, các yêu sách của TQ sẽ có chỗ đứng pháp lý mạnh hơn.
              Trong suốt mấy thập niên qua, từ khi Mỹ rút quân khỏi Đông Dương, thực tế mọi thủ đoạn, cung cách ứng xử và hành động của Trung Quốc trên biển Đông cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc không hề buông mục tiêu, chủ đích chiếm được quyền kiểm soát và thôn tính các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhất là những nơi có dầu mỏ và nhiều tài nguyên trên vùng biển, đảo, thềm lục địa.  Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, ông Trần Công Trục, nói: “Như mọi người biết Năm vừa rồi TQ có rất nhiều hoạt động rất quyết đoán và rất mạnh mẽ, những hành động có thể nói bất chấp luật pháp quốc tế trong hoạt động trên vùng Biển Đông. Tại sao lại có chuyện đó? Theo tôi, đó là những hoạt động đã nằm trong chiến lược của Trung Quốc đã vạch sẵn từ lâu rồi chứ không phải mới bây giờ. Đây là những bước đi được tính toán và sở dĩ gần đây mạnh lên có lẽ họ cũng tính toán tình hình quốc tế và khu vực, và cả trong nội bộ của họ nữa để thực hiện những bước đi đó. Mà theo tôi đó là cũng là một phép thử để xem phản ứng của quốc tế và những nước có quan tâm đến khu vực này như thế nào để họ tính toán trong bước thực hiện các mục tiêu của họ. Đó là thực hiện ý đồ trong việc muốn biến vùng Biển Đông trong khu vực thành vùng mà họ chiếm diện tích gần như hoàn toàn đến 80%, trong đường biên giới mà họ gọi là đường biên giới lưỡi bò”.
              Hiện nay, với mưu đồ bành trướng độc chiếm biển Đông, Trung Quốc vẫn không ngừng hăng máu dấn lên để lặp lại hoặc phát sinh những vi phạm cam kết DOC, vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển 1982, phản ứng quyết liệt với luật Biển của Việt Nam. Nhà cầm quyền Trung Nam Hải đang khẩn trương để ra luật Biển của Trung Quốc. 
    BVB
 
 

Copy từ: Bùi Văn Bồng


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét